Monday, 22 January 2024

MỘT GIÁO DÂN ĐẾN MỸ TỊ NẠN SAU 'TRAO ĐỔI' TRONG CHUYẾN THĂM VN CỦA ÔNG BIDEN (VOA Tiếng Việt)

 



Một giáo dân đến Mỹ tị nạn sau ‘trao đổi’ trong chuyến thăm VN của ông Biden

VOA Tiếng Việt

20/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/mot-giao-dan-den-my-ti-nan-sau-trao-doi-trong-chuyen-tham-vn-cua-ong-biden/7448005.html

 

Ông Huỳnh Ngọc Trường, nhà hoạt động vì quyền đất đai và là giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, vừa rời Việt Nam đến Mỹ định cư sau nỗ lực ngoại giao giữa Washington và Hà Nội trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-dbd4-08dc194fd26f_cx0_cy28_cw0_w650_r1_s.jpeg

Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Trường và gia đình đến sân bay quốc tế Dulles ở Virginia ngày 18/1/2024.

 

Ông chia sẻ cảm xúc với VOA hôm 19/1, một ngày sau khi ông và gia đình có tất cả sáu người đặt chân đến thành phố Raleigh, bang North Carolina:

 

“Trốn chạy khỏi chế độ độc tài và đến một đất nước tự do, tôi rất bỡ ngỡ và xúc động khi chính phủ Mỹ quá tốt với những người tị nạn như chúng tôi. Họ lo nhà cửa, các thứ…tôi xin cảm ơn chính phủ Mỹ”.

 

Ông Trường cho biết rằng sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden vào tháng 9, ông vẫn chưa được công an Đà Nẵng cho xuất cảnh ngay vì “trường hợp này khó đi”, ông thuật lời một quan chức an ninh nói với ông.

 

“Họ không thể để dễ dàng cho tôi rời khỏi Việt Nam và họ đã làm việc với tôi rất nhiều lần”, vẫn lời ông Trường.

 

“Tôi bị cấm xuất cảnh vào năm 2019 mãi cho đến cuối 2023. Sau khi được Tổng thống Biden qua Việt Nam nâng cấp quan hệ và tôi được được vào diện “trao đổi” thì họ mới bằng lòng cấp hộ chiếu để tôi xuất cảnh”.

 

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, nói với VOA rằng tổ chức của ông đã vận động cho ông Trường xin tị nạn tại Mỹ sau khi ông Trường và các giáo dân Cồn Dầu sang Thái Lan tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á năm 2019 và khi họ quay về đã bị công an xuất nhập cảnh thẩm vấn, câu lưu…

 

“Anh Trường bị công an đe dọa, đánh đập, bắt bớ… nên chúng tôi vận động để đưa anh Trường đi tị nạn tại Hoa Kỳ”, ông Thắng nói. “Đơn xin tị nạn đã được chấp thuận khá lâu rồi nhưng công an cứ giữ mãi hộ chiếu… Mãi cho đến sau khi Tổng thống Biden đến thì lệnh giữ hộ chiếu mới được gỡ bỏ, anh Trường mới có được hộ chiếu”.

 

Trong phản hồi bằng email hôm 19/1, Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ông Trường đến Mỹ tị nạn chính trị sau nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden. Bộ này nói rằng: “Vì lý do bảo mật và quyền riêng tư, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cụ thể về các trường hợp được đề cập”.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam và Công an Đà Nẵng chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.

 

Hôm 19/9/2023, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ rằng hai nhà hoạt động Việt Nam mà chính quyền Mỹ tin là đã bị chính quyền cộng sản ở nước này bắt giữ sai trái sẽ tái định cư tại Hoa Kỳ theo một “thỏa thuận” được đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden từ ngày 10/9/2023.

 

Khi ấy, hãng tin Reuters không nêu tên các nhà hoạt động, nhưng nói rằng một trong hai người này là một luật sư nhân quyền vận động đòi quy trách nhiệm về nạn bạo hành của công an, còn người kia là một giáo dân Công giáo bị cưỡng chế ra khỏi nhà.

 

Tại Hoa Kỳ, hai gia đình này dự kiến sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên số 1” hay “Priority One”, vẫn theo Reuters. Hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.

 

Như VOA đã đưa tin hồi tháng 9/2023, khi Tổng thống Biden đến Hà Nội nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển và nhà hoạt động môi trường Mai Phan Lợi đã được ra tù trước thời hạn, ông Truyển sau đó được cho sang Đức tị nạn. Đến tháng 10/2023, luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình cũng đến Mỹ tị nạn chính trị.

 

Các nhà hoạt động cho VOA biết rằng ông Trường là người thứ tư và cũng là người cuối cùng trong “thỏa thuận” này giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến công du của ông Biden.

 

Trong một email phản hồi cho VOA trước đây khi được hỏi liệu có một “thỏa thuận” như vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo tất cả người Việt Nam có thể được hưởng các quyền con người cơ bản mà không sợ bị bắt giữ hay đàn áp”.

 

“Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng thống Biden đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả Chính quyền ngài và người dân Mỹ”, người phát ngôn Hoa Kỳ nói. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về chủ đề này”.

 

Theo tổ chức BPSOS, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đưa lực lượng công an và cảnh sát cơ động tấn công cả giáo xứ Cồn Dầu khi họ đang đưa đám một giáo dân cao tuổi mới qua đời. Sự việc này khiến 100 giáo dân bị thương tích; 62 giáo dân bị bắt và tra tấn; 6 giáo dân bị xử án tù và gần 150 giáo dân phải chạy sang Thái Lan và Malaysia lánh nạn.

 

“Chính quyền Đà Nẵng đã thu hồi toàn bộ đất đai của chúng tôi, lấy danh nghĩa là ‘làm đô thị sinh thái’, nhưng thực chất là phân lô bán nền”, ông Trường chia sẻ sự bất mãn của ông về vụ giáo dân Cồn Dầu mất đất từ 14 năm về trước. “Trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy việc thu hồi đất này quá bất công nên chúng tôi đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi đất đai, cũng như quyền tự do tôn giáo”.

 

Vào cuối tháng 12/2023, trang An ninh TV của Bộ Công an cho rằng tổ chức BPSOS đã “lợi dụng” sự việc ở giáo xứ Cồn Dầu, với các vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài gắn với yếu tố dân tộc, tôn giáo “để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam”.

 

Trước đó, trong nhiều dịp khác nhau, chính quyền Đà Nẵng và Việt Nam nói rằng không có chuyện đàn áp người dân Cồn Dầu và tuy có một số đề về đất đai ở đó song cuối cùng đều đã được giải quyết ổn thỏa.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats