Thursday, 1 February 2024

TRUMP HAY BIDEN THẮNG ĐỀU LÀ 'CHÉN THUỐC ĐỘC' KHÓ NUỐT TRÔI CHO TRUNG QUỐC (Người Việt)

 



Trump hay Biden thắng đều là ‘chén thuốc độc’ khó nuốt trôi cho Trung Quốc

Người Việt

January 31, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/trump-hay-biden-thang-deu-la-chen-thuoc-doc-kho-nuot-troi-cho-trung-quoc/

 

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ càng cận kề hơn tới cuộc tái đấu giữa cựu Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Joe Biden, Trung Quốc càng dõi theo với đầy âu lo, hãng tin AP ghi nhận hôm Thứ Tư, 31 Tháng Giêng.

 

Đầu tiên, tồn tại những lo ngại về chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên có thể sẽ thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Điều đó có thể đe dọa những cải thiện mong manh trong bang giao Mỹ-Trung như những gì diễn ra thời gian gần đây.

 

Tiếp theo là kết quả của cuộc bỏ phiếu Tháng Mười Một. Cả hai ứng cử viên đều không có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Bắc Kinh. Trong khi Tổng Thống Biden tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, Bắc Kinh lại lo ngại nỗ lực của ông nhằm cố kết các đồng minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một liên minh chống lại Trung Quốc. Người ta cũng lo lắng về cách ứng xử với Đài Loan của Tổng Thống Biden sau khi ông liên tục nói rằng ông sẽ điều động quân đội Hoa Kỳ bảo vệ hòn đảo này nếu có xung đột với Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1229228819-1536x1152.jpg

Hình chụp ngày 22 Tháng Mười, 2020, trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump (trái) và Joe Biden (Hình: BRENDAN SMIALOWSKI,JIM WATSON/AFP/Getty Images)

 

Cựu Tổng Thống Trump, với cách tiếp cận theo chủ nghĩa cô lập trong chính sách đối ngoại, có thể sẽ do dự hơn trong việc bảo vệ Đài Loan. Nhưng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào do tính cách khó đoán và lời lẽ cứng rắn của ông đối với Trung Quốc, quốc gia mà ông đổ lỗi vì làm bùng nổ dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 kéo dài tới cuối nhiệm kỳ của ông. Ông cũng có thể đẩy mạnh thêm một cuộc chiến thương mại vốn chưa hề hạ nhiệt từ nhiệm kỳ tổng thống của ông.

 

“Với Trung Quốc mà nói, kể cả là ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đi chăng nữa, họ cũng đều là hai ‘chén thuốc độc’,” Zhao Minghao, giáo sư bang giao quốc tế tại đại học Fudan University ở Thượng Hải cho biết.

 

Ngay cả khi bang giao có cải thiện đôi chút, căng thẳng vẫn ở mức cao, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan. Câu hỏi đặt ra, là ai vào được Tòa Bạch Ốc, đều có thể gây ra những hậu quả to lớn không chỉ cho bang giao Mỹ-Trung mà còn đối với hòa bình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 

“Bất kể ai là người nhậm chức, điều đó cũng không thay đổi nước cờ tổng thể trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc,” Sun Chenghao, thành viên tại Trung Tâm Chiến Lược và An Ninh Quốc Tế đại học Tsinghua University cho biết. “Trung Quốc không có bất kỳ ưu tiên nào cho việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vì Trung Quốc có sẵn kinh nghiệm đối phó với cả hai người trong hai nhiệm kỳ rồi.”

 

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều nhà bình luận dường như đứng về phía Trump, người mà họ không chỉ coi là một thương gia quyết tâm đạt được thỏa thuận mà còn là một thế lực gây rối làm suy yếu thể chế dân chủ Hoa Kỳ và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ vì lợi ích của Bắc Kinh. Các chính sách và nhận xét của Trump trên cương vị tổng thống làm cho ông có được biệt hiệu Chuan Jianguo, hay “Trump, người kiến tạo đất nước (Trung Quốc),” ngụ ý rằng ông đang giúp đỡ Bắc Kinh.

 

Cáo buộc gần đây của Trump cho rằng Đài Loan tước đoạt ngành công nghiệp sản xuất vi mạch (chip) từ Mỹ, được coi là dấu hiệu cho thấy Trump, một thương gia thực sự, có thể không sẵn sàng bảo vệ hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung Tâm Stimson đặt trụ sở tại Washington, cảnh cáo về tinh thần dân tộc tại Trung Quốc có thể mâu thuẫn với giới chức chính phủ và giới tinh hoa. “Với Trump, không có nền tảng cho bang giao Mỹ-Trung, và Trump đặt ra những rủi ro và bất ổn to lớn, gồm có cả khả năng bùng nổ xung đột quân sự,” Sun nói và cho biết thêm Trung Quốc vào năm 2020 từng chắc chắn như đinh đóng cột rằng Trump có thể công kích Đài Loan để giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử.

 

Trump bắt đầu nước cờ sai lầm với Trung Quốc khi ông nhận cuộc điện đàm chúc mừng chiến thắng bầu cử năm 2016 từ tổng thống Đài Loan, làm cho chính phủ Bắc Kinh phẫn nộ, vốn chống lại bất kỳ liên hệ chính thức nào giữa Đài Loan và các chính phủ ngoại quốc.

 

Mối bang giao dường như quay trở lại đúng hướng vào năm 2017, lúc đó Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida vào Tháng Tư rồi sáu tháng sau, họ Tập tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ tại Bắc Kinh với bữa dạ tiệc tại Tử Cấm Thành, trước đây từng là hoàng cung.

 

Nhưng trong năm 2018, Trump phát động cuộc chiến thương mại bằng cách áp đặt thuế cho hàng nhập cảng của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng thuế quan lên hàng hóa của Mỹ và thuế quan của cả hai bên vẫn như vậy cho tới tận hôm nay.

 

Thời kỳ Covid-19 bùng lên tại Trung Quốc năm 2020 đẩy bang giao của Trump với Trung Quốc tới mức không thể cứu vãn. Khi Covid-19 lây lan tới Hoa Kỳ, ông cố gắng làm chệch hướng những lời chỉ trích về cách điều hành trong đại dịch bằng cách đổ lỗi cho Trung Quốc, làm Bắc Kinh phải phản đối kịch liệt.

 

Ngoại Trưởng thời Tổng Thống Biden, Antony Blinken, vào năm 2022 gọi Trung Quốc là “thách thức lâu dài và nghiêm trọng nhất cho cán cân quốc tế.”

 

“Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là mèo Mỹ thì đó là con mèo xấu,” Miles Yu, giám đốc trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson nói, dẫn từ câu thoại trứ danh của chính khách cải cách Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, khuyến khích cải cách thị trường bất kể hệ tư tưởng là gì. (TTHN)





No comments:

Post a Comment

View My Stats