Monday 15 January 2024

Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC PHÊ VỀ CUỐN ‘BÂNG KHUÂNG CẢM XÚC VỀ THỜI CUỘC’ (Hoàng Thụy Hưng)

 



Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC PHÊ VỀ CUỐN ‘BÂNG KHUÂNG CẢM XÚC VỀ THỜI CUỘC’ (cuốn 1)

Hoàng Thụy Hưng 

12-1-2024  23:27   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0QDjsR2zW9TnCytMB5DQ6E4WubFWxeHkqxVw2Rxd2brHbGZ3LmhD8A29wLQZxdW4ql&id=100081822515025

 

TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU SÁCH CỦA NHÀ GIÁO - DỊCH GIẢ - NHÀ VĂN TRƯƠNG QUANG ĐỆ

 

Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC PHÊ VỀ CUỐN ‘BÂNG KHUÂNG CẢM XÚC VỀ THỜI CUỘC’ (cuốn 1)

 

Phong phú, đầy trí tuệ trong một cuốn sách “Tự bạch” của thầy Trương Quang Đệ.

 

Ở Huế, lớp người “có chữ” hầu như ai cũng biết nhà giáo Trương Quang Đệ, bởi ông từng là chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Sư phạm Huế suốt từ năm 1977 đến 1990. Và không chỉ với Huế, Trương Quang Đệ là một tên tuổi trí thức uyên thâm được cả nước biết tiếng với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học về giáo dục và nhiều tác phẩm dịch thuật (chủ yếu từ tiếng Pháp).

 

Có thể nói vui rằng “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” là một tác phẩm độc đáo và “ngoại hạng” của Trương Quang Đệ vì không thể xếp cuốn sách này với bất cứ tác phẩm nào của ông trước đó. Bìa sách cũng không ghi thể loại; “tản văn” là do tôi tạm đặt. Thực ra đây là một “tổng tập” những bài viết không (hoặc ít) liên quan đến các công trình khoa học mà ông đã viết trong nhiều năm qua.

 

Tuy vậy, “với tư cách một giảng viên, chuyên gia dịch giả tiếng Pháp… chủ biên sách giáo khoa dạy tiếng Pháp… vận động thành lập các Trung tâm Pháp ngữ… ông còn có những đóng góp đặc sắc trong nhiều lĩnh vực khác” (Trích bài giới thiệu Trương Quang Đệ của TS. Bùi Mạnh Hùng), các bài viết đầy cảm xúc dưới dạng tản văn của ông vẫn ôm chứa một khối lượng kiến thức phong phú, giúp bạn đọc giàu có thêm rất nhiều về trí tuệ. Xin dẫn bài “Rèn luyện tư duy và trí tuệ qua việc luyện tập làm câu đối và thơ Đường luật” vừa vui, vừa có ích cho không ít người thích làm thơ Đường (mà lại thường sai luật!). Thật vui, khi tác giả đưa vế xuất tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm dùng trêu chọc Trạng Quỳnh: “Da trắng vỗ bì bạch”, cho đến nay chưa ai làm được vế đối thật chuẩn. Theo Trương Quang Đệ, các từ thuộc nhóm trục dọc P và trục ngang S phải bảo đảm các mối liên hệ đúng luật. Ví như hai câu thơ đối nhau của Nguyễn Bình Khiêm:

 

“Khôn nơi cờ bạc là khôn dại,

Dại chốn văn chương ấy dại khôn”.

 

Theo trục P thì “khôn” vần bằng, chỉ có từ đối duy nhất là “dại” vần trắc; hơn thế, hai từ phải thuộc cùng một từ loại (ở đây là tính từ), cùng một cấu trúc (đơn hay láy…) và cùng một “không gian” (tức cùng ý niệm như màu sắc, số đếm, hình dáng…) … Theo trục S cũng có những quy luật chặt chẽ như thế. Vậy nên dù có người cố gắng đáp lại nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với vế đối “Con nhỏ ở tử tế” hay “Rừng sâu mưa lâm thâm” đều chưa được…” duyệt”!

 

Qua một bài viết “chơi chơi”, Trương Quang Đệ đã chứng tỏ mình không chỉ thành thạo tiếng Pháp mà rất sành ngôn ngữ tiếng Việt. Trong cuốn sách này, có đến 7 bài viết về tiếng Việt, trong đó bài “Cùng nhau tìm hiểu tiếng Việt” gồm 5 phần, dài trên 30 trang, giúp bạn đọc hiểu thêm nhiều khía cạnh phong phú và khá thú vị của ngôn ngữ Việt… Cũng trong bài viết “chơi chơi” về câu đối và thơ Đường, Trương Quang Đệ còn “trình diễn” tác phẩm theo thuật… toán!

 

Đọc “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc”, thật bất ngờ khi biết ông từng dạy Toán tại Trường cấp 3 Lam Sơn Thanh Hóa và trước năm 1970, từng được cử làm chuyên gia dạy Toán ở châu Phi! Vậy mà chỉ với 2 chuyến thực tập ngắn hạn tại Pháp, Trương Quang Đệ đã trở thành một chuyên gia về Pháp ngữ nổi tiếng, là dịch giả những tác phẩm triết học rất khó của triết gia đương đại Pháp Francois Jullien. Vài nét “chấm phá” như thế đủ cho chúng ta thấy thầy Trương Quang Đệ không chỉ là một con người đa tài mà còn nêu một tấm gương về tinh thần mê say nghiên cứu, học hỏi, không ngừng vươn tới những tầm cao trong nhiều lĩnh vực.

 

                                                     ***

 

Đọc “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” của Trương Quang Đệ có cái thú như được dự một bữa tiệc nhiều món ngon lành, lại đáp ứng khẩu vị của các tầng lớp “thực khách” khác nhau. Những bạn đọc quan tâm đến thời cuộc hẳn sẽ thích thú chia sẻ cùng tác giả về nhiều vấn đề văn hoá - xã hội được trình bày trong tác phẩm. Có chuyện rất thời sự như “Tâm tư thời dịch Covid-19”, sau khi bày tỏ cảm xúc “lo lắng cho bà con, bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước”, tác giả đặt vấn đề mà nhân loại hẳn còn lâu mới tìm được giải pháp thỏa đáng: “Tại sao loài người bị trừng phạt nghiêm khắc như vậy vào thời đại này?... Bởi lẽ loài người ngày càng lún sâu vào một lối sống trái với lẽ tự nhiên…”; cũng có bài như một tiểu luận, gồm 3 phần hẳn hoi, gợi nhiều vấn đề đáng suy nghĩ, ôm chứa không-thời gian rất rộng: “Bàn về cách nhìn lịch sử”. “Tiểu luận” của Trương Quang Đệ không khô cứng như nhiều bài nghiên cứu chúng ta thường đọc, mà tung tẩy, tùy hứng như một “nhàn đàm”; từ mối lo của nhiều người cho rằng lớp trẻ ngày nay không thích học văn, học sử, kiến thức thua kém thế hệ trước, tác giả dẫn “biểu đồ Pareto” cho biết trong mỗi cộng đồng, luôn có 20% biết cách xoay xở, tìm đúng hướng đi phù hợp thời đại mới…; tác giả bàn đến quan hệ Việt - Pháp, rồi Việt - Mỹ với hai cái mốc là sự kiện Hồ Chủ tịch được mời qua thăm nước Pháp năm 1946 và việc Cụ Hồ tiếp xúc với phái bộ Mỹ ở Vân Nam năm 1945… để rồi kết thúc “Tiểu luận” bằng ca khúc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn: “Đi lên non cao đi về biển rộng… Lại thấy trong ta hiện bóng con người”.

 

Suy cho cùng thì qua mấy chục bài tản văn (cũng có thể gọi là “nhàn đàm”) về các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, tác giả đều vì con người - nhất là lớp người đối diện “với những thay đổi của cuộc cách mạng lần thứ tư” vẫn phải biết “con người không chỉ sống bằng vật chất… mà còn có cuộc sống tinh thần đa dạng phong phú…” (Trích từ bài “Tìm cách sống hài hòa thích nghi với trào lưu cách mạng công nghiệp mới”). Không thể trích dẫn nhiều hơn từ những bài viết của Trương Quang Đệ, nhưng chỉ đọc một số nhan đề đã thấy tác giả chính là một kiểu mẫu con người có “cuộc sống tinh thần đa dạng phong phú”. Phải như thế thì một ông già 85 tuổi, mặc dù là một thầy giáo, một chuyên gia có tiếng về Pháp ngữ - tức là chỉ thông thạo một chuyên môn có tính “công cụ” - lại có thể bàn đến mọi chuyện trên đời. Thì đây: Chữ Quốc ngữ ơi, ta chào mi! - Nền học vấn nào mở đường vào khoa học - Nỗi lo văn hóa - Nhân tố nào tạo nên sự phát triển? - Nỗi lo giáo dục - Chí Phèo và AQ - Đạo Phật và đời sống quanh ta - Vài suy nghĩ về giao thông đô thị - Tản mạn nhân ngày Valentin vân vân và vân vân… Trương Quang Đệ còn viết “Tản mạn về Mắt Biếc, phim và truyện” thì quả là phải… chào thua!

 

                                                      ***

 

Như thế, với trên 50 bài viết, có thể xem “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” như là một “tự bạch” của thầy Trương Quang Đệ, mặc dù trong tác phẩm này, ông chưa chú tâm viết về cuộc đời mình và quê hương - làng Mai Xá, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Tuy vậy, qua đoản văn “Sinh nhật”, tác giả viết chỉ để “bày tỏ niềm cảm xúc chân thành trước những lời chúc mừng sinh nhật… tuổi 84 (tuổi Tây) tức là 85 (tuổi Ta)…”, chúng ta cũng biết được một số chi tiết về ba chặng đường của ông từ tuổi ấu thơ - cậu bé làng Mai Xá theo cha lên chiến khu Ba Lòng rồi lặn lội đi dần ra Bắc trở thành một chuyên gia ngôn ngữ được nhiều người kính nể. Cuối bài viết, Trương Quang Đệ có hẹn, “Nếu sức khỏe cho phép, sẽ viết tiếp những chặng đường khác về sau…” của cuộc đời mình…

 

Chúng ta chờ được đọc tiếp hồi ký của ông và tin rằng đó là những trang viết giàu tư liệu và tràn đầy cảm xúc của một người thầy mẫu mực và từng trải…

 

CHUYỆN TÂM TƯ THỜI DỊCH BỆNH: SUY NGHĨ VỀ TƯ DUY ĐỘC LẬP

 

Giãn cách xã hội được hơn một tháng rồi nhưng có vẻ chưa kết thúc được mà còn thêm một thời gian dài nữa. Ngồi suy nghĩ miên man bỗng nhớ lại một kỷ niệm thời dạy học ở châu Phi. Trong một lớp hỗn hợp các sinh viên toán và lý năm thứ hai ngành sư phạm, tôi vừa giảng xong một vấn đề khó. Tôi ngừng lại ít phút, nhìn xuống toàn lớp, hỏi xem mọi người đã hiểu những gì tôi giảng chưa và có ai muốn hỏi gì không. Một cậu sinh viên ngồi bàn cuối giơ ta:

 

- Thưa thầy, trong các bài giảng của thầy, hầu hết các định luật, định lí, tiên đề đều do những người châu Âu, Bắc Mỹ nghĩ ra. Hầu như không có tên tuổi của những tác giả thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, tại sao vậy?

 

Tôi nhớ lại hồi đang học phổ thông trung học, tôi cũng có lần đặt câu hỏi như vậy cho một thầy dạy toán. Lần đó thầy chưa kịp giải đáp thì có tiếng kẻng báo động máy bay nên thầy trò phân tán vào các hầm trú ẩn. Về sau cả thầy lẫn trò không ai nhớ đến chuyện đó nữa.

 

Tôi mỉm cười nhìn cả lớp rồi thong thả nói với họ rằng câu hỏi thật thú vị. Tuy nhiên bản thân tôi chưa có ý kiến gì dứt khoát, tôi chỉ đưa ra đây những gì tôi thấy sách báo tiếp cận vấn đề này. Có nhiều cách giải thích tùy thuộc quan điểm chính trị xã hội cùa người phát biểu. Thoạt tiên là lí thuyết thượng đẳng chủng tộc của phe phát xít quốc xã. Theo lí thuyết này chỉ có chủng tộc Aryan ở châu Âu mới có trí tuệ vượt trội hơn các chủng tộc khác. Đương nhiên ta phải lên án lí thuyết này vì nó không có cơ sở khoa học, lại đậm nét chính trị cực đoan. Tiếp đó là thái độ phân biệt chủng tộc, coi người da trắng ưu việt hơn các màu da khác. Thái độ này thường thấy ở Mỹ và ở Nam Phi. Đối lại, cánh tả phương Tây và các nước xã hội chủ nghĩa coi việc chậm tiến của các nước Á, Phi, Mỹ La tinh là hậu quả của chủ nghĩa thực dân. Do bị các nước thực dâ châu Âu kìm hãm, các nền khoa học của các nước bị thực dân thống trị khó phát triển. Từ năm 1960 trở đi, khi chủ nghĩa thực dân kết thúc, ta thấy xuất hiện một số công trình khoa học tầm cỡ của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Các bạn học thêm vài năm nữa sẽ có dịp tiếp cận một số tác giả Á, Phi, Mỹ La tinh. Tôi đưa ra vài quan điểm như vậy để mọi người tham khảo. Bản thân tôi cũng sẽ tìm hiểu thêm để có một cách nhìn thuyết phục.

 

Từ dạo đó đến nay đã ngót 50 năm, thú thực tôi vẫn chưa tìm được câu giải đáp ưng ý. Hôm qua, ngày 14/8/2021 tôi tình cờ đọc trên mạng bài của facebooker DUCPHO, viết cách đây 5 tháng, về một giai thoại liên quan đến nhà vật lý lỗi lạc người Đan Mạch, Niels Bohr, người đã đặt nền tảng cho lí thuyết cấu trúc nguyên tử và ngành cơ học lượng tử, giải Nobel năm 1922.

 

Khi còn là sinh viên, Bohr phải trải qua một kỳ thi có môn vật lý với đầu như sau: “Hãy dùng một phong vũ biểu để đo chiều cao của một cao ốc”. Trong khi các bạn của Bohr vận dụng kiến thức đã học về áp suất không khí để giải bài toán, Bohr nộp bài với lời giải ngắn gọn: “Dùng một sợi dây dài buộc vào đầu phong vũ biểu rồi thả dây từ mái cao ốc xuống chạm đất. Chiều dài sợi dây cộng với chiều dài phong vũ biểu sẽ là chiều cao của tòa nhà”. Bohr bị đánh trượt vì cách giải đó. Bohr làm đơn xin phúc khảo, nói rằng các giải của anh ta không sai. Ban giám khảo trả lời Bohr rằng cách giải của anh ta không sai nhưng không liên quan gì đến vật lý cả. Ban giám khảo chiếu cố cho Bohr được thi lại bằng 10 phút vấn đáp. Bohr có mặt ngay đầu giờ nhưng ngồi im lặng không nói gì trong khoảng 9 phút. Các giám khảo sốt ruột giục anh ta trình bày cách giải. Đến lúc đó Bohr mới trình bày lần lượt sáu cách giải bài toán.

 

Cách 1 là cách giải anh đã nộp lần trước. Anh cho biết cách này chỉ dùng kiến thức bậc tiểu học.

 

Cách 2 là cách dùng các tam giác đồng dạng: Đo hình chiếu của phong vũ biểu đưới ánh mặt trời rồi so sánh với hình chiếu của cao ốc. Theo anh cách này dùng kiến thức bậc phổ thông cơ sở.

 

Cách 3 sử dụng công thức về vật rơi tự do: Từ mái nhà cho phong vũ biểu rơi tự do rồi ghi thời gian nó chạm đất. Chiều cao tòa nhà bằng một nửa gia tốc trọng trường nhân với bình phương thời gian rơi. Cách này dùng kiến thức bậc phổ thông trung học nhưng chú ý rằng ta sẽ làm vỡ phong vũ biểu, vậy phải tránh cách này.

 

Cách 4 là cách mà các thầy mong đợi, tức là dùng phong vũ biểu đo áp suất không khí ở mặt đất và trên mái nhà rồi qui độ chênh lệch đó từ milibar ra mét. Theo Bohr cách này tẻ nhạt vì chỉ áp dụng náy móc theo lối mòn điều đã học mà không cần suy nghĩ gì thêm.

 

Cách 5 là cách riêng của Bohr và có thể các thầy không biết, thậm chí không hiểu. Buộc phong vũ biểu vào một sợi dây ngắn và cho lắc lư dao động ở mặt đất và trên cao. Từ tính chất dao động có thể suy ra chiều cao tòa nhà bằng một số phương trình phức tạp. Bohr đã ghi sẵn và sẽ nộp cho các thầy sau.

 

Cách cuối cùng là cách mà ai cũng làm được không cần học vấn gì, đó là mang phong vũ biểu tặng cho viên quản lý cao ốc rồi hỏi ông ta về chiều cao của tòa nhà. Thế thôi.

 

Qua cuộc vấn đáp này, ban giám khảo phải nể phục Bohr và nhận ra rằng đề thi sơ hở về mặt tư duy. Đề đó chỉ nhằm làm cho sinh viên đi theo lối mòn vạch sẵn, không có chỗ cho suy nghĩ độc lập. Đáng ra phải ghi thêm vào đề thi: “Chỉ dùng phong vũ biểu theo chức năng cơ bản của nó”.

 

Tóm lại, nhân tài, trong đó có các tác giả định lí toán học, định luật vật lý, hóa học là những người được hưởng một nền giáo dục chấp nhận phản biện, chấp nhận suy nghĩ độc lập. Phương Tây sớm có một nền giáo dục như vậy. Trong khi ở phương Đông, giáo dục nhằm mục đích học thuộc những lời của thánh hiền, chấp nhận lời thánh hiền mà không phản biện, không suy nghĩ gì thêm. Chẳng hạn Đức Thánh phán “Nhân chi sơ tính bản thiện” thì các đệ tử ghi lấy và học thuộc lòng, không cần biết lời phán có cơ sở khoa học hay không hay chỉ là điều mong muốn. Vì được suy nghĩ độc lập nên người châu Âu thích khám phá cái mới trong mọi lĩnh vực: khoa học, lịch sử, địa lí, văn hóa phong tục v.v. Việc yêu thích khám phá thế giới giúp cho Mouhot tìm ra di tích Angkor ở Campuchia (thời đó đang thuộc về nước Xiêm), Yersin tìm ra Đà Lạt và nhiều vùng cao có khí hậu ôn hòa khác ở nước ta.

 

Tôi cho rằng nếu nền giáo dục của ta chấp nhận tính suy nghĩ độc lập thì các sách giáo khoa và cách giảng dạy sẽ không còn khập khiễng như hiện nay.

 

 

MỘT CHUYỆN VUI VỀ TƯ DUY RẬP KHUÔN

 

Tôi vừa đọc được trên mạng xã hội bài viết của facebooker Lê Văn Thịnh về chuyện một ứng viên trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng của Microsoft bị đánh trượt vì một câu hỏi quá dễ sau khi anh ta đã vượt qua nhiều câu hỏi khó khăn gấp bội. Câu hỏi mà anh ta không đạt yêu cầu là “Tính diện tích của tam giác vuông có cạnh huyền bằng 10 và chiều cao bằng 6”. Câu trả lời của ứng viên đó là: diện tích tam giác bằng 10 nhân 6 chia đôi thành 30. Người phỏng vấn hỏi đi hỏi lại xem câu trả lời như vậy ổn chưa. Ứng viên vò đầu suy nghĩ hồi lâu rồi khẳng định trả lời như vậy là đúng. Người phỏng vấn cho anh ta biết anh ta không đạt yêu cầu và chỉ việc ra về thôi. Anh ta thắc mắc thì được trả lời là một tam giác vuông có đáy 10 và chiều cao 6 không tồn tại. Lúc đó anh ta mới ngớ người biết mình cứ rập khuôn công thức mà làm, không nghĩ đến chuyện các giả thiết có thừa thiếu mâu thuẫn hay không. Đa số chúng ta có lẽ cũng hành xử như anh ứng viên kia vì từ các lớp cuối cấp tiểu học trở đi ta cứ thuộc làu công thức tính diện tích tam giác: cạnh đáy nhân chiều cao chia đôi.

 

Đáng ra trước câu hỏi như vậy ta phải kiểm tra xem giả thiết thừa thiếu gì không. Muốn tính diện tích tam giác chỉ cần biết chiều dài cạnh đáy và chiều cao la đủ. Thế mà trong câu hỏi của Microsoft lại có giả thiết tam giác vuông. Chính giả thiết thừa đó gây mâu thuẫn. Bởi lẽ nhìn vào hình vẽ ta thấy một khi đường huyền là 10 thì trung tuyến AM phải bằng 5 (trung tuyến bằng nửa đường huyền). Trong tam giác AHM cạnh AH không thể lớn hơn AM, tức là không thể bằng 6 được. Tóm lại một tam giác vuông như vậy không tồn tại. Tuy nhiên thói quen của chúng ta là nhắm mắt áp dụng công thức mà không cần suy nghĩ gì hơn. Thói quen đó đến từ một nền giáo dục chấp nhận vô điều kiện lời thánh hiền và tiếp đó là thấm nhuần tư tưởng A, B này nọ đến từ cõi xa xăm nào đó. Tư duy duy ý chí là một dạng tư duy rập khuôn có hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Ứng dụng vào bài toán tam giác, tư duy duy ý chí chỉ nhìn vào chiều cao mà không biết cạnh huyền ra sao. Chẳng hạn trong thập kỷ trước, người ta muốn đưa nước ta đến năm 2020 thành một nước công nghiệp tiên tiến hùng mạnh. Chiều cao là vậy nhưng cạnh huyền thế nào? Cơ sở hạ tầng ngổn ngang, hành chính nhiêu khê, giáo dục không chất lượng, tư duy lạc hậu… và còn biết bao thứ khác nữa.

 

.

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=375522698518478&set=pcb.375522361851845

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=375522945185120&set=pcb.375522361851845

 

 

1 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats