Thursday, 25 January 2024

TỶ LỆ SINH GIẢM KỶ LỤC : VÌ SAO DÂN PHÁP KHÔNG MUỐN SINH CON? (Chi Phương / RFI)

 



 

Tỷ lệ sinh giảm kỷ lục: Vì sao dân Pháp không muốn sinh con ?

Chi Phương   -  RFI

Đăng ngày: 24/01/2024 - 11:49

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240124-t%E1%BB%B7-l%E1%BB%87-sinh-gi%E1%BA%A3m-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-v%C3%AC-sao-d%C3%A2n-ph%C3%A1p-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-sinh-con%C6%B0

 

Trong năm 2023, số trẻ em sinh ra tại Pháp đã giảm đến 6,6% và tỷ lệ sinh đẻ đã giảm xuống còn 1,64 trẻ/phụ nữ, mức thấp nhất từ một thế kỷ qua. Điều này đã khiến chính phủ Pháp quan ngại, nên phải đưa ra thêm các đãi ngộ về chế độ thai sản, nhằm khuyến khích sinh đẻ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người không muốn sinh con. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/1366e2cc-5a62-11eb-9b2d-005056bff430/w:980/p:16x9/000_8VD9LF.webp

Ảnh minh họa : Một đứa trẻ chào đời tại bệnh viện Diaconesses, Paris, Pháp, ngày 17/11/2020. AFP - MARTIN BUREAU

 

Theo báo cáo hàng năm của Viện Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc gia Pháp (INSEE), được công bố vào ngày 16/01 vừa qua, khoảng 700 000 trẻ được sinh ra ở Pháp trong năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn 6,6 % so với năm 2022 và thấp hơn gần 20 % so với năm 2010. Trong một cuộc họp báo cùng ngày, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ quan ngại, đề cập đến việc “tái trang bị ý thức và đạo đức công dân” về dân số Pháp, đồng thời đề ra một chính sách đãi ngộ nghỉ thai sản mới, thay thế chính sách hiện nay, nhằm khuyến khích các cặp trẻ sinh con. Hiện giờ số tiền hỗ trợ cho bố mẹ nghỉ việckhi sinh con là 428,71 euro/tháng. Tổng thống Pháp, dù không nói cụ thể,  hứa hẹn sẽ tăng trợ cấp này và có thể cho phép cả bố và mẹ đều được nghỉ thai sản để chăm sóc con nếu họ muốn. 

 

Thông báo của tổng thống Pháp một mặt dấy lên lo ngại về khủng hoảng dân số ở Pháp, mặt khác nhận được những phản ứng trái chiều từ giới chính trị. Trên mạng xã hội X, chủ tịch khối nghị sĩ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa tại Thượng Viện Bruno Retailleau bày tỏ phẫn nộ, cho rằng “điều này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu dịch vụ trông trẻ”. Dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Xanh Sandra Regol thì lên án mong muốn quản lý cả “bụng của phụ nữ”.

 

 

Pháp đã lo lắng về tình hình dân số từ thế kỷ 19

 

Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà xã hội học, nhân khẩu học Catherine Scornet cho rằng “gia đình cũng như quyết định sinh con đến từ lựa chọn cá nhân, nhưng luôn được coi là một vấn đề công, của Nhà nước, dù ở Pháp hay Việt Nam. Thông báo của tổng thống Pháp chỉ rõ điều này : Những quyết định cá nhân, sinh ít con hơn hoặc không sinh con tác động đến tương lai của xã hội, đất nước”.

 

Thế nhưng, “nỗi lo lắng về dân số” không phải là mới mẻ tại Pháp. “Ngay từ thế kỷ 19, nước Pháp đã đặt những câu hỏi về việc tỷ lệ sinh giảm. Các chính sách khuyến khích sinh sản cũng đã được đưa ra. Ví dụ một điều luật 31/07/1920 cấm tất cả các hoạt động tuyên truyền về phá thai, khiến phụ nữ Pháp không được làm chủ cơ thể cũng như về quyết định sinh con. Sau đó, họ phải đợi đến luật Lucien Neuwirth được thông qua vào năm 1967, hợp pháp hóa các biện pháp tránh thai và luật Simone Veil năm 1975 hợp pháp hóa quyền phá thai.”

 

Nhiều giải thích được đưa ra về tỷ lệ sinh giảm tại Pháp. Báo cáo của INSEE chỉ ra rằng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng đã giảm trong 30 năm qua, “từ năm 1995 đến năm 2023, số phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40 đã giảm 8,5%”. Hơn nữa, phụ nữ ngày càng sinh con muộn hơn. Năm 2023 cũng như 2022, độ tuổi trung bình của phụ nữ Pháp khi bắt đầu làm mẹ là 31 tuổi, trong khi vào năm 1960 là 24 tuổi. 

 

Ngoài ra, theo một báo cáo của chính phủ Pháp vào năm 2022, cứ 4 cặp thì có một cặp không thể có con tự nhiên sau 12 tháng, điều này tương ứng với định nghĩa vô sinh của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tại Pháp, nếu như có 3,3 triệu người mắc chứng vô sinh và tìm cách chữa trị, hoặc thụ thai nhân tạo, thì cũng có nhiều người lựa chọn không sinh con. 

 

Một thăm dò của Viện nghiên cứu ý kiến và marketing (IFOP) của Pháp, chỉ ra rằng 13 % phụ nữ Pháp từ 15 tuổi trở lên không muốn có con, tỷ lệ này là 31 % đối với những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (18-49). Thêm vào đó, nếu như ý tưởng thành lập “gia đình đông con” (từ 3 con trở lên), từng được coi là lý tưởng đối với gần 50 % phụ nữ vào năm 2006, thì hiện nay, chỉ 32 % phụ nữ Pháp theo quan điểm này.  

 

Giám đốc ban chính trị của IFOP François Kraus cho rằng “những quan điểm này được thấy rõ tại những người ủng hộ nữ quyền, nhà hoạt động sinh thái hoặc ở những phụ nữ không tin vào hình mẫu cặp đôi một nam một nữ. Chúng tôi cho rằng mong muốn không lập gia đình là minh chứng về việc ngày càng có nhiều phụ nữ muốn thoát khỏi nghĩa vụ làm cha mẹ, hoặc nói rộng hơn là thoát khỏi khuôn mẫu, gắn phụ nữ với việc làm mẹ” 

 

Đồng tác giả của nghiên cứu “Desire for a Child - Duty to Have a Child” The Price of Procreation, tạm dịch là "Mong muốn có con hay trách nhiệm phải sinh con : Cái giá của sinh đẻ", nhà xã hội học Charlotte Debest cho rằng tỷ lệ sinh ở Pháp sẽ có xu hướng giảm trong vài năm nữa nhưng, điều này không đáng lo ngại lắm. Dân số Pháp năm 2023 vẫn tăng 0,3 %, hơn 68 triệu người vào đầu năm 2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong vài năm nữa. Nhưng để lý giải tình trạng tỷ lệ sinh giảm, nhiều người không muốn có con, bà cho rằng “có thể là vì dân Pháp mất niềm tin, không rõ tương lai ra sao, tình hình kinh tế, khủng hoảng nhà ở, việc làm, môi trường, …và nhiều lý do khác khiến nhiều người không muốn sinh con sớm hoặc quyết định không sinh con.”

 

 

Xã hội bất ổn khiến mọi người không muốn sinh con

 

Về phần mình, giảng viên về xã hội học và nhân khẩu học tại đại học Aix-Marseille, bà Catherine Scornet thì đề cập đến tính chất cá nhân hóa ngày càng được phổ biến rộng rãi, “quyết định của cá nhân quan trọng hơn quyết định của một nhóm hay một tập thể” và được thể hiện qua việc lựa chọn có cuộc sống riêng, vượt qua quan điểm cuộc sống gia đình. 

 

Bà giải thích : “Hiện nay, Pháp đang phải đối mặt với sự đa dạng về sở thích và các chuẩn mực xã hội khác nhau. Có những người muốn sống với nhau như một cặp vợ chồng hoặc không, tức là có quan hệ nhưng không kết hôn, không sống chung hoặc không có con. Đây là bối cảnh của chủ nghĩa hậu hiện đại, Postmodernisme, tức là tất cả các sở thích đều mang tính chính đáng. Việc có con hoặc không có con đều là lựa chọn chính đáng. Tôi cho rằng đây là một thay đổi quan trọng để lý giải tại sao nhiều người không muốn sinh con. Hơn nữa, khi phụ nữ ngày càng có trình độ học vấn cao, thỏa mãn với công việc và có nhiều thú vui trong cuộc sống, nhiều người sẽ hướng đến một cuộc sống tự do hơn, được đánh giá cao hơn là thiên chức làm mẹ.

 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế không ổn định, khó tiếp cận việc làm, nhà ở, lạm phát tăng cao tại nhiều nơi, cũng như cuộc chiến ở Ukraina hay Trung Đông, hay tình trạng nóng lên toàn cầu, “dù có hơi xa vời”, nhưng theo bà Scornet,…, tất cả điều này tạo nên một bầu không khí “bất ổn, không chắc chắn về tương lai”, khiến nhiều người không muốn lập gia đình hay có con.

 

 

 

Hậu quả đối với kinh tế và xã hội

 

Tại châu Âu, Pháp vẫn là trong tình thế thuận lợi hơn so với các nước khác đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm và già hóa dân số. Tỷ lệ sinh ở Pháp đã giảm năm 2023 xuống còn 1,64 trẻ, nhưng vẫn là tỷ lệ cao nhất ở châu Âu. Tỷ lệ này chỉ khoảng 1,2 hoặc 1,3 trẻ ở các nước láng giềng Ý hay Tây Ban Nha. Điều đáng quan ngại hiện nay đó là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm, tức là sự chênh lệch giữa tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử. Hiện tỷ lệ sinh ở Pháp vẫn cao hơn tỷ lệ tử, nhưng trong năm 2023, số người tử vong giảm so với năm 2022.

 

Nhà xã hội - nhân khẩu học Catherine Scornet nói thêm :“Có khả năng cao là trong tương lai, dân số Pháp không chỉ bị già hóa, mà còn phải xét đến tình trạng những người được sinh ra trong thời baby-boom, đó là những thế hệ chiếm số đông trong dân số Pháp, được sinh ra sau Đệ Nhị Thế Chiến. Khoảng 20 năm nữa, họ sẽ khoảng 80 đến 100 tuổi, tức là ở độ tuổi mà tỷ lệ tử vong cao. Như vậy, có khả năng tỷ lệ tử sẽ cao hơn tỷ lệ sinh và trong trường hợp này tỷ lệ tăng dân số tự nhiên sẽ giảm, dân số sẽ già hóa, nếu như không được bù lại từ dân số di cư đến Pháp về lâu dài. Đó là dự báo của INSEE từ nay đến năm 2044. Khi dân số Pháp giảm, tỷ lệ sinh giảm, thì sẽ có những hậu quả về kinh tế và xã hội”. Các hậu quả đó có thể thấy rõ trong thị trường lao động, thiếu nhân công, hay trong thị trường bất động sản, nhu cầu nhà ở sẽ giảm, chưa kể đến các phúc lợi xã hội.

 

Về phần mình, nhà xã hội học Charlotte Debest cho rằng có một nghịch lý là trong lúc thông tin về tình trạng “quá tải dân số toàn cầu được đưa ra, thì mỗi nước lại lo lắng về tình trạng sụt giảm dân số”. “Việc đưa ra lời kêu gọi hãy sinh con đi là hoàn hoàn không hiệu quả”, bà Debest nhận xét. Thay vào đó, cần phải có các biện pháp cụ thể, ví dụ như đối với Pháp là các chính sách thu hút nhập cư, các biện pháp hỗ trợ sinh đẻ rõ ràng hơn, các hỗ trợ về dịch vụ giữ trẻ, để khuyến khích phụ nữ tự chủ, vẫn có thể đi làm sau khi sinh con. Ngoài ra còn có vấn đề nam nữ bình quyền, cũng như chia sẻ việc nhà, việc chăm sóc con cái trong các cặp.”

 

Không chỉ ở Pháp hay châu Âu, mà nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ các cặp sinh con. Nhưng các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính thường chỉ là bề nổi, và khó có thể ngăn cản được tình trạng dân số giảm. Hầu hết các nhà nhân khẩu học cho rằng yếu tố then chốt để thúc đẩy mọi người sinh con đó là tạo ra cân bằng giữa thế giới việc làm và cuộc sống gia đình. Các chính sách hỗ trợ tài chính vào thời điểm sinh con không hẳn là hiệu quả, bởi vì việc có con sẽ kéo theo những chi phí, cũng như nuôi dưỡng về lâu về dài.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats