Tuesday, 9 January 2024

TRỤC PHI ĐẠN NGA - TRIỀU hay THẾ ĐỐI ĐẦU GIỮA KHỐI NGA - TRUNG và PHƯƠNG TÂY (Minh Anh / RFI)

 



Trục tên lửa Nga-Triều hay thế đối đầu giữa khối Nga-Trung và Phương Tây

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 08/01/2024 - 14:39

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240108-tr%E1%BB%A5c-t%C3%AAn-l%E1%BB%AD....BB%91i-nga-trung-v%C3%A0-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby ngày 04/01/2024 cho biết Nga đã sử dụng nhiều tên lửa đạn đạo do Bắc Triều Tiên cung cấp để phục vụ cho cuộc chiến xâm lược Ukraina. Với quyết định này của Bình Nhưỡng, một trục « tên lửa ma quỷ » đang dần hình thành, đồng thời đặt Hoa Kỳ cùng các đồng minh trước một thách thức to lớn trong dài hạn. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/4efa92e0-ae27-11ee-b413-005056a90284/w:980/p:16x9/2024-01-06T135604Z_1277042231_RC2AC5AOMNYP_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-MISSILES-NORTHKOREA.webp

Các bộ phận của một tên lửa mà chính quyền Ukraina cho là được chế tạo ở Bắc Triều Tiên được quân Nga sử dụng trong cuộc tấn công Kharkiv, Ukraina. Ảnh chụp ngày 06/01/2024. REUTERS - STRINGER

 

Tuy Nhà Trắng không nêu cụ thể loại tên lửa nào, nhưng theo các hình ảnh do ông John Kirby cung cấp, nhiều chuyên gia phân tích quân sự cho rằng đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn SRBM, loại KN-23 và KN-24, có tầm bắn là 900 km.  

 

Loại tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu rắn này đã được Bình Nhưỡng cho thử nghiệm lần đầu vào tháng 5/2019, được thiết kế bay ở quỹ đạo thấp có thể tránh được hệ thống phòng không, có thể so sánh tương đương với loại tên lửa chiến thuật của MGM-140 (ATACMS) của Mỹ. 

 

 

Trục tên lửa "ma quỷ"

 

Reuters ngày 05/01/2024 trích dẫn các phân tích từ nhà nghiên cứu người Hà Lan, ông Joost Oliemans, chuyên gia về quân đội Bắc Triều Tiên, cho rằng, dòng tên lửa này không liên quan gì đến loại tên lửa 9K720 Iskander của Nga, mà đúng hơn mang nhiều đặc tính của dòng tên lửa Hwasong-11 của Bắc Triều Tiên loại KN như đề cập ở trên.  

 

Nếu đúng như lời tố cáo từ Mỹ và Hàn Quốc, việc Bắc Triều Tiên cung cấp tên lửa SRBM cho Nga là một hành động leo thang đáng kể, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Với tên lửa này, Nga có thể tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự ở xa tiền tuyến và kéo dài cuộc chiến xâm lược Ukraina. Diễn biến này xảy ra vào một thời điểm quan trọng khi cả Matxcơva và Kiev đều cần thể hiện khả năng duy trì lực lượng của mình trong bối cảnh xung đột đã thật sự trở thành một cuộc chiến hao mòn. 

 

Tuy nhiên, theo ông Denny Roy, một chuyên gia về Đông Bắc Á, tiến triển mới này còn củng cố một xu hướng tất yếu khác : Sự hợp tác giữa các đối thủ của Mỹ nhằm phá bỏ thế thống trị của Washington trên trường quốc tế : Trung Quốc hỗ trợ vật chất, còn Iran thì cung cấp tên lửa và drone cho Nga. Giờ với sự tham gia của Bắc Triều Tiên, người ta nói đến một liên minh chống điều mà họ gọi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa khối Nga -Trung với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. 

 

Trên trang mạng National Interest, vị chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương này phân tích, quyết định cấp vũ khí cho Nga là một phần trong chiến lược mới của Bình Nhưỡng cùng với việc bác bỏ các nỗ lực mở lại đối thoại với Mỹ, từ bỏ mục tiêu hòa giải và thống nhất đất nước, cũng như nhất quyết  không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, lợi ích của ông sẽ được phục vụ tốt hơn nếu liên kết chặt chẽ với Trung Quốc và Nga. 

 

 

Mỹ cũng trả giá đắt

 

Đương nhiên, quyết định này của Bình Nhưỡng cũng sẽ thúc đẩy Seoul có phản ứng mạnh mẽ. Hàn Quốc có thể từ bỏ chính sách cấm cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Về phần mình, Washington cũng không thể gia tăng các trừng phạt, vốn dĩ đã tỏ ra kém hiệu quả, và nhất là cũng không thể trông chờ vào các hành động đáng kể của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, do Nga và Trung Quốc luôn dùng đến quyền phủ quyết. 

 

Nhưng sự leo thang này của Bình Nhưỡng đã cho thấy uy tín của chính quyền Biden bị sứt mẻ khi tỏ ra quá thận trọng, từ chối cấp vũ khí tầm xa cho Ukraina. Ông Denny Roy cho rằng cái giá phải trả cho sự « nhu nhược » của Mỹ sẽ là rất cao. Không tài trợ cho Ukraina chẳng khác nào giúp khối Nga - Trung gia tăng sức mạnh.  

 

Hơn nữa, việc Bình Nhưỡng quyết định đóng một vai trò tích cực hơn trong một xu thế lớn nhằm lật đổ các chuẩn mực và thỏa thuận toàn cầu do Mỹ thiết lập còn là một dấu hiệu khác cho thấy rằng cái giá mà Mỹ phải trả để duy trì vai trò lãnh đạo thế giới ngày càng tăng. Chi phí này không chỉ bao gồm nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraina, mà còn cả việc mở rộng đáng kể các cơ sở công nghiệp quốc phòng.  

 

Trong tầm nhìn này, tác giả kết luận, ông Kim Jong Un và các đối thủ khác của Mỹ có vẻ đã sẵn sàng cho một cuộc đấu dài hơi ! 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGA - BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA

Mỹ khẳng định Nga dùng tên lửa Bắc Triều Tiên tấn công Ukraina

 

LHQ - TÊN LỬA BẮC TRIỀU TIÊN

Tên lửa: Bắc Triều Tiên và Nga đấu khẩu với Mỹ và các đồng minh

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats