Tuesday, 16 January 2024

ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG XUẤT HIỆN TẠI QUỐC HỘI TRÔNG YẾU HƠN (VOA Tiếng Việt)

 



Nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ ốm nhẹ’

VOA Tiếng Việt

16/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-kha-nang-ong-nguyen-phu-trong-chi-om-nhe-/7441706.html

 

Có những chỉ dấu cho thấy việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong nhiều ngày chỉ là do ‘ốm nhẹ’ và có khả năng chính quyền lợi dụng việc này để ‘dẹp loạn trên mạng xã hội’, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.

 

https://gdb.voanews.com/71916968-da96-4a9e-9af5-2574df4abaf5_cx0_cy4_cw0_w650_r1_s.jpg

Ông Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/9 năm 2023

 

Sau nhiều ngày vắng bóng thì cuối cùng ông Trọng đã xuất hiện trở lại tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào sáng ngày 15/1 năm 2023, hình ảnh trực tiếp của các kênh truyền hình cho thấy cũng như báo chí trong nước đồng loạt loan tin.

 

Theo đó, khi được xướng tên, ông Trọng dường như đứng lên một cách khó nhọc với hai tay ghì chặt vào bàn để nhận tiếng vỗ tay chúc mừng của các đại biểu Quốc hội trong khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi sát bên dường như có ý muốn đỡ ông Trọng đứng dậy.

 

Sự xuất hiện trở lại này của ông Trọng ngay lập tức đã dập tắt những đồn đoán râm ran trên mạng xã hội về việc ông Trọng đã rơi vào hôn mê hay thậm chí là đã qua đời và đang được chuẩn bị hậu sự.

 

Đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn trên mạng xã hội về sức khỏe của tổng bí thư Đảng Cộng sảng Việt Nam bị chứng tỏ là sai. Hồi tháng Tư năm 2019, ông Trọng cũng từng bị đồn là bị đột quỵ khi ông vắng mặt suốt một tháng sau chuyến kinh lý đến tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sau đó ông đã xuất hiện trở lại trong trạng thái khoẻ mạnh và thực thi chức trách cho đến nay.

 

Trên trang cá nhân của mình, facebooker Hoàng Dũng, một trong những người đưa tin về việc ông Trọng đã chết và nội bộ Đảng Cộng sản đang tìm người kế nhiệm, đã đăng bài xin lỗi vì đã ‘bị việt vị’.

 

“Nhận được tin Trọng (qua đời), mình có kiểm tra chéo, có thẩm định nhưng đã bị cảm xúc chi phối dẫn đến việc tin chắc rằng Trọng đã chết. Thực ra, chỉ ở mức nhập viện,” facebooker đồng thời là nhà hoạt động này viết hôm 16/1, một ngày sau khi ông Trọng tái xuất.

 

“Xin được nhận lỗi về việc đưa tin sai vừa rồi,” ông Dũng viết và nói thêm rằng ‘chắc chắn trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục bị niềm tin ông Trọng chi phối’ nhưng ông ‘sẽ cân nhắc kỹ hơn’.

 

Ông Hoàng Dũng thừa nhận khi loan tin về ông Trọng ông ‘hy vọng vào những xáo trộn mạnh mẽ trong nội bộ của họ’.

 

Trong một bài viết được nhiều người chia sẻ lại, trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện là ‘cái tát cho những cái miệng độc của bè lũ chống phá’ và gọi những người loan tin về sức khỏe ông Trọng là ‘bọn cơ hội chính trị, bọn thoái hóa biến chất, bọn ưng khuyển chống phá cách mạng’.

 

“Một lần nữa, chúng ta thấy rõ bộ mặt của chúng,” trang ‘Nam Quốc Sơn Hà’ viết.

 

‘Dẹp tan dư luận’

 

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà quan sát chính trị và là blogger thường được biết đến với tên gọi Ba Sàm, cho biết trong thời gian ông Trọng biến mất, ông nhận được ba luồng tin khác nhau là ‘ông Trọng qua đời’, ‘ông Trọng hôn mê sâu’ và ‘ông Trọng bị ốm nên nhập viện’.

 

“Hai cái tin đầu đã chứng tỏ là sai, còn tin thứ ba cho rằng ông chỉ bị cảm cúm gì đấy thôi là đúng, vì qua hình ảnh trên truyền hình tôi thấy ông Trọng còn hát Quốc ca được,” ông Vinh nói.

 

“Ông ấy chỉ bị ốm nhẹ nhưng vì cẩn trọng nên ông ấy được nhập viện và không tham gia các cuộc gặp quan trọng,” blogger này nhận định. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ‘chắc chắn ông Trọng yếu hơn trước do mới bệnh dậy’.

 

Ông Vinh cho rằng việc ông Trọng có mặt tại phiên khai mạc một kỳ họp Quốc hội là cần thiết và ‘cũng là để đánh tan dư luận’. Theo quan sát của ông, lần này chính quyền Việt Nam đã có phản ứng nhanh hơn trong việc đối phó với tin đồn trong khi hồi năm 2019, tin đồn về ông Trọng ‘đột quỵ’ đã âm ỉ được 10 ngày thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, mới lên tiếng là ‘ông không được khỏe’.

 

Theo phân tích của ông thì bộ máy tuyên truyền của chính quyền Việt Nam ‘đã được đắc ý’ và nhân cơ hội này đả phá các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

 

“Họ muốn cảnh báo dư luận mạng xã hội và vỉa hè đừng có đồn đoán lung tung, đừng có bịa đặt làm hoang mang dư luận mà hãy chờ thông tin chính thức của Nhà nước.”

 

Ông cho rằng giả sử ông Trọng qua đời hay nằm liệt giường thì Việt Nam ‘sẽ rơi vào khoảng trống quyền lực’ kích hoạt cuộc đua tìm người chấp chính. “Hoàn cảnh rất nhạy cảm phù hợp với mong muốn của nhiều người loan tin đồn,” ông nói.

 

Nhận định về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, blogger Ba Sàm nói ‘nếu như hết sức giữ gìn, hạn chế những hoạt động xuất hiện hay đi lại thì ông ấy có thể giữ được sức khoẻ để cầm cự đến Đại hội Đảng’.

 

Tại kỳ Đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2026, Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ chỉ định người thay thế ông Trọng, người đã nắm quyền Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, nhiều hơn bất cứ ai kể từ thời ông Lê Duẩn.

 

Hai cuộc tiếp xúc vừa rồi với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái theo ông Vinh là ‘quá dồn dập, không tốt cho ông Trọng’.

 

“Người đã từng bị tai biến thì rất dễ bị lại, mà đã bị lại thì sẽ rất nặng,” ông cảnh báo.

 

Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam có chuẩn bị ‘kế hoạch B’ cho trường hợp sức khỏe ông Trọng xấu đi hay không, ông Vinh nói ‘họ có kế hoạch dự phòng nhưng khó mà vừa ý ông Trọng’.

 

“Tôi tin là ông Nguyễn Phú Trọng chưa ưng ý và yên tâm được một ai để kế nhiệm ông,” ông Vinh nói. “Có lẽ người ông tương đối tin tưởng thì vẫn còn non, không có đủ uy tín và quyết tâm làm tới cùng công cuộc đốt lò này.”

 

=================================

.

.

Ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại Quốc hội, trông yếu hơn

VOA Tiếng Việt

15/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/ong-nguyen-phu-trong-xuat-hien-tai-quoc-hoi-trong-yeu-hon/7440107.html

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau nhiều tuần vắng bóng đã xuất hiện tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào sáng ngày 15/1 năm 2023, hình ảnh trực tiếp của các kênh truyền hình trong nước cho thấy.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-324a-08dc157411ff_cx0_cy5_cw0_w650_r1_s.png

Ảnh chụp màn hình buổi tường thuật trực tiếp của Quốc hội TV vào lúc 8:02 phút ngày 15/1 năm 2024 cho thấy ông Trọng đang đứng lên một cách khó nhọc khi được xướng tên

 

 

Ông Trọng, 79 tuổi, đã không xuất hiện trong suốt ba tuần lễ qua và bỏ qua các sự kiện tiếp quốc khách mà lẽ ra ông phải có mặt như tiếp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, làm dấy lên những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông.

 

Hình ảnh trên bản tin thời sự 9h sáng ngày 15/1 của Đài Truyền hình Việt Nam, tức VTV, cho thấy trước giờ khai mạc kỳ họp, ông Trọng đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nắm tay đi giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Việt Nam như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai.

 

Trước đó, cũng trên hình ảnh của VTV, ông Trọng vẫn được ông Huệ nắm tay và lần lượt bắt tay các ông Thưởng và ông Chính.

 

Còn trong hình ảnh truyền hình trực tiếp phiên khai mạc kỳ họp trên kênh Quốc hội TV, ông Trọng được nhìn thấy ngồi trên hàng ghế đầu cạnh ông Thưởng. Khi Quốc ca được cử hành, ông Trọng được nhìn thấy đứng lên cùng cả hội trường và bản thân ông cũng cất tiếng hát Quốc ca. Tuy nhiên, cũng hình ảnh trực tiếp cho thấy dường như ông Trọng phải đứng tì vào bàn.

 

Khi được giới thiệu, ông Trọng dường như đứng lên một cách khó nhọc với hai tay ghì chặt vào bàn để nhận tiếng vỗ tay chúc mừng của các đại biểu Quốc hội. Ông Thưởng ngồi sát bên dường như có ý muốn đỡ ông Trọng đứng dậy.

 

Hình ảnh này trái ngược với hình ảnh cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người lớn tuổi hơn ông Trọng, hay cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi được xướng tên: cả hai ông đều đứng lên rất vững vàng và xoay người để chào các đại biểu Quốc hội.

 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Trọng đã xóa tan những đồn đoán hay nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của ông Trọng trước đó lan tràn trên mạng xã hội. Thậm chí có trang mạng còn loan tin về việc chuẩn bị hậu sự cho ông Trọng.

 

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trọng đột ngột biến mất trước công chúng. Hồi tháng Tư năm 2019, ông Trọng cũng mất tích sau chuyến kinh lý đến tỉnh Kiên Giang, quê nhà của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông bị đồn là bị đột quỵ và một tháng sau ông mới xuất hiện trở lại.

 

Sau lần đó, ông Trọng không còn tham gia vào các hoạt động nghi lễ chung cùng với các lãnh đạo Việt Nam như vào lăng viếng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh hay đặt vòng hoa viếng tượng đài Liệt sỹ trên đường Bắc Sơn theo thông lệ vào trước phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội. Trước ông Trọng, các nghi lễ như thế này đều có sự tham gia của tổng bí thư.

 

Tại buổi tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam tại Phủ Chủ tịch trong chuyến thăm cấp Nhà nước hôm 10/9 năm ngoái, ông Trọng còn được nhìn thấy nắm tay vịn cầu thang khi bước lên lễ đài cùng với ông Biden.

 

Ông Trọng là nhà lãnh đạo uqyền lực nhất Việt Nam trong hàng chục năm qua kể từ thời cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông hiện nắm quyền tổng bí thư qua nhiệm kỳ thứ ba kể từ năm 2011 trong khi các tổng bí thư trước ông từ sau ông Lê Duẩn đều không ai nắm quá hai nhiệm kỳ.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats