Tuesday, 9 January 2024

NẾU TRUMP TÁI ĐẮC CỬ : NHỮNG HỆ QUẢ ĐỐI VỚI XUNG ĐỘT Ở GAZA và UKRAINE (Minh Anh / RFI)

 



Nếu Trump tái đắc cử: Những hệ quả đối với xung đột ở Gaza và Ukraina

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 04/01/2024 - 14:38

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%...BB%99t-%E1%BB%9F-gaza-v%C3%A0-ukraina

 

Bầu cử tổng thống Mỹ chưa diễn ra, đảng Cộng Hòa vẫn chưa có ứng viên chính thức, nhưng chiếc bóng của Donald Trump đã phủ lên nhiều hồ sơ quốc tế lớn. Tại châu Á, các nước đồng minh của Mỹ phập phồng lo sợ Donald Trump trở lại cầm quyền. Ngược lại, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin lại đặt cược nhiều vào chiến thắng của nhà tỷ phú địa ốc. Nhưng kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ là một thảm họa cho Liên Hiệp Châu Âu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/61e19052-16be-11ea-8298-005056a99247/w:980/p:16x9/9123322b247bbf36ed4b7336ab23b702226fe689_5.webp

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan, tháng 12/2019. SPUTNIK/AFP/File

 

Năm 2024 vừa mới bắt đầu, nhưng « Donald Trump đã là nhân vật của năm 2024 », trang mạng France Inter ngày 02/01/2024 đã viết như thế ! Hiện tại, Donald Trump chưa phải là ứng viên chính thức, vì vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa sẽ chỉ bắt đầu vào ngày 15/01/2024 từ bang Iowa. Nhưng các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ông Trump có nhiều lợi thế không chỉ với các đối thủ trong đảng mà cả với ông Joe Biden.

 

Theo Bernard Guetta1, nghị sĩ Châu Âu, thuộc nhóm nghị sĩ Renew, và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện Châu Âu, viễn cảnh Donald Trump trở lại cầm quyền là một mối đe dọa to lớn.

 

« Nếu nhân vật này vào được Nhà Trắng, trước hết ông ấy sẽ làm suy yếu hơn nữa nền dân chủ Mỹ. Đừng quên rằng, vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông ấy đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc Hội. Nhưng ngoài tấn bi kịch chính trị nội bộ của Mỹ, Donald Trump còn muốn phá vỡ Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu. Ông ấy muốn đúc kết một thỏa thuận với Vladimir Putin, sau lưng người dân Ukraina, sau lưng chúng ta, 27 nước thành viên Liên Âu. Đó thực sự không phải là một viễn cảnh vui vẻ chút nào ! »

 

 

Chiến sự ở Gaza : Cuộc chiến sinh tồn cho thủ tướng Israel ?

 

Nhưng rủi thay, « trên thế giới, có hai người điên cuồng đang trông đợi Trump trở lại Nhà Trắng : Benjamin Netanyahu ở Israel và Vladimir Putin ở Matxcơva », vị nghị sĩ Châu Âu này bình luận tiếp. Bất chấp con số nạn nhân cao, chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai tấn bi kịch, một ở dải Gaza và một tại Ukraina sẽ có ngày chấm dứt. Thủ tướng Israel và tổng thống Nga chỉ được lợi khi kéo dài thêm cuộc xung đột với hy vọng Donald Trump tái đắc cử.

Đối với nhân vật thứ nhất, nghị sĩ châu Âu giải thích : « Đương nhiên là Netanyahu phải tiếp tục cuộc chiến và thậm chí có thể mở rộng cuộc xung đột, bởi vì đối với ông ấy, đây là một sự bảo đảm cho sự sống còn, tôi muốn nói về mặt chính trị ». Kéo dài vô tận cuộc xung đột còn là cách tốt nhất để ông giữ được quyền miễn trừ tư pháp với tư cách người đứng đầu chính phủ.

 

Thủ tướng Israel hiện đang đối mặt với ba thủ tục tố tụng, được mở ra từ năm 2019 về tội tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin, những tội danh có thể dẫn đến án tù. Thế nên, theo nhà sử học Jean-Pierre Filiu2, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị, mục tiêu « xóa sổ » phe Hamas mà ông Netanyahu đề ra, ít có cơ may đạt được, chỉ mang tính khoa trương hơn là quân sự.

 

 

Liên Hiệp Châu Âu : Bên thiệt thòi nhiều nhất ?

 

Nhưng việc theo đuổi chiến sự trên dải Gaza không chỉ giúp Benyamin Netanyahu duy trì quyền lực tại Israel, mà còn nhằm làm suy yếu Joe Biden, vào lúc đảng Dân Chủ chưa bao giờ bị chia rẽ như lúc này. Trên thực tế, thủ tướng Israel luôn mong đợi sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump, vốn đã hậu thuẫn ông vô điều kiện từ năm 2017 đến năm 2020.

 

Hẳn người ta sẽ chưa quên bản Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông được tổng thống Donald Trump công bố ở Nhà Trắng ngày 28/01/2020 trước sự hiện diện của thủ tướng Israel Netanyahu mà không có đại diện Palestine.

 

Kế hoạch mang tên « Tầm nhìn » của Donald Trump cho phép Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái nằm rải rác trên khắp vùng Cisjordanie vào lãnh thổ Israel. Đổi lại, Tel-Aviv cam kết sẽ ngưng mở rộng các khu định cư. Người Palestine sinh sống trong các khu định cư Do Thái có bốn năm để quyết định đi hay ở lại với Israel. Trái lại, người tị nạn Palestine vẫn không được phép trở về Israel.

 

Kế hoạch này đã bị chỉ trích là « thiên vị, bất cân xứng » chỉ chiều theo ý muốn của thủ tướng Israel, « một thảm họa thứ hai » theo như đánh giá từ giới truyền thông Pháp vào thời điểm đó ! Do vậy, nếu duy trì được quyền lực từ đây đến tháng 11, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu sẽ bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump hơn là một Joe Biden đang nói đến giải pháp « Hai Nhà nước ».

 

Từ những quan sát trên, nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta cảnh báo, nếu xung đột ở Gaza kéo dài cùng với sự trở lại của Donald Trump, chiến tranh có thể lan rộng ra toàn khu vực. Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa có nguy cơ đối mặt với những làn sóng di dân, các cuộc tấn công khủng bố ồ ạt và có nhiều nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột ở Gaza.

 

 

Donald Trump trở lại: Thắng lợi cho tổng thống Nga !

 

Nhưng thủ tướng Israel không phải là người duy nhất tính đến nước cờ này. Vladimir Putin, người mà lãnh đạo Israel có mối quan hệ mật thiết hơn là với Joe Biden, cũng tin rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ là một thắng lợi cho nước Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina.

 

Cuộc xung đột ở dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023 đã là « món lộc trời ban » cho tổng thống Nga. Chiến sự bùng nổ đẩy nước Mỹ của Joe Biden rơi vào trạng thái « tả xung hữu đột » và công luận quốc tế bị chuyển hướng sang Cận Đông. Donald Trump trở lại cũng đồng nghĩa với việc xoa dịu được  tư tưởng bài Nga và nhất là có thể cắt nguồn hậu thuẫn tài chính cho Ukraina.

 

Donald Trump, trong một cuộc vận động cho bầu cử sơ bộ, trước những người ủng hộ ông, từng tuyên bố : « Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến sau một ngày, trong vòng 24 giờ ! ». Theo giải thích của nghị sĩ Châu Âu Bernard Guetta, điều đó có nghĩa là, « ông ấy sẽ nói với ông Putin là "ông hãy giữ phần lãnh thổ mà ông đã chiếm được tại Ukraina, còn tôi sẽ ngưng hỗ trợ cho Ukraina. »

 

Đây cũng là cách diễn giải của nhà sử học quân sự Philips O’Brien3, trường đại học St-Andrews : « Điều ông sẽ làm là đề nghị hoặc buộc Ukraina nhượng lãnh thổ cho Putin. Tôi nghĩ ông tin rằng Putin là người mà ông có thể đàm phán. »

 

Ngay từ đầu cuộc xung đột, nếu như lưỡng đảng cho tới nay gần như nhất trí ủng hộ tài trợ cho quốc phòng Ukraina, thì Donald Trump luôn chất vấn về sự hậu thuẫn dành cho Kiev. Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ. Trong quá khứ, khi còn tại nhiệm, nhà tỷ phú bất động sản này đã bị chỉ trích có mối quan hệ « nồng ấm » với nguyên thủ Nga. Ông còn bị cáo buộc đã đe dọa cắt nguồn viện trợ cho Kiev trừ phi chính phủ tổng thống Zelensky chịu tiết lộ những điều xấu xa về Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.

 

Theo đánh giá của Philips O’Brien, điều nguy hiểm ở đây là Donald Trump xem chính sách đối ngoại cũng như chính trị là « một con đường để trục lợi cá nhân ». Đối với ông, « NATO, đồng minh hay Ukraina đều không quan trọng. Tốt nhất hãy thực hiện một thỏa thuận có lợi cho Donald Trump ».

 

Cơ hội đắc cử tổng thống lần hai của Donald Trump ngày một lớn. Tại Mỹ, người dân bắt đầu mệt mỏi về những cuộc can thiệp quân sự. Các chiến dịch quân sự bên ngoài, từ Việt Nam cho đến Afghanistan, đều kết thúc bằng cái giá rất đắt cả về nhân mạng và vật chất. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy gần một nửa số người Mỹ được hỏi cho rằng chính phủ đã chi quá nhiều tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến chống Nga. Và tỷ lệ này còn cao hơn đáng kể trong số các cử tri đảng Cộng Hòa.

 

 

Nguy cơ nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa biệt lập ?

 

Chuyên gia về Mỹ Jérôme Viala-Gaudefroy4, trường đại học Khoa học Chính trị nhận định, Donald Trump trở lại Nhà Trắng còn đồng nghĩa với việc nước Mỹ quay về với chủ nghĩa biệt lập.

 

« Vladimir Putin ở Nga, rồi Tập Cận Bình ở Trung Quốc, chúng ta thấy rằng Trump thực sự đang thúc đẩy một làn sóng chủ nghĩa biệt lập tồn tại đặc biệt ở phe Cộng Hòa. Có một kiểu mệt mỏi vì chiến tranh, sau cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến ở Irak. Thực sự có mong muốn thoái lui này. Người ta nói rằng trước tiên chúng ta phải quan tâm đến biên giới của mình, những gì đang xảy ra trong nước và còn thế giới là chuyện của họ. Ukraina là vấn đề của châu Âu. Thậm chí, một số cố vấn của Trump còn chất vấn về sự tham gia của Hoa Kỳ vào NATO. Dù vậy, đối với Mỹ, liên minh này vẫn là một điều quan trọng vì Quốc Hội gần đây đã thông qua một nghị quyết buộc tổng thống phải có sự đồng ý của Quốc Hội và 3/4 lá phiếu Thượng viện để có thể rút khỏi NATO. »

 

Sự trở về của Trump còn hàm chứa nhiều rủi ro xảy ra hỗn loạn trên chính trường Mỹ như những gì từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu. Donald Trump chỉ sẽ làm những gì mình muốn, và « trong trường hợp này, mọi tiền lệ đều bị loại bỏ », ông Philips O’Brien cảnh báo. Nhưng một tình trạng hỗn loạn ở Mỹ, và một nền dân chủ Mỹ bị suy giảm, chính xác là điều mà ông Putin và nhiều kẻ thù khác của Mỹ đang mong đợi.

 

Tại châu Á, các đồng minh của Mỹ lo lắng trước nguy cơ Donald Trump đắc cử tổng thống. Những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tăng cường các mối quan hệ đồng minh, từ Tuyên bố Washington về liên minh quân sự Mỹ – Hàn, tuyên bố Camp David ba bên Mỹ – Nhật – Hàn và quan hệ đối tác công nghiệp quốc phòng AUKUS có nguy cơ không còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi chính trị ở Washington.

 

Dù vậy, chuyên gia địa chính trị Bertrand Badie5, giáo sư danh dự trường đại học Khoa học Chính trị vẫn đưa ra chút tín hiệu lạc quan khi cho rằng người ta có xu hướng đánh giá thấp khả năng chống chọi mạnh mẽ của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày đầu năm 2024, ông phân tích :

 

« Mỹ không thay đổi chính sách đối ngoại dễ dàng như chúng ta nghĩ. Thậm chí chúng ta có chút xu hướng châm biếm nhiệm kỳ tổng thống Trump, đã thể hiện sự khác biệt với các đời tổng thống Mỹ khác bằng những cử chỉ mang tính biểu tượng ngoạn mục, chẳng hạ như rút khỏi các tổ chức quốc tế, di dời đại sứ quán Mỹ ở Israel, và nhiều việc khác như rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân Iran…

 

Nhưng chưa bao giờ có bất kỳ thay đổi thực sự nào trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ ngoại trừ việc, cứ như chúng ta nói,  có một mong muốn, đã được khởi xướng từ thời Obama, là thoái lui khỏi các cuộc xung đột lớn trên thế giới.

 

Cho dù đó là Trump hay Biden, thì điều đó cũng giống nhau, ngay cả khi Biden tỏ ra nhạy cảm với cánh tả trong đảng Dân chủ ngày càng kêu gọi, nếu không ủng hộ người Palestine, thì ít nhất là trung lập hơn, và chúng ta đã thấy điều đó đặc biệt trong các cuộc bỏ phiếu gần đây tại Hội Đồng Bảo An.

 

Chính sách ngoại giao của Mỹ không thay đổi. Đây là mặt ổn định, mạnh hơn chúng ta nói mà các nhà bình luận không có thói quen nhắc đến. »

 

 

                                         ---------- ********** ----------

 

Tham khảo :

 

1. Bernard Guetta : "Deux hommes attendent frénétiquement le retour de Trump : Netanyahou et Poutine", France Inter ngày 01/01/2024.

 

2. « Le destin de l’Europe en 2024 se jouera à Gaza », Le Monde ngày 31/12/2023.

 

3. Is Trump a bigger threat to Ukraine than Putin in 2024? Channel 4 News, ngày 29/12/2023.

 

4. La présidentielle 2024 aux États-Unis : Donald Trump le retour ? TV5 Monde ngày 16/12/2023.

 

5. Quel impact des élections européennes et américaines sur les conflits à Gaza et en Ukraine? RFI ngày 01/01/2024.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats