Wednesday, 17 January 2024

CHẾT THỬ (Tạ Duy Anh)

 



 

CHẾT THỬ

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

15-2-2024  22:01

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0317jMmZWoi6H4jsB6aviiDuSUecuZReuRtuuXnMtYaayj9SNQwGCK4izsaTZe7qfpl&id=1160946631

 

Lời tác giả: Truyện ngắn này tôi viết 14 năm và đã đăng trên báo Tiền Phong, in lại trong các tập truyện “Lãng du” (NXB THỜI ĐẠI 2011) và được trao giải Văn học Thủ đô 2012; “Bước qua lời nguyền và những truyện khác” – NXB HỘI NHÀ VĂN 2014. Nó là chuyện xảy ra trong một gia đình.

 

Tôi phải nói rõ như vậy để loại trừ trước mọi suy diễn! Nay xin đăng lại hầu bạn đọc. Vì truyện khá dài nên tôi chia ra làm 3 kỳ để bạn đọc đỡ mỏi mắt.

 

                                                      ***

 

Một hôm, có lẽ sau nhiều ngày mất ngủ, suy nghĩ, khiến tròng mắt trũng xuống, lão Thủ quyết định gọi thằng con trai trưởng vào phòng trà của lão nói chuyện.

 

Con trai lão là Đắc, ở với lão, vốn là dân làm ăn nên thường lảng tránh bố trong những buổi trà dư tửu hậu, tại đó lão Thủ thường kể lể về cuộc đời lão, nghe nhức hết cả đầu. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi thời có cái khổ và cái sướng riêng của nó. Đắc nghĩ như vậy. Bản tính anh cũng hiền lành, không thích bàn luận những chuyện trên trời dưới bể. Vì thế lần này anh cũng định tìm cớ bận việc hàng họ để thoái thác. Nhưng chính lão Thủ nghiêm mặt báo trước cho anh là lần này khác. Lần này không phải chuyện tán dóc, không phải chuyện làm ăn tầm thường, mà rất hệ trọng, liên quan đến danh dự của cả Đắc và con cháu anh sau này.

 

Nghe bố nói vậy Đắc đâm ra tò mò. Ngoài tiểu sử bản thân được thêu dệt thành huyền thoại, liệu ông cụ đa sự còn chuyện gì nữa đây. Thế là Đắc đành phải chiều theo bố. Không giống mọi khi, cứ nước rót ra là chuyện tuôn theo không tài nào hãm được, lần này, đã qua hai lượt trà mà lão Thủ chưa tìm được cách vào đề. Có cảm giác lão cứ bị vướng ở cổ. Mãi sau lão Thủ mới hỏi con trai:

 

– Con có thuộc lịch sử không?

 

Đắc tưởng ông cụ lại sắp ngụ ngôn, ngụ ý gì nên chỉ cười khẽ:

 

– Đủ để con biết mình là con Rồng cháu Lạc, vừa có cánh vừa có móng vuốt.

 

– Bố đang bàn với con một chuyện không nên đùa – Lão Thủ nói bằng thứ giọng đủ để Đắc ân hận vì thái độ của mình – Bố hỏi con vậy là có lý do của nó. Đời con người ta, dù chỉ sống trên thế gian vài ba vạn ngày, nhưng không phải vì thế mà không nghĩ xem lúc mình nằm xuống rồi thì thiên hạ nghĩ gì. Ngay cả một bậc minh quân như Lê Thánh Tông, công đức tưới khắp thiên hạ, mà vẫn còn lo bị hậu thế phán xét chuyện cốt nhục tương tàn, muốn được xem trước sử quan chép gì về mình, đủ thấy cái danh sau khi chết nó quan trọng nhường nào.

 

Lão Thủ chiêu một ngụm nước, vươn cổ nuốt xuống, rồi mới nói tiếp:

 

– Bố đương nhiên là không thể so với các bậc đế vương. Nhưng cuộc đời bố cũng đủ chuyện để thiên hạ bàn luận, bình phẩm. Hôm nay bố muốn con giúp bố thực hiện một việc. Chỉ có con mới giúp được, chứ nếu người khác cũng làm được thì tôi quyết không phiền tới anh.

 

– Chuyện của bố đương nhiên cũng là chuyện của con, việc gì bố lại khách sáo thế?

 

– Anh nói vậy vì anh chưa hình dung ra việc tôi nhờ. Nhưng đúng là việc này cũng có dính dáng đến anh. Trước vong linh mẹ anh chết thảm dưới bánh xe, anh hứa đi cho tôi yên lòng.

 

Nhắc đến mẹ, tự dưng Đắc chỉ muốn gào lên: Mẹ chết cũng có nguyên nhân từ bố, cứ nghe kể lể đến thối tai ra thì ai mà không phát điên. Mẹ thì can cớ gì mà bố không để mẹ yên. Nhưng anh vội nuốt xuống ý nghĩ ấy:

 

– Con hứa là việc gì bố yêu cầu con cũng làm hết sức.

 

– Tôi tin anh. Thực ra việc cũng không có gì ghê gớm lắm, nếu anh thực sự thông cảm với bố anh. Tôi định sẽ chết vào dịp này…

 

Đắc đang lơ mơ vì thực ra nghe bố nói nhưng anh không để tâm chú ý, bỗng giật thót mình khi nghe bố nói muốn được chết.

 

– Bố nói gì thế, con có nghe nhầm không đấy?

 

– Tôi nghĩ là anh nghe rõ cả. Nhưng tôi cũng cứ nhắc lại thật rõ ràng: Tôi-muốn-chết-vào-dịp-này.

 

Đắc quên là bố đang nói chuyện hệ trọng, cười ầm lên, nước mắt nước mũi chảy ra giàn giụa.

 

– Bố ơi, bố thương con cháu của bố với. Cho chúng nó yên thân làm ăn, học hành. Tối mắt tối mũi cả lại, sung sướng nỗi gì đâu. Ra đường là tai hoạ rình rập. Muốn kiếm được bát cơm cũng phải vắt óc, đối phó với đủ loại mưu mô. Còn thiếu những chuyện động trời bố nghe hàng ngày hay sao mà bố nghĩ ra thêm nhiều thứ rắc rối thế.

 

Lão Thủ ngồi im, nét mặt tỏ ra vô cùng thất vọng. Lão nhìn ra ngoài một lúc lâu mới nhẹ nhàng cất tiếng:

 

– Một việc như vậy mà con nghĩ bố đùa cho vui sao. Tôi biết là anh sắp nghĩ tôi bị điên. Người bình thường ai lại nói ra miệng điều đó. Nhưng chính vì thế mà tôi mới phải rào đón kỹ lưỡng với anh ngay từ đầu. Anh hứa việc gì anh cũng giúp nên tôi mới nói.

 

– Thế bố đã nghĩ luôn hộ con cách con giúp bố chưa? – Đắc nhìn lão Thủ một cách oán trách – Giúp cho bố mình chết khi đang khoẻ mạnh? Hô hô, đến quỷ sứ cũng không thể làm được – Đắc lại nhìn bố, lần này vẻ mặt đầy đau đớn – bố làm sao thế hả bố?

 

– Tôi chả làm sao cả, chính anh biết rõ mà. Chưa bao giờ tôi minh mẫn như lúc này. Chính vì anh không chịu nghe cho thủng mới làm chuyện thành ghê gớm thế. Tôi bảo tôi muốn chết chứ có bảo ngày mai anh đập cho tôi một nhát đâu. Tôi là bố anh làm sao tôi lại để anh mang tiếng vì cái chết của tôi.

 

– Vậy thì con chịu – Đắc chắp tay vái về phía bố – Chả hiểu bố muốn chết bằng cách nào.

 

– Việc đó anh khỏi lo. Tôi tự biết cách chết và sẽ rất nhẹ nhàng. Anh nghe đây. Người khôn không phải chọn thời để sống mà chọn thời để chết. Nói như ngôn ngữ của bọn trẻ bây giờ là cần một cái kết thúc đúng lúc. Tôi nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Với một người như tôi, anh thừa hiểu là không thể thiếu ân oán được. Tôi biết rất rõ điều đó. Nếu chết sớm từ mươi năm trước, chắc chắn chưa nhiều người hiểu tôi. Hiểu người nào đó phải có thời gian. Vả lại khi đó tôi cũng còn trẻ, chết thì cũng thấy tiếc đời.

 

Nhưng nếu lui lại vài năm tôi mới chết thì có đến quá nửa những người có thể nhớ tôi đều không còn cơ hội nữa. Hoặc họ chết trước tôi, hoặc họ quá già, dù không lú lẫn thì cũng bị coi là lú lẫn, nói gì cũng không ai tin. Thì anh cứ ngẫm từ bản thân anh cũng thấy điều tôi nói. Bố anh còn minh mẫn thế này mà anh còn chả tin nữa là.

 

Anh thử tưởng tượng xem, đời tôi lên rừng xuống bể, chinh chiến, tù tội đủ cả. Nằm gai nếm mật nào có kém gì ai, công trạng cũng đủ để làm vốn cho vài đời con cháu. Một người như vậy mà khi nằm xuống không có những người nhớ mình là ai, thì tủi hổ nhường nào. Nhưng nếu tôi chết vào đúng lúc này thì mọi chuyện khác hẳn. Tôi tính kỹ rồi, tôi chết vào lúc này là đẹp nhất, là được thời nhất. Sống thêm vài năm nhiều khi chả để làm gì. Ai mà chẳng đến lúc phải chết…

 

– Thôi thôi, bố đừng nói nữa. Bố càng nói một cách nghiêm túc thì con càng không nhịn được cười. Coi như chuyện này bố đùa con, chỉ hai bố con mình biết.

 

– Anh nói vậy thì tôi không nhờ anh giúp nữa. Nhưng việc tôi làm thì không thay đổi.

 

Lão Thủ làm động tác định đứng dậy, cho thấy lão không thay đổi ý kiến. Đắc vội kéo bố ngồi xuống.

 

– Thôi được, thế bố muốn con giúp làm việc gì?

 

– Anh giúp tôi tổ chức đám ma…

 

– Nếu bố chết thì việc đó đương nhiên là của con, việc gì phải để bố nhờ.

 

– Tất nhiên nếu chỉ có thế thì tôi cần gì phải mất nhiều lời như vậy với anh. Tôi muốn có vài sự khác biệt. Chẳng hạn sau khi tôi chết, anh chưa liệm vội, mà cứ đặt tôi nằm vào quan tài như khi tôi ngủ. Để cho thông thoáng, anh nhớ khoét cho tôi một lỗ nhỏ ở đầu quan tài, đừng để bất cứ ai biết, kể cả con cháu. Đủ 24 tiếng lúc ấy hẵng liệm tôi. Sau đó anh muốn làm gì là việc của anh. Anh đừng hỏi tôi lý do tại sao phải làm thế.

 

– Bố đã muốn thì con không thể không làm theo. Nhưng kể cả như vậy thì đấy cũng mới chỉ xong phần của người chết, còn phần của người sống. Chúng con sẽ phải làm gì?

 

– Thì cứ tổ chức tang lễ như mọi người. Thủ tục thế nào anh phải biết chứ.

 

– Thế bố có dặn lại thêm điều gì không?

 

– Tôi đang dặn anh những lời cuối cùng đó thôi.

 

Đắc rơm rớm nước mắt:

 

– Thế bố định chết thật ạ?

 

– Anh biết là cả đời tôi rất ghét nước mắt, anh đừng khóc nữa. Tôi không định chết thật thì tôi bày ra những chuyện đó làm gì. Thời điểm anh phát tang sẽ sau đây khoảng hai tuần. Việc chết của tôi do tôi tự liệu, không phiền đến bất cứ ai.

 

Đắc não nề bước ra khỏi phòng trà của bố. Nhìn mắt con ướt đầm, lão Thủ trong lòng đau xót lắm nhưng lại chỉ muốn phá lên cười. Màn kịch lão dựng lên bước đầu khá hoàn hảo. Lão chỉ chết giả vờ thôi, chết thử để xem thiên hạ nghĩ gì về mình. Lão sẽ biết ai đến viếng lão, ai không, ai thực sự thương tiếc, ai thương tiếc giả vờ, ai muốn lão chết từ lâu rồi… Cũng thú vị lắm chứ!

 

Lúc đầu lão cũng đã định bàn bạc kế hoạch ấy với Đắc, chỉ riêng với Đắc. Nhưng lão gạt ngay đi vì sợ Đắc không đủ từng trải để thủ vai, trước sau trò của lão cũng lộ. Trò tày trời này mà lộ thì những ngày cuối đời của lão sống không bằng chết. Lão muốn mọi việc phải y như thật, ngay cả con cháu lão cũng tưởng là thật, thì việc kiểm tra mới có ý nghĩa.

 

Lão có ba thằng con trai và hai đứa con gái. Hai đứa con gái coi như con người khác, không tính. Với lại chúng nó đang làm ăn với chồng bên Đông Âu, xa xôi ngàn trùng. Còn hai đứa em thằng Đắc chắc chắn thằng Đắc sẽ cho gọi tất cả về để bàn bạc. Thằng Đắc nhất định nói hết với chúng. Lão sẽ phải khó khăn để đóng tiếp vở kịch với hai thằng này. Tình huống xấu nhất là thằng con út sẽ khóc ầm lên hoặc quỳ xuống van xin bố. Lão chưa nghĩ ra cách gì để nó vừa tin là lão muốn chết thật, lại vừa không làm cho hàng xóm biết chuyện. Ngoài tình huống đó ra, lão Thủ đã có thể hoàn toàn yên tâm với phần còn lại của kịch bản. Ngay cả khi hạ màn kết thúc, lão cũng đã tính kỹ. Theo đó, vào lúc Đắc chuẩn bị liệm bố, lão sẽ bất ngờ lật sấp người trong quan tài. Người sắp đem chôn sống lại là chuyện đâu có gì hiếm. Trước lão cũng đã từng xảy ra hai trường hợp như vậy, mọi người đều biết cả.

 

(Còn nữa)

 

Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=10228402625828319&set=a.10213683197371807

 

.

107 BÌNH LUẬN

 

 

                                                      *****

 

CHẾT THỬ  (Tiếp theo)

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

16-1-2024  02:57   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02biFRWQAC5N6zcHwLLE5JwPxXa5ETY6R1S1izfPy89JMTck73zefDPtcRsVF6jvQ4l&id=1160946631

 

Sau đây là kế hoạch chết thử chi tiết của lão Thủ:

 

Tuần đầu tiên - sau khi thông báo cho Đắc ý muốn - lão vẫn đi lại ăn uống bình thường, chủ yếu để nghe ngóng trong nhà. Lão muốn tận mắt thấy công việc chuẩn bị của con lão, không được có một chi tiết nào mà lão không kiểm soát được. Lão sẽ bổ sung những gì cần thiết, sửa chỗ nào sai sót, sao cho khi nằm một chỗ mọi thứ diễn ra hoàn toàn như ý lão.

 

Tuần tiếp theo - để cho vấn đề logic, lão sẽ tỏ ra mệt mỏi, nằm nhiều hơn tiến tới nằm liệt một chỗ. Khó khăn nhất là làm sao để Đắc tin là lão chết thật. Nghĩ mãi cuối cùng lão quyết định trước khi “chết” một ngày sẽ tự nằm vào quan tài sau khi ngậm một lát sâm. Với lão một ngày nhịn đói sau đó cũng không thành vấn đề.

 

Ngày đầu tiên, để ý con trai, lão thấy nét mặt nó cực kỳ nặng nề. Suốt trong bữa ăn nó im lặng, lùa qua quýt vài đũa rồi đứng lên. Vẫn chỉ có lão và nó biết nên mọi người hoàn toàn bình thường. Nó chả thiết gì chuyện trò, mắt sâu trũng xuống dù chỉ mới qua một đêm. Hình như những khi nằm trong buồng, lão còn nghe thấy tiếng con trai nức nở không thành tiếng, kiểu khóc của người đau đớn tận đáy tim gan. Lão thấy hả lòng hả dạ. Trước hết hẵng được con đẻ thương tiếc đã. Nhiều đứa chỉ mong cho bố chết sớm đấy thôi. Tức là lão đẻ nó ra, khổ sở nuôi nó thành người rõ ràng là không hề công cốc. Nhiều khi thấy Đắc như mất hồn, lão đã toan bỏ dở cuộc chơi hình như quá tàn ác với con lão. Nhưng vốn dĩ lão là người cứng rắn, không dễ gì bị lung lạc. Vả lại mới có một ngày, hẵng cứ chờ thêm xem thế nào.

 

Ngày thứ hai, rồi thứ ba, không khí vẫn trùm lên giữa bố con lão vẻ u ám đầy ai oán. Một vài ánh mắt dò xét từ vợ và con nó đã loáng thoáng xuất hiện. Tuy thế vẫn chưa có chuyện gì. Cuối tuần ấy, sau khi tin chắc mọi việc suôn sẻ, lão Thủ yên trí thực hiện đoạn tiếp theo của kịch bản. Đầu tiên lão kêu đau đầu, hoa mắt chóng mặt, rồi là choáng váng, rồi là mệt mỏi, chán ăn, rồi là những câu nói gở. Đắc gần như mất hồn trước hiện tượng đó từ bố. Anh vẫn không tin bố anh nghiêm túc trong chuyện tự chết. Tức là anh vẫn hy vọng ông cụ chỉ đùa thế thôi. Nhưng khi thấy bố có dấu hiệu không hề làm sai những gì đã nói trước với anh, thì anh bắt đầu lo sợ thực sự. Vì thế khi lão Thủ bắt đầu trùm chăn nằm một chỗ, thì việc đầu tiên là anh gọi gấp hai thằng em đang làm ăn ở xa về. Qua điện thoại Đắc chỉ bảo bố mệt nặng, có dấu hiệu chẳng lành. Anh còn phải cân nhắc xem có nên cho hai đứa em biết sự thật về việc bố ốm liệt giường hay không? Nếu sau đây bố chết, có nên chỉ mình anh biết về cái chết của bố hay không?

 

Ngần ấy câu hỏi khiến Đắc sống mà như chết, đầu óc mênh mang những ý nghĩ đau buồn. Bất ngờ lớn nhất là hai chú em không coi việc bố ốm là hệ trọng nhất với họ. Vì thế khi hai người về đến nhà thì lão Thủ đã nằm bất động được đến ngày thứ ba. Theo kế hoạch thì chỉ ba ngày nữa là lão sẽ tự nằm vào quan tài. Nếu lúc ấy Đắc mới nói sự thật với hai em, thì khó mà không bị hiểu lầm. Hiểu lầm gì còn được, chứ liên quan đến cái chết của bố đẻ thì anh không thể gánh nổi. Suy nghĩ nát nước, Đắc quyết định gọi hai em vào buồng riêng, đóng kín cửa, nói hết với họ về ý định của bố, mong hai em có cao kiến gì khuyên giải cụ.

 

Thoạt đầu hai chú em của Đắc không tin, hoặc tin theo kiểu của họ, tức là ông cụ dở chứng tuổi già để làm nũng con cái. Chắc giận gì con trưởng, không tiện nói thẳng nên bày trò thế để cảnh cáo nó thôi. Nhưng khi thấy ông anh đang đêm chở về chiếc quan tài, thì họ mới không coi mọi chuyện là đùa cợt. Không khéo ông cụ chọn ngày tận của mình thật cũng nên. Kể ra như vậy cũng có cái thú vị riêng. Thế là thay vì chạy ngay đến quỳ trước bố xin bố nghĩ lại, đêm hôm đó họ vẫn ngủ một giấc ngon lành. Ông cụ chưa thể muốn mà chết ngay được.

 

Trước hết hẵng sơ qua về hai ông em này.

 

Người kế với Đắc tên là Lợi, vô thần tuyệt đối nên rất ghét nước mắt và những trò cúng bái. Về khoản đó thì Lợi giống hệt bố. Lợi phất lên nhanh chóng bằng cách tận dụng triệt để tiếng tăm của bố, từ đó đầu cơ quan hệ rồi đánh úp những phi vụ béo bở. Trên danh nghĩa Lợi là nhà doanh nghiệp, có công ty hẳn hoi. Nhưng công ty của Lợi chỉ có bộ máy làm vì, chủ yếu che mắt thiên hạ. Nhờ vào những mối quan hệ, Lợi luôn có nhiều thông tin trong tay, về những dự án do người khác đầu tư. Cứ để cho họ ném tiền ra làm hạ tầng, chuẩn bị dữ liệu. Nếu thất bại thì không cần quan tâm. Nhưng hễ có dấu hiệu thành công, đánh hơi thấy mùi tiền, Lợi dốc hầu bao mua chuộc những quan chức có quyền hành để họ gây khó khăn với đối tác, ép những kẻ đến trước phải nhường một phần quyền đầu tư cho Lợi, thực chất là hớt tay trên. Bằng cách đó Lợi thắng nhiều vụ lớn mà chẳng phải làm gì. Tuy giầu có nhưng Lợi luôn luôn trong tình trạng cần tiền, thèm tiền, như một thứ bệnh mà anh không định chữa. Những đối tác của Lợi đều rất sợ và căm ghét anh. Họ biết nếu cần phải bảo vệ mình, Lợi không từ thủ đoạn nào.

 

Người em kế tiếp Lợi là Lạc, tức là con trai út lão Thủ, biệt danh là "chuyên gia chạy án". Lạc học luật ra, tốt nghiệp loại giỏi nhưng không làm công chức mà cũng không mở văn phòng tư. Theo anh cả hai thứ đều nặng về sỹ diện, hình thức so với mục tiêu của anh. Làm công chức ba cọc ba đồng, không nịnh nọt luồn cúi hoặc giả câm giả điếc thì mãn kiếp cũng chỉ là chân sai vặt, bày cỗ cho thằng khác xơi, nói chẳng ai nghe. Mở văn phòng, nghe thì oai, nhưng cũng đi kèm vô vàn rắc rối nhức đầu. Lạc nghiên cứu trên hàng trăm trường hợp án oan các loại và đi đến kết luận, thời buổi của minh bạch, trung thực hãy còn xa. Quyền biến, linh hoạt, chấp nhận thực tại, cùng có lợi, sử dụng tối đa sức mạnh của tiền bạc... là những phương châm hành động thức thời được Lạc tâm đắc lựa chọn. Lạc chủ trương làm bằng cách không làm gì cả. Lúc cần thì ra mặt, xong việc lại biến mất. Lạc đề cao lối sống ba không: không thuộc giới nào, không là ai và không chính kiến. Sẵn có những mối quan hệ của ông anh, một thứ cơ sở hạ tầng quyền lực vô cùng quan trọng, Lạc chỉ làm cầu nối giữa các đối tượng có nhu cầu. Người thì cần được giải thoát khỏi các rắc rối pháp lý, được minh oan, người thì cần tiền. Về bản chất là mua bán cái mình cần và có. Với mỗi vụ việc cụ thể, Lạc đều nghiên cứu kỹ khách hàng của mình, mức độ liên quan đến pháp lý, mức độ nguy hiểm, tính khả thi của việc chạy án thành công... rồi quyết định chỉ làm môi giới hay nhận khoán trắng. Trong mọi trường hợp, người phải lựa chọn không bao giờ là Lạc. Thần tượng của Lạc, người cho Lạc nhiều kinh nghiệm quý để tồn tại như một kẻ mạnh chính là ông anh Lợi của mình.

 

Giờ nói tiếp về cuộc gặp gỡ giữa ba anh em.

 

Sau một đêm ngủ dậy, ba anh em Đắc, Lợi, Lạc cùng nhau ăn sáng, uống trà ngay trong căn phòng tiếp khách của bố mình. Đắc cố gắng dò xét xem hai chú em nghĩ gì trong khi cả Lợi và Lạc dường như không muốn chuyện gì xen vào buổi sáng khá là yên bình đối với họ. Cách đó hai bức tường, lão Thủ nằm trùm chăn nhưng đầu óc tỉnh như sáo. Lão không bỏ sót bất cứ tiếng động nào. Lão rất muốn biết Đắc có nói sự thật với hai đứa em về việc lão sắp chết. Xem thái độ của chúng nó thì hình như chưa đứa nào biết.

 

Hết tuần trà thứ ba, bất ngờ Lợi nói vui:

 

- Trà ngon thế này mà ông cụ không dậy uống lại cứ muốn chết thì lạ thực.

 

Lạc tiếp lời anh:

 

- Việc gì chả có cái lý của nó. Cụ thế khéo lại khôn đấy. Bằng tuổi bố em cũng sẽ làm như vậy.

 

- Chú cứ nói phét thế, càng già càng sợ chết, tất nhiên chỉ trừ bố. Rồi còn tôi, còn chú.

 

- Này, không biết bố đang nghĩ gì nhỉ? Kể biết được cũng thú vị lắm chứ - Lợi vẫn một giọng đùa vui.

 

- Đang hình dung đám ma của mình dài dằng dặc - Lạc hóm hỉnh nháy mắt ông anh.

 

- Các chú thôi đi - Đắc lạnh lùng nói - việc hệ trọng chứ đâu phải để đùa.

 

- Thôi, không đùa nữa. Bây giờ theo bác cả anh em mình nên làm gì?

 

- Vì chưa biết nên làm gì, tôi mới cho gọi hai chú về. Chả lẽ cứ để bố làm theo ý mình à?

 

- Thế nào, theo chú Lạc - Lợi quay sang hất hàm hỏi em - chú là con út của cụ, được cụ cưng chiều nhất, chú cho ý kiến xem.

 

- Đêm qua em nghĩ kỹ rồi, bố mình không giống ai trên đời này, cũng chỉ có ma mới hiểu được cụ. Theo em, cứ để xem sự thể đến đâu?

 

- Chú đừng giả thiết nữa - Đắc cắt ngang - cứ coi là ý cụ như thế rồi, anh em mình phải làm gì. Nếu để đến lúc việc xảy ra rồi thì còn bàn bạc làm gì nữa.

 

- Bố đúng tuổi là bao nhiêu rồi nhỉ? - Lợi hỏi bằng thứ giọng cân nhắc.

 

- Theo như ghi trong lý lịch thì vừa tròn tám mươi.

 

- Bố đã nhiều tuổi thế rồi cơ à? - Lợi kêu lên - Thời gian đi khiếp thật.Vậy thì anh em mình cũng già cha nó rồi còn gì.

 

- Nói thật với hai bác - Lạc cười cười - Anh em mình còn khướt mới thọ bằng cụ bây giờ. Nhưng ý của bác cả cũng rất đáng phải bàn kỹ. Anh em mình cứ cùng suy nghĩ thêm. Bọn em còn ở nhà cơ mà.

 

Sau đó cả ba anh em cùng vào thăm bố. Làm như chưa hề biết chuyện bố muốn tự chết, cả Lợi và Lạc cùng đề nghị được đưa bố ra ngoài viện trung ương. Lão Thủ không nhìn hai con, chỉ khẽ đáp:

 

- Bố già rồi các con ạ. Nếu hết số trời thì bố muốn được chết trên chính chiếc giường này.

(Còn nữa)

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10228403570011923&set=a.10213683197371807

 

.

62 BÌNH LUẬN   

 

                                                         *****

 

 

CHẾT THỬ  (Phần cuối)   

Lão Tạ  

16-01-2024  20:25

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0NU4sCXXq32PTcSdKoFr2MLsmHTwiSdfjmWVipWhBWdY5FnpVvT8mTRkYqTZXW6NVl&id=1160946631

  · 

Suốt cả ngày hôm sau không có thêm chuyện gì mới. Ba anh em Đắc, Lợi, Lạc vẫn cùng ăn sáng, uống trà như hôm trước. Nhưng hôm nay họ chỉ kể chuyện làm ăn, chuyện mánh múng, chuyện vụ án này vụ án khác, chuyện ông nọ bà kia, chuyện tình hình sắp tới... Đúng ra chỉ có Lợi và Lạc nói, còn Đắc ngồi nghe, lòng vẫn rối như mớ bòng bong về chuyện lão Thủ. Mãi lúc sắp vào thăm bố, Lợi mới nói nhỏ:

 

- Này, thời tiết đẹp quá. Cả năm có một tháng thời tiết như thế này thôi. Cụ khôn thật nếu quả đúng là cụ định chết vào tháng này.

 

- Hôm qua em lau quan tài bác Đắc mua cho bố, em phát hiện ra có một lỗ tròn như đồng xu ở phía đặt đầu, có phải bố dặn bác như vậy không?

 

- Ấy đấy, lại nói chuyện bố dặn, có chuyện này em cũng muốn hỏi bác cả, nhưng có lẽ để sau... Lợi lấp lửng.

 

Cũng như hôm trước, lão Thủ nằm quay mặt vào trong. Những chuyện anh em Đắc nói lão chỉ nghe được loáng thoáng. Nhưng tiếng cười hồn nhiên của Lợi và Lạc thì lão nghe rõ. Cứ cho là chúng nó không biết gì đi, cứ cho là chúng nó nghe tin lão ốm mà về nhưng chả lẽ không một chút lo lắng nào khiến chúng âu sầu hay sao? Vì thế khi Lợi hỏi lão: “Bố thấy trong người thế nào”, lão cố làm ra vẻ rất yếu, đáp:

 

- Bố nghĩ mẹ các con muốn bố về với bà ấy rồi.

 

Đắc cúi đầu không nói gì. Lạc thì tranh thủ ra ngoài nghe điện thoại, khi trở vào giọng oang oang: Thằng C sắp toi rồi, không nghe anh mày thì chết còn khó hơn là sống. Một tỷ không muốn mất, bây giờ thì đến mười tỷ cũng không xong - Thấy hai anh im lặng, Lạc vội hạ giọng: “Bố sao rồi?”.

 

Lát sau cả ba anh em đã lại ở phòng khách. Lạc hỏi lại: “Các anh thấy bố sao rồi?”

 

- Bố không thay đổi quyết định - Lợi đáp khô khốc.

 

- Vậy là chỉ còn ngày mai nữa thôi à? - Lạc thì thào.

 

- Hay là cả ba anh em mình cùng quỳ xuống xin bố nghĩ lại? - Đắc nói bằng giọng cùng quẫn.

 

- Thôi bác ạ, cũng là một thứ nguyện vọng của bố...

 

- Nhưng…

 

- Bác không phải lo, có bọn em làm chứng là bố muốn tự chết. Em không có thời gian ở nhà thêm để bàn bạc nữa đâu? Em và chú Lạc đã thống nhất với nhau sẽ lo cho đám tang của bố thật chu đáo. Chúng em đã lên kế hoạch chi tiết rồi. Kèn trống, xe cộ, hoa hoét, chè thuốc, việc tiếp đón khách khứa từ xa về viếng, điếu văn, nơi an táng... đều đâu vào đấy cả rồi. Chúng em không nuôi được bố lúc sống thì phải để chúng em được lo cho bố lần cuối. Việc đó coi như xong, bác khỏi lo. Việc quan trọng hơn là anh em mình sẽ sống với nhau sau đây như thế nào. Em vẫn hẹn hôm nào sẽ phải hỏi bác về một chuyện, cho nó thật rõ ràng. Hôm nay, tuy thiếu hai cô nhưng có ba anh em, em muốn bác cho chúng em biết bố dặn lại những gì?

 

- Bố không dặn lại gì cả, ngoài chuyện lo tang lễ cho bố - Đắc buồn rầu đáp. Nhưng tôi hỏi lại, chả lẽ thế là buông xuôi mọi chuyện à?

 

- Cũng không còn cách nào bác ạ - Lạc góp vào -Bọn em nghĩ kỹ lắm rồi. Mấy hôm vừa rồi, có bác Lợi biết, em có ngủ được đâu. Nếu thật sòng phẳng thì bố chết lúc này cũng có cái hay. Tuổi thì thế cũng là được rồi, thượng thọ rồi, đốt pháo được rồi. Bạn bè lớp tuổi bố đa phần đi trước bố nhiều. Nói thế để khỏi lăn tăn. Còn về chuyện thiên hạ thì đang là lúc mà nhiều người nhớ đến bố nhất. Có thể bác Đắc không rành chuyện này, chứ em và bác Lợi, do công việc nên phải tiếp xúc, thì nghe và thấy ngày ngày. Nhân thể còn cơ hội anh em mình chả tội gì mà không thổi thanh thế lên để sau này dễ làm ăn. Chuyện đó không nhỏ tí nào đâu nhé. Bọn em dự trù phải làm vài trăm mâm cỗ chứ chả ít đâu.

 

Ngừng một lát như để tìm cách an ủi anh, Lạc tiếp:

 

- Một ngày anh sống với bố, anh phải biết tính bố hơn chúng em chứ. Mình cứ cố dối lòng, hy vọng bố thay đổi, đến lúc sự việc xảy ra thì khó mà chu tất được, khi đó chính là bác phải gánh mọi tai tiếng. Còn... điều em muốn hỏi thì cũng giống như bác Lợi thôi.

 

- Tôi cũng gạn bố xem bố có điều gì muốn dặn lại nhưng bố bảo ý nguyện cuối cùng bố muốn tôi làm là tất cả những gì bố dặn lại rồi.

 

- Lạ nhỉ! - Lợi buông một câu đầy hồ nghi - Một người cẩn thận như bố mà trước khi chết không dặn lại con cái điều gì. Bố phải biết rõ có vô số vấn đề con cái bố khó mà giải quyết với nhau nếu không có di chúc, kể cả di chúc miệng, chứ? Chú Lạc, chú rành rẽ luật pháp, chú thử nghĩ xem chuyện đó có logic không và tôi lo như vậy có đúng không?

 

- Chuyện logic thì quả cũng khó để khẳng định. Còn đương nhiên bác lo là đúng. Nhưng em thì lại rất tin ở bác cả, chắc bác sẽ có cách.

 

- Các chú nói xa nói gần gì thế, cứ nói hẳn ra xem nào. Bố sắp chết nhưng chưa chết, vẫn còn kịp cho ba anh em mình cùng hỏi.

 

- À không - Lợi xua tay - chớ có làm thế, phải tế nhị chứ bác. Bố không nói tức là bố có lý do. Bọn em hoàn toàn tin bác. Bố không nói cũng không sao cơ mà. Anh em mình đủ sức, đủ hiểu biết, đủ độ lượng để tự giải quyết. Ý chú Lạc thế nào? Có cần phải chờ gọi hai cô về cho đủ không?

 

- Theo em thì chả cần. Con gái đi lấy chồng là ăn lộc nhà chồng. Cũng như nhà em và hai chị dâu, có đòi được chia thừa kế của nhà bố mẹ đẻ đâu.

 

- Nhưng anh em mình phải khác... bác Cả công nhận không? Nếu chia thừa kế nhất định phải có phần của hai cô…

 

- Các chú dừng chuyện đó ở đây có được không - Đắc van vỉ - bố còn chưa chết, tôi buồn quá.

 

- Bố là bố chung, bác nghĩ chúng em không buồn sao? Nhưng chuyện tiền bạc thì cứ phải cho rõ ràng bác ạ - Lợi nói trắng ra. Chú Lạc, chú có đồng ý với tôi thế không?

 

- Em cũng muốn chuyện gì ra chuyện ấy. Anh em mình khúc trên khúc dưới thì không sao, nhưng vợ em và vợ hai bác, họ khác máu tanh lòng, nó khó thông cảm với nhau lắm. Nhưng có lẽ bác cả nói đúng, hay là chuyện này để sau đi bác Lợi ạ. Tài sản bố để lại có gì anh em mình đều biết cả rồi mà.

 

- Chú biết chứ tôi chưa biết - Lợi lạnh lùng.

 

- Thế theo chú thì tài sản bố để lại có những gì? - Đắc bắt đầu nóng tiết.

 

- Đấy, mấu chốt là chỗ ấy - Lợi đáp - chúng em muốn bác nói rõ để cả ba anh em cùng biết. Chia chác có thể để sau.

 

- Vậy thì chú nghe đây: Nó gồm một căn nhà chúng ta đang ngồi, trên thửa đất mang tên bố, rộng 483 mét vuông, tính cả ngõ đi. Chấm hết.

 

- Bác cứ nhớ kỹ đi đã... Lợi không còn phải giữ ý. Anh em lọt sàng xuống nia, nhưng cũng phải biết cái gì lọt xuống chứ?

 

- Tôi chỉ nhớ được có thế... Đắc chán nản.

 

- Ý bác Lợi chắc là muốn nói đến số cổ phiếu của bố được tặng trước khi về hưu chứ gì? - Lạc đế vào.

 

- Ví dụ thế…

 

- Riêng cái đó chú hỏi bố ấy nhé, tôi không biết cổ phiếu cổ vé là cái của nợ gì đâu - Đắc nói.

 

- Bác cứ bình tĩnh, bác không biết thì chúng em biết làm sao được. Nhưng bác cũng không biết tức là anh em mình có thể sẽ mất một món lớn do sơ suất của bố. Chuyện này vẫn luôn xảy ra. Vậy mới cần anh em phải nói rõ với nhau để còn nghĩ cách tìm xem nó đang ở đâu mà đòi về. Thôi được, tạm để đó vấn đề cổ phiếu, em muốn hỏi bác, sổ tiết kiệm mang tên bố hay mang tên bác?

 

- Tiền của tôi đương nhiên phải mang tên tôi…

 

- Của bác thì nói làm gì, em muốn hỏi của bố cơ...

 

- Tôi không biết bố có bao nhiêu tiền.

 

- Bác không nên nói thế, cổ phiếu có thể bác không biết, nhưng tiền của bố thì bác không thể không biết.

 

- Mả bố đứa nào nói dối, tôi nói dối tôi chết đường chết chợ.

 

- Thôi, thôi, bác thề làm gì. Em chỉ hỏi thế chứ đã định làm gì đâu. Với lại cái gì của bố thì trước sau chúng em cũng biết. Tiện đây em cũng muốn bác cả và chú Lạc cho luôn phương án chia tiền phúng viếng. Trong trường hợp của bố em nghĩ là nhiều đấy. Ai thu phong bì, ai giữ, ai ghi sổ, khi mở phong bì phải có mặt những ai, tất cả là bao nhiêu... mọi thứ phải rõ ràng để tránh trường hợp như vụ ở Hải Phòng, chỉ vì tiền phúng viếng mà thằng em út lẳng hộp tro của bố xuống sông.

 

- Đồ mất dạy! Đồ bất hiếu! Con với chả cái - Lạc xen vào bằng giọng bất bình - Anh em nhà ấy chỉ còn nước đi ăn mày nữa thôi.

 

- Thôi, kệ anh em chúng nó, mình khác. Mình là những người có học, đương nhiên là không thể hành động đốn mạt như vậy - Lợi tiếp tục nói - Sau đây bác Đắc cũng kê các khoản bác đã sắm sửa trước đó. Ví dụ tiền áo quan, tiền mua vải liệm... con nào cũng là con, đều phải có nghĩa vụ với bố hết.

 

Đắc gần như mất hồn, đờ đẫn nhìn hai đứa em. Có một khoảng im lặng khá lâu. Có lẽ là rất lâu, đến nỗi cả Lợi và Lạc đều cùng hỏi:

 

- Thế nào bác cả?

 

- Các chú còn muốn tôi trả lời chuyện gì? Bố tôi kia, cũng là bố của hai chú. Các chú có muốn tôi mang ông ấy ra thề lần nữa không? - Chợt giọng Đắc như quát -Hả, các chú về vì lo bố chết không kịp nhìn mặt hay sợ không nhìn thấy tiền của bố.

 

- Xin bác - Lợi xua tay - các cụ xưa bảo: Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm. Chắc gì chúng em đã cần số tiền đó. Nhưng anh em thì nên rành mạch.

 

Đắc đứng dậy với lên bàn thờ lôi xuống một chiếc lọ độc bình cổ, truyền lại từ cụ tổ bảy đời trước, thuộc hàng gia bảo, dõng dạc nói:

 

- Nếu tôi nói sai, tôi sẽ tan thây như cái bình này...

 

Chưa dứt lời thì cái bình cổ vỡ tan thành cả trăm mảnh, làm vang lên một tiếng chát chúa. Một mảnh của nó bắn thẳng vào mắt Lợi khiến anh rú lên đau đớn, máu chảy giàn giụa xuống mặt. Cả Đắc và Lạc cùng lao vào đỡ Lợi nhưng anh gạt tay Đắc ra. Lạc cũng lạnh lùng đẩy Đắc ra, giọng khô khốc:

 

- Anh là đồ khốn…

 

Đúng lúc đó cánh cửa phòng khách bật mở: Lão Thủ, tóc tai xõa xợi hiện ra y như một bóng ma nhưng vẫn thấy rõ là lão không có vẻ gì của người ốm sắp chết. Lão đã nghe thấy hết mọi điều. Lão nhìn các con lão, lần lượt từng đứa một, nhìn những mảnh vỡ của chiếc bình cổ, nhìn vệt máu trên nền nhà... bằng ánh mắt hoàn toàn vô hồn. Lão giơ tay ngăn lại mỗi khi có đứa con nào định cất tiếng, thay cho câu: Không cần, tôi biết cả rồi. Sau đó lão quay ra, lặng lẽ lục tìm bất cứ thứ giấy tờ, vật chứng nào khiến người ta có thể biết tung tích, dấu vết của lão trên cõi đời này, không để sót một chút gì, gộp chung lại rồi cho một mồi lửa.

 

Lão chờ cho tàn than nguội lạnh, tan thành bụi mới quay về lại chỗ định nằm chết thử trong căn buồng.

 

Bây giờ thì lão quyết định không dậy nữa.

 

Hà Nội tháng 1-2010

 

Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=10228406347681363&set=a.10213683197371807

 

.

68 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats