Friday 19 January 2024

HOÀNG SA, NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN (Quốc Việt)

 



NỘI DUNG :

 

Hoàng Sa, ngày tháng không quên

Quốc Việt

.

Năm mươi năm nỗi đau dân tộc

Lưu Trọng Văn  

.

Hiệp định Genève và Hoàng Sa

Tạ Duy Anh

 

Nhớ và nghĩ trong Ngày-Hoàng-Sa-của-chúng-ta

Vĩnh Quyền

 

=========================================

.

.

Hoàng Sa, ngày tháng không quên

Quốc Việt

18/01/2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/quoc-viet-hoang-sa-ngay-thang-khong-quen.html

 

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhSiysnkfxov2uIwVQBZ1ZLnA9t4xC_WPKb_SGBmFKH5pjF1ze6Eq-Mwr-Ns638Y36sXauNsZsFlerLRJ1u_yVFVNx0f5DBltUWT1-vx9aOrwFX_0Vjp_3GeeUs2ST3GssxhUv89YqMzm68O06Vn1fZk_nGBHz5HQ7gM0dxmUovVIoLsCmMyO3YTicf3y88/w400-h225/24.jpg

 

"Tôi đi Hoàng Sa được 10 chuyến, lần nào cũng có kỷ niệm không thể quên. Từ những cơn bão tố Biển Đông, những đàn cá dày đặc ở rạn san hô, đến gương mặt bạn bè thân quen đón chờ ở đầu cầu hòn đảo của Tổ quốc" - Nhiều năm đã trôi qua, cựu quân nhân kỹ thuật hải quân Việt Nam Cộng Hòa Trương Văn Quảng vẫn vẹn nguyên ký ức về Hoàng Sa.

 

NHỮNG CHUYẾN TÀU TIẾP VẬN

 

Giọng ông Quảng chợt nghẹn xuống, nhiều chuyến hải hành của ông và chiến hữu ra đảo đều trong thời tiết tốt, nhưng nếu có lệnh hành quân trong gió bão thì họ vẫn thực hiện nhiệm vụ.

 

Hồi tưởng ký ức những chuyến vượt đại dương ra quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc, cựu binh già này tâm sự quê ông ở Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), từ thuở nhỏ biển đã gắn bó như một phần máu thịt trong ông. Tốt nghiệp trung học đệ nhất, ông vào học ngành kỹ thuật cơ khí hải quân Nha Trang.

 

Năm 1959, lần đầu hạ sĩ quan Trương Văn Quảng được đặt chân lên Hoàng Sa từ chiếc tàu HQ - 400 Hát Giang. Đây là hải vận hạm loại LSM (Landing ship medium) do Mỹ viện trợ chuyên dụng quân vận và lương thực, nước uống tiếp tế đảo, về sau được chuyển công năng thành tàu bệnh viện. Cùng với Hát Giang, chính quyền Sài Gòn cũng còn một số tàu thường xuyên đi tiếp vận Hoàng Sa như HQ - 401 Hàn Giang, HQ - 402 Lam Giang, HQ - 403 Ninh Giang, HQ - 404 Hương Giang...

 

Ngoài hải vận hạm, giai đoạn ấy cũng có nhiều loại tàu khác thường xuyên ra quần đảo này như dương vận hạm HQ - 500 Cam Ranh, HQ - 501 Đà Nẵng, HQ - 502 Thị Nại, và cả tàu chiến.

 

Theo ông Lữ Công Bảy - cựu thượng sĩ giám lộ hải quân, các chiến hạm vừa tuần tiễu vừa chuyển quân và tiếp vận cho các đảo khi có nhiệm vụ cần thiết. Ông Bảy từng đi chiếc khu trục hạm HQ - 04 Trần Khánh Dư tham gia trận hải chiến bi hùng Hoàng Sa ngày 19-1- 1974. Trước đó, vào năm 1971, lần đầu ông được đặt chân lên quần đảo này từ chiếc Kỳ Hòa, một trong những hộ tống hạm của miền Nam Việt Nam.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj9K00t5UiGLDbGssWoAIgKuL-9RVT8SGg8Lt8hAZtvhO8BwW5mrFMXSaPNHqoyM9ANehn-fS4prF3wM4mTf5THeFH8x4b0McQduDk4czkMoeMau-Ioek4k37NSZWsjo0jNssKg6v6zD1oSMUcNdj3hteRu_kdpAMGzxEQhEUa30grf0or3NCgyFaQKYHDN/w400-h269/25.jpg

[Người lính Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thành ở cầu tàu Hoàng Sa 1969]

 

 

QUẦN ĐẢO XINH ĐẸP, GIÀU TÔM CÁ

 

Đến giờ ông Bảy vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc rưng rưng khi giẫm chân lên bãi cát vàng, và được nghe giọng nói đồng bào quen thương là những người lính trấn thủ giữa Biển Đông của Tổ quốc.

 

Còn ông Quảng sau nhiều chuyến hải hành trên chiếc Hát Giang, đã chuyển sang tàu HQ - 07 Đống Đa. Đây là hộ tống hạm mà chính ông Quảng cùng thủy đoàn miền Nam đã đi nhận từ Mỹ về.

 

"Dù thế nào tôi vẫn chưa thể quên từng luồng lạch, từng hình ảnh thân thương ở quần đảo san hô Hoàng Sa, bởi tôi cùng anh em đồng đội từng năm lần ra đảo trên chiếc Hát Giang, ba lần trên chiếc Đống Đa và hai lần với chiếc Coadgoard 117" - ông Quảng rưng rưng tâm sự.

 

Lần đầu tiên vào năm 19 tuổi, ông Quảng được toại nguyện ước mơ khỏa tay xuống sóng biển Hoàng Sa. Đây cũng là thời điểm chính quyền Sài Gòn khai thác phân phốt phát từ đảo chuyển về Sài Gòn. Ngoài hải vận, chiếc Hát Giang còn có nhiệm vụ tuần tiễu, yểm trợ cho các thương thuyền và tàu chuyên chở phốt phát.

 

Người cựu binh này nhớ đó là những con tàu mang tên địa danh nước Việt như Trường Sơn, Đại Hải, Nhật Lệ... Phân phốt phát từ Hoàng Sa được chở thẳng về Sài Gòn, rồi chuyển xuống vựa lúa miền Tây Nam Bộ.

 

Nhắc lại chuyến hải hành đầu tiên ra quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, người cựu binh đã bạc đầu tâm sự: "Từ Sài Gòn, chiếc Hát Giang ra Đà Nẵng, nhận lương thực và nước ngọt. 18 giờ chiều, việc tiếp vận lên tàu kết thúc. Thuyền trưởng cho quay mũi, kéo còi trực chỉ thẳng ra Hoàng Sa. Hát Giang chạy rất nhanh, chỉ khoảng 10 hoặc 11 giờ sáng hôm sau đã đến Hoàng Sa tùy theo mức độ sóng gió". Đa số chuyến hải hành của ông ra đảo đều trong thời tiết tốt, nhưng nếu có lệnh hành quân trong gió bão thì họ vẫn thực hiện nhiệm vụ.

 

Khi tàu đến đảo Hoàng Sa, việc đầu tiên thủy thủ tàu tiếp vận làm là nối ống từ hầm tàu lên đảo để bơm nước ngọt vào bể trữ. Các bể này được xây dựng trên đảo bằng bêtông rất kiên cố, để hứng thêm nước mưa.

 

Ngoài ra, đảo cũng có một giếng nước lợ. Độ mặn nước giếng tùy vào thủy triều lên xuống. Khi triều hạ, độ mặn cũng giảm bớt. Nhưng binh sĩ và nhân viên khí tượng sống trên đảo thường chỉ dùng nước này để tắm lại sau khi tắm biển.

 

Khoảng ba tháng, chiếc Hát Giang đi Hoàng Sa một lần. Thường là phiên đổi ca đồn trú trên đảo, nên tàu chở theo một trung đội lính cùng nhân viên khí tượng ra đảo và đón những người đã ở ngoài đó về đất liền. Lương thực tiếp tế chủ yếu là gạo, muối, đường, sữa, đồ hộp... Còn đồ tươi như heo, gà vịt sống do binh sĩ mang theo từ đầu phiên đồn trú của mình.

 

Là chứng nhân 120 ngày dẫm chân trên cát sỏi Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Đức, đảo trưởng phiên thứ 38, nhớ lại: "Tháng 10-1969, tôi nhận sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam điều động ra làm đảo trưởng Hoàng Sa trong bốn tháng. Cùng đi với chúng tôi có 34 binh sĩ, được đặt tên là trung đội Hoàng Sa, trong đó có những người tự nguyện giơ tay xung phong đi, và bốn nhân viên khí tượng ra thay ca ở trước".

 

14 giờ chiều 14-10-1969, trung đội Hoàng Sa của ông Đức lên chiếc hải vận hạm HQ - 402 Lam Giang. Tàu kéo còi rời cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trên sóng biển nhẹ nhàng.

 

Tuy nhiên, đến đêm biển động, những con sóng lớn quăng quật làm nhiều người chưa quen đi biển say sóng vật vã. Sáng hôm sau, biển trời lại trở nên hiền hòa, êm ả. Những người lính reo ồ lên trước cảnh tượng cá voi phun nước bơi ngang qua tàu.

 

Giữa trưa, Hoàng Sa đã hiện ra mờ mờ trước mắt và càng lúc càng rõ dần. Đến 15 giờ, tàu thả neo cách đảo một đoạn vì mắc rạn san hô nên tàu lớn không thể vào gần được.

 

Trung đội Hoàng Sa và bốn nhân viên khí tượng xuống chiếc thuyền nhỏ để lên đảo.  Sau khi chuyển hết người, chiếc thuyền nhỏ lại quay ngược ra tàu để tiếp tục chở thực phẩm đủ cho người trên đảo ăn trong bốn tháng.

 

Nhắc nhớ kỷ niệm không nguôi, ông Đức vẫn vẹn nguyên ký ức: "Lên đảo, tôi nhận bàn giao từ phiên đồn trú 37 trước đó. Người đến, kẻ về, cảm giác rất xúc động, thân tình. Anh em lên tàu vào đất liền, chúc chúng tôi ở lại mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ còn chỉ bày kinh nghiệm sống trên đảo cho tân binh mới ra lần đầu".

 

Bàn giao xong thì trời đã tối, những người lính mới chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi để sáng mai bước vào ngày đầu tiên trong phiên đồn trú bốn tháng.

 

Hôm sau, đảo trưởng Nguyễn Văn Đức mổ heo làm lễ cúng đảo và liên hoan cho anh em binh lính. Đây là một trong hai con heo và 20 con vịt trung đội Hoàng Sa mang theo từ đất liền. Nghi lễ bất thành văn mà tất cả phiên đồn trú trên Hoàng Sa đều thực hiện. Họ mổ heo, cúng đảo ngày mới đặt chân lên đảo và cúng ngày trở về. Không khí rất trang nghiêm thành kính. Đảo có ngôi cổ tự thờ Phật Bà Quan Âm, có một nhà nguyện Thiên Chúa giáo và khoảng 20 nấm mộ mà phần nhiều là vô danh.

 

Đêm đầu tiên trên đảo, nhiều người trẻ không ngủ được vì nhớ nhà, nhưng chỉ vài hôm nỗi buồn giảm dần vì cảnh vật Hoàng Sa xinh đẹp và thanh bình. Đảo không có núi và rừng cây rậm rạp như các hòn đảo phía Nam Tổ quốc, nhưng khí hậu vẫn mát mẻ.

 

Cựu đảo trưởng Hoàng Sa, Nguyễn Văn Đức bồi hồi nhớ lại không khí trên đảo ấm áp và dễ chịu với những bãi cát mịn trắng phau dọc bờ biển. Đứng từ đây có thể nhìn thấy những hòn đảo xa xa xinh đẹp của cụm quần đảo này.

 

Ngày đầu đi tìm hiểu đảo, ông Đức chỉ đi dạo quanh khoảng 4 - 5 giờ đã trở về vị trí xuất phát ban đầu. Các công trình được xây dựng chắc chắn từ thời Pháp. Trong đó khu nhà ở binh lính và nhà khí tượng với tường dày cả mét, có thể chống chọi cuồng phong Biển Đông. Trên mái nhà có bố trí hai khẩu đại liên 50 của Mỹ, hỏa lực phòng vệ tầm xa mạnh nhất của trung đội Hoàng Sa ngày ấy.

 

Cùng phiên trấn thủ Hoàng Sa với đảo trưởng Đức, ông Nguyễn Văn Thành, lính truyền tin, cũng ra đảo năm 1969, vẫn nhớ mãi cầu cảng là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người lính. Nó bắc trên làn nước biển trong vắt mà người đi trên cầu có thể ngắm nhìn từng đàn cá bơi lội và các dải san hô nhiều màu sắc bên dưới.

 

"Hình ảnh nhớ nhất của tôi là lần đầu tiên dạo quanh đảo, khi đến cầu cảng nhìn xuống nước thấy rất nhiều cá, tôi vội ném xuống một quả lựu đạn. Sau tiếng nổ, cả một vùng nước chuyển sang màu đen sì. Chúng tôi nhảy xuống tìm mãi cũng chẳng thấy con cá nào... Sau này mới rõ đó là đàn mực đang bơi. Mực không có bong bóng nên không chết tức hơi do tiếng nổ gây ra".

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjhJR1spX9xnVvLUVhpCoBbxtHTCtZf5XOcy158aw2HT9DORz2gygjnh8K_RuWuNadu6xCn7IYezmSY8bhEPyQvMmm-Q-wIs6M0caSaL6win5O2Ye-N9PvOKwwNJJOo5mfBVVvk1YS4b0qMWllwoq3XysO0TqW0c8weRUtlkbt_PEe294mJQ1PtPWzNwOxc/w400-h249/26.jpg

[Tháp hải đăng, giếng đào ở Hoàng Sa.]

 

 

ANH EM BINH SĨ CHAN HÒA

 

Trong ký ức không thể quê của các nhân chứng Hoàng Sa, cây cối trên đảo chủ yếu là cây nhàu chỉ cao hơn đầu người một chút và một số cây dương liễu, cây dừa do người ra đảo trồng. Đảo cũng không có rau xanh vì khan hiếm nước ngọt, nhưng lại có loại cây sam dại mọc lan rất nhiều như thảm xanh.

 

Khi thèm rau, binh lính trên đảo có thể hái cây dại này để nấu canh hoặc luộc ăn rất mát. Họ truyền dặn nhau phải nhớ khi hái ăn không được nhổ cả gốc, vì để dành cho người sau ra trấn thủ.

 

Còn thịt tươi từ gà vịt sống mang ra từ đất liền chỉ vài tuần là hết dù ăn uống rất dè sẻn, nhưng hải sản Hoàng Sa thì nhiều vô kể. Người xuống biển tắm, cá bơi dày đặc đến mức cứ lao thẳng vào chân.

 

Mỗi tháng có hai đợt thủy triều hạ thấp vào đầu và giữa tháng âm. Nước rút ra xa đảo đến 200 - 300 mét, và rất nhiều cá mực bị mắc kẹt lại trong các vũng san hô. Họ chỉ cần dùng tay không cũng bắt được hàng trăm ký cá.

 

Ngoài nhiệm vụ canh gác, trên đảo không có nhiều việc với binh sĩ đồn trú. Phần lớn thời gian họ dành câu cá để cải thiện bữa ăn và tìm niềm vui. Chỉ một lát buổi chiều, mỗi người đã có thể câu được 50 - 70 con cá mú nặng trên dưới 1 kg. Họ cũng kéo được cả mực và những con cá nhám to như bắp đùi người lính. Ăn không hết, cá được xẻ thịt phơi khô đem về đất liền làm quà cho gia đình và bán lấy tiền.

 

Ông Đức nhớ khi về đất liền, nhiều người trong trung đội Hoàng Sa của mình đã bán được đến 40.000 - 50.000 đồng tiền cá khô. Số tiền tương đương với lương lính lãnh cho suốt bốn tháng đồn trú trên đảo.

 

Xa đất liền, xa gia đình, binh sĩ và các nhân viên khí tượng Hoàng Sa sống chan hòa tình cảm, xem nhau như anh em trong gia đình. Niềm vui và nỗi buồn gì họ cũng chia sẻ với nhau. Mỗi khi có tàu tiếp vận ra đảo, thứ được người lính trông đợi nhất là lá thư của vợ con, cha mẹ. Và ngược lại, hầu như ngày nào họ cũng ngồi viết thư để nhờ các chuyến tàu gửi về cho gia đình mình.

 

Ở Hoàng Sa có một người rất đặc biệt đã trải qua nhiều năm sống trên đảo này. Đó là ông Võ Vĩnh Hiệp, nhân viên Nha khí tượng Sài Gòn, bị tật cả tay chân nhưng chơi đàn rất hay. Ông sống rất tình cảm, hiểu biết sâu sắc mọi thứ trên đảo, được mọi người xem như anh lớn của mình.

 

Ông Lê Lan, cựu y tá đã hai lần ra Hoàng Sa vào năm 1971 và cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc chiếm đảo, vẫn nhớ: "Điều mà tôi không quên được đó là hai lần công tác ở Hoàng Sa đều gặp ông Hiệp. Người của Nha khí tượng Sài Gòn, bị dị tật bẩm sinh cả tay và chân nhưng chơi rất hay các loại đàn. Chính ông đã dạy đàn cho tôi".

 

Ông Lê Lan kể thêm, nếu thống kê thì ông Hiệp đã sống và làm việc ở Hoàng Sa hơn 30 đợt, nhiều hơn bất cứ ai từng có mặt ở đảo này.

 

Đặc biệt, ký ức những người lính nước Việt từng thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa còn nhớ mãi kỷ niệm trước năm 1974, thi thoảng vẫn có tàu cá Trung Quốc ghé vào đảo xin nước ngọt và lương thực. Thậm chí, có cả thủy thủ, ngư dân Nhật Bản, Trung Quốc bị bệnh còn được y tá Việt Nam trên đảo cứu giúp. Khi ra về, họ nói lời cảm ơn  và hẹn ngày tái ngộ.

 

Đâu ai ngờ lại xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa bi tráng đầu năm 1974, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo của Việt Nam. Món nợ chủ quyền và máu xương mà con cháu nước Việt ngàn đời khắc cốt ghi tâm!

 

QUỐC VIỆT 18.01.2024

 

.

=======================================================

.

.

Năm mươi năm nỗi đau dân tộc

Lưu Trọng Văn  

19/01/2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/luu-trong-van-nam-muoi-nam-noi-au-dan.html

 

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjX4WDNikEOxRJtIRKWw6_Cqhz2GGFCTV2arJgdzaSfbZRlPppt15HBalDFNBjJX3krQ2Uw3qDOEgxloAPFI9JfZnbBZ3VSv0aC1sR2xOj7-LVS-7IiyeEk8Sp_8B8BFpKOBgVIIEKwUEZwLht1bZB1LDdKuHxZbomM8YaBsM7q2golpkrOrAdJq-3XaNNV/w400-h300/37.jpg

 

Vậy là tròn 50 năm Hoàng Sa bị cộng sản Trung Quốc cưỡng chiếm.

 

1. Gã nhớ như in ngày 27.07.2011, lần đầu tiên giới trí thức Sài Gòn tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cả 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ngày 19.1.1974 tại Hoàng Sa.

 

Khi luật gia Lê Hiếu Đằng mời gã phát biểu, lời thưa đầu tiên của gã là: Thưa bà Huỳnh Thị Sinh vợ của hải quân thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà, người đã chỉ huy hạm tàu Nhật Tảo HQ-10, hy sinh anh dũng ở Hoàng Sa.

 

Mọi người mời bà Sinh đứng dậy và đồng loạt vỗ tay chào đón bà. Bà Sinh đã không kìm được nước mắt, chỉ biết đứng trân ra lau nước mắt.

 

Thoắt cái 13 năm trôi qua rồi cái sự kiện lần đầu tiên các liệt sĩ Hoàng Sa được các nhân sĩ trí thức Sài Gòn tưởng niệm.

 

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgQv3yggOBDOxXtZese15ODDUJLGKvsGIbxxXROibOi74gc34Qtb8Sjf1vGb_sB-2gTl4RYPX3xDOfy42s6Dts1Ajc6ksinx9WwHWszaVTiAJmpV25eeIv1I9toLbf4CvLGN9IzNyLi1b1wgP5rqcv6_ZJ_Brngs43qXN3dSdYkfRNFxJSri72c40sUYd1x/w400-h269/36.jpg

 

 

2. Hôm nay tròn 50 năm ngày thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng 73 đồng đội của mình bị quân cộng sản Trung Quốc thảm sát khi bảo vệ Hoàng Sa, và cũng là 50 năm - nửa thế kỷ quần đảo thiêng liêng của Tổ tiên ở Biển Đông bị cưỡng chiếm.

 

Gã lướt trên không gian mạng, nổi bật bài viết của ông Đặng Ngọc Tùng, người khi là ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Công đoàn Việt Nam đã công khai vận động xây Tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ở Hoàng Sa bất chấp mọi e ngại, cản trở.

 

Nhưng rất tiếc ông chỉ làm được Tượng đài tưởng niệm Vòng tròn Gạc Ma bất tử tưởng niệm các liệt sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ Trường Sa.

 

Nỗi đau đáu làm đài tưởng niệm Hoàng Sa vẫn không thôi trong ông. Gã đọc trên Facebook của ông Đặng Ngọc Tùng bài viết tâm huyết của ông và muốn chia sẻ với bạn đọc của mình.

 

 

50 NĂM NỖI ĐAU DÂN TỘC

Đặng Ngọc Tùng

 

50 Năm - Hoàng Sa rời xa đất mẹ Việt Nam!

 

Tổ tiên Việt Nam là những người đầu tiên phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Các Triều đình Nhà Nguyễn liên tục cử các đội hùng  binh ra Hoàng Sa để thực hiện chủ quyền. Thực dân Pháp đã xây đài khí tượng thủy văn trên quần đảo Hoàng Sa, đưa những người Việt ra làm nhiệm vụ trên đài khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa.

 

Sau hiệp định Genève năm 1954, chính phủ Pháp bàn giao việc quản lý đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (từ vĩ tuyến 17 trở xuống).

 

Lợi dụng tình hình nguy cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc đã xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19.1.1974 . 74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hoàng Sa, (lúc đó tôi và nhiều sinh viên khác trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định đã xuống đường biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược), và Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa từ ngày đó đến nay.

 

Nhiều lần chuyện trò với ngư dân đào Lý Sơn, tôi lại càng thấm về nỗi đau này!”

 

HÌNH ; https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjaYNooFEtmWxHMP4ZPD7aR5xfbI4tRm1p8xLSmHIZWOL-6B202-fprIkS-R3v5wFL7pTV2B8OQvdYq-12NrCqmiATr30Z7VDv3bCuPpNlrum7MQBe9xhUElCnbShFIpDJ0lkzQCtTTpO9pNZula3YyCl8WuOOUUZfKAg9eVnghLWqD6riuO0KDNjpoFXs3/w400-h300/33.jpg

 

 

3. Riêng gã, xin gửi bạn đọc bài thơ gã đã đọc trong cuộc tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, và bản gốc chép tay bài thơ gã đã tặng cho bà Huỳnh Thị Sinh.

 

LỊCH SỬ PHẢI SANG TRANG

 

Hoàng Sa –19.1.1974

 

Các anh ngã xuống

Lợi, Đào, Trứ, Đông, Trí

Thêm, Cường, Thà… ơi!

 

          Dù quá muộn

          Hôm nay tên các anh Non sông đã gọi.

          Dù quá muộn

          Hôm nay Non sông kính cẩn nghiêng mình

 

Cùng Thắng, Hiền, Nam, Chúc, Khoa, Thoa …

14.3.1988

Ngã xuống ở Trường Sa.

Ôi 138 chàng trai nước Việt

 

          Chưa xanh cỏ, đỏ ngực bao giờ

          Trên mộ các anh

          Dù có úa tàn những sắc cờ vàng, đỏ

          Vẫn vẹn nguyên giọt nước mắt mẹ Việt Nam máu đỏ, da vàng.

 

Mẹ Việt Nam ơi

Giọt nước mắt của Người trắng trong mặn chát

Sẽ hóa giải mọi sắc cờ.

Sông núi hồn thiêng Tụ Nghĩa, Tụ Nhân đâu phải lời bọt mép.

 

Không thể nào khác được

Lịch sử phải sang trang!

 

4 .Theo kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình, nhóm Nhịp cầu Hoàng Sa - Trường Sa đã tổ chức cuộc tưởng niệm 50 năm trận hải chiến Hoàng Sa tại biển Đà Nẵng và Bảo tàng Hoàng Sa. Tham gia cuộc tưởng niệm này có các con của những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận Hải chiến 19.1.1974: Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh 1969, con gái Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí; Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh 1973, con gái liệt sĩ Đỗ Văn Long, người nhái hy sinh đầu tiên; Lương Thanh Quế, sinh 1974, con gái liệt sĩ Lương Thanh Thú; Đinh Tiến Dũng, sinh 1972, con trai liệt sĩ Đinh Văn Thực.

 

Các cựu binh tham gia trận Hải chiến 19.1.1974: Trần Văn Hà, cựu binh tàu HQ-10, Lữ Công Bảy, Trịnh Văn Quý, Nguyễn Văn Sáu, cựu binh HQ-4, Huỳnh Đắc Lộc, cựu binh HQ-16.

 

Cuộc hội ngộ tưởng niệm công khai này suôn sẻ không gặp bất cứ trở ngại nào là một tín hiệu vui.

 

LƯU TRỌNG VĂN 19.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 15:33

 

 

=====================================================

.

.

Hiệp định Genève và Hoàng Sa

Tạ Duy Anh

19/01/2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/ta-duy-anh-hiep-inh-geneve-va-hoang-sa.html#more

 

Nhiều tài liệu chứng thực trong Hội nghị Genève, Trung Quốc một mực ép miền Bắc Việt Nam chấp nhận chia đôi đất nước ở vĩ tuyến mười bảy, trong khi ông Phạm Văn Đồng khăng khăng đòi từ vĩ tuyến 13, hoặc ít nhất cũng là vĩ tuyến 16?

 

Cuối cùng Hà Nội buộc phải chấp nhận trong hậm hực.

 

Chưa mấy ai đặt câu hỏi, vì sao lại là vĩ tuyến mười bảy. Bởi trên thực tế, nếu nhích về phía Nam một vài vĩ tuyến, cũng vẫn là đất của người Việt và về mặt an ninh, Trung Quốc rõ ràng là “yên tâm” hơn?

 

Theo tôi, mưu đồ đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc đã chín muồi từ ngày đó.

 

Hãy giả định, nếu vạch chia cắt lùi xuống phía Nam, Hoàng Sa được Quốc tế giao cho miền Bắc quản lý, thì trong bối cảnh “bốn phương vô sản đều là anh em”, trong hoàn cảnh Phe xã hội chủ nghĩa vẫn còn khăng khít và tôn Liên Xô lên làm thủ lĩnh, liệu Mao có dám lấy Hoàng Sa từ tay người anh em cùng là đồng chí chống chủ nghĩa đế quốc, cùng có mục tiêu tiến tới giải phóng nhân loại, xóa bỏ mọi đường biên?

 

Việc đó vô cùng khó, thậm chí là không thể, ít nhất cho đến khi Liên Xô tan rã.

 

Nhưng lấy từ tay chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thì thuận cả đôi đường.

 

Với miền Bắc, nhờ thế mà ngoài biển “kẻ thù” bị đẩy lùi sâu xuống phía Nam. Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa chẳng có lý do gì để phản đối, vì Hoàng Sa lúc đó là “đất của kẻ thù chung”.

 

Trung Quốc biết rất rõ, trong bối cảnh họ vẫn đang "bảo trợ" cuộc chiến của Miền Bắc với người anh em phía Nam, Hà Nội khó mà “mở miệng” phản đối.

 

Trên thực tế điều đó đã xảy ra, tức là không có bất cứ phản đối nào từ phía miền Bắc, khi vào năm 1956, Mao ra lệnh chiếm một nửa Hoàng Sa.

 

Tôi tin rằng ngay tại thời điểm ấy, dù bị trùm kín bởi giấc mơ "thế giới đại đồng", nhiều lãnh đạo Việt Nam biết hành động của Trung Quốc là xâm lược và đất nước một mai thống nhất sẽ bị mất một phần lãnh thổ?

 

Việc chiếm toàn bộ Hoàng Sa chỉ còn là vấn đề thời gian. Rào cản cuối cùng với Trung Quốc là “Đế quốc Mỹ”, thì họ đã “đi đêm” với Mỹ (hành động bị Hà Nội coi là "ném chiếc phao cho kẻ sắp chết chìm") thành công, để Mỹ bỏ rơi Hoàng Sa. Đổi lại Trung Quốc sẽ “không đưa quân vượt qua vĩ tuyến mười bảy”, sẽ giúp Mỹ dồn lực chống lại Liên Xô. Mỹ thì chọn sai kẻ thù, như số phận cứ phải đội đá vá trời của cái xứ Cờ Hoa, còn Trung Quốc đã lừa được cả thế giới.

 

Nhưng cuối cùng, trong ván cờ máu ấy, chỉ người Việt là chịu nỗi đau không biết sẽ còn kéo dài đến khi nào.

 

TẠ DUY ANH 19.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 15:11

 

===================================================

.

.

Nhớ và nghĩ trong Ngày-Hoàng-Sa-của-chúng-ta

Vĩnh Quyền

19/01/2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/vinh-quyen-nho-va-nghi-trong-ngay-hoang.html

 

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiZ8BCFctkTqKyfgray0ypXCChijFMjrxQT2kqafB7ez0a9RCbpqpa7d7jMmV5SKvUMcLsy9BkudkAEhH8c8AZynWyJrenwtIKAtApai1BnAXfb7fxoDqWwalSwTA_PqpfuYTYZ8v783IJ-SiU8Zdw3_FTyCG_82pjeGQJRtDEESv8bF5lc7ECE4aHELd4j/w400-h225/11.jpg

 

Năm 2008, vào một cuối chiều se sẽ sương thu, là thứ chẳng mấy khi chạm vào vùng tiểu khí hậu ven biển như Đà Nẵng, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc từ Sài Gòn về quê, đến thăm nhà mới của tôi.

 

Cuộc trò chuyện ngẫu hứng giữa hai anh em văn nghệ biến thành bài phỏng vấn trên báo Thanh Niên sau đó. Tựa đề rút từ một câu trong cuốn nhật ký đi biển loằng ngoằng của tôi: "Hãy nhớ lấy những cái tên không được phép lãng quên". Là tên quần đảo Hoàng Sa đã bị cướp.

 

Cũng là lần đầu tiên trên mặt báo chính thống xuất hiện dòng chữ tưởng như đương nhiên từ buổi cha ông mình mở nước, "bởi quân xâm lược Trung Quốc".

 

Kim Cúc cho tôi xem những thước phim hiếm vào thời điểm ấy: Thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988.

 

Từ phía sau chúng tôi, bỗng vỡ òa tiếng khóc trẻ thơ. Hóa ra cháu gái đầu lòng lên năm đã rời búp bê, đến sau lưng tôi từ lúc nào. "Ông ơi, bọn ni giết người mình!…"

 

Cháu gào to, chỉ ngón tay bụ bẫm vào màn hình laptop khiến hai chúng tôi nhìn nhau ái ngại, tự trách đã sơ ý để lọt vào mắt tuổi thơ một cảnh cực kỳ man rợ.

 

Chừng nửa giờ sau, cháu thình thịch chạy trở ra phòng khách, mặt đỏ phừng, mắt long lanh, xòe cuốn tập vẽ trước mặt khách: "Bà Cúc ơi, quân mình đã đánh chết hết tụi nó rồi nè!". Ôi, trong tranh của cháu, cái lũ "tàu lạ" cứ như kiến dưới chân "quân mình", những vị thần khổng lồ.

 

"Họa sĩ" ấy giờ là sinh viên Nguyễn Tôn Nữ Sao Khuê có phim ngắn Alma, về chiến tranh Nga-Ukraina, công chiếu tháng Tư 2023 tại Thư viện thành phố Vancouver, Canada.

 

VĨNH QUYỀN 19.01.2024






No comments:

Post a Comment

View My Stats