Tuesday, 16 January 2024

VAI TRÒ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM : NHỮNG HÀM Ý SÂU RỘNG (Nguyễn Khắc Giang / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Vai trò của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chính trị Việt Nam: Những hàm ý sâu rộng

Nguyễn Khắc Giang

01/03/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/03/01/vai-tro-cua-tbt-nguyen-phu-trong-trong-chinh-tri-viet-nam/

 

Vào đêm ngày 21 tháng 1 năm 2023, người dân đón chào năm mới với các hoạt động thường lệ như ăn bánh chưng, xem Táo Quân, và ngắm pháo hoa đêm Giao thừa. Nhưng có một sự kiện bất thường: người đọc lời chúc Tết đầu năm là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, thay vì Chủ tịch nước như truyền thống khởi nguồn từ năm 1946.

 

Nhìn bề ngoài, lựa chọn này một phần là do vấn đề hoàn cảnh. Chỉ một tuần trước Tết Nguyên đán, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã xin từ nhiệm, trong khi phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân không có đủ cả sức nặng thẩm quyền (vì bà chưa phải là ủy viên Bộ chính trị) và sự ủng hộ rộng rãi cho nhiệm vụ này. Hơn nữa, khi đất nước đang có những thay đổi chính trị gần đây với ba nhà lãnh đạo chủ chốt – Phó Thủ tướng Phạm Binh Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – cùng từ nhiệm trong thời gian ngắn, Tổng bí thư là lựa chọn hợp lý để đưa ra thông điệp toàn dân, đặc biệt khi tầm ảnh hưởng của ông ngày càng nổi bật.

 

Tuy nhiên, động thái này có nhiều hàm ý sâu rộng. Nó cho thấy vị thế bao trùm của Đảng Cộng sản, và cá nhân TBT Trọng trong hệ thống chính trị. Cán cân quyền lực giữa Đảng và Nhà nước hiện đang được cho là nghiêng nhiều hơn về phía Đảng. Cơ chế tập thể lãnh đạo tồn tại trước nhiệm kỳ của TBT Trọng đã suy yếu trong bảy năm của chiến dịch chống tham nhũng. Vị thế của TBT hiện tại còn lớn hơn so với tại Đại hội 13 vào năm 2021, khi Điều lệ Đảng – vốn chỉ cho phép một cá nhân giữ hai nhiệm kỳ Tổng bí thư – bị bỏ qua để cho phép ông giữ nhiệm kỳ thứ ba. Vào thời điểm đó, các nhà quan sát tin rằng TBT Trọng không có đủ ưu thế chính trị để đưa ứng viên mà ông ủng hộ, ông Trần Quốc Vượng, lên vị trí số một, và do đó, việc ông ở lại là lựa chọn thỏa hiệp. Vì thế, dù Đại hội 13 được một số nhà phân tích coi là “chiến thắng cuối cùng” của TBT Trọng, việc ông ở lại minh chứng cho điểm yếu thay vì thế mạnh của ông.

 

Dù những phỏng đoán vào thời điểm đó có đúng hay không, nhận định đó giờ đây đã lỗi thời. Sự thoái lui của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, từng được coi là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của TBT Trọng tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026, đã loại trừ một trong những cơ sở quyền lực mạnh nhất và tiếp tục củng cố vị trí trung tâm của TBT Trọng trong hệ thống “tứ trụ” của Việt Nam. Về cả quyền uy lẫn quyền lực, hai “trụ” còn lại ít có khả năng đối trọng với TBT Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là đang phải đối mặt với áp lực lớn do mối liên hệ với một “đại án” tham nhũng, trong khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cho là gần gũi với TBT Trọng.

 

Trong bối cảnh như vậy, không khó hiểu khi ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, ca ngợi TBT Trọng là “hạt nhân lãnh đạo” – ngôn ngữ được Đảng Cộng sản Trung Quốc dung để mô tả ông Tập Cận Bình. Mặc dù điều này không ngụ ý rằng TBT Trọng đang cố gắng tạo ra một hệ thống lãnh đạo cá nhân hay giữ ghế trọn đời như ông Tập Cận Bình, lời ngợi ca của ông Thưởng phản ánh quan điểm phổ biến rằng vai trò của TBT Trọng là không thể thay thế trong môi trường chính trị hiện tại.

 

Sự thống lĩnh của TBT Trọng đảm bảo rằng chiến dịch chống tham nhũng, vốn làm nên thanh danh của ông, sẽ không hạ nhiệt khi ông còn tại vị. Trong buổi hội nghị trực tuyến với lãnh đạo của 63 tỉnh thành đầu năm nay, ông tuyên bố rõ ràng rằng ai ngần ngại chống tham nhũng thì nên đứng sang một bên.

 

Dưới sự chỉ đạo của TBT Trọng, các cơ quan của Đảng là công cụ chính trong chiến dịch chống tham nhũng, dẫn đến sức mạnh ngày càng tăng của bộ máy Đảng trong tương quan với bộ máy nhà nước. Vào năm 2013, TBT Trọng là người thúc đẩy chính để thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Chống Tham nhũng, được đặt dưới sự quản lý của Bộ Chính trị thay vì chính phủ. Năm 2022, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh, một sáng kiến khác của ông Trong, được thiếp lập ở tất cả các địa phương. Đứng đầu bởi bí thư tỉnh ủy, các ủy ban này chịu trách nhiệm giám sát các cuộc điều tra chống tham nhũng ở cấp địa phương và gửi báo cáo hàng quý về cho ban chỉ đạo trung ương.

 

TBT Trọng cho rằng suy thoái tư tưởng chính trị là nguyên nhân chính của tham nhũng. Vì thế trong nhiệm kỳ của mình, ông đã thực hiện những biện pháp mạnh tay để tái tăng cường sự kiểm soát của Đảng với các không gian tư tưởng. Bên trong hệ thống, Đảng viên phải học tập các kinh điển về chủ nghĩa xã hội, gồm cả cuốn sách 800 trang “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” chắp bút bởi chính TBT Trọng. Bên ngoài hệ thống, chính quyền siết chặt kiểm soát với báo chí-truyền thông, mạng xã hội, và xã hội dân sự.

 

Trong khi sự thống lĩnh của TBT Trọng là dấu hiệu tích cực cho cuộc chiến chống tham nhũng, tầm ảnh hưởng bao trùm của ông cũng mang tới một số rủi ro. Trước tiên, mặc dù có cơ chế phân chia vai trò, các lãnh đạo chính trị hiện tại thường đợi ý kiến chỉ đạo của TBT trước khi đưa ra các quyết định lớn, từ chính sách kinh tế cho đến các vấn đề nhân sự. Sự tập trung hóa phi chính thức này có thể khiến quá trình ra quyết định chính sách chậm hơn và làm tăng nguy cơ các quyết sách không tối ưu được đưa ra, trong khi làm suy giảm cơ chế quyết định tập thể truyền thống của Đảng.

 

Thứ hai, vấn đề độ tuổi và sức khỏe của TBT khiến bức tranh nhân sự sau khi ông rời đi trở nên không rõ ràng. Ông Trọng sẽ 80 tuổi vào năm tới và có những vấn đề sức khỏe mà chính ông công khai thừa nhận. Vì thế, sẽ ít khả năng ông tại vị sau năm 2026, khi Đại hội 14 được triệu tập. Nếu cơ chế “hạt nhân lãnh đạo” được giữ nguyên, câu chuyện người kế vị tiếp tục là ẩn số. Uy quyền của TBT Trọng dựa trên danh tiếng của ông là người trong sạch nhất trong hệ thống, và bất kỳ ứng viên tiềm năng nào cũng sẽ gặp khó trong việc xây dựng quyền uy tương tự. Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kế vị nếu không có ứng viên nào đủ tiêu chuẩn cho vị trí lãnh đạo hạt nhân.

 

Thời đại hậu Nguyễn Phú Trọng cũng có thể tái xuất hiện cơ chế lãnh đạo tập thể như trước. Nhưng khi các nhóm quyền lực và thông lệ cũ bị phá vỡ, việc tái thiếp lập và duy trì một trang thái cân bằng mới là không dễ dàng.

 

--------------------------------

Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên Khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.

 

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.

 

=================================

 

Có thể bạn quan tâm:

  1. Chính trị Việt Nam có theo bước Trung Quốc?
  2. Điều gì thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?
  3. Kỳ vọng gì từ cấu trúc quyền lực mới của Việt Nam?
  4. Nhìn lại ba năm cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam
  5. Liệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ở lại sau Đại hội 13?
  6. Báo Nhật Nikkei nói về việc TBT Trọng đắc cử nhiệm kỳ ba
  7. Con đường chính trị của Nguyễn Phú Trọng
  8. Thời báo Hoàn cầu: Ý nghĩa đặc biệt quan hệ Trung-Việt, một số nước lớn không hiểu được

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats