Monday, 1 January 2024

NĂM 2023 VẪN LÀ NĂM CỦA BỘ THÔNG TIN & TRUYỀN THÔNG (Huy Đức)

 



Năm 2023 vẫn là năm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Huy Đức

01/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/01/nam-2023-van-la-nam-cua-bo-thong-tin-va-truyen-thong/

 

Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam 2023 đứng ở mức 178/180, chỉ trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tôi vốn rất ít khi dẫn các số liệu của RSF không phải vì chế độ vẫn xếp họ vào hàng “thế lực thù địch” mà bởi họ không thực sự hiểu Việt Nam.

 

Việt Nam không phải là Bắc Triều Tiên và, nếu như Trung Quốc kiểm soát tự do ngôn luận có mục tiêu, có chiến lược, thì Việt Nam lại chưa bao giờ nhất quán. Điểm xếp hạng tự do ngôn luận của Việt Nam đôi khi bị đánh tụt chỉ vì sự ấu trĩ của một vài lãnh đạo và những âm mưu vặt vãnh của những người sau lưng họ.

 

Nhưng, thứ hạng của năm 2023 không phải không có lý do của nó.

 

Theo VnExpress: Từ tháng 10-2023, các kênh truyền hình hấp dẫn và lành mạnh như National Geographic, Nat Geo Wild và Baby TV, Mezzo Live ngừng phát sóng ở Việt Nam. Trước đó là Paramout Network, Baby First, còn từ 2021 cũng có 14 kênh nước ngoài không còn hoạt động ở thị trường trong nước. Đến đầu tháng 11, nền tảng OTT truyền hình Prime Video của Amazon ngừng hoạt động sau bảy năm.

 

Chẳng phải vì các kênh truyền hình nói trên “ngừng phát sóng là vì sự chuyển hướng kinh doanh”.

 

Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Lê Quang Tự Do, nói thẳng: “Các dịch vụ trên phải xác định mô hình kinh doanh tại Việt Nam là cung cấp dịch vụ truyền hình, hay phim. Nếu là phim, họ phải tuân thủ luật Điện ảnh sửa đổi và phải gỡ các nội dung truyền hình. Nếu cung cấp truyền hình, các dịch vụ phải làm thủ tục cấp theo Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, có hiệu lực đầu năm nay”.

 

Điều này có vẻ như là hợp lý trong tư duy của quan chức Việt Nam; nhưng, với những nhà cung cấp dịch vụ cho gần 200 quốc gia này thì không ở đâu họ phải làm những thứ thủ tục ngớ ngẩn như các quy định trong 71.

 

Cùng một kênh giải trí có thể bị điều chỉnh bởi nhiều luật. Trong khi Luật Điện ảnh sửa đổi [của Bộ Văn hóa Thể thao là khá thông thoáng] thì với các quy định trong 71, những kênh có các dịch vụ ngoài phim hoặc phải làm thủ tục xin phép mới hoặc phải gỡ bỏ các ứng dụng thể thao, giải trí vô cùng hữu ích.

 

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không chấp nhận điều đó, họ bỏ Việt Nam. Nạn nhân lớn nhất của những quy định này là khán giả Việt.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, hôm 22-12-2023, nói rằng, ông “xót ruột khi cứ mở tivi là thấy phim nước ngoài”. Và, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan thì cho biết, mỗi phim truyền hình Hàn Quốc quảng cáo trung bình khoảng 57 sản phẩm, bao gồm đồ nội thất, mỹ phẩm, công nghệ, một cách khéo léo.

 

Chắc hẳn, hai nhà lãnh đạo đều biết, phải qua NetFlix, Amazon Prime… nhiều người Việt mới biết đến hàng trăm bộ phim của Việt Nam như Thanh Sói, Hai Phượng, Bí Mật Của Gió… và biết đến, ngay cả những bộ phim rất “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” như Mùi Cỏ Cháy…

 

Nhờ được đưa lên những nền tảng ấy, những phim này của Việt Nam mới có cơ hội đến được với hàng triệu thuê bao ở gần 200 quốc gia.

 

Phần lớn các kênh truyền hình phải rút khỏi Việt Nam vì Nghị định 71 đều phi chính trị. Và, những thủ tục, phép tắc trong Nghị định 71 chẳng mang lại lợi ích gì cho khán giả và cho đất nước, nó chỉ trao cho các viên chức trong bộ máy công cụ nhũng nhiễu và mang lại một số lợi ích không đáng kể cho “sân sau”.

 

Hội nghị toàn quốc hôm 22-12-2023, đã cho thấy tín hiệu tốt khi Chính phủ coi “phim ảnh” cũng là một “ngành công nghiệp”, “công nghiệp văn hóa”. Và, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì nhận thấy, phim ảnh không chỉ là một sản phẩm văn hóa. Nông dân của ông đang nhờ các nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để quảng bá các nông phẩm.

 

Và trong khi Bộ TT & TT điên cuồng chống lại, cả VTV, Truyền hình Quốc hội… đều lên sóng “khoe” đài của họ được lan tỏa là nhờ Tik Tok, Facebook, Youtube…

 

Trên thực tế, nhà nước vẫn không đối xử với phim ảnh, sách vở, báo chí như đối xử với một ngành kinh doanh. Các cơ quan quản lý thường rất vô cảm khi cấm chiếu, hủy một buổi biểu diễn, đóng cửa, đình bản một tờ báo chỉ vì vài câu chữ [đôi khi sai đúng chỉ dựa trên cách đánh giá chưa chắc đã trong sáng của các chuyên viên] mà không bao giờ đánh giá tác động kinh tế xã hội của các quyết định ấy.

 

Từ sai lầm sáp nhập chức năng viễn thông [công nghệ] vào truyền thông [chính trị] mà sự lựa chọn lãnh đạo cho Bộ Thông tin và Truyền Thông luôn có sai lầm. Lãnh đạo ngành, khi còn bưu chính viễn thông thì luôn sáng tạo, tiên phong, đưa đất nước mở cửa, hội nhập. Khi nhập thêm chức năng báo chí, xuất bản thì chỉ ngay ngắn được một nhiệm kỳ. Các bộ trưởng về sau, kẻ thì tham nhũng vào tù, kẻ thì vừa nổ, vừa viễn vông vừa trại lính.

 

Nhưng, cho dù đã lộ nguyên hình là tội phạm, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cũng không thù địch với internet như kế nhiệm của các ông.

 

Trước hay sau Đổi Mới thì báo chí đều là “công cụ của Đảng”. Nhưng trước và trong hơn hai thập niên đầu của Đổi Mới, các nhà lãnh đạo vẫn luôn dành cho báo chí sự tôn trọng nhất định. Chưa bao giờ các công cụ kinh doanh của báo chí bị hạn chế như thế [mặc dù nhiều tờ báo vẫn phải tự chủ về kinh tế] và cũng chưa bao giờ địa vị của nhà báo và úy tín của báo giới bị coi thường đến thế.

 

Càng trong thời đại nhiễu nhương về thông tin, vai trò của báo chí chính thống càng hết sức quan trọng. Nhưng cách quản lý báo chí hiện nay đã làm suy yếu tiếng nói chính thống ấy. Kết quả là, không chỉ “mặt trận tư tưởng” của Tuyên giáo bị giảm khả năng “định hướng”, xã hội cũng thiếu hẳn những tiếng nói tin cậy. Tin giả hoành hành và nhiều khi mạnh hơn tin thật.

 

Khi tướng Nguyễn Mạnh Hùng sang làm Bộ trưởng, trên trang này tôi đã cảnh báo ông, quốc gia không phải là trại lính.

 

Trong kỷ nguyên internet chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia không đơn giản chỉ là những cột mốc bê tông. Thiết lập chủ quyền quốc gia càng không phải là đẻ ra các loại thủ tục để ngăn chặn người dân Việt Nam tiếp cận với các nền tảng công nghệ trên internet mà phải khai thác những nền tảng ấy sao cho sáng tạo và thích hợp nhất.

 

Cấm đoán các nền tảng công nghệ rồi đóng cửa, nhái theo cách làm của họ thì sẽ hoặc là thất bại như “Lotus” hoặc chỉ cho ra những sản phẩm công nghệ kiểu Việt Á.

 

Tinh thần “hậu kiểm”, người dân được làm những gì pháp luật không cấm đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp từ năm 1999. Quản lý nhà nước không bằng những điều kiện, chuẩn mực mà bằng giấy phép không chỉ là đi ngược với tinh thần ấy mà còn rất lỗi thời.

 

Chúng ta đang ở trong một thời đại mà có thể ngày mai, các nền tảng công nghệ sẽ bổ sung các ứng dụng mới mà hôm nay loài người chưa nghĩ tới và thật vô nghĩa khi ta mất rất nhiều thời gian loay hoay chẻ nhỏ họ ra cho từng bộ ngành hành hạ với cái gọi là quản lý.

 

Việt Nam có thể đã phải cân nhắc rất cẩn trọng, tính toán rất chiến lược và ấp ủ không phải trong một sớm một chiều mới có thể dàn xếp trong ngoài để đưa quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “chiến lược toàn diện”. Các nhà lãnh đạo Việt Nam sang Mỹ, sang châu Âu đều cố gắng để tìm gặp, thuyết phục lãnh đạo các công ty công nghệ quan tâm tới Việt Nam.

 

Nhưng, những tư duy chiến lược và những nỗ lực ấy đôi khi lại có thể bị vô hiệu hóa bởi những âm mưu vặt vãnh.

 

Sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan lập pháp, sự vị nể, thỏa hiệp giữa các bộ ngành có thể để lọt những thủ tục được cài cắm trong các văn bản, khiến cho những “chiến lược”, những “toàn diện” có nguy cơ trở nên vô nghĩa.

 

Bởi, các công ty công nghệ khi tới Việt Nam, không phải là sẽ đối diện với các nhà lãnh đạo đã nỗ lực khai mở lộ trình chiến lược mà sẽ rơi vào “thập diện mai phục” của những thủ tục không được dạy ở bất cứ trường luật nào; phải đối diện với một bộ máy rất nhiều cửa mà không biết mở cửa nào; đối diện với những cam kết mà không có cam kết; đối diện một lịch trình mà không có thời hiệu; đối diện với những chi phí không thể dự toán và không làm sao quyết toán.

 

2023 đúng là năm của Bộ TT & TT.

 

Những quy định trong Nghị định 71 cũng như những quy định đang được Bộ TT & TT dự thảo trong Nghị định 72 có thể mang lại những lợi ích rất nhỏ nhặt và cục bộ. Nhưng uy tín của quốc gia, cơ hội của hàng chục triệu người dân Việt Nam sẽ phải trả giá.

 

Lịch sử không cần biết danh tính những kẻ đang dấm dúi cài cắm các quy trình đẩy lùi văn minh ấy nhưng lịch sử sẽ lại rất vô tư lưu danh những ai đã để cho bọn họ lộng hành.





No comments:

Post a Comment

View My Stats