Tuesday, 6 February 2024

LUẬT SƯ MÔI TRƯỜNG TUYỆT THỰC TRONG TÙ TRONG KHI HÀ NỘI BỊ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TRẦM TRỌNG (Thục Quyên / Báo Tiếng Dân)

 



Luật sư môi trường tuyệt thực trong tù trong khi Hà Nội bị ô nhiễm không khí trầm trọng

Thục Quyên

05/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/05/luat-su-moi-truong-tuyet-thuc-trong-tu-trong-khi-ha-noi-bi-o-nhiem-khong-khi-tram-trong/

 

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tệ đến mức hơn 100 chuyến bay phải chuyển hướng hoặc hoãn cất cánh, hạ cánh vì khói bụi dày đặc, bao trùm thủ đô Việt Nam (1), gây mất an toàn do tầm nhìn kém. Một số chuyến bay phải chuyển hướng đến các sân bay khác như Cát Bi ở Hải Phòng.

 

Vào lúc 4h30 sáng thứ sáu 2-2-2024, sân bay Nội Bài, Hà Nội tạm dừng đón khách. Các sân bay Thọ Xuân ở Thanh Hóa, Vinh ở Nghệ An và Phú Bài ở Huế cũng bị gián đoạn hoạt động, do khói bụi ô nhiễm. Bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội cao hơn 11 lần so với mức an toàn.

 

Theo IQAir, trang web giám sát chất lượng không khí, bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội cao hơn 11 lần so với mức an toàn do WHO xác định. Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, cũng như tránh các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, đóng cửa sổ khi ở trong nhà và chạy máy lọc không khí.

 

Nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng ở Hà nội

 

Ô nhiễm đến từ một số vật liệu xây dựng độc hại, giao thông đông đúc, công nghiệp thép và xi măng, và các nhà máy nhiệt điện đốt than.

 

Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới cho biết, gần 35% lượng bụi mịn PM 2.5 đến từ các nhà máy điện và các ngành công nghiệp lớn quanh thành phố. Khoảng 25% đến từ giao thông; có gần 8 triệu chiếc xe được đăng ký ở Hà Nội.

 

Khí thải amoniac từ chăn nuôi và sử dụng phân bón tạo ra 20% lượng bụi mịn PM 2,5, trong khi 10% đến  từ các sinh hoạt như nấu ăn bằng than củi và khoảng 7% từ việc đốt chất thải nông nghiệp. Việc đốt rác trong và chung quanh thành phố càng làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

 

Mức ô nhiễm cũng tăng trong mùa đông, khi mưa ít và nhiệt độ thấp giữ tầng khí ô nhiễm ở gần mặt đất. Ngoài ra, những cơn gió cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được cho là đã mang các chất ô nhiễm từ các siêu đô thị phía nam Trung Quốc xuống Hà Nội.

 

Theo ước tính của WHO năm 2016, ô nhiễm không khí thường xuyên ở Việt Nam có liên quan đến hơn 60.000 trường hợp người trẻ tử vong mỗi năm.

 

Lập chương trình đối phó ô nhiễm

 

Để đối phó tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam đề ra kế hoạch giảm khí carbon, bằng cách không phát triển các nhà máy điện than mới, đồng thời giảm lượng than từ 50% xuống còn 20% công suất, từ năm 2030.

 

Hà Nội đang nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí. Tổ chức tài chính quốc tế này đã khuyến nghị các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như chuyển hướng sử dụng năng lượng than, giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải giao thông và cải thiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

 

Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng lập chương trình xin tài trợ 15,5 tỷ đô la (14,25 tỷ euro) từ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) liên chính phủ – do Vương quốc Anh và EU đồng chủ trì, để hướng tới quá trình chuyển đổi xanh: Phát triển năng lượng thủy điện, giảm thải khí nhà kính (bớt sử dụng năng lượng than), giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải giao thông và cải thiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

 

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gần đây cũng thông báo rằng, họ đang nghiên cứu các chính sách đào tạo nông dân trồng lúa về cách giảm thiểu và tái sử dụng chất thải thay vì đốt chúng.

 

Nhưng bỏ tù nhà các hoạt động môi trường

 

Tuy nhiên, chương trình đối phó ô nhiễm môi trường của nhà cầm quyền Việt Nam không thuyết phục. Trong vài năm qua, một số nhà hoạt động và các chuyên gia môi trường bị nhà nước Việt Nam bắt giữ. Hàng loạt tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

 

Một trong những nhà hoạt động môi trường tiêu biểu là luật sư Đặng Đình Bách, 46 tuổi. Ông Bách đã bị bắt vào ngày 2-7-2021, sau đó bị kết án 5 năm tù về tội “trốn thuế”. Gia đình ông Bách cho biết, sáng 2-2-2024, tại trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, ông bắt đầu tuyệt thực, đòi chính quyền Việt Nam phải thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo vệ quyền con người.

 

Theo tin từ bà Kate Holcome, thuộc Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (ELAW Environmental Law Alliance Worldwide) cho biết, bà Trần phương Thảo, vợ của LS Đặng Đình Bách, đã gửi thư đến các toà Đại sứ tại Việt Nam, các tổ chức bảo vệ môi trường, các bạn và đồng nghiệp của chồng bà trên toàn cầu, loan tin ông Bách bắt đầu tuyệt thực ngày 2-2-2024 để phản đối trại giam không thực thi pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tù nhân. Bà Thảo kêu gọi sự giúp sức của mọi người trong cuộc tranh đấu đòi công lý và tự do cho chồng bà và cũng chuyển lời LS Bách đến chính quyền Việt Nam:

 

“Trên tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền, Việt Nam cần bảo đảm thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người, điều mà bấy lâu nay không được bảo vệ đầy đủ nên tạo ra những bức xúc và bất công trong toàn xã hội. Thực thi pháp luật là yếu tố tiên quyết thể hiện thiện chí của nhà nước Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”.

 

Chương trình xin tài trợ 15,5 tỷ đô la từ JETP của chính phủ Việt Nam hiện đang gặp chống đối dữ dội từ Liên minh bảo vệ Khí hậu Việt Nam (VCDC – Vietnam Climate Defenders Coalition), gồm hàng trăm các tổ chức bảo vệ môi trường toàn cầu (2) vì trong hai năm qua nhiều chuyên gia hoạt động môi trường ở Việt Nam bị bắt giữ. Tổ chức này cho tuyên bố:

 

“Trong khi các quan chức công khai cam kết làm chậm lại vấn đề biến đổi khí hậu, thì chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt và giam giữ những nhà hoạt động môi trường hàng đầu như LS môi trường Đặng Đình Bách“.

 

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh tài trợ từ các nỗ lực quốc tế như Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la, đồng thời bịt miệng các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam đang cố che giấu điều gì với cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư?“

 

VCDC nêu lên sự vi phạm của chính phủ Việt Nam về khía cạnh “công bằng” của JETP khi xã hội dân sự ở Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng về khả năng tham gia vào quá trình này. VCDC cũng lên tiếng đòi hỏi sự giám sát của Nhóm Đối tác Quốc tế (G7 và Hoa Kỳ) và các nhà tài chính của JETP.

 

Để có một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam, các nhà chức trách cần:

 

– Tìm cách trả tự do ngay lập tức cho ông Đặng Đình Bạch, bà Hoàng Thị Minh Hồng và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự khác đang bị cầm tù bất công ở Việt Nam.

 

– Tiến hành thẩm định nghiêm ngặt các mối đe dọa đối với những người bảo vệ môi trường và nhân quyền cũng như các hạn chế đối với hoạt động môi trường và sự tham gia của người dân ở Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội của các bên liên quan của JETP, vì chúng liên quan đến việc tài trợ và thực hiện dự án do JETP tài trợ.

 

– Bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt chính sách “tham gia cộng đồng mà không sợ bị trả thù“ được cam kết bởi các bên liên quan JETP, bao gồm IFC, ADB và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP); và phát triển các quy tắc điều chỉnh cụ thể để chủ động ứng phó với các hành động trả thù nếu chúng xảy ra.

 

– Yêu cầu việc tài trợ và thực hiện dự án JETP phụ thuộc vào các biện pháp bảo vệ rõ ràng, chống lại sự trả thù và trả đũa đối với những người bảo vệ môi trường và các nhà hoạt động nhân quyền, cùng với các khung chính sách để xã hội dân sự tham gia một cách tự do và an toàn vào việc thiết kế, ra quyết định, giám sát và thực hiện dự án của JETP.

 

– Thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho xã hội dân sự, được quy định bởi các tiêu chuẩn và hiệp ước quốc tế nhằm tạo ra và duy trì, về mặt luật pháp và trên thực tế, một môi trường thuận lợi an toàn cho xã hội dân sự tự do hoạt động, bao gồm cải cách luật pháp và chính sách liên quan đến đăng ký và các yêu cầu về thuế đối với dân sự, các hiệp hội xã hội quá nặng nề và không phù hợp với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do hội họp, lập hội và biểu đạt.

 

Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ không thành công cho đến khi các chuyên gia bảo vệ môi trường như LS Đặng Đình Bách và các nhà hoạt động môi trường được quyền lên tiếng công khai và tự do dẫn đầu phong trào.

 

_______

 

Ghi chú:

 

(1) https://www.euronews.com/green/2024/02/02/air-pollution-is-so-bad-in-this-asian-capital-that-flights-are-being-diverted-due-to-low-v

 

(2) https://www.standwithbach-viet.org/

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats