Monday, 29 January 2024

CẢI TỔ CHÍNH TRỊ ĐỂ KHÔNG BỎ LỠ CƠ HỘI THÀNH NƯỚC GIÀU, VIỆT NAM CÓ DÁM? (Thụy My / RFI)

 



Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 28/01/2024 - 00:54

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240127-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%.....BB%87t-nam-c%C3%B3-d%C3%A1m

 

Courrier International trích dịch The Diplomat nhận định nạn tham nhũng đã trở thành bất trị ở Việt Nam, khiến đảng phải mở chiến dịch « đốt lò », tuy nhiên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 79 tuổi chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy. The Economist cho rằng « Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới ». Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị đang là vật cản.

 

https://s.rfi.fr/media/display/593cbf9c-bd6f-11ee-bc12-005056a90284/w:980/p:16x9/nptrong_02.webp

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP - Luong Thai Linh

 

Người chống tham nhũng bị bắt vì tham nhũng : Lỗi hệ thống ?

 

Courrier International trích dịch bài viết của The Diplomat, nói về nạn nhũng lạm lan tràn ở tất cả các cấp tại Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người quyền lực nhất, vào năm 2016 đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, hàng ngàn người đã bị bắt. Nhưng tác giả David Hutt tự hỏi, phải chăng tham nhũng nay đã trở thành hệ thống ?

 

Ngày 14/11/2023 tại Thái Bình, công an bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc Hội vì nghi ngờ tham nhũng. Ông được cho là đã « bảo kê » cho những kẻ khai thác cát bất hợp pháp – một cáo buộc có vẻ khá kỳ lạ. Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích các quyết định của chính quyền, và đặc biệt đả kích bộ Công An.

 

Một số cho rằng đây là một vụ trả thù chính trị. Nhưng vụ này rõ ràng nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam, cho thấy vấn nạn này đã lan tràn khắp các cấp ủy. Dù vậy các quan chức cao cấp chưa bao giờ nhìn nhận rằng vấn đề chính là đảng cộng sản và chế độ độc đảng, chứ không phải vài chục ngàn con « chiên lạc » đã bị trừng phạt hay tống giam. Khi những người như Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì tham nhũng, cần phải bắt đầu tự hỏi phải chăng đó là do lỗi hệ thống. Còn những ai tham ô nữa ? Có lẽ là tất cả.

 

 

Vào đảng để thăng quan tiến chức và làm giàu

 

Chiến dịch chống tham nhũng rất phức tạp và đôi khi nghịch lý. Mục tiêu hàng đầu là chống thất thoát ngân sách, nhưng điều quan trọng là sự sống còn của chế độ. Trong những năm 2010, các quan chức đảng thân cận với thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng hiểu rằng đảng có thể duy trì quyền lực tuyệt đối khi trở thành nơi để đạt đến địa vị và sự giàu có. Những ai muốn thành công trong lãnh vực tư hay công đều phải trả một thứ « thuế » cho giới chóp bu trong đảng. Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông được coi là « những người thu thuế ».

 

Đảng cộng sản Việt Nam như vậy trông giống với một chế độ độc tài truyền thống, không gắn bó với ý thức hệ và nhiệm vụ lịch sử nào. Điều này khó thể chấp nhận đối với ông Nguyễn Phú Trọng, người suốt cả quá trình vẫn gắn bó với cánh lý luận của đảng. Tuy được bầu làm tổng bí thư năm 2011 nhưng ông ở thế yếu, đến 2016 mới đảo ngược tình hình khi ngăn chận được Nguyễn Tấn Dũng.

 

Sau đó ông Trọng khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, và « chiến dịch đạo đức », để các nguyên tắc cộng sản lại trở thành tiêu chí thăng tiến hàng đầu trong bộ máy đảng. Chiến dịch nhằm thanh lọc đội ngũ, đưa những kẻ làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước ra tòa, lãnh vực tư nhân phải chịu sự lãnh đạo của đảng chứ không lũng đoạn như thời ông Dũng. Ông Trọng cũng muốn uốn nắn lại đảng theo hình ảnh của mình : khắc khổ, nghiêm túc, lý tưởng, trong sạch ; tái lập lại đạo đức như thời Hồ Chí Minh, một Việt Nam nghèo đói nhưng nghiêm túc hướng đến chủ nghĩa xã hội.

 

Theo The Diplomat, Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con tin trong chiến dịch của mình. Nếu đảng phải loại ra những kẻ tham nhũng, không trung thành với lý tưởng, thì phải được lãnh đạo bởi một nhân vật có cùng động cơ. Nhưng rõ ràng ông chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, thế nên ông Trọng phải làm thêm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba. Đây là trường hợp đầu tiên từ khi Lê Duẩn qua đời năm 1986. Sẽ rất thú vị nếu ông công bố được tên người sẽ kế tục vào năm 2026.

 

 

Nhà đầu tư chạy khỏi Hoa lục : Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất

 

Tương tự, The Economist trong bài « Cởi trói cho con cọp » cho rằng « Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới ». Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị có thể làm chậm lại quá trình phát triển.

 

Hầu hết các nước đều lo ngại trước sự đối đầu Mỹ-Trung, nhưng với Việt Nam lại là cơ hội. Đất nước 100 triệu dân thân thiện với cả hai siêu cường ; và vì vị thế địa chính trị gần biên giới phía nam Hoa lục và 3.000 kilomet bờ biển, đều được cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc ve vãn. Năm ngoái Việt Nam là quốc gia duy nhất tiếp đón cả Tập Cận Bình và Joe Biden đến thăm cấp nhà nước. Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Mỹ - nước đã cung cấp tàu tuần duyên - lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga.

 

Đây là hành động giữ thăng bằng khôn khéo nhằm đạt lợi ích về chính trị lẫn kinh tế. Mỹ muốn tách rời nền kinh tế khỏi Hoa lục, dịch chuyển sản xuất, và Việt Nam hưởng lợi hơn bất cứ nước châu Á nào khác trước khuynh hướng de-risking (được gọi là Trung Quốc + 1). Khao khát đầu tư nước ngoài và giá lao động rẻ khiến Việt Nam dường như giống với Trung Quốc 20 năm về trước, nhưng ít có việc chèn ép và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Người khổng lồ châu Á cũng có lợi vì các nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn phải dựa vào linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

 

Trong ba quý đầu năm 2023, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp đôi so với Indonesia, Philippines, Thái Lan. Các nước này phải học hỏi từ Việt Nam sau 40 năm mở cửa. Khi đảng lê-nin-nít cầm quyền từ bỏ chủ nghĩa tập thể hóa vào giữa thập niên 80, người dân Việt đang chết đói, nhờ thương mại và đầu tư mà thu nhập tính theo đầu người đã tăng gấp 6 lần, lên 3.700 đô la. Ngay cả trước khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư vì giá lao động ở Hoa lục tăng, và sự hiện diện gần đây của những thương hiệu lớn như Apple và Samsung đã giúp nâng bậc chuỗi giá trị. Xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất không còn là hàng dệt may mà sản phẩm công nghệ cao như iPhone.

 

 

Ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng ?

 

Không giống như Indonesia và Philippines, Việt Nam không bị khủng bố Hồi giáo. Dù cũng là quốc gia độc đảng, nhưng người ngoại quốc sống ở Việt Nam thấy thoải mái hơn ở Trung Quốc. Đảng cầm quyền, chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa, có khát vọng chính đáng là đưa Việt Nam thành một nước giàu từ nay đến 2045. Như vậy ít có chỗ cho sai lầm, và sự trỗi dậy của con cọp Việt Nam cũng kèm theo những rủi ro lớn.

 

Sự thăng bằng địa chính trị có thể không kéo dài, nhất là nếu Donald Trump quay lại và không hài lòng trước tình trạng thâm hụt thương mại song phương. Vùng duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu, dân số trong độ tuổi lao động trong hơn một thập niên nữa sẽ bắt đầu giảm sút. Và dù các nhà lãnh đạo rất thực dụng nhưng không muốn cải cách chính trị. Khiếm khuyết này càng thấy rõ vào đầu tháng, khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 79 tuổi bỗng biến mất trước công chúng. Mạng xã hội đầy tin đồn ông đã qua đời, dự đoán người kế nhiệm.

 

Ông Trọng đã tái xuất sau đó, nhưng lo ngại vẫn còn về sức khỏe của ông và nhân vật sẽ lên thay. Các nhà đầu tư than phiền vì dự án được duyệt chậm do tác động của chiến dịch chống tham nhũng, đã dẫn đến việc chủ tịch nước bị mất chức năm ngoái. Theo The Economist, ông Nguyễn Phú Trọng cần chấm dứt tâm trạng lo ngại này, tốt nhất là nên có dân chủ trong nội bộ đảng. Đòi hỏi này có thể là quá nhiều, nhưng tổng bí thư nên rút lui, để cho đảng chọn lựa một người kế nhiệm thực tiễn. Việt Nam đang từ cực nghèo trở thành tương đối thịnh vượng chỉ trong một thế hệ, nhưng ngọn gió địa chính trị có thể thay đổi, các đối thủ trở nên cạnh tranh hơn.

 

 

Zelensky, thủ lãnh chiến tranh bất đắc dĩ

 

Tại châu Âu, trong bài « Volodymyr Zelensky, một tổng thống thời chiến », L’Express giới thiệu cuốn sách của nhà báo Mỹ gốc Nga Simon Shuster, phác họa chân dung tổng thống Ukraina sau bốn năm theo sát những hoạt động của ông. Nếu cuộc xâm lăng Ukraina đã thay đổi dòng chảy lịch sử, thì cũng đã làm biến đổi một con người và định mệnh của người ấy : Volodymyr Zelensky, diễn viên hài trở thành tổng thống và sau đó là người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến vệ quốc.

 

Có mặt bên cạnh Zelensky trước và sau khi chiến tranh nổ ra, trên mặt trận, trong boong-ke…nhà báo Shuster nhận thấy tổng thống Ukraina đã trở thành « một loại áo giáp », hầu như không còn thấy sự tiếu lâm nhẹ nhàng trước đây. Cho đến khi Crimée bị chiếm năm 2014, Volodymyr Zelensky vẫn tin rằng Ukraina và Nga là hai nước anh em. Thậm chí sau vụ thảm sát ở Bucha, ông vẫn cho là « có thể Putin không được thông tin đầy đủ ». Giờ đây sự ngây thơ này đã kết thúc. Trước cuộc chiến tổng lực do tổng thống Nga khởi động, ông không còn cách nào khác là phải chiến đấu tới cùng.

 

Một trích đoạn ghi lại diễn biến ngày 24/02 cho biết suốt đêm hôm ấy, những tin tình báo từ Mỹ và các đồng minh khác báo động Nga sẽ xâm lăng trong đêm. Tin tặc đánh phá các trang web chính phủ, Matxcơva bắt đầu sơ tán dân ở Crimée, thiết bị quân sự được đưa vào Donbass. Ê-kíp Zelensky vẫn hy vọng quân Nga không tiến xa hơn, ít nhất là trong lúc đó. Tổng thống yêu cầu nối đường dây với Kremlin, nhưng Putin không trả lời.

 

Sau nửa đêm, Volodymyr Zelensky cho phát bài nói chuyện trực tiếp với người dân Nga bằng tiếng Nga. Rằng nhà lãnh đạo của họ chuẩn bị đưa 200.000 quân sang lãnh thổ một nước khác, nhân dân Ukraina đang sống trong tự do không cần ai giải phóng. Không muốn chiến tranh, nhưng nếu bị xâm lăng, Ukraina sẽ phải tự vệ. Khuya hôm ấy bom pháo Nga đã dội ào ạt xuống nhiều nơi, trong boong-ke dưới hầm sâu không thể nghe thấy nhưng điện thoại của Zelensky không ngừng rung lên. Vũ khí của ông là chiếc iPhone đời mới, được sử dụng để lãnh đạo cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất trong kỷ nguyên thông tin.

 

 

Nữ thủ tướng Estonia, tiếng nói chống Putin ở Baltic

 

Một chân dung khác được Les Echos cuối tuần vẽ ra, đó là « Kaja Kallas, tiếng nói chống Putin ở các nước Baltic ». Từ hai năm qua tại thủ đô Tallinn, màu cờ Ukraina luôn được chiếu lên tường Stenbock House tức trụ sở chính phủ Estonia nằm trên đồi cao, để chứng tỏ « sự ủng hộ không gì lay chuyển » đối với Kiev. Nữ thủ tướng được mệnh danh là « Người đàn bà thép » của Baltic có ba người thân bị Stalin đày đi Xibêri, trong đó có người mẹ của bà.

 

Là dân biểu châu Âu trẻ tuổi nhất, đến đầu năm 2021 ở tuổi 43, Kallas trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Estonia. Hầu như cùng thế hệ với Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Kaja Kallas đứng đầu mặt trận chống Putin, dù dân số nói tiếng Nga chiếm 25 % tại Estonia. Bà được cho là có thể kế nhiệm đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, ông Joseph Borrell hay ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối. Đất nước chỉ có 1,3 triệu dân từ nhiều năm qua vẫn đứng đầu châu Âu về chỉ số hệ thống giáo dục PISA.

 

 

Kiện Israel, nhưng không ai khóc cho 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Armenia

 

Tại Trung Đông, nhà báo Anh Jake Wallis Simons trên L’Express cho rằng việc cáo buộc Israel đủ mọi cái xấu trên đời là phiên bản mới của sự thù ghét người Do Thái từ thời xa xưa. Bắt đầu từ năm 2011, cuộc chiến tranh Syria đã làm khoảng nửa triệu người chết, khiến gần 10 triệu người phải di tản. Một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc tống vào các trại cải tạo. Tuy nhiên chế độ của Bachar Al Assad và Tập Cận Bình chưa bao giờ bị tố cáo là diệt chủng trước Tòa án Công lý Quốc tế, ngược với Israel.

 

Chỉ riêng cuộc chiến tranh Iran-Irak trong thập niên 80 đã làm 1 triệu người Ả Rập thiệt mạng. Khi chế độ Syria thả những thùng chất nổ xuống trại tị nạn Yarmuk của người Palestine, không hề có những cuộc biểu tình quy mô tại các thủ đô phương Tây. Ngày nay, bảy tổ chức Liên Hiệp Quốc điều tra về Israel.Theo nhà báo Simons, Nhà nước Do Thái và cuộc xung đột Israel-Palestine lâu nay vẫn chiếm một chỗ quá mức trong truyền thông và các cuộc tranh luận trên toàn thế giới.

 

Ông nhắc nhở rằng Israel là một quốc gia cỡ trung, có diện tích chỉ bằng Slovania và dân số tương đương với bang New Jersey của Mỹ ; nhưng về dân chủ và chất lượng sống, Israel vượt rất xa nhiều nước khác ở Cận Đông. Trong báo cáo mới nhất về hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc, Israel đứng thứ tư, bỏ xa Jordanie (thứ 123), Liban (136), Syria (149).

 

Trên chính trường, cực hữu có đại diện trong chính phủ, cũng như tại nhiều nước phương Tây khác. Nếu phải chỉ trích chính sách của ông Benjamin Netanyahou, không có nghĩa là phải bôi đen Israel đến mức như hiện nay. Sự thù ghét Israel đang phổ biến trong phe cực tả, trên truyền thông và các trường đại học, nhưng có ai khóc cho số phận người Chính thống giáo Hy Lạp, người Thiên Chúa giáo ở Armenia ?

 

 

Câu chuyện của những người sống sót cuối cùng từ trại tập trung quốc xã

 

Courrier International tuần nàychú ý đến « Những ý tưởng táo bạo để cứu vãn Nam Cực ». Về chính trị nước Pháp, L’Obs đặt vấn đề « Cánh tả, bầu cử châu Âu : Raphael Glucksmann có thể gây bất ngờ hay không ? ». L’Express đề cập đến « Những hy vọng mới về bệnh tâm thần ». The Economist giải thích « Vấn đề biên giới có thể làm Biden thất bại trong cuộc bầu cử như thế nào ». Hồ sơ của Le Point được dành cho lời chứng của những người sống sót cuối cùng trong trại tập trung quốc xã.

 

Đó là bà Esther Senot, bị bắt lúc 13 tuổi và đày đi Auschwitz ; bà Marie Vaislic, bị đưa đi Ravensbrück lúc 14 tuổi ; ông Jean Lafaurie, năm nay 100 tuổi…Chẳng hạn câu chuyện của bà Margot Friedländer, 102 tuổi. Năm 1943, Margot và em trai sống cùng mẹ trong một căn hộ ở Skalitzer Strasse, Berlin. Ngày 20/01, trên đường về nhà nhìn thấy một người mặc áo khoác đen đi vào tòa nhà, Margot đi theo lên cầu thang. Người này dừng trước cửa nhà cô và bấm chuông. Margot đi ngang qua như không liên quan, chào người lạ và tiếp tục lên tầng trên, vào nhà một người hàng xóm tạm lánh.

 

Bà mẹ về nhà sau đó biết được Gestapo đã bắt con trai, bèn đến trình diện để con không phải đơn độc trong tay bọn quốc xã. Chiếc túi xách bà gởi một người hàng xóm khác trao lại, có một chiếc vòng hổ phách với dòng chữ « Hãy cố sống ! ». Margot được những người Đức tốt bụng che chở, cô lưu lạc hết nhà này đến nhà khác trong một năm và ba tháng. Để thay đổi dung mạo, cô gái nhuộm tóc vàng, sửa mũi – vị bác sĩ bẻ gãy và sau đó nối lại những mẩu xương ! Đến tháng 4/1944 cô bị bắt vì có kẻ chỉ điểm…Margot nói « Tôi không thù ghét ai cả ». Bà viết sách để tất cả không rơi vào quên lãng, và những gì bà đã trải qua không lặp lại. « Nie Wieder ! », như nước Đức hậu chiến đã thốt ra sau đó.






No comments:

Post a Comment

View My Stats