Saturday, 13 January 2024

DẤN THÂN PHỤNG SỰ (Dương Ngọc Thái)

 



Dấn thân phụng sự

Dương Ngọc Thái

12/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/12/dan-than-phung-su/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/22.webp

Bác sĩ Lê Minh Ngọc nhận 400 gối ôm từ Hội Những Người Yêu Sài Gòn và VietBay. Ảnh trên mạng

 

Hồi COVID, anh chị em VietBay quyên góp bá tánh bốn phương được hơn một triệu đô la gửi về Việt Nam chống dịch. Chúng tôi ở xa, không thể trực tiếp cứu trợ, nên chọn phương án tài trợ cho các đội nhóm thiện nguyện trong nước.

 

Các thành viên, bạn bè giới thiệu các nhóm dự án. Chúng tôi chọn lọc, phỏng vấn, gửi tiền, kiểm soát chất lượng. Tổng cộng chúng tôi tài trợ gần 20 nhóm, lớn có nhỏ có, chính thức có, tự phát có.

 

Mỗi nhóm lo một việc. Có nhóm chuyên nấu ăn phân phát cho những khu vực bị cách ly. Có nhóm chuyên đi chợ cho các gia đình neo đơn. Có nhóm lo thuốc men, bình oxy. Có nhóm lo khẩu trang, trang phục bảo hộ cho bác sĩ, y tá. Có nhóm chuyên tài trợ thiết bị y tế.

 

Tôi không thể nhớ đã gặp bao nhiêu người, đã nhắn tin, gọi điện bao nhiêu cuộc. Có những người lúc đó nhắn tin hàng ngày, mà bây giờ ngồi viết những dòng này tôi không thể nhớ họ tên gì, ở đâu, làm gì. Khi đất mẹ cần, họ ào ào xuất hiện, dấn thân phụng sự, rồi lặng lẽ biến mất.

 

Tôi chỉ còn nhớ vài người. Tôi thấy mình cần ghi lại câu chuyện của họ. Ghi lại để nhớ. Tôi muốn nhớ mãi những con người này.

 

Người đầu tiên là bác sĩ Lê Minh Ngọc. Bác sĩ Ngọc từ Bệnh viện Y Hà Nội xung phong vào Bình Dương chống dịch COVID, “tưởng đi một tháng rồi về, ai dè đi đúng 100 ngày”.

 

Tôi quen bác sĩ Ngọc nhờ xem một bài giảng về COVID của anh ấy trên Youtube. Bác sĩ Ngọc trình bày rõ ràng, dễ hiểu và đặc biệt rất thẳng thắn. Đây là dấu hiệu của chuyên gia thứ thiệt.

 

Đội của bác sĩ Ngọc được giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm chữa trị những ca COVID nặng nhất ở tỉnh Bình Dương. Trong đội có bác sĩ Hà có kinh nghiệm chống dịch SARS 2023, nhưng vào đến nơi ai cũng choáng. Trong một căn phòng 30 mét vuông mà cũng có đến chừng đó bệnh nhân thở máy, “em bước vào không dám thở luôn”.

 

Người ta giao cho một bệnh viện, mà quái lạ sao ở đâu cũng thấy song sắt. Hóa ra đó là bệnh viện tâm thần. Quả là chỉ có “tâm thần” mới dám tay không bắt giặc COVID như vậy.

 

Bệnh viện không có thang máy. COVID là bệnh đường hô hấp, bắt bệnh nhân leo bộ mấy tầng lầu chắc họ chết hết, nên đội của bác sĩ Ngọc vừa chữa trị vừa xây thang máy.

 

May mắn sao bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, thầy của bác sĩ Ngọc, ngoại giao thuyết phục được Becamex hiến cho một nửa Bệnh viện Quốc tế Becamex. Thế là đội của bác sĩ Ngọc dời về đó, tạm thời an tâm về cơ sở vật chất.

 

Lúc bấy giờ VietBay đang tập trung vào Sài Gòn, nhưng nghe bác sĩ Ngọc nói tình hình ở Bình Dương rất tệ nên chúng tôi cũng muốn giúp. Tôi nói với bác sĩ Ngọc cần gì cứ nói, VietBay sẽ hỗ trợ. Mấy bữa sau, bác sĩ Ngọc nhắn, “Anh Thái ơi, tụi em cần mấy trăm cái bô con vịt loại cho người lớn”.

 

Tôi gọi lại hỏi, ủa sao mua bô làm gì, bác sĩ Ngọc giải thích để bệnh nhân “tự xử” tại chỗ, không cần di chuyển vô toilet. Vì COVID gây mất oxy thầm lặng, nhiều bệnh nhân đi vài bước vào toilet rồi chết trong đó vì tụt oxy.

 

Thế là tôi đi tìm mua bô. Tôi không nhớ mình đã mua thế nào, chỉ nhớ tìm được mấy mối trên Zalo, họ gửi hình để chọn. Thú thật tôi không có kinh nghiệm lắm. Lần cuối tôi xài các dòng sản phẩm này cũng đã gần 40 năm trước.

 

Tôi cũng không nhớ làm sao thanh toán và gửi đến Bình Dương. Có lẽ chúng tôi đã chuyển tiền cho Quỹ Bông Sen, nhờ họ chuyển tiền cho Hội Những Người Yêu Sài Gòn của một chị tên Lan Hương, rồi hội này thanh toán và chuyển hàng đến tận tay bác sĩ Ngọc.

 

Vài ngày sau, bác sĩ Ngọc lại muốn mua một thứ rất lạ, “Anh Thái ơi, em muốn mua gối ôm”.

 

Đội của bác sĩ Ngọc phát hiện bệnh nhân COVID nằm sấp sẽ tăng oxy. Nhưng nằm sấp lâu quá gây khó chịu, một số bệnh nhân lại quay sang nằm ngửa. Có người đã chết vì tụt oxy. Giải pháp? Phát cho mỗi bệnh nhân một gối ôm dài, lót nằm dễ chịu hơn. Đơn giản, hiệu quả.

 

Lần này tôi không tự đi mua gối nữa, mà nhờ hội chị Lan Hương hỗ trợ luôn. Họ mua, rồi chở nguyên một xe tải gối ôm giao cho bác sĩ Ngọc.

 

Xem lại những email cũ, tôi mới nhớ chúng tôi cũng mua mì gói và sữa hộp bồi bổ cho bệnh nhân và bác sĩ. Bác sĩ Ngọc gửi tấm hình “hộp cơm tiểu cường” người ta phát cho, bình thường nhìn đã nuốt không nổi, huống hồ sau một ca trực mệt nhoài.

 

Chúng tôi cũng gửi cho bác sĩ Ngọc mấy trăm kilogram trái kiwi. Tại sao lại kiwi? Bác sĩ Ngọc nói bệnh nhân cần bổ sung vitamin C, mua cam không có ai lột cho ăn, nên mua kiwi cắn ăn được luôn.

 

Lần duy nhất bác sĩ Ngọc yêu cầu đúng chuyên môn của tôi là mua laptop. Bệnh viện Becamex có diện tích lớn, di chuyển giữa các khoa phòng mất thời gian, nhiều khi đến được nơi đã trễ.

 

Giải pháp? Bác sĩ Ngọc chế một “phòng khám lưu động”, có sẵn hồ sơ của từng bệnh nhân, để khỏi phải chạy tới chạy lui. Phòng khám lưu động trong ngoặc kép vì nó chỉ là một chiếc laptop, vài thiết bị y tế đặt trên một chiếc xe đẩy.

 

Tôi đặt mua hai chiếc laptop ở Phong Vũ. Họ tử tế giảm giá và không tính phí vận chuyển. Họ chuyển hàng bằng cách nào tôi không rõ, nhưng chỉ sau vài ngày là bác sĩ Ngọc nhận được.

 

Chúng tôi làm việc với nhau hơn ba tháng mới có dịp gặp trực tiếp vào tháng 11 năm 2021. Bác sĩ Ngọc ngoài đời cao ráo, thư sinh, rất bảnh trai  (thảo nào). Hôm đó bác sĩ Ngọc dẫn theo một người bạn, giới thiệu là bác sĩ Nguyễn Phương Mai. Nhìn hai bạn tôi nghĩ người Hà Nội thanh lịch lắm chắc cũng chỉ thế này thôi.

 

Bác sĩ Mai đang làm việc ở London, “thấy mình là người Việt mà quê nhà đang gặp nạn nên đã bỏ việc về hỗ trợ”. Bác sĩ Mai kể chuyện xung phong đi vào tâm dịch nhẹ bâng, như thể chuyện tất nhiên, thấy chết phải cứu.

 

Chỉ trong nghịch cảnh những gì xấu xa hay tốt đẹp nhất của mỗi người mới lộ ra ngoài. Giữa đại dịch vẫn có người ngạo nghễ “ăn” trên nỗi thống khổ của đồng loại. Đồng bào hả? Còn đồng nào tao bào đồng đó.

 

Nhưng vẫn có người như bác sĩ Ngọc, bác sĩ Mai và những đồng đội của họ đã ngày đêm chiến đấu để giành lại sự sống cho những người xa lạ. Mỗi ngày họ được trả 300.000 đồng.

 

Tôi đã đem câu chuyện của hai vị bác sĩ trẻ kể cho nhiều người, mỗi lần kể là mỗi lần nghẹn ngào. Một phần vì nhớ lại những gì đã xảy ra với gia đình và bạn bè, một phần vì các bạn ấy cho tôi hy vọng.

 

Với những con người bản lĩnh, chân thành, sẵn sàng dấn thân phụng sự như thế này, đất nước rồi cũng sẽ phải hết ngộ, hết lạ, phải không em?

 

 

11 Comments   

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats