Monday, 5 February 2024

KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY HOA KỲ BỎ CẤM VẬN THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)

 



Kỷ niệm 30 năm ngày Mỹ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam

VOA Tiếng Việt

03/02/2024

https://www.voatiengviet.com/a/ky-niem-30-nam-ngay-my-bo-cam-van-thuong-mai-doi-voi-viet-nam/7469305.html

 

Hôm 2/2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm đánh dấu 30 năm ngày chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một cột mốc lịch sử đã đưa hai cựu thù trở thành đối tác thương mại lớn và hợp tác chặt chẽ ở tầm chiến lược trong nhiều lĩnh vực.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-8c3a-08dc241f271f_w1023_r1_s.jpg

Tọa đàm 30 năm ngày Mỹ xóa cấm vận thương mại đối với Việt Nam do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, ngày 2/2/2024. Photo Facebook US Embassy in Hanoi.

 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định trong sự kiện được trang Facebook của Đại sứ quán tường thuật trực tiếp rằng việc Washington bãi bỏ cấm vận thương mại đối với Hà Nội 30 năm trước có ý nghĩa rất quan trọng.

 

“Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đã mở đường cho tất cả các bước phát triển tuyệt vời trong quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ”.

 

Ông Knapper nói thêm rằng kể từ khi lệnh cấm vận thương mại được gỡ bỏ năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đến năm 2022, kim ngạch thương mại hai song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt 139 tỷ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995.

 

“Điều này có nghĩa là Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên thế giới của Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam”, vẫn nhà ngoại giao Mỹ phát biểu.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào ngày 3/2/1994, một bước quan trọng được xem là tháo gỡ rào cản cuối cùng để tiến tới bình thường hóa thương mại, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Việc chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao diễn ra vào tháng 7/1995 đánh dấu bằng việc mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC.

 

Sự chuyển vai từ cựu thù thành đối tác ngoại giao này đã tạo tiền đề cho sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thương mại, giáo dục và an ninh khu vực. Vào tháng 9 năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức cao nhất trong thang bậc ngoại giao của Hà Nội.

 

“Tôi nghĩ đó là một quyết định thông minh của Mỹ. Sau khi cấm vận thương mại được dỡ bỏ, các ngân hàng và doanh nghiệp đã đồng loạt vào Việt Nam. Dường như tất cả bọn họ đã mong muốn từ rất lâu và chỉ chờ thời điểm này”, trang VOV dẫn lời Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phát biểu tại buổi thảo luận.

 

Ông Bùi Quang Minh, CEO (Tổng giám đốc điều hành) hệ sinh thái dịch vụ đa ngành Beta Group, nói rằng khi lệnh cấm vận được bãi bỏ ông chỉ là một cậu thiếu niên 11 tuổi ở vùng nông thôn Vĩnh Phúc với môi trường giáo dục nghèo nàn, trường lớp thiếu thốn, nhưng nhờ vậy ông có cơ hội học thạc sĩ ở trường Đại học Harvard ở Mỹ, cũng như ông chứng kiến mối quan Việt-Mỹ ngày càng thắt chặt với nhiều thành quả to lớn ở nhiều lĩnh vực.

 

“Tôi cảm thấy thật biết ơn khi sống trong một thời kỳ mà mối quan hệ đối tác của chúng ta đem lại cho thế hệ chúng tôi rất nhiều giá trị, những điều mà cách đây nhiều năm có thể không tưởng tượng được”, ông Minh phát biểu tại buổi tọa đàm.  

 

Vào đầu tháng 2/1994, Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài tới 19 năm mà Washington áp đặt lên Việt Nam, kể từ khi những người cộng sản thắng Việt Nam Cộng Hòa và kết thúc chiến tranh ở đất nước Đông Nam Á vào cuối tháng 4/1975.

 

Trước Tổng thống Clinton, vào ngày 14/12/1992, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố bãi bỏ một phần lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

 

Tổng thống Clinton dỡ bỏ cấm vận Việt Nam chủ yếu để khuyến khích các nỗ lực hợp tác giữa hai nước nhằm tìm kiếm các tù nhân chiến tranh người Mỹ (POW) và những người còn trong danh sách mất tích trong chiến tranh (MIA). Chính quyền Clinton cũng tin tưởng rằng quan hệ thương mại được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có lợi cho nền kinh tế của cả hai nước, theo Washington Post.

 

Một tài liệu phục vụ cho Quốc hội Mỹ viết rằng vào ngày 2/5/1975, sau khi Bắc Việt đánh bại đồng minh của Mỹ là Việt Nam Cộng Hòa (tức Nam Việt Nam), Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã mở rộng lệnh cấm vận trước đó áp dụng cho Bắc Việt đã có từ năm 1964 của Tổng thống Richard Nixon và áp dụng cho toàn lãnh thổ Việt Nam thống nhất, theo đó các hoạt động thương mại song phương và các giao dịch tài chính đều bị cấm.

 

Một bản tin đăng trên cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Chính phủ Mỹ tin rằng Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris, hiệp định chấm dứt chiến tranh năm 1973, và chưa hoàn thành nghĩa vụ giải trình về các tù binh Mỹ, và chính những điều này dẫn đến việc Washington thực hiện lệnh cấm vận toàn quốc đối với Việt Nam.

 

Trong một cuộc trao đổi với VOA trước đây, ông Chris Runckel, nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 1/1994, cho biết ông đã có mặt ở Hà Nội khi Tổng thống Clinton tuyên bố xóa cấm vận Việt Nam. Ông cho hay vào thời điểm đó gia đình ông phải ở trong khách sạn suốt 7 tháng ròng rã, chứ chưa được ra ngoài thuê nhà hay căn hộ vì hai bên “cứ gây áp lực cho nhau vì các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ”.

 

Ông Runckel nói: “Ban đầu mối quan hệ của cả hai bên là không ai trong chúng tôi thực sự biết nhiều về bên kia. Và đã có rất nhiều nghi ngờ từ cả hai phía”.

 

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Runckel nhận định rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù tiến triển “rất ấn tượng và đáng ngợi khen”. Ông nói: “Từ lúc ban đầu với bao điều nghi kỵ và ngờ vực, nay Washington và Hà Nội là những người bạn”.

 

Tạp chí Đầu tư và Tài chính (Việt Nam Finance) hôm 2/2 có bài viết với tựa đề: “30 năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận: Từ cựu thù tới đối tác chiến lược toàn diện”, nhận định rằng “dẫu có những nỗ lực ngoại giao từ hai phía để thay đổi tình hình, lệnh cấm vận cuối cũng đã kéo dài gần 20 năm vì nhiều lý do khác nhau”. Nhưng điều đáng mừng là “Việt Nam giờ đây đang dần trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ”.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats