Thursday, 25 January 2024

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU CÔNG BỐ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ CÔNG NGHỆ NHẠY CẢM (Thu Hằng / RFI)

 



Liên Hiệp Châu Âu công bố chiến lược bảo vệ công nghệ nhạy cảm

Thu Hằng   -  RFI

Đăng ngày: 24/01/2024 - 16:12

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240124-lhca-cong-bo-chien-luoc-bao-ve-cong-nghe-nhay-cam

 

Ngày 24/01/2024, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố một loạt sáng kiến để bảo vệ lợi ích kinh tế của khối, cũng như tránh để các công nghệ nhạy cảm của châu Âu hoặc các công trình hạ tầng trọng điểm rơi vào tay các đối thủ như Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3af2966e-bac8-11ee-92df-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24024517239542.webp

Ảnh minh họa: Vận đồng bầu cử châu Âu bên ngoài trụ sở Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 24/01/2024. AP - Virginia Mayo

 

Theo AFP, biện pháp mới gồm 5 sáng kiến, trong đó có tăng cường cơ chế kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài vào châu Âu có hiệu lực từ cuối năm 2020. Hoạt động của cơ chế này sẽ được phối hợp chặt chẽ hơn, hướng tới việc « tất cả các nước thành viên có một cơ chế kiểm soát » đầu tư nước ngoài.

 

Ngoài ra, Ủy Ban Châu Âu cũng đề xuất phối hợp kiểm soát xuất khẩu, chủ yếu nhắm đến các sản phẩm mang tính lưỡng dụng dân sự và quân sự; tham vấn công khai về các biện pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng; điều phối hài hòa ở quy mô châu Âu các biện pháp bảo đảm an toàn cho nghiên cứu và tránh để các quốc gia chuyên chế khai thác các chương trình hợp tác quốc tế, trong đó có giáo dục đại học.

 

Văn bản này sẽ còn phải được đàm phán với các nghị sĩ châu Âu và các nước thành viên Liên Âu. AFP cho rằng quy mô của văn bản vẫn bị hạn chế bởi vì Bruxelles không có quyền ngăn chặn một dự án đầu tư, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các nước thành viên. Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu đặt kỳ vọng thúc đẩy 27 nước thành viên thông tin nhiều hơn về quyết định của họ.

 

Ủy Ban Châu Âu muốn xem xét những rủi ro trong các dự án đầu tư của châu Âu sang nước thứ ba, nhất là nguy cơ rò rỉ kiến thức về một số công nghệ trọng điểm giúp tăng cường « khả năng quân sự và tình báo ». Tháng 10/2023, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố danh sách 4 lĩnh vực chiến lược cần ưu tiên bảo vệ, gồm thiết bị bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, tin học lượng tử và công nghệ sinh học.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách các công nghệ quan trọng cần tăng cường giám sát, bảo vệ

 

LIÊN ÂU - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Liên Âu yêu cầu 44 công ty công nghệ số áp dụng nhãn mác ‘‘Trí thông minh nhân tạo’’

 

HOA KỲ - CHÂU ÂU

Mỹ-Châu Âu thắt chặt quan hệ thương mại và công nghệ





No comments:

Post a Comment

View My Stats