Saturday, 27 January 2024

NƯỚC PHÁP và NỖI LO NGÀY CÀNG MẤT AN NINH (Thùy Dương / RFI)

 



Nước Pháp và nỗi lo ngày càng mất an ninh

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 26/01/2024 - 08:16

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240126-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p-v%C3%A0-n%E1%BB%97i-lo-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-m%E1%BA%A5t-an-ninh

 

Chỉ còn nửa năm nữa là đến ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024, một sự kiện quốc tế huy động đông đảo giới thể thao và du khách đến từ khắp thế giới, nước Pháp lại một lần nữa được nhắc nhở về tình trạng an ninh xuống cấp, nạn phạm tội trong cuộc sống hàng ngày gia tăng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1424d2f8-92b5-11ee-a3a9-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23337442688198.webp

Cảnh sát Pháp tuần tra khu vực tháp Eiffel, Paris. Ảnh chụp ngày 03/12/2023. AP - Christophe Ena

 

Về an ninh, trật tự, năm 2023 đã khép lại nhưng nhiều người vẫn không quên  làn sóng bạo lực bùng phát hồi mùa hè sau cái chết của thiếu niên Nahel 16 tuổi ở ngoại ô Paris, bị cảnh sát bắn chết khi kiểm tra giao thông, hay gần đây hơn là vụ một thanh niên nhập cư theo Hồi Giáo cực đoan sát hại một giáo viên ngay trước trường học ở Arras, miền bắc, gây rúng động công luận và khiến chính quyền Pháp quyết tâm đẩy mạnh trục xuất những người nhập cư bị xem là có nguy cơ gây phương hại cho an ninh của Pháp.

 

Ngày 10/01/2024, báo Le Figaro dẫn báo cáo của SSMSI, Cơ quan thống kê của bộ Nội Vụ Pháp, về tình hình bạo lực và mất an ninh trên toàn quốc trong cả năm 2023. Cho dù một số hành vi như đánh cắp, sử dụng chất gây nghiện, cố ý đập phá, phá hoại, đã giảm hoặc ở mức ổn định, đa phần chỉ số bạo lực, phạm tội vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng so với năm trước, cho dù đây mới chỉ là số các vụ đã được nạn nhân khai báo và hồ sơ được tư pháp ghi nhận. Trên thực tế, số vụ tấn công bạo lực, gây mất an ninh có thể còn cao hơn nhiều, bởi vì nhiều nạn nhân không khai báo khi bị tấn công, trộm cắp …

 

Đáng lưu ý là số vụ bạo lực tình dục đã tăng 7% (gần 88.000 vụ, trung bình 240 vụ/ngày), số vụ giết người ( 1003 vụ), lừa đảo (hơn 475.000 vụ) đều tăng 6%. Một kỷ lục mà SSMSI, Cơ quan thống kê của bộ Nội Vụ Pháp, ghi nhận đó là số vụ hành hung trên đường phố, cố ý gây thương tích cho người khác lên đến hơn 361.000 vụ, trung bình mỗi ngày xảy ra 1.000 vụ hành hung ngoài phạm vi gia đình. So với năm 2017, số vụ hành hung trên đường phố, cố ý gây thương tích trong năm 2023 đã tăng đến 63%, cho dù chính quyền của tổng thống Macron đã hứa và trên thực tế cũng đã có các biện pháp tăng cường an ninh.

 

Tờ báo thiên hữu nhận định sự gia tăng ngày càng rõ của nhiều chỉ số phạm tội trong những năm gần đây cho thấy xu hướng bùng nổ bạo lực xã hội tại Pháp. Le Figaro trích dẫn nhà tội phạm học Alain Bauer ghi nhận số vụ giết người tăng gần 30% tính từ năm 2014 trở lại đây, trong khi số vụ giết người không thành tăng liên tục trong năm những gần đây, cho thấy xu hướng « tầm thường hóa » các hành vi nghiêm trọng nhất. Theo chuyên gia Alain Bauer, sự quay trở lại xu hướng bạo lực nhắm vào thân thể người khác « đã bị phớt lờ hay xem nhẹ trong suốt thời gian dài ».

 

 

Thành thị hay nông thôn đều không thoát khỏi bạo lực

 

Các số liệu mới của Cơ quan thống kê của bộ Nội Vụ Pháp như vậy cũng khẳng định điều mà cựu giám đốc cảnh sát quốc gia, Frédéric Péchenard nhận định với đài CNEWS ngày 28/12 năm ngoái : « Số liệu về tình trạng phạm tội tại Pháp không được khả quan, và đó là điều đáng ngại về tình hình xã hội chúng ta ». Trước đó nữa, ngày 27/11, trong bài thời luận trên báo Le Point, Eric Delbecque, chuyên gia về an ninh nội địa, đã lo ngại « Pháp có nguy cơ trở thành một nước mất an ninh thường trực »,  « trong năm 2023, an ninh dường như không còn là điểm làm nên sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị ».

 

Cho dù bản chất và mức độ phạm tội có thể khác nhau một chút tùy theo mật độ dân cư, nhưng sự mất an ninh không phải bây giờ mới bùng ra ở nông thôn, mà đã lan rộng ở vùng nông thôn từ nhiều năm nayNếu như trước đây, mất an ninh thường được xem là đặc thù của các thành phố lớn thì theo thời gian, bạo lực đã len lỏi đến mọi đô thị quy mô trung bình, những thị trấn nhỏ, các hành vi phạm tội mọi mức độ tăng ở khắp nơi.

 

Quả thực, chẳng hạn theo một điều tra do báo Le Figaro tiến hành và công bố hồi giữa năm 2023 về thực trạng hành hung và cố ý gây thương tích tại 400  thành phố với dân số 20.000-100.000 người, có những thành phố ghi nhận số vụ hành hung ngoài đường phố hoặc trong trường học tăng gấp 2 (Guéret, tỉnh Creuse), gấp 3 (Lannemezan ở Hautes-

Pyrénés), thậm chí gấp 4 lần (Le Cateau-Cambrésis, miền bắc) chỉ sau 6 năm.

 

Điều đáng lo ngại là, theo thị trưởng thành phố Cannes David Lisnard,chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng Pháp (AMF), được Le Figaro trích dẫn, trong số 35.000 thành phố, thị trấn, xã của Pháp, chỉ 10% có lực lượng cảnh sát. Điều đó có nghĩa là có đến 90% không có đội ngũ cảnh sát riêng, mà phải trông chờ vào lực lượng hiến binh trong tỉnh.

 

 

Paris trước Thế Vận Hội

 

Riêng tại Paris, do bối cảnh tăng cường an ninh chuẩn bị cho Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, tình hình có dấu hiệu khả quan hơn một chút, theo cảnh sát trưởng Paris. Chẳng hạn, từ ngày 15/06/2023, quanh khu vực tháp Eiffel, biểu tượng của Paris, vốn thu hút rất nhiều du khách quốc tế, kèm theo đó là nạn lừa đảo, trộm cắp, móc túi, một kế hoạch tăng cường an ninh đã được triển khai, mỗi ngày có 100-200 cảnh sát được huy động tuần tra bổ sung. Nhờ thế, theo trang tin của đài France 3 ngày 21/12/2023, tại khu vực này, số vụ xâm phạm nhắm vào tài sản và người đã giảm lần lượt 50% và 30%.

 

Phát biểu với các dân biểu vùng Ile-de-France ( Paris và vùng phụ cận ), quan chức Nhà nước phụ trách an ninh của Paris, Laurent Nunez, phát biểu : « Tình hình an ninh tại Paris đang được cải thiện, nhất là tại các khu du lịch quanh tháp Eiffel và trong các phương tiện giao thông đường sắt, hai lĩnh vực được đặt dưới sự giám sát cao độ trước Thế Vận Hội 2024 (…) Nạn tội phạm đã giảm từ khi tôi được điều về Paris (tức là từ tháng 07/2022). Sự giảm bớt này đã được duy trì trong năm 2023, nhất là về các hành vi xâm hại tài sản và thân thể người khác (…) Dĩ nhiên vẫn có những vụ nghiêm trọng xảy ra. Nhưng những vụ đó không thể làm xấu đi thành tích của các cảnh sát tại khu vực này ».

 

Và cho dù « vẫn còn một vài lo ngại về nạn đột nhập vào nhà ăn trộm », theo người đứng đầu cảnh sát Paris, nói chung các hành vi phạm pháp khác đều đã giảm. Cũng để chuẩn bị cho Thế Vận Hội, ông Nunez bảo đảm muộn nhất là đến mùa xuân sẽ tăng cường thêm lực lượng cảnh sát « để loại trừ hoàn toàn việc bán hàng rong trái phép nơi công cộng, những trò cờ bạc bịp trên đường phố và các hoạt động phạm pháp khác » trước khi khai mạc Olympic.  

 

Cũng theo Le Figaro ngày 14/01/2024, nạn giật đồ trong các phương tiện giao thông trong năm 2023 đã giảm gần 21%, còn tại các khu vực « ưu tiên » tuần tra an ninh, nạn xâm hại tàn sản của người khác đã giảm đến 30% so với năm 2022. Điều này cho thấy « sự hiện diện được trông thấy rõ và mang tính răn đe » của lực lượng an ninh đã phát huy tác dụng. Vì thế, ngày 13/01, Sở cảnh sát Paris thông báo trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, mỗi ngày cảnh sát sẽ tuần tra 700 lượt tại các bến tàu xe và phương tiện giao thông công cộng, thay vì 125 lượt tuần tra/ngày như hiện nay.

 

 

Di dân và nạn phạm tội

 

Lâu nay, nhiều người thường than phiền tình trạng mất an ninh của Pháp gia tăng là do nạn di dân bất hợp pháp gây ra. Thực tế số liệu ra sao ? Ngày 04/12/2023, đài CNEWS của Pháp cho biết ban Cảnh sát - Tư pháp của đài đã điều tra về mối liên hệ giữa di dân và nạn tội phạm, để xem tỉ lệ trộm cắp do người nhập cư thực hiện là bao nhiêu, trong khi theo số liệu chính thức của chính phủ thì 8% dân số tại Pháp là người nước ngoài.

 

Dựa trên các vụ trộm cắp mà nạn nhân đã khai báo, 35% số vụ đánh cắp không dùng vũ khí là do người nước ngoài gây ra và trong số đó, 36% thủ phạm là trẻ vị thành niên. Tổng cộng, trong 30% số vụ, thủ phạm là người mang quốc tịch của một nước châu Phi. Liên quan đến nạn ăn cắp không dùng vũ lực và nạn lấy trộm đồ trong xe hơi, lần lượt 33% và 34% là do di dân gây ra và trong số đó đều xấp xỉ ¼ là trẻ vị thành niên và ¼ là người châu Phi. Về tệ nạn đột nhập vào nhà riêng để lấy trộm, 41% thủ phạm là người nhập cư.

 

 

Tăng cường lực lượng hiến binh cho các vùng nông thôn

 

Sức ép về an ninh đối với chính quyền Macron ngày càng gia tăng vì khi tranh cử tổng thống, ông Macron đều hứa sẽ có những cải thiện về an ninh. Sau 6 năm rưỡi tổng thống Macron cầm quyền, vấn đề an ninh tại Pháp vẫn chưa có những cải thiện rõ nét, cho dù chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực tăng cường lực lượng cảnh sát và hiến binh.

 

Riêng về nông thôn, theo France 24 hồi tháng 10/2023, chính tổng thống cũng đã thừa nhận tình trạng « ở khắp nơi » người dân đều có « cảm giác bị bỏ rơi », trong khi « nạn phạm pháp tồn tại » ở các vùng này và « có nhiều thay đổi về thể thức trong những năm qua ». Các lực lượng an ninh « dù đạt được kết quả trong việc đối phó với một số loại hình phạm tội, nhưng vẫn chưa dự kiến được tại khu vực nông thôn ».

 

Để đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh tại các vùng nông thôn và ven đô, phát biểu trước báo giới, tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo thành lập bổ sung 238 đội hiến binh từ nay đến năm 2027, nhiều hơn so với con số 200 mà ông từng hứa khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 năm 2022.

 

Theo kế hoạch tái đầu tư mà ông Macron xem là « mang tính lịch sử » vào lực lượng hiến binh, 238 đội hiến binh sẽ được phân bổ đến từng tỉnh và lãnh thổ hải ngoại, trong đó 93 đội hiến binh trú đóng tại địa điểm cố định và 145 đội « cơ động », có thể di chuyển giữa các vùng nông thôn, ven đô, tùy hoàn cảnh. Để lập 238 đội mới, lực lượng sẽ được bổ sung 2.100 hiến binh, trong khuôn khổ chương trình bổ sung 8.500 vị trí trong lực lượng an ninh cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Macron vào năm 2027.

 

An ninh cũng được xem là một thách thức lớn đối với vị tân thủ tướng trẻ Gabriel Attal. Ngày 10/01/2024, chỉ một hôm sau khi được bổ nhiệm và chính thức nhậm chức, trong chuyến công tác thứ hai trên cương vị tân thủ tướng, ông Gabriel Attal đã cùng bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin đến thăm sở cảnh sát Ermont-Eaubonne (Val-d'Oise), ngoại ô Paris. Trước các cảnh sát, tân thủ tướng phát biểu :

 

« Tại Ermont, cũng như khắp mọi nơi ở Pháp, người dân Pháp khao khát trật tự và sự yên ổn. Và tôi xin được nói điều này, chúng ta không có an ninh nếu không có cảnh sát. Đó là một thông điệp rất rõ ràng mà tôi đã đến tận đây để tái khẳng định. Tôi cũng muốn nhắc lại về sự đầu tư quan trọng đã được thực hiện trong những năm qua nhờ bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, và gần đây là với đạo luật định hướng và quy hoạch của bộ Nội Vụ, cho phép chúng ta tuyển dụng các đơn vị an ninh tính từ năm 2017.

 

Tôi không thể tưởng tượng ra nổi những xã hội không có trật tự và kỷ cương, luật lệ. Tôi tin rằng người dân Pháp đang chờ đợi chúng ta tiếp tục nỗ lực tuyệt đối này để bảo đảm an ninh cho họ, vốn dĩ là một trong những điều kiện để người dân đất nước chúng ta tận hưởng tự do và thể hiện lòng bác ái ».

 

Chuyến thăm có thể được xem là biểu tượng cho thấy sự quan tâm mà tân chính phủ Pháp dành cho lĩnh vực an ninh để làm an lòng dân, trong bối cảnh mà theo cuộc điều tra Viện IPSOS công bố hồi tháng 09/2023 về tâm trạng của dân Pháp và những lo lắng cho tương lai, trong số những điều khiến dân Pháp bận tâm nhất, có tình trạng vô ý thức công dân và nạn phạm tội (32%) so với tỉ lệ lần lượt 40%, 37% về khả năng mua sắm, sức khỏe và môi trường. Còn khi được hỏi điều gì khiến dân Pháp nói chung lo lắng nhất cho đất nước, 38% số người được hỏi cho rằng đó là vấn đề về an ninh, tội phạm, trên cả sức mua, hay môi trường (34 và 29%).

 

Chúng ta hãy cùng chờ xem kết quả từ các hành động cụ thể của tân chính phủ Pháp, dưới sự điều hành của vị thủ tướng trẻ đã từng được đánh giá cao nhờ mạnh tay trong việc duy trì an ninh tại các trường học khi làm bộ trưởng Giáo Dục Pháp, như nghiêm cấm áo choàng Hồi Giáo trong trường học, kỷ luật các học sinh phá rối phút mặc niệm thầy giáo bị khủng bố sát hại, chống nạn học sinh bắt nạt nhau …

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats