Sunday, 28 January 2024

VỤ THỦ THIÊM : "KHIẾU KIỆN HƠN 1/4 THẾ KỶ, NAY LẠI ĐI VÀO NGÕ CỤT" (RFA)

 



Vụ Thủ Thiêm: “Khiếu kiện hơn 1/4 thế kỷ, nay lại đi vào ngõ cụt”

RFA

2024.01.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thu-thiem-petitioners-filing-a-lawsuit-for-more-than-20-years-now-reaching-a-dead-end-01262024125234.html

 

Nội dung trong Thông báo mới nhất của Thanh tra chính phủ xác định năm khu phố ba phường nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này khiến bà con Thủ Thiêm thất vọng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thu-thiem-petitioners-filing-a-lawsuit-for-more-than-20-years-now-reaching-a-dead-end-01262024125234.html/@@images/3b82a5a7-933a-4e34-8a74-b0aaee94c105.jpeg

Người dân Thủ Thiêm trong một buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TPHCM năm 2018.  (Courtesy of Vietnamnet)

 

Ý kiến của người dân

 

Thông báo số 2859 của Thanh tra Chính phủ là văn bản mới nhất liên quan đến tình hình khiếu kiện ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành hồi tháng 11 năm ngoái. Ban Tiếp công dân Trung ương mới chính thức thông báo với người dân Thủ Thiêm trong một cuộc họp hôm 9/1.

 

Một trong những nội dung trong thông báo được truyền thông loan đó là việc xác định “số thửa đất của các hộ dân đang khiếu nại của 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.”

 

Trả lời trong bài viết của RFA đăng tải hôm 10/1 sau cuộc họp hôm 9/1, nhiều người dân Thủ Thiêm lên tiếng phản đối nội dung trong thông báo mới nhất của Thanh tra chính phủ.

 

Ông Nguyễn Hồng Quang, một người dân Thủ Thiêm nói với RFA rằng ông vô cùng thất vọng vì đã đeo đuổi để tìm sự thật pháp lý hơn 1/4 thế kỷ, đến nay lại đi vào ngõ cụt. Ông cho rằng: Khi ánh sáng vừa lóe lên năm 2018 rồi nay Thanh tra Chính lại phủ dập tắt: 

 

“Thông báo kết luận sai lầm như vậy làm xô lệch địa tô hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước và của người dân; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.

Hàng triệu tỷ đồng bỏ vào túi của ai trong khi ngân sách quốc gia là không có và người dân cũng không có. Nhóm nào, sân sau của ai mà lại tàn bạo, làm cho thanh tra sợ như thế?”

 

Ông Nguyễn Hồng Quang, cũng là đại diện của nhóm khiếu kiện ở năm khu phố ba phường, thuộc 160 ha tái định cư, giải thích thêm:

 

160 ha nằm liền kề với Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nghĩa là nó không nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đó là thực tế văn bản của Thủ tướng. Mình phải trung thành với bản văn và bản văn là cơ sở lý luận, chứ mình không thể suy diễn, suy đoán không đúng.”

 

Ông Nguyễn Hồng Quang suy đoán, với thông báo 2859, liệu có phải Thanh tra Chính phủ muốn bảo vệ những người cưỡng chế trái luật nhà đất của bà con Thủ Thiêm như ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM) hay không?

 

“Tôi rất ngạc nhiên bởi vì Thanh tra Chính phủ họ biết hết nhưng họ cố tình vì một cái sức ép nào đó. Tôi nghĩ rằng ông Phó thủ tướng Lê Minh khái lén lút ra kết luận 2958 luôn để hợp thức hóa cho ông Hải, ông Cang, ông Đua…để hợp thức hóa cái sai phạm đó.”. 

 

Ông Cao Thăng Ca, một người dân có đất ở năm khu phố ba phường, nói với RFA:

 

“Bây giờ chúng tôi không còn khiếu nại trong ranh hay ngoài ranh nữa mà chúng tôi khẳng định rằng và Thanh tra Chính phủ cũng đã khẳng định còn 144,6 hecta chưa bị thu hồi nhưng đã bị TPHCM thu hồi một cách trái pháp luật thì tôi nói thẳng đi là tội hình sự.”

 

Ông Ca cho rằng theo Thông báo số 1483 của Thanh tra Chính phủ ban hành năm 2018 ghi rõ: Tại tờ trình 1861 năm 1996 của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm, nêu: Khu chuyển dân tái định cư có diện tích khoảng 160 ha, bố trí phía Đông, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch. 

 

Sau đó, Lê Thanh Hải khi đó là Chủ tịch UBND TPHCM đã ra nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chuyển thêm đất từ khu tái định cư 160 ha vào trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm mà ban đầu xác định chỉ có 770 ha.

 

Kết quả là đã có 144,6 hecta trong 160 ha, đáng lẽ dành cho việc tái định cư cho bà con thì chính quyền TPHCM lại cưỡng chế khi chưa có quyết định thu hồi đất và giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án.

 

Điều này dẫn đến tình trạng không còn đủ đất để sắp xếp tái định cư cho bà con. Để lấp liếm sai phạm, ông Hải lại chỉ đạo thay đổi quy hoạch tái định cư, lấy thêm đất ở các nơi khác, chia thành thành 3-4 địa điểm và đẩy người dân ra xa khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

 

Cũng theo ông Ca, TPHCM đã lấy đất của dân một cách tuỳ tiện khi chưa có quyết định thu hồi đất rồi bồi thường theo Luật đất đai năm 1993, với chỉ hơn một triệu đồng/mét vuông. Trong khi đó, chỉ vài năm sau, nếu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thì người dân cũng sẽ được bồi thường theo giá của Luật đất đai 2003, hoặc theo Nghị Quyết số 18 của Trung Ương, rằng khi giải toả, phải tạo cho dân có nơi ở mới hơn hoặc bằng nơi ở cũ: 

 

“Thành ra bây giờ, kết luận mới nhất các anh muốn nói sao thì kệ, chúng tôi không quan tâm nữa. Nếu các anh đã xác định là nhà đất của chúng tôi chưa bị thu hồi đất, yêu cầu bây giờ nếu các anh muốn lấy thì phải có quyết định thu hồi đất thì mới được lấy và phải bồi thường cho chúng tôi theo luật đất đai hiện nay.”, ông Ca nói.  

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thu-thiem-petitioners-filing-a-lawsuit-for-more-than-20-years-now-reaching-a-dead-end-01262024125234.html/thuthiem1rfa.jpeg/@@images/7c64a7ce-c682-4c27-b61c-5a762d846990.png

Khu đô thị mới Thủ Thiêm

 

 

Dân có quyền yêu cầu thanh tra lại

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã theo dõi vụ việc ở Thủ Thiêm từ nhiều năm nay cho biết, cái Thông báo 2859 có thể là một phần rút gọn của một bản “kết luận thanh tra”, do Thanh tra Chính phủ lập và ký tên. Khi Thanh tra gởi qua cho Chính phủ thì họ chỉ copy những đoạn mà họ cho là quan trọng và làm thành văn bản thông báo do Phó thủ tướng ký.

 

Trong văn bản thông báo gởi đến người dân có trích dẫn nội dung từ kết luận thanh tra nhưng không đầy đủ. Vì vậy, người dân sẽ không biết là Thanh tra Chính phủ dựa vào đâu để đưa ra kết luận.

 

Về cơ sở pháp lý, luật sư Mạnh cho biết Kết luận/Thông báo của Thanh Tra Chính Phủ không có hiệu lực cưỡng hành với những người khiếu nại, nhưng nó sẽ là cơ sở pháp lý để Thủ Tướng, hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, ra Quyết định giải quyết khiếu nại. Quyết định này có thể sẽ bác bỏ khiếu nại của người dân và nó có có hiệu lực cưỡng hành.

 

Do đó, luật sư Mạnh xác nhận nếu người dân cho rằng Kết luận/Thông báo của Thanh Tra Chính Phủ không đúng, thì người dân có quyền khiếu nại hoặc yêu cầu thanh tra lại và nên làm sớm, trước khi có quyết định giải khiếu nại: 

 

“Ngay lúc này phải làm liền là (người dân-pv) không đồng ý với thông báo này đồng thời yêu cầu đưa cho mình văn bản kết luận của thanh tra chính phủ luôn.”

 

------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Dân kiện Thủ Thiêm trước kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ

 

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt - Tiếng nói bảo vệ dân oan bị dập tắt

 

Dân Thủ Thiêm về dựng nhà tạm, lãnh đạo hứa không giật sập nhưng nuốt lời

 

Vụ Thủ Thiêm: Dân về dựng nhà trên đất cũ sau nhiều lần chính quyền thất tín

 

Đền bù tổn thất tinh thần cho dân bị thu hồi đất: cần đúng luật là tốt lắm rồi!

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats