Wednesday, 17 January 2024

50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA : 'UKRAINE & ĐÀI LOAN LÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Huyền Trân / BBC News Tiếng Việt)

 



50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt

16 tháng 1 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy9ezjdn9j4o

 

Từ bài học Đài Loan và Ukraine, Việt Nam nên tham gia vào một hợp tác an ninh song phương để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, theo chuyên gia.

 

Từ Đài Loan, Tiến sĩ William C. Chung, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (Institute for Security and Development Policy), Phó Giáo sư Đại học Quốc phòng Đài Loan, nói về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và đưa ra nhận định của ông trong việc Việt Nam nên chọn cách thức giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong tình hình địa chính trị xoay chuyển như hiện nay.

 

Trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về việc Việt Nam Cộng Hòa bị thất thủ tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, tiến sĩ William Chung nhắc lại chính sách hòa hoãn (détente) của Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

 

 

Cú bắt tay lịch sử Mỹ-Trung năm 1972

 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ Henry Kissinger từng đánh giá sự hòa giải dần dần giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm “cả thế giới phấn khích”.

 

Tuy nhiên, chính sách này đã khiến Kissinger bị chỉ trích là “đi đêm”, khi bắt tay được lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông vào năm 1972 thì “buông tay” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1973.

 

“Tôi nghĩ trong cuộc hải chiến tại Hoàng Sa vào năm 1974, nước Mỹ đã đưa ra lập trường trung lập. Tôi nghĩ Trung Quốc hiểu Tổng thống Richard Nixon, Ngoại trưởng Kissinger, chính sách toàn cầu của Washington và chính sách hòa giải dần dần quan hệ Trung-Mỹ. Tôi nghĩ nếu chính phủ Mỹ có lập trường mạnh mẽ hơn với phía Trung Quốc thì tình hình đã khác.”

 

“Tôi cho rằng chính sách ngoại giao của Henry Kissinger vào thời điểm đó là có thể hiểu được, vì ông ấy muốn dùng Trung Quốc để chống Liên Xô. Washington không muốn đối đầu với Trung Quốc mà muốn có nhiều đối tác để đối phó với mối đe dọa chính là Liên Xô”.

 

Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại Thông cáo chung Thượng Hải giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai hồi năm 1972, trong đó có nội dung Mỹ thừa nhận “một Trung Quốc”, “Đài Loan là một phần của Trung Quốc" và “chính phủ Mỹ không thách thức lập trường này”.

 

Tiến sĩ William C. Chung đánh giá, “Tôi nghĩ Kissinger muốn lôi kéo Trung Quốc vào phe mình và ông ta bỏ rơi Đài Loan. Xét về khía cạnh này, lẽ ra Kissinger nên có sự hỗ trợ khác cho Trung Quốc mà không đi kèm điều kiện, hơn là bỏ rơi Đài Loan,” ông nói.

 

Sau giai đoạn này, Mỹ đã thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc và không còn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan.

 

Mỹ, châu Âu và nhiều nước vẫn theo chính sách ‘Một Trung Quốc’, chỉ công nhận một chính phủ Bắc Kinh.

 

Vào năm 1979, Mỹ thông qua Đạo luật quan hệ Đài Loan có nội dung cung cấp phương tiện để hòn đảo này tự vệ trong trường hợp bị tấn công.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

 

VNCH: Ông Kissinger đã nói và làm gì với hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b0e7/live/a8eccba0-b35f-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào ngày 26/2/1972 trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixon

 

 

Việt Nam nên suy nghĩ lại chiến lược 'hedging' tại Biển Đông

 

“Hedging” hay “phòng bị nước đôi”, theo định nghĩa của chuyên san Quan hệ Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương (International Relations of the Asia Pacific), là “một sự pha trộn các thành tố hợp tác và đối đầu. Chiến lược này thường tương phản với cân bằng (balancing) hoặc phù thịnh (bandwagoning), các khái niệm được phát triển trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh để phản ánh các chiến lược khác, bao gồm chống lại hoặc chiều theo một siêu cường quá mạnh hoặc mang tính đe dọa.”

 

Việt Nam đã theo đuổi chính sách “đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, được gọi là nền ngoại giao “cây tre” và luôn khẳng định “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biến dừng, biết biến”…

 

Trước sự đối đầu Mỹ-Trung và căng thẳng địa chính trị hiện nay, tiến sĩ William Chung đánh giá Việt Nam cần phải xem xét lại chiến lược hedging liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

 

“Đương nhiên một quốc gia không thể hoàn toàn dựa theo một nước nào khác, nhưng phải nhìn thấy bức tranh tổng thể. Sự đối đầu Mỹ và Trung Quốc giờ đây không thể nào đảo ngược và bối cảnh địa chính trị quốc tế đã thay đổi.”

 

“Cho đến nay, không hề thấy sự thỏa hiệp nào của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Tôi nghĩ khi Việt Nam và Philippines sử dụng chiến lược [hedging] thì phải biết phân biệt ai là bạn, là thù và đâu là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.”

 

Trung Quốc cho đến nay vẫn tiếp tục thể hiện thái độ ngày càng xác lập liên quan đến Biển Đông.

 

Đô đốc Đổng Quân, tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc, là người đầu tiên trong hải quân nắm giữ chức vụ này và từng là Phó Tổng tư lệnh Chiến khu Nam bộ, chiến khu phụ trách miền nam Trung Quốc, bao gồm các hoạt động trên Biển Đông, nơi Trung Quốc thường thể hiện tham vọng của mình bằng bản đồ đường chữ U cũng như các hoạt động trên thực địa.

 

Đánh giá về diễn biến sắp tới trên Biển Đông với chuyển biến nhân sự mới nhất này, tiến sĩ William Chung đánh giá Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường sức mạnh trong thời gian sắp tới.

 

“Tôi nghĩ việc bổ nhiệm ông Đổng cho thấy Hải quân sẽ trở nên quan trọng hơn trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa và sẽ được tăng cường nguồn lực trong thời gian tới. Tôi nghĩ Trung Quốc đủ khôn ngoan để hiểu rằng eo biển Đài Loan và Biển Đông là các điểm nóng.”

 

“Theo tôi, đây cũng chưa phải là lý do để Chủ tịch Tập Cận Bình chọn ông Đổng làm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng động thái này cho thấy mối tập trung của Tập Cận Bình về Biển Đông, muốn biến Trung Quốc trở thành một cường quốc biển thật sự,” ông đánh giá.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

 

 

Việt Nam nên kết đồng minh với Mỹ?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d582/live/2ce76aa0-b360-11ee-bc2f-cb5579b90709.jpg

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30/6/2023

 

Giới quan sát cho rằng căng thẳng với Trung Quốc đã đẩy Philippines ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ.

 

Có thể thấy trong ASEAN, Philippines đang ngày càng thể hiện thái độ cứng rắn nhất với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, cùng với mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Washington với Manila dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

 

Theo tiến sĩ William Chung, Việt Nam phải xác định được điểm cốt yếu, nếu không có thì Trung Quốc sẽ từng bước một sử dụng sự đối đầu vùng xám hết lần này đến lần khác.

 

“Thật không may là Việt Nam phải đưa ra lựa chọn trong bối cảnh địa chính trị hiện nay vì là nước có tranh chấp chủ quyền với phía Trung Quốc. Chiến lược hedging cần phải phân biệt có sự khác nhau giữa nước có và không có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, cụ thể trong ASEAN thì Việt Nam phải khác Singapore,” ông lập luận.

 

Cho đến nay, Hà Nội luôn nhấn mạnh về chính sách “Bốn không”, bao gồm không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

 

Xét về khía cạnh chiến lược an ninh sắp tới, tiến sĩ William Chung cho rằng Hà Nội nên cân nhắc đến việc có các hợp tác an ninh song phương với quốc gia, mà theo ông, “có khả năng đối đầu với Trung Quốc là Mỹ”.

 

Và sau đây là hai yếu tố về quốc phòng và an ninh mà ông cho rằng có thể giúp Việt Nam “quốc tế hóa” được cuộc xung đột trên Biển Đông, tránh được việc “đơn thương độc mã” đối chọi với láng giềng khổng lồ phương bắc.

 

“Tôi nghĩ có hai giải pháp là mạng lưới phòng vệ, tôi nghĩ là các quốc gia trong khu vực như Việt Nam thì phải phát triển sức bền phòng vệ. Sau đó đi xa hơn là các phòng tuyến, tiếp đó là hợp tác an ninh song phương, chẳng hạn với quân đội Mỹ để kiểm soát và cân bằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa trong khu vực. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng,” ông đánh giá.

 

Ngoài Mỹ, tiến sĩ William Chung đánh giá Việt Nam cũng nên cân nhắc đưa lực lượng quân sự của Nhật Bản, Úc, Mỹ, thậm chí NATO vào khu vực Biển Đông để cùng ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

 

“Tôi nghĩ Việt Nam phải suy nghĩ là nếu xảy ra đụng độ quân sự khi Trung Quốc dùng phương tiện quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Nếu Việt Nam xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi thì phải cân nhắc đưa Mỹ đứng về phía của mình. Để làm được điều này, Việt Nam phải cho thấy khả năng và độ tin cậy để Mỹ ủng hộ.”

 

“Mỹ sắp tới có thể khác hơn năm 1974 và Việt Nam phải làm rõ cam kết nào về sự hỗ trợ mà Mỹ có thể mang đến trong trường hợp xảy ra xung đột đó. Ukraine không phải thành viên NATO, cũng không có hiệp ước an ninh nào với Mỹ, thế mà Mỹ vẫn viện trợ Ukraine.”

 

“Tuy vậy, tôi không nghĩ trong tương lai Việt Nam sẽ có một hiệp ước an ninh với Mỹ. Bởi nói cho cùng thì Việt Nam là quốc gia cộng sản, xét về mặt ý thức hệ,” ông đánh giá.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

 

 

Đài Loan và Ukraine là bài học cho Việt Nam

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1b80/live/8e2f4940-b360-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc di chuyển gần tàu cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 14/5/2014 khi căng thẳng dâng cao liên quan đến việc Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

 

Thế giới bước sang năm 2024 với những điểm nóng mới xuất hiện. Ngoài cuộc chiến Ukraine, Gaza có thể kéo dài, gần đây Biển Đỏ cũng nóng lên với cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.

 

Giới quan sát cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình của Đài Loan.

 

Tiến sĩ William Chung đánh giá Đài Loan và Biển Đông là hai “điểm nóng” tiềm tàng và “có quan hệ chặt chẽ”. Ông đánh giá nếu Đài Loan bị đánh chiếm thì tiếp theo sẽ là Biển Đông hoặc ngược lại.

 

“Tôi nghĩ tới cột mốc năm 2027 về khả năng nổ ra Chiến tranh Đài Loan, đó là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trong văn bản Đại hội Đảng nêu vào năm 2027, Quân Giải phóng Nhân dân sẽ [...] chiến thắng một cuộc chiến trong nước.”

 

“Vậy một cuộc chiến tranh trong nước nghĩa là gì? Đài Loan, hoặc cũng có thể là Biển Đông”.

 

“Đối với Đài Loan, đây là một cuộc đấu sống còn. Chúng ta có thể thấy Đài Loan có một sự liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế vì Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”

 

Ngoài ra, ông đánh giá cuộc chiến Ukraine cho thấy một bài học rất quan trọng, không những cho Đài Loan, mà còn cho những nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines...

 

“Đó là, từ nhãn quan quân sự, các quốc gia nhỏ cũng có cơ hội ngang bằng để chiến thắng quốc gia lớn hơn. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng đã học được bài học này và khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại khi muốn giải quyết vấn đề về mặt quân sự”.

 

“Do đó, nếu xảy ra kịch bản tệ nhất là chiến tranh trên Biển Đông, chưa chắc Việt Nam hay Philippines sẽ bại trận,” ông William Chung đánh giá.

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Bài học lớn cho Việt Nam

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'

 

50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5cf9/live/bae854b0-b35e-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Tiến sĩ William C. Chung là nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (Institute for Security and Development Policy) và Phó Giáo sư Đại học Quốc phòng Đài Loan

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats