Sunday, 4 February 2024

TRUNG QUỐC MUỐN GẮN CHẶT "VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN" VỚI AN NINH BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN (Trọng Thành / RFI)

 



 

Trung Quốc muốn gắn chặt ‘‘vấn đề Đài Loan’’ với an ninh của bán đảo Triều Tiên

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 03/02/2024 - 15:53

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240203-trung-quoc-muon-gan-chat-van-de-dai-loan-voi-an-ninh-ban-dao-trieu-tien

 

Mỹ, Trung tổ chức đối thoại cấp cao tại Thái Lan để kiểm soát nguy cơ xung đột bùng phát tại châu Á. Theo báo chí Hàn Quốc, Bắc Kinh muốn gắn chặt vấn đề Đài Loan với an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Tại Nga, ứng cử viên duy nhất ra tranh cử tổng thống thách thức Putin, thu thập được hơn 100.000 chữ ký ủng hộ, gây nhiều hoài nghi và chút ít hy vọng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a23204ca-757e-11ee-bf4b-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23261280071505.webp

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2 phải) hội đàm với cố vấn an ninh Mỹ, Jake Sullivan (thứ 2 trái) tại Malta, ngày 18/09/2023. AP - Lian Yi

 

Chính phủ Pháp bị lên án là từ bỏ mục tiêu ‘‘chuyển sang nền kinh tế Xanh’’, sau một số nhân nhượng về chính sách môi trường, nhằm hạ nhiệt phong trào phản kháng của nông dân. Truyền thông Pháp tố cáo việc băng đá ở đảo Groenland, Bắc Cực, biến thành đồ uống thời thượng tại Dubai, vùng Vịnh. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

                                                              ***

 

Cuộc hội kiến giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, kéo dài 12 giờ trong hai ngày 26 và 27/01 tại Bangkok, là tâm điểm chú ý của giới quan sát chính trị quốc tế. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gấp bội trên bán đảo Triều Tiên với việc chế độ Kim Jong Un từ bỏ mục tiêu tái thống nhất, chủ trương đổi Hiến pháp coi Hàn Quốc là ‘‘quốc gia thù địch’’. Bình Nhưỡng gia tăng tập trận bắn đạn thật, thử tên lửa chiến lược. Bắc Triều Tiên là một trọng tâm của hai ngày làm việc giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi).

 

 

Theo thông báo của Washington về cuộc họp này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã bày tỏ ‘‘mối quan ngại sâu sắc về quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên (tên gọi chính thức của Bắc Triều Tiên), tác động của việc này đến đường lối của ông Kim Jong Un (lãnh đạo Bắc Triều Tiên). Chúng tôi đã nêu những lo ngại đó trực tiếp với Trung Quốc, do ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng”. Hoa Kỳ cũng ‘‘hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận sâu hơn về chủ đề này’’.

 

 

Bỏ qua vấn đề Đài Loan, Trung Quốc không có động lực ‘‘giúp’’ Mỹ

Cho đến nay, Trung Quốc, quốc gia vốn được coi là gần gũi nhất với Bắc Triều Tiên, giữ im lặng trước các đe dọa quân sự gia tăng của Bình Nhưỡng. Khả năng Bắc Kinh tác động đến Bình Nhưỡng ra sao là điều được truyền thông Hàn Quốc theo dõi sát. Báo Korea Times, tờ báo Anh ngữ lâu đời nhất tại Hàn Quốc, nhận định : ‘‘Theo các chuyên gia, Bắc Kinh có rất ít động lực để đáp ứng yêu cầu của Washington, đặc biệt khi hai bên đang có những căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan’’. Ông Lee Sang-man, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, Hàn Quốc giải thích: “Nếu bỏ vấn đề Đài Loan sang một bên, có rất ít lý do để Bắc Kinh thảo luận về các vấn đề nhạy cảm với Bình Nhưỡng, vì làm như vậy sẽ có khả năng làm căng thẳng mối quan hệ song phương vốn đang nồng ấm hiện nay”.

 

 

Chuyên gia Lee Sang-man nhấn mạnh : ‘‘Việc cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan đề cập đến các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên với lãnh đạo ngoại Trung Quốc Vương Nghị cho thấy chính quyền Joe Biden cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc để ngăn Bắc Triều Tiên vượt qua lằn ranh giới đỏ, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Nhưng Bắc Kinh không sẵn lòng hợp tác, vì Mỹ không thay đổi lập trường liên quan đến vấn đề eo biển Đài Loan.’’ Sau cuộc gặp với ông Sullivan, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc khẳng định Đài Loan là “thách thức lớn nhất” đối với quan hệ Trung-Mỹ và cảnh báo Washington không được can thiệp vào các vấn đề liên quan đến hòn đảo mà Bắc Kinh coi là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và sẽ dùng vũ lực để chiếm lấy, nếu con đường thống nhất hòa bình thất bại.

 

 

Bắc Kinh không đủ lực tác động Bình Nhưỡng: Thực hư ra sao ?

Theo nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh, rõ ràng là trong cuộc hội kiến vừa qua tại Thái Lan, phía Hoa Kỳ đã cố gắng thúc giục mạnh hơn để Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng kiềm chế Bắc Triều Tiên. Các kỳ vọng về vấn đề này mà Mỹ đưa thì lớn nhưng khả năng Trung Quốc làm được đến đâu còn để ngỏ. Về vấn đề này, ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn, nhận định trên thực tế đặt nhiều hy vọng vào Bắc Kinh là không đúng chỗ, vì Trung Quốc không có được các phương tiện tác động được đến các quyết định có ý nghĩa chiến lược của chế độ Kim Jong Un (như vấn đề hạt nhân), ‘‘cho rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên quan hệ kiểu cấp trên – cấp dưới là hoàn toàn trái ngược với thực tế Bình Nhưỡng tự khẳng định như một quốc gia độc lập về đối ngoại’’.

 

 

Hôm 26/01/2024, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Wei-dong) và người đồng cấp Bắc Triều Tiên Choe Son Hui tại Bình Nhưỡng. Theo Reuters, trong lúc Trung Quốc cam kết tăng cường các liên lạc về chiến lược ‘‘ở mọi cấp’’ với Bắc Triều Tiên, cơ quan thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên  KCNA, cho biết hai bên thỏa thuận ‘‘tiếp tục tăng cường các hợp tác về mặt chiến thuật’’  và ‘‘cùng nhau bảo vệ các lợi ích chung có ý nghĩa nền tảng, tùy theo nhịp độ của mỗi bên’’. Hiện tại chưa có thông tin về hồi đáp từ Bắc Kinh về đề nghị của Mỹ đối thoại với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông trở về từ Bình Nhưỡng.

 

 

Người duy nhất ra tranh cử chống Putin và các thủ đoạn của điện Kremlin

 

Tại nước Nga, nơi bày tỏ thái độ phản đối chiến tranh chống Ukraina có thể bị bỏ tù, việc một chính trị gia ra tranh cử tổng thống có quan điểm chống chiến tranh, chống lại tổng thống Vladimir Putin gây ngạc nhiên. Ngày 31/01/2024, ông Boris Nadejdine, 64 tuổi, thu được hơn 100.000 chữ ký ủng hộ, vượt ngưỡng cần thiết để hồ sơ ứng cử được Ủy Ban Bầu Cử chấp thuận. Theo các nhà quan sát, hàng đoàn dài cử tri xếp hàng dài dưới trời giá lạnh để chờ ký tên ủng hộ Nadejdine. Ứng cử viên này cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà đối lập hàng đầu. Nếu như có một chút hy vọng đặt vào ứng cử viên có thể giúp nước Nga ngừng cuộc chiến tranh thảm khốc kéo dài đã gần hai năm, rất nhiều hoài nghi xung quanh việc điện Kremlin để cho một ứng cử viên chống chiến tranh bày tỏ quan điểm, và nhận được sự ủng hộ của dân chúng.

 

 

Trả lời đài Pháp France Culture, bà Clémentine Fauconnier, giảng viên khoa chính trị học, Đại học Haute Alsace, giải thích về một thủ đoạn của chế độ Putin: ‘‘Nếu như trong hiện tại, ông Boris Nadejdine còn có khả năng bày tỏ quan điểm là vì điện Kremlin để cho ông ấy làm như vậy, ắt hẳn là với mục tiêu để cho một bộ phận rất nhỏ người Nga có thể bày tỏ ý kiến ủng hộ quan điểm phản kháng chính quyền. Rất có thể với mục tiêu là để sau đó, sử dụng chính tỉ lệ rất nhỏ này để hạ thấp tầm mức của quan điểm chống chiến tranh trong xã hội Nga. Nếu ứng cử viên này chỉ giành được 1 hay 2% phiếu bầu, chế độ Putin sẽ sử dụng điều này để khẳng định chỉ có một bộ phận rất nhỏ dân chúng phản đối chiến tranh chống Ukraina.’’

 

Theo nhà chính trị học Clémentine Fauconnier, việc chế độ Putin để một nhân vật có quan điểm ít nhiều chống đối như trên ra ứng cử từng nằm trong chính sách ‘‘đa nguyên chính trị dưới quyền lãnh đạo của điện Kremlin’’, vấn đề là lần này, liệu giới lãnh đạo Nga có dám mạo hiểm hay không : ‘‘Một trong những đặc điểm tiêu biểu của hệ thống chính trị Nga là điều mà đôi khi người ta gọi là ‘‘chế độ đa nguyên chính trị, do chính quyền quản lý’’. Cụ thể là, dĩ nhiên ông Putin sẽ nhận được tỉ lệ phiếu bầu rất cao, nhưng điện Kremlin luôn có xu hướng tạo ra các lực lượng đối lập chính trị mà họ có thể kiểm soát. Chế độ Putin để ngỏ một số khả năng hành động tương đối tự do cho một số đảng phái chính trị, một số ứng cử viên ít nhiều theo xu hướng triệt để…. Một số ứng cử viên như Nadejdine hiện nay, hay Navalny trước đó, có thể gây một chút khó khăn cho điện Kremlin. Liệu Điện Kremlin có chấp nhận mạo hiểm hay không, khi để một ứng cử viên có quan điểm chống chiến tranh ra tranh cử ? Quyết định cho hay không cho Nadejdine ra ứng cử sẽ nói lên nhiều về mức độ tự tin của giới lãnh đạo Nga về sự ủng hộ của dân chúng. Hoặc họ sẽ chấp nhận mạo hiểm, hoặc họ quyết định kiểm soát hoàn toàn tiến trình tranh cử - bầu cử. Nếu kịch bản thứ hai diễn ra thì đây sẽ là một dấu hiệu bổ sung cho thấy hệ thống chính trị Nga đang trở nên cứng rắn hơn.’’

 

 

Nguy cơ ‘‘mắc bẫy Putin’’: Ứng cử viên Nadejdine ủng hộ Nga chiếm Crimée

 

Tuy nhiên, có nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi gấp bội về thủ đoạn của điện Kremlin. Theo nhà văn, nhà sử học gốc Nga Galicia Ackerman, cựu phóng viên ban tiếng Nga đài RFI, không kể đến việc ứng viên đối lập duy nhất chống Putin có phải là người của Putin hay không, việc đối lập đặt niềm tin vào ứng viên này là một sai lầm. Làm như vậy là mắc bẫy chế độ Putin, bởi khi ủng hộ Boris Nadejdine, đối lập Nga cũng gián tiếp đi theo lập trường giống điện Kremlin của ứng cử viên này, coi bán đảo Crimée và nhiều vùng lãnh thổ của Ukraina là thuộc chủ quyền Nga.

 

Bản thân ông Boris Nadejdine, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp La Croix, ca ngợi thành tích thu hồi bán đảo Crimée ‘‘không tiếng súng’’ của tổng thống Nga năm 2014, và để ngỏ khả năng đưa vào vị trí thủ tướng một người hiện đang làm việc dưới quyền của tổng thống Nga. Theo nhà chính trị học Clémentine Fauconnier, chính ông Nadejdine từng ra tranh cử với tư cách thành viên đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Nga cách nay ít năm. Nadejdine cũng cho biết được sự hậu thuẫn của nhiều thành viên ‘‘siloviki’’,tức giới an ninh nắm quyền tại Nga, nhiều tướng tá và quân nhân hiện tham gia ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ chống Ukraina.

 

 

Pháp tạm ngưng kế hoạch giảm thuốc trừ sâu: Giới môi trường lên án ‘‘món quà tẩm độc’’

 

Sau nhiều tuần phản kháng của phong trào nông dân Pháp đòi hỏi chính quyền và Liên Âu điều chỉnh chính sách nông nghiệp, hôm thứ Năm 01/02/2024, chính phủ của tân thủ tướng Gabriel Attal đã quyết định ‘‘tạm hoãn’’ thực thi ‘‘kế hoạch Ecophyto’’, đặt mục tiêu cắt giảm 50% thuốc trừ sâu trước 2030, so với 2015-2017. Ngay sau khi chính phủ đưa ra biện pháp này, giới bảo vệ môi trường đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

 

Theo chính trị gia Marie Toussaint, đứng đầu danh sách tranh cử của đảng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu tháng 6 tới, đây là một món quà ‘‘tẩm thuốc độc’’ của chính phủ Pháp dành cho nông dân. Bà Toussaint tố cáo chính phủ ‘‘tàn phá sinh thái’’ và nhân nhượng trước các đòi hỏi của nghiệp đoàn FNSEA’’, nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp.

 

Vì sao lại là ‘‘món quà tẩm độc’’ ? Theo chính trị gia Marie Toussaint, chính quyền của tổng thống Macron đã hoàn toàn không tôn trọng các cam kết bảo vệ môi trường, việc ngừng lại mục tiêu cắt giảm thuốc trừ sâu gây tổn hại cho sức khỏe của người dân Pháp và đa dạng sinh thái, điều kiện cho sự phát triển của một nền nông nghiệp bền vững. Nhiều tổ chức phi chính phủ lo ngại về quyết định đảo ngược lại hoàn toàn chính sách của tổng thống. 

 

Bảo vệ môi trường, chuyển sang nền kinh tế xanh vốn là điều đã được tổng thống Macron đưa ra khi ông ra tranh cử tổng thống lần hai. Trong cuộc vận động cử tri giữa hai vòng bầu cử ông Macron tuyên bố trong nhiệm kỳ thứ hai, trọng tâm của ông sẽ là sinh thái. Hai bộ được lập ra để thực thi chủ trương này, và thủ tướng đích thân chỉ đạo kế hoạch lớn của tổng thống.

 

Phản ứng lại các chỉ trích của giới bảo vệ môi trường, phát ngôn viên chính phủ Prisca Thevenot giải thích, việc tạm ngưng mục tiêu giảm 50% thuốc trừ sâu không phải là từ bỏ, chính phủ ‘‘đang tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch Ecophyto 2030’’, và kéo dài thời gian chuẩn bị thêm một tháng, để kế hoạch này trở nên phù hợp với các đối tác. Kế hoạch Ecophyto 2030 là kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu thứ tư. Theo phát ngôn viên chính phủ, trong ba đời chính quyền tiền nhiệm kế hoạch này ''đã không đi kèm với bất cứ giải pháp nào để hỗ trợ nông dân'', và đây là điều mà chính phủ đang làm.

 

Trước đó một hôm, bộ trưởng Chuyển đổi Sinh Thái Christophe Béchu tái khẳng định, phong trào phản kháng của nông dân hiện tại ‘‘không thể là cái cớ để trở lui trong mục chuyển đổi sang nền kinh tế xanh’’.

 

 

Băng ‘‘sạch nhất Trái đất’’ thành đồ uống thời thượng ở Dubai: "Mát người hay lạnh gáy" ?

 

Trong những tuần đầu năm 2024, báo chí Pháp chú ý đến một mốt mới tại vùng Vịnh. Tại các nhà hàng sang trọng tại Dubai, thủ phủ kinh tế của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, các tay chơi có thể thưởng thức món cocktail với những viên đá lạnh đến từ vùng đảo Groenland, Bắc Cực. Băng đá được quảng cáo là hơn 100.000 năm tuổi.

 

Nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Artic Ice của Groenland cho biết băng đá đến từ đáy biển. Khoảng 20 tấn băng tinh khiết đã được xuất khẩu sang Vùng Vịnh để phục vụ nhu cầu thời thượng này. Doanh nghiệp Groenland quảng cáo : băng từ đáy biển đảo Groenland tinh khiết hơn băng của các băng hà bình thường, băng ở đây không hề bị nhiễm các chất độc hại do các hoạt động của con người. Khu vực mà công ty khai thác được coi là ‘‘sạch nhất Trái đất’’. Công ty nói trên cũng quảng bá cho hoạt động kinh doanh này góp phần vào việc giúp cho Groenland chuyển sang nền kinh tế Xanh.

 

Theo báo Anh The Guardian, công ty Artic Ice đã bị tấn công dữ dội trên các mạng xã hội, bị lên án góp phần làm trầm trọng thêm xu thế biến đổi khí hậu. Một số người dùng internet còn tung lên ‘‘các đe dọa tính mạng’’ lãnh đạo công ty.

 

Nhật báo kinh tế Pháp có bài viết phân tích về các tác hại ghê gớm của hoạt động kinh doanh, về bề ngoài có vẻ vô hại này. Theo Les Echos, Trái đất đang nóng lên nhanh chóng, nhiệt độ tăng đặc biệt nhanh tại các xứ lạnh, gấp nhiều lần so với vùng nhiệt đới, băng tan với tốc độ kinh hoàng, với khối lượng tương đương với 4.700 tỷ mét khối nước trong vòng 20 năm. Tại các vùng núi non, băng trên các đỉnh chót vót, cao hơn 4.000 mét cũng tan chảy. Đặt trong bối cảnh này, liệu việc quảng cáo cho món băng tinh khiết vùng cực bắc, việc vận chuyển băng bắc cực qua hàng ngàn cây số có khác nào khuyến khích cho xu thế hành xử bất chấp các tác động đến môi trường ? ‘‘Những viên đá lạnh Bắc cực làm mát lòng người uống hay khiến người ta phải rùng mình’’, bài báo đặt câu hỏi như một lời kết.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Trung Quốc mở rộng tham vọng "thống lĩnh biển cả" ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan

 

ĐIỂM TUẦN BÁO

Bầu cử Đài Loan, tín hiệu khả quan khởi đầu một năm đầy thách thức cho dân chủ

 

BẦU CỬ ĐÀI LOAN

Bầu cử Tổng thống Đài Loan : Những điểm chính của cuộc bỏ phiếu mang tính địa chính trị cao






No comments:

Post a Comment

View My Stats