‘Ly Rượu Mừng,’ bản
nhạc Xuân ‘kinh điển’ của Phạm Đình Chương
Vann
Phan/Người Việt
February
3, 2024
https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ly-ruou-mung-ban-nhac-xuan-kinh-dien-cua-pham-dinh-chuong/
SANTA
ANA, California (NV) – “Ly Rượu Mừng,” một sáng tác ra đời hồi thập niên
1950 của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, được coi là bản nhạc Xuân “kinh điển” của
bao thế hệ tại miền Nam tự do, bởi vì kể từ năm 1951 trở đi, tác giả bản nhạc
đặc sắc này đã rời bỏ ban văn nghệ Liên Khu IV của Việt Minh để cùng gia đình
di cư vào Sài Gòn lập nghiệp.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/CCB-Pham-Dinh-Chuong-ly-ruou-1-1536x970.jpg
Nhạc
phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương. (Hình: Tài liệu)
Mức
độ phổ thông của “Ly Rượu Mừng” trong xã hội miền Nam thời bấy giờ lớn lao đến
nỗi, cứ mỗi độ Xuân về, khắp chợ cùng quê cũng như tại các buổi liên hoan mừng
Xuân trên mọi miền đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này hầu như đều vang
lên âm điệu của “Ly Rượu Mừng,” chen lẫn với hàng chục ca khúc mừng Xuân khác
theo cái kiểu “trăm hoa đua nở” trong vườn hoa văn nghệ muôn hồng, nghìn tía
đua tươi của một xã hội tự do và dân chủ tại Việt Nam Cộng Hòa.
Trong
một chừng mực nào đó, “Ly Rượu Mừng” cũng tiêu biểu cho cái cảm xúc sâu lắng
của người dân miền Nam hiền hòa đối với niềm hạnh phúc hiếm hoi trên một quê
hương đang tan nát vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vào một thời điểm đặc
biệt trong năm. Đó là lúc Chúa Xuân lại trở về để mang lại niềm hy vọng cho một
ngày mai tươi sáng hơn sau khi cuộc chiến chấm dứt và hòa bình trở lại trên quê
hương, cho dù niềm hy vọng đó có trở thành hiện thực hay không.
“Ngày
Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người
thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.”
Dịp
Tết đến, Xuân về là lúc người dân Việt Nam từ thành thị đến thôn quê tạm quên
đi mọi vất vả, ưu tư trong cuộc sống để nâng ly chúc mừng nhau, từ bác nông phu
cho tới người thương gia và anh công nhân một năm mới ấm no, hạnh phúc, thoát
khỏi cảnh nghèo khó cứ mãi theo đuổi họ trong bao năm chiến tranh triền miên,
khiến đất nước chẳng có ngày nào rảnh tay mà phục hồi và xây dựng cho một ngày
mai sáng tươi hơn.
“Nhấp
chén đầy vơi chúc người người vui/ Muôn lòng xao xuyến duyên đời.”
Dù
uống ít hay nhiều, qua ly rượu mừng Xuân mới mọi người đều chúc nhau mùa Xuân
như ý và tràn đầy niềm hoan lạc, với tâm tình phơi phới khi gió mùa Xuân tới,
mang theo bao ước vọng đầu Xuân làm xao xuyến lòng người.
“Rót
thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành,
sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.”
Tết
đến, Xuân về cũng là lúc nơi nơi cùng nhau rót thêm rượu mừng người từ biên
cương trở về sum họp với gia đình, để rồi người chiến sĩ sẽ lại lên đường vui
kiếp đấu tranh. Xin chúc cho các anh, những kẻ đang vì nước mà quên mình, sớm
ca khúc khải hoàn trong mùa Xuân chiến thắng.
“Kìa
nơi xa xa có bà mẹ già/ Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê
hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.”
Vui
Xuân nhưng xin chớ quên các bà mẹ già đang mỏi mắt, mờ lệ trông chờ người con
yêu từ nơi chốn xa, hoặc phải gian lao ngoài tiền tuyến hay đang lưu lạc phương
trời nào. Xin cầu chúc các bà mẹ sớm có được niềm hạnh phúc đầu Xuân khi đứa
con yêu được dịp trở về trong niềm vui đoàn tụ.
“Hát
khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Chúc mẹ hiền dứt u tình.”
Rồi
đó chính là lúc lòng người ai cũng rộn tiếng vui ca vì anh lính chiến xa nhà đã
quay về cùng đón Xuân với gia đình, để cho mẹ hiền quên hết những buồn thương.
“Rượu
hân hoan mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương/ Nào cạn ly, mừng
người nghệ sĩ, tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới.”
Đặc
biệt, Tết cũng là dịp để mừng cho những đôi uyên ương trong ngày vui sum họp
khi họ cùng nhau xây tổ ấm giữa mùa hoa lá đơm bông và trong ánh nắng Xuân huy
hoàng. Và đây cũng là dịp để mọi người cùng cạn ly mừng các văn nhân, nghệ sĩ
đã đem lời ca, tiếng hát, vần thơ, câu văn và nét họa điểm tô cho những ngày
thắm tươi bên đời Xuân mới.
“Bạn
hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu
xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy
vơi.”
Đến
đây thì mọi người hãy cùng nhau nói lên lời ước nguyện đầu Xuân cùng với lời
chúc lành cho đất nước sớm được vui hưởng hòa bình. Chừng nào mà xương máu thôi
ngập tràn trên quê hương chiến tranh thì ngày đó quê hương sẽ yên vui, khắp nơi
sẽ cùng hân hoan chào đón người từ tiền tuyến quay về qua chén rượu mừng Xuân
yêu thương, Xuân đoàn tụ.
“Nhấc
cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người
hạnh phúc chan hòa.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/CCB-Pham-Dinh-Chuong-ly-ruou-2-1643x2048.jpg
Bìa
nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương. (Hình: Tài liệu)
Vậy
thì, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau nâng ly để chúc cho một ngày mai hòa bình
ơi chờ trông nhau như con chờ mẹ, và chúc cho một ngày mai tươi sáng muôn chim
đua hót tưng bừng dưới ánh sáng trời Tự Do bất diệt và trong niềm hạnh phúc
chan hòa của mọi người.
“Ước
mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.”
Và
hạnh phúc đến cho mọi nơi cũng chính là ước vọng của bao người trên một đất
nước Việt Nam thanh bình và giữa mùa một Xuân phơi phới yêu thương…
***
Phạm
Đình Chương sinh ngày 14 Tháng Mười Một, 1929, tại Hà Nội. Ông xuất thân trong
một dòng họ mà hầu hết đều làm văn nghệ. Cha của Phạm Đình Chương là ông Phạm
Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai, là Phạm
Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh
và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của
ban hợp ca Thăng Long.
Người
vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang
Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy). Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Phạm
Đình Chương theo học trường Bưởi đến xong trung học thì nghỉ học. Năm 1946, ông
gia nhập đoàn ca kịch kháng chiến của Việt Minh và đi lưu diễn tại các vùng
nông thôn Liên Khu IV ở miền Bắc vào năm 1946.
Năm
1951, ông từ bỏ kháng chiến và quay trở về Hà Nội. Sau đó, ông và gia đình
chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp. Ngoài tư cách là nhạc sĩ, Phạm Đình Chương còn
là một ca sĩ với nghệ danh là Hoài Bắc. Ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái
Thanh, Thái Hằng lập ra ban hợp ca Thăng Long. Năm 1953, ông lập gia đình với
ca sĩ Khánh Ngọc, tên thật là Hàn Thị Lan Anh. Họ sống với nhau chừng bảy năm
rồi ly dị hồi năm 1960 sau khi nổ ra vụ ca sĩ Khánh Ngọc ngoại tình với nhạc sĩ
Phạm Duy, anh rể của chồng mình.
Phạm
Đình Chương là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên
tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác nhạc khi
mới 18 tuổi, với dòng nhạc mang tính cách trữ tình lãng mạn. Các sáng tác của
ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như: “Khúc Giao Duyên,” “Thằng Cuội,”
“Được Mùa,” “Tiếng Dân Chài”… Sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui
tươi hơn: “Xóm Đêm,” “Đợi Chờ,” “Đón Xuân”…
Trong
thập niên 1950, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết những tác phẩm để đời như “Ly
Rượu Mừng,” “Xuân Tha Hương,” “Thuở Ban Đầu,” “Tiếng Dân Chài”… Đáng kể nhất là
trường ca “Hội Trùng Dương” mà ông viết về đất nước Việt Nam tươi đẹp qua ba
bài ca nói về ba con sông, là sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Khi
cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông
đưa tâm trạng đau thương và hụt hẫng của mình vào bốn ca khúc: “Đêm Cuối Cùng,”
“Thuở Ban Đầu,” “Người Đi Qua Đời Tôi,” và “Nửa Hồn Thương Đau.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/02/CCB-Pham-Dinh-Chuong-ly-ruou-3-1536x1027.jpg
Nhạc
sĩ Phạm Đình Chương. (Hình: Tài liệu)
Phạm
Đình Chương cũng đem thơ ra phổ nhạc. Nhiều nhạc phẩm phổ thơ của ông đã trở
thành những ca khúc bất hủ với có một sức sống riêng, như “Đôi Mắt Người Sơn
Tây” (thơ Quang Dũng), “Mộng Dưới Hoa” (thơ Đinh Hùng), “Nửa Hồn Thương Đau”
(thơ Thanh Tâm Tuyền), “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (thơ Du Tử Lê)…
Ngoài
các nhạc phẩm kể trên, những ca khúc khác nổi tiếng và được nhiều người ái mộ
của Phạm Đình Chương gồm có “Anh Đi Chiến Dịch,” “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội,”
“Đêm Màu Hồng,” “Khi Tôi Chết Đem Tôi Ra Biển,” “Hạt Bụi Nào Bay Qua” (thơ Thái
Tú Hạp)…
Sau
biến cố Tháng Tư, 1975, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cùng gia đình sang định cư tại
California, Hoa Kỳ. Ông mất ngày 22 Tháng Tám, 1991, tại California, thọ 62
tuổi. (Vann Phan) [qd]
Nhạc
phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương
Ngày
Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó.
A
a a a
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
A a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời.
Rót
thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng,
chiến đấu công thành,
sáng cuộc đời lành.
Mừng người vì nước quên thân mình.
Kìa
nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương.
A
a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính.
A a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình.
Rượu
hân hoan mừng đôi uyên ương,
xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ,
tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới.
Bạn
hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng.
Chúc non sông hòa bình, hòa bình.
Ngày máu xương thôi tuôn rơi,
ngày ấy quê hương yên vui,
đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
Nhấc
cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do
Nước non thanh bình,
Muôn người hạnh phúc chan hòa.
Ước
mơ hạnh phúc nơi nơi.
Hương thanh bình dâng phơi phới.
No comments:
Post a Comment