Thursday, 25 January 2024

JOE BIDEN MỪNG, TẬP CẬN BÌNH LO (Ngô Nhân Dụng)

 



Joe Biden mừng Tập Cận Bình lo

Ngô Nhân Dụng

24/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/joe-biden-mung-tap-can-binh-lo/7455129.html

 

.

https://gdb.voanews.com/6C4EC1DE-E79D-43DC-806B-FF0CBDF315B4_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.png

Ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ chủ trương cộng tác mật thiết với Mỹ. Ông biết tình trạng kinh tế Trung Quốc rất đáng lo. Còn kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và chính quyền Biden lại đưa ra những đòn cấm vận không cho bán những chất bán dẫn tân tiến nhất cho Trung Quốc.

 

Ông Tập Cận Bình đang chứng kiến cảnh kinh tế chậm lụt, nhưng nhìn về tương lai càng bi quan hơn.

 

Đầu năm 2024, nhân dịp kỷ niệm ngày Mỹ và Trung Quốc thiết lập bang giao chính thức, năm 1979, ông Lưu Kiến Siêu (刘建超, Liu Jianchao), chủ tịch Quốc Tế Vụ Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chuyện ở New York nhắc lời chủ tịch Tập Cận Bình: “Trung Quốc không muốn có chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất cứ nước nào.” Ngoại trưởng Vương Nghị, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, cũng nhấn mạnh rằng hai nước Mỹ - Trung bắt buộc phải cộng tác với nhau, không có đường nào khác.

 

Những lời lẽ hòa hoãn được đưa ra công khai có lý do. Vì ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ chủ trương cộng tác mật thiết với Mỹ. Ông biết tình trạng kinh tế Trung Quốc rất đáng lo. Còn kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và chính quyền Biden lại đưa ra những đòn cấm vận không cho bán những chất bán dẫn tân tiến nhất cho Trung Quốc. Trong khi công ty Huawei vui mừng báo tin có thể chế ra những con chip 5 nano mét thì công ty Dell đã thực hiện được loại chíp 1.5 nano mét (một phần tỷ của một mét).

 

Trước đây 20 năm, nhiều người tiên đoán kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ vào khoảng năm 2030. Hiện nay Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Trung Quốc trị giá khoảng $18 ngàn tỷ mỹ kim; GDP của Mỹ khoảng $24 ngàn tỷ. Tuy thua kém nhưng Trung Quốc tăng với tốc độ cao; mỗi năm GDP thêm 4% đến 5%, trong khi kinh tế Mỹ chậm chạp, tăng mỗi năm chừng 2%. Kinh tế Trung Quốc chạy phía sau, nhưng nếu chạy nhanh hơn Mỹ thì thế nào cũng có ngày bắt kịp rồi vượt lên trên. Bây giờ thì không biết Trung Quốc có khả năng đuổi kịp hay không.

 

Khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa cho kinh tế Trung Quốc, Tổng Sản Lượng Nội Địa tăng vọt lên nhờ hai điều kiện. Thứ nhất, dân Trung Hoa được tự do làm ăn đã lao đầu vào công việc; thứ hai, họ bán hàng hóa tràn ngập thị trường cho dân Mỹ mua. Bây giờ cả hai yếu tố trên không còn mạnh như trước nữa.

 

Một thước đo để dự đoán tương lai kinh tế là thị trường chứng khoán. Các chỉ số Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã giảm mất một phần tư giá trị trong hai năm qua. Trong khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Thị trường New York vẫn tăng lên những kỷ lục mới.

 

Kinh tế Mỹ lên cao trong hai năm sau cơn bệnh dịch Covid vì dân Mỹ đổ tiền dành dụm ra “tiêu xài trả thù;” còn người Trung Hoa trong lục địa thì ngược lại, họ lo tiết kiệm hơn trước, kinh tế khó nhúc nhích; Nguyên nhân rất dễ hiểu: Chính phủ Mỹ đổ tiền vào túi người dân khi họ mất việc làm trong thời Covid; người dân Trung Hoa không được giúp đồng nào, họ còn rút kinh nghiệm, bớt tiêu pha, lo để dành tiền nhiều hơn trước.

 

Từ năm 2022 kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục mạnh khi các đường cung cấp hàng hóa được khai thông. Người tiêu thụ, đóng góp 70% vào GDP, ngày càng tin tưởng vào tương lai. Chỉ số Tin tưởng của Conference Boar, một công ty nghiên cứu kinh tế, đã tăng 10% trong Tháng 12 năm 2023. Đại học Michigan cho biết Chỉ số Tin tưởng của người tiêu thụ tăng 13% trong Tháng 1 năm 2024. Cả hai chỉ số này đều cho thấy tinh thần lạc quan đồng đều trong mọi tầng lớp xã hội, dù tuổi tác, lợi tức, địa phương và trình độ học vấn khác nhau.

 

Lòng tin tưởng của dân tiêu thụ ở Mỹ nói chung tăng lên vì đa số thấy lợi tức cao hơn. Ngay từ năm 2021 và 2022, giới lao động đòi tăng lương khi các công ty khó kiếm người làm việc. Lương tăng nhiều hơn tỷ lệ lạm phát từ cuối năm 2022, đến bây giờ vẫn giữ vững, cho phép người ta tiêu xài dễ dàng.

 

Những chỉ số kinh tế khác cũng mang tới các tin mừng: Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ 50 năm qua; tỷ lệ lạm phát lên cao nhất, 9.1% vào giữa năm 2022, nay xuống chỉ còn 3.4%.

 

Tình trạng Trung Quốc khác hẳn. Trong bài diễn văn đón chào năm mới 2024, Tập Cận Bình phải công nhận nhiều người dân đang không có đủ tiền sống, lần đầu tiên một lãnh tụ cộng sản nói sự thật vì không thể che giấu được.

 

Vì những phương pháp đối phó với Covid quá nghiêm ngặt, trong năm 2022 kinh tế Trung Quốc chỉ tăng thêm 3% thay vì dự đoán 5.5%. Tỷ lệ tăng trưởng này cao hơn con số 2% ở Mỹ, nhưng nó lại chứng tỏ các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Vì Trung Quốc dùng 40% GDP trong việc đầu tư, tỷ lệ đầu tư ở Mỹ chỉ bằng một nửa. Ngược lại, số tiêu thụ của người dân chiếm một tỷ lệ thấp hơn dân Mỹ; ông Tập Cận Bình càng khó thúc đẩy họ hăng hái rút tiền ra mua sắm.

 

Vì thế, mối lo lớn nhất hiện nay là nạn “giảm phát,” tức là giá cả rớt xuống thấp, ngược lại với lạm phát vì giá tăng lên.

 

Chỉ số giá sinh hoạt ở Trung Quốc đã đi xuống trong ba tháng, bắt đầu giảm 0.3% trong tháng Bảy 2023. Trong tháng Tám, chỉ số trở lại quân bình, cho đến khi dân chúng bớt ăn thịt. Giá thịt heo xuống quá thấp, khiến từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, chỉ số giá cả xuống liên tục, theo mạng Markets Insider, ngày 20 tháng 1, 2024.

 

Dân Trung Hoa tiêu thụ nhiều thịt heo nhất thế giới. Đó là món thịt chính, có thể dùng “chỉ số thịt heo” để đo kinh tế lên xuống. Một văn hào đời Tống, tác giả hai bài Xích Bích Phú, còn để lại một “di sản bất hủ” là món “thịt heo Tô Đông Pha (nấu nhỏ lửa và nấu rất lâu cho đến khi thịt nhừ)! Vậy mà người Trung Hoa bỗng dưng bớt ăn thịt heo! Điều đó chứng tỏ họ quyết định thắt lưng buộc bụng, ông Tập Cận Bình có dọa đánh họ cũng chịu! Giá thịt heo xuống, chỉ số giá sinh hoạt xuống theo, bắt đầu giảm phát!

 

Điều đáng lo lâu dài là một khi nạn giảm phát bắt đầu thì rất khó lôi nó lên. Nói chung, lạm phát dễ chữa thuốc, tăng lãi suất lên, một thời gian sẽ thấy hiệu quả, như ở Mỹ trong năm qua. Giảm phát khó chữa hơn. Nhật Bản đã lâm cảnh giảm phát từ thời 1990, đến năm nay bệnh mới được nếm mùi lạm phát 2%, mừng hết sức!

 

Nạn giảm phát ở Trung Quốc bắt đầu khi người dân bớt mua sắm vì muốn vẫn còn tiền xài nếu bệnh dịch tái phát. Giảm phát trở thành nặng nề vì cuộc khủng hoảng địa ốc, giá nhà cửa xuống dốc. Cộng sản Trung Quốc kích thích kinh tế bằng việc xây cất mấy chục năm qua, dễ dàng quá, chỉ cần ngân hàng nhà nước cho các công ty địa ốc vay với lãi suất thấp. Nhưng xây cất nhiều quá, không còn người mua nữa. Giới trung lưu dùng tiền tiết kiệm để mua thêm các căn hộ, tính sẽ cho thuê. Bây giờ không còn người thuê, giá nhà cửa xuống tự nhiên họ cảm thấy mình nghèo hơn. Thế là họ bớt mua sắm, giá hàng hóa, dịch vụ phải xuống!

 

Bắc Kinh đã tìm cách kích thích. Nhưng họ không bao giờ phát tiền cho dân tiêu xài, như Mỹ và các nước Âu châu đã làm trong thời gian Covid. Họ chỉ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và tặng $140 tỷ cho các chính quyền địa phương, phải mất nhiều thời gian mới thấy hiệu quả.

 

Ông Tập Cận Bình đang chứng kiến cảnh kinh tế chậm lụt, nhưng nhìn về tương lai càng bi quan hơn. Giáo sư kinh tế học Minxin Pei, Đại học Claremont McKenna College, mô tả: “Nạn giảm phát ở Trung Quốc là giảm phát hy vọng, giảm phát óc lạc quan. Tài sản của người Trung Hoa đặt 70% vào nhà cửa. Khi nhà cửa xuống giá, họ sẽ mất hết tin tưởng.”

 

Ông Joe Biden may mắn hơn. Vì cơ cấu nền kinh tế tư bản không dựa trên các quyết định của nhà nước mà tùy thuộc thị trường. Các đạo luật tái thiết hạ tầng cơ sở toàn quốc, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch sẽ tạo thêm công việc làm trong nhiều năm sắp tới. Khi người dân Mỹ còn chạy đua để làm giàu, kinh tế Mỹ còn dư sức phục hồi.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats