Thursday, 1 February 2024

BA BÀI HÁT TƯỞNG NIỆM CÁC OAN HỒN MẬU THÂN 1968 (Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ)

 



Ba bài hát tưởng niệm các oan hồn Mậu Thân 1968

Tuấn Khanh  -  Saigon Nhỏ

31 tháng 1, 2024

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ba-bai-hat-tuong-niem-cac-oan-hon-mau-than-1968/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/b.jpg

Tài liệu báo chí

 

Tưởng niệm, một trong các phương thức, chắc không có gì gần gũi bằng âm nhạc.

 

Tạm viết ra đây ba bài hát với những chi tiết cần thiết, mồn một như lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc, để ngàn đời sau còn được ngâm nga lên trong ký ức dân tộc này.

 

Nếu những kẻ gây ra tội ác chấp nhận sự thật, các giai điệu này nhắc về quá khứ đau buồn và dân tộc cùng nhau gầy dựng lại, để nhắc nhau không đi vào vết xe đổ, để cùng nhau tìm về một tương lai.

 

Còn nếu không, thì những lời hát này, sẽ thay cho hàng ngàn linh hồn oan khuất, mãi mãi vang theo từng bước chân của thế hệ Việt Nam, đòi một cuộc giải oan, đòi một tiếng công bằng từ thảm trạng.

 

Xin dành đôi phút của mùa xuân này, để nghe lại, và nhớ lại và nghĩ lại về đất nước này, như một người Việt Nam đúng nghĩa.

 

 

CHUYỆN MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY

 

“Chuyện Một Cây Cầu Ðã Gãy” là ca khúc viết năm 1968, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 31 tuổi; cho nên, nó không phải là một trong những ca khúc đầu tay của ông như nhiều lời bàn.

 

Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là “Tết Mậu Thân Huế, 1968,” một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy!”

 

Một ca khúc ra đời từ hơn 40 chục năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy.

 

Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai… thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc (?)

 

Ðã thế, ông còn “vẽ” lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng!

 

Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng:

 

“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh – Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh – Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời – Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình – Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ – Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ.”

 

Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.

 

Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về:

 

“Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa – Dập dìu trong tay chan chứa tình thương – Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường – Áo trắng về trắng cầu quê hương – mỗi lần chiều tan trường – Cầu quen đưa bao chuyến xe – Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề – Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê.”

 

“Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em – Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau – Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu – Nước dưới cầu trong veo – Như cuộc tình duyên nghèo…”

 

Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xảy ra:

 

“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui – Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi – Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi – Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…”

 

Nhân nhắc tới ca khúc “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghĩ có dễ ít người biết cách đây nhiều chục năm, khi được nhạc sĩ Anh Bằng đồng ý cho hát thử trong băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm băng nhạc Asia). Nhựt Thanh khi ấy còn rất trẻ, đã chọn ca khúc đó để quyết định vận mệnh đời ca hát của mình…

 

Kết quả, một sớm một chiều, tiếng hát Trường Thanh (tức Nhựt Thanh) được nhiều thính giả đón nhận.

 

Thời gian đó, Trường Thanh không chỉ là một tiếng hát ăn khách, mà anh còn tạo lấy cho mình một trung tâm băng nhạc riêng: Trung Tâm băng nhạc Trường Thanh nữa.

 

(Du Tử Lê – Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Chuyện một Chiếc Cầu Đã Gãy)

 

Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy - Hoàng Oanh (ASIA 11)

 

 

CƠN MÊ CHIỀU

 

Tưởng niệm 50 năm thảm sát năm Mậu Thân, Huế, qua một status của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tìm gặp và trò chuyện được với người nhà của tác giả Cơn mê chiều. Mới biết nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi (Nguyên chứ không phải là Nguyễn như mọi người vẫn nhầm) vẫn còn sống tại Saigon như một ẩn sĩ. Tên thật của ông là Vĩnh Khôi, cháu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

 

Năm 2018, có lẽ là một năm hit của ca khúc này, bởi bài hát “Cơn mê chiều” thoáng nghe qua, cứ tưởng như một chuyện tình buồn trên đất Thần kinh. Thế nhưng đó lại là một trong ca khúc như lịch sử được ghi bằng âm nhạc, sang trọng và nhẹ nhàng, nói về thảm cảnh của người dân Huế trước thảm nạn Cộng sản năm 1968.

 

Theo lời kể của gia đình nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi, thì ông đã viết bài này ngay sau những ngày Tết  Mậu Thân, khi ông vội chạy ra Huế để thăm người yêu, mà sau này là vợ của ông. Bài hát được tức cảm, viết ngay tại thành phố Huế, ngay trước khung cảnh tan hoang của quê nhà.

 

Căn nhà của song thân nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi lúc đó ở đường Phan Bội Châu  (nay là Phan Đăng Lưu), bị trúng đạn. Khi ông tìm đến thì chỉ thấy ngôi nhà đổ nát nên bàng hoàng vì đã không có tin tức gì của người yêu, lại thêm nỗi đau có thể mất cả song thân. Trong cảm xúc đau buồn tột cùng đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi đi lang thang khắp thành phố Huế để nhìn nơi sinh ra của mình, nhìn những cảnh hoang tàn, chết chóc bao phủ … và rồi cảm xúc đó đã viết thành Cơn Mê Chiều.

 

Lúc đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi chỉ vừa 27 tuổi.

 

Từ 10 năm nay, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi ít giao tiếp với bên ngoài, cũng như có sáng tác mới, nhưng chỉ thu âm và chia sẻ với người quen biết.

 

 

BÀI CA TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI

 

Về cái Tết Mậu Thân kinh hoàng ở Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai bài hát là “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người,” và “Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.

 

Một người bạn thân của nhạc sĩ, là hoạ sĩ Trịnh Cung, hồi tưởng rằng Trịnh Công Sơn có kể với ông những tình tiết đã xảy ra cho người nhạc sĩ trong những ngày lưu lại Huế. Hoạ sĩ Trịnh Cung cho biết, tác giả bài ca “Hát Trên Những Xác Người” suýt chút nữa, đã trở thành nạn nhân của Biến Cố Mậu Thân.

 

“Gia đình Sơn bị lùa vào tập hợp tại một điểm tập trung tại Huế. Em Sơn là Trịnh Quang Hà cũng bị lùa vào. May mắn cho Sơn, những người bộ đội là từ miền Bắc vào, họ không biết Sơn là ai. Chứ nếu Sơn bị những người địa phương bắt, thì chắc anh em Sơn cũng đã cùng chung một số phận tại mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu.

 

Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Đài, cũng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã khẳng định, hai nhạc phẩm viết như là vai trò của một nhân chứng.

 

Ông viết: “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi ‘anh em ta về’ thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần tuý do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”

 

Những nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy. Trong bài viết ‘Mass Murder, Mass Burial’ của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau:

 

“Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”

 

Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968, đã để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí. (Sưu tầm)

 

HÁT TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI - KHÁNH LY | Tác giả: Trịnh Công Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=XPYEGob_rR8

 

Lời bài hát:

 

Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn.

 

Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con

 

Mẹ vỗ tay reo mừng xác con

Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình

Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng

Người vỗ tay cho đều gian nan

 

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá

 

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

 

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

Chị vỗ tay hoan hô hòa bình

Người vỗ tay cho thêm thù hận

Người vỗ tay xa dần ăn năn.

 

**************

 © 2021 Khanh Ly Productions, All Rights Reserved.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats