Monday, 5 February 2024

TUẤN - NHUNG BÁN CON hay CHỈ LÀ CHO CON NUÔI? (Thái Hạo)

 


 

Tuấn – Nhung bán con hay chỉ là cho con nuôi?

Thái Hạo

04/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/04/tuan-nhung-ban-con-hay-chi-la-cho-con-nuoi/

 

1.

Trong vụ án hai Vợ chồng Tuấn – Nhung ở Trà Vinh bị kết án tổng cộng 23 năm tù vì “bán con”, ngay từ đầu dù chưa có thông tin gì khác ngoài một số bài báo sơ sài và đầy ác ý vô cảm, tôi đã cho rằng có thể Nhung – Tuấn chỉ thực hiện việc cho con nuôi nhưng không đúng thủ tục pháp lý chứ không phải họ bán con. Thậm chí tôi còn đoán đúng từng chi tiết về việc Nhung Tuấn đã đăng tin vào một nhóm cho – nhận con nuôi nào đó trên mạng như đang tồn tại nhan nhản, và trở thành nạn nhân do sự thiếu hiểu biết của mình. Đến bây giờ, khi thông tin về gia cảnh, trình độ nhận thức và các tình tiết khác đã được hé lộ, điều tôi suy đoán đã có cơ sở rõ ràng hơn. Bài suy luận và nhận định của tôi lúc chưa đọc được cáo trạng và bản án: Cho — Nhận con nuôi và những tai họa rình rập

 

2.

Bây giờ hãy xem Luật định nghĩa thế nào về tội “mua bán người dưới 16 tuổi”.

 

Theo Khoản 1, Điều 151, ai thực hiện hành vi sau đây thì phạm vào tội mua bán người: “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi ĐỂ giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo”.

 

Hãy đặc biệt chú ý chữ ĐỂ trong câu định nghĩa trên, nó có nghĩa là MỤC ĐÍCH. Chuyển giao (hoặc tiếp nhận) người nhưng là phải với mục đích nhận tiền thì mới cấu thành tội mua bán người. Vậy vợ chồng Nhung – Tuấn có giao con nhằm mục đích nhận tiền hay không?

 

3.

Giờ hãy đọc Bản án của TAND tỉnh Trà Vinh (Số 4/2024/HS/ST, ngày 15-1-2024): “Sau khi sinh Thảo Nhi được 50 ngày tuổi, bị cáo Nhung và bị cáo Tuấn bàn bạc thống nhất với nhau tìm gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận nuôi trẻ để cho làm con nuôi. Ngày 02/12/2022, bị cáo Nhung nhập vào mạng xã hội Facebook có tài khoản tên “Hội nhóm cho và nhận con nuôi bốn phương” và đăng tin “Cần tìm gia đình hiếm muộn để cho con nuôi, con em là bé gái, sinh được 50 ngày, em ở Miền tây, muốn thì gặp trực tiếp”. Sau đó được Nguyễn Hữu Dương tiếp nhận tin nhắn và đề nghị gửi hình ảnh của bị hại cho Dương xem. Sau khi xem, Dương nhắn tin đồng ý tiếp nhận và hỏi cần bao nhiêu tiền thì bị cáo Nhung bàn bạc với bị cáo Tuấn thống nhất nhận số tiền bằng 20.000.000 (Hai mươi triệu đồng), Dương đề nghị giảm 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng), bị cáo Nhung và bị cáo Tuấn đồng ý. Rồi hẹn nhau địa điểm giao nhận bị hại”.

 

Rõ ràng, theo bản án này thì Nhung và Tuấn đã nhận tiền của Nguyễn Hữu Dương, nhưng MỤC ĐÍCH của hai vợ chồng này là “Cần tìm gia đình hiếm muộn để cho con nuôi”, Nhung cũng đòi hỏi được gặp trực tiếp người nhận con [để biết rõ gia cảnh và con người của cha mẹ nuôi đứa trẻ?]. Căn cứ vào đây, không thể kết luận mục đích “chuyển giao” con của Nhung – Tuấn là tiền được. Vì trên thực tế, việc người nhận con nuôi mà “bồi dưỡng”/ “hỗ trợ” một khoản tiền cho cha mẹ ruột của trẻ là phổ biến và đã thành thông lệ. Còn nữa, nếu là mục đích [bán] lấy tiền thì Nhung – Tuấn sẽ không dễ dàng đồng ý với Dương giảm đi 2 triệu đồng (1 phần 10 tổng số tiền).

 

Như chúng ta đã thấy trong Bản án, tiền bạc xuất hiện trong việc cho nhận con nuôi này là do Dương đề xuất, chứ không phải vợ chồng Tuấn – Nhung đề nghị. Trong hoàn cảnh đói khổ, ba đứa con lớn bữa đói bữa no, đau ốm không có tiền đi viện chữa bệnh, công việc thì bấp bênh và thu nhập thấp, thì việc vợ chồng Tuấn – Nhung trước đề xuất nhận tiền của Dương mà đưa ra con số 20 triệu đồng (cũng là một con số gần như đã thành thông lệ) là điều dễ hiểu và tự nhiên.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/1-10.jpg

Ảnh: Ba đứa con còn lại của vợ chồng Nhung – Tuấn. Nguồn: Ảnh trên mạng/ Thái Hạo

 

Bây giờ ta hãy giả sử rằng, nếu bên nhận không đề xuất đưa tiền và cũng không có đồng nào để “bồi dưỡng” thì Tuấn – Nhung có đồng ý giao con không? Chúng ta không biết được vì tình huống ấy không diễn ra trên thực tế, nhưng theo logic thì xác suất là có. Tôi tin rằng với những gì đã biết về hoàn cảnh gia đình Nhung – Tuấn cũng như tình thế lúc quyết định cho đi đứa con của mình và nguyện vọng của họ là “cần tìm gia đình hiếm muộn để cho con nuôi” thì họ sẽ không cần đòi tiền.

 

Riêng việc Nhung – Tuấn không tìm hiểu để biết rõ về người nhận và gia đình người nhận mà đã giao con thì ai cũng có thể hiểu được nếu có chút kinh nghiệm thực tế: rất nhiều gia đình khi nhận con nuôi đã không muốn cha mẹ ruột của đứa trẻ biết thông tin về mình, vì ngại/ sợ những rắc rối sau này. Trước hoàn cảnh bi đát của gia đình mình, việc Tuấn – Nhung (dù đã đề nghị được gặp trực tiếp người nhận con nuôi) nhưng đành chấp nhận “không biết gì” về nhân thân người nhận, âu đó cũng là điều mà ai cũng hiểu được. Và phải hiểu rằng không phải họ không tìm hiểu mà là do bên nhận “không cho phép”, và họ đành phải chấp nhận.

 

Và chúng ta thấy, rõ ràng, chỉ cần dừng lại ở đây thôi cũng thấy rằng không đủ căn cứ để kết luận rằng đây là hành vi (mua) bán người. Bởi cái quyết định ở đây không phải là có nhận tiền hay không mà là MỤC ĐÍCH CÓ PHẢI LÀ TIỀN hay không. Và chúng ta thấy MỤC ĐÍCH “chuyển giao” con của Nhung và Tuấn không phải là để lấy tiền.

 

4.

 Trên đây là phân tích câu chữ trong luật và đối chiếu với hành vi của vợ chồng Tuấn – Nhung để xác định bản chất của hành vi ấy có phải “bán con” hay không. Và ta đã đi đến nhận định rằng không đủ căn cứ để kết luận rằng họ bán con.

 

Tuy nhiên, vụ án này còn nhiều khía cạnh khác phải xem xét một cách sâu sắc, như hoàn cảnh gia đình bi đát của Nhung – Tuấn, trình độ học vấn và năng lực nhận thức thấp kém của họ, v.v… Tất cả những yếu tố này đã được công khai ngày càng đầy đủ từ Luật sư Minh Thọ, và từ các tổ chức và cá nhân từ thiện đã đến tận nơi tìm hiểu. Chỉ một bài của cựu nhà báo Lê Thu Hiền, người đã đến tận nơi để ghi chép lại hoàn cảnh gia đình và câu chuyện của Nhung dưới đây thôi cũng đủ để ta có được bức tranh và nhìn nhận tương đối đầy đủ về những khía cạnh ấy. Bài 1: Về vụ án người mẹ trẻ 4 con ở Trà Vinh. Và bài 2: Sự kinh khủng của cái gọi là cư dân mạng nhân danh “hiểu biết” và nước mắt đàn ông.

Phải thấy rằng Nhung – Tuấn là nạn nhân: Nạn nhân của sự nghèo đói và thiếu vắng các chính sách an sinh xã hội vốn thuộc trách nhiệm của nhà nước; và là nạn nhân của bọn lừa đảo (môi giới cho và nhận con nuôi). Lạ thay, nạn nhân đã bị kết án tù, nhưng tất cả các bên còn lại đều đang bình yên vô sự.

 

Luật pháp sinh ra là để bảo hộ cuộc sống của con người, chứ không phải để hủy hoại nó. Một lần nữa, tôi mong muốn và đề nghị TAND tỉnh Trà Vinh xem xét lại toàn bộ bản án này để có một phán quyết công bằng, nhân văn, “hợp lý hợp tình”. Tránh vận dụng luật pháp một cách cứng nhắc, dẫn đến sai lầm mà tạo thành tội ác.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats