Nước
Nga, đế quốc suy tàn và cuộc nổi dậy của Wagner
Thụy My - RFI / ĐIỂM TUẦN
BÁO
Đăng
ngày: 25/06/2023 - 00:15
Theo L’Express, dù
Putin có bại trận ở Ukraina hay không, chế độ chính trị Matxcơva cũng khó thay
đổi, tuy nước Nga đang trên đà suy tàn. Về việc thủ lãnh lực lượng lính đánh
thuê Wagner nổi loạn, các tuần báo cho rằng vụ này đã được trù tính, gây tác động
mạnh đến tinh thần binh lính Nga, cũng như uy tín của quân đội và điện Kremlin.
https://s.rfi.fr/media/display/916fea4e-12dc-11ee-acc1-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/10-10.webp
Lính Wagner trấn giữ gần bộ chỉ huy Quân khu Miền
Nam ở thành phố Rostov trên sông Don của Nga ngày 24/06/2023. REUTERS -
STRINGER
Ngoại trừ L’Obs với
hồ sơ về bùng nổ rối loạn tâm lý nơi thanh thiếu niên và Courrier
International nói về « Ả Rập Xê Út, mặt trái của bức bình
phong », Ukraina và Nga là chủ đề được hầu hết các tuần báo đề cập kỳ
này. Trang nhất The Economist là hình vẽ những mảnh ghép hai
màu xanh vàng với tựa lớn « Xây dựng Ukraina 2.0 », Le
Point đăng ảnh chân dung một người lính chiến, chạy tít « Ukraina,
phương Tây : Giờ của sự thật », L’Express nhấn mạnh đến « Sự
suy sụp của đế quốc Nga ».
.
Thắng hay bại ở
Ukraina, chế độ Kremlin vẫn khó thay đổi
Theo L’Express,
« Dù Nga có bại trận hay không, chế độ chính trị cũng khó thay đổi ». Nếu
người Nga không nhận ra sai lầm, khả năng có được một chính phủ tự do rất mong
manh. Mỗi một kilomet, mỗi một ngôi làng giành được là một chiến thắng cho
Ukraina. Nếu bại trận, sẽ là một đòn nặng cho Vladimir Putin, nhưng chế độ ông
ta không thể sụp đổ lập tức. Trước hết, quân Nga đã rút được kinh nghiệm từ những
thất bại trước đó, và dù có thua, ông chủ điện Kremlin vẫn biết cách dùng tuyên
truyền để phù phép thành chiến thắng. Ông ta cũng có thể độc tài hơn, thanh trừng
tất cả những ai bị coi là mối đe dọa theo kiểu Stalin.
Trên thực tế, khó hy vọng
chiến tranh kết thúc vì dù bị đuổi khỏi Ukraina, quân Nga vẫn có thể quay lại.
Bởi vì khác với Đức năm 1945, nước Nga không bị chiếm đóng, và những tên tội phạm
chiến tranh không bị xét xử. Nhà văn Mikhail Chichkine cho rằng để có được một
chế độ mới dân chủ hơn, cả nước cần phải ý thức về tội lỗi chiến tranh. Nhưng
liệu có nhà lãnh đạo Nga nào sẽ đến quỳ gối trước Mariupol, như thủ tướng Đức
Willy Brandt đã làm ở Vacxava ?
Bất bình trước một cuộc
chiến làm cho mình nghèo đi, giới tinh hoa có thể cố gắng tống khứ Putin đi, với
những rủi ro không nhỏ. Họ vẫn theo đuổi chính sách cũ – dùng nguồn lợi dầu khí
để kiểm soát nội trị và phô trương sức mạnh ở nước ngoài – nhưng cũng tìm cách
tái lập quan hệ với phương Tây. Một nền dân chủ phiến diện, không từ bỏ giấc mơ
đế quốc.
.
Chiến tranh
Ukraina có thể thúc đẩy sự tan rã của Nga
Trong bài « Sự
suy tàn của đế quốc Nga », L’Express cho rằng Vladimir Putin lẽ
ra phải thúc đẩy nước Nga tiến lên trong thế kỷ 21, nhưng lại đưa đất nước mình
vào cảnh tăm tối.
Matxcơva năm 2028. Nước Nga dưới sự kiểm soát của một tài phiệt tàn bạo,
đã trở thành toàn trị triệt để. Những ông chủ mới với công nghệ tân tiến gieo rắc
khủng bố, tách rời với phương Tây nhưng chịu sự thống trị của Trung Quốc. Người dân nghèo khổ, dân tộc chủ nghĩa và
ngoan ngoãn, nước Nga rơi vào thời kỳ u ám nhất của lịch sử. Nhà văn Vladimir
Sorokine mô tả như trên trong tác phẩm « Nhật ký của một
opritchnik (kỵ sĩ thời Sa hoàng) » năm 2006, và 17 năm sau, tiểu
thuyết giả tưởng này có vẻ không xa với sự thật. Cuồng vọng và mù quáng với sự thù hằn phương
Tây, kế hoạch duy nhất của Vladimir Putin là chuẩn bị chiến tranh. Cuộc xâm
lăng Ukraina nhằm mang lại vinh quang xưa cho nước Nga, đã có tác dụng ngược lại.
Tuy chưa thể đoán được kết
quả cuộc phản công của Ukraina, nhưng người ta biết rằng Matxcơva không thể thắng
được cuộc chiến, một khi phương Tây vẫn đứng bên cạnh Kiev, thậm chí còn có thể
đẩy nhanh sự tan rã của nước Nga. Nhà sử học Alexander Etkind dự
báo : « Đó là một đế quốc đang suy tàn, và rốt cuộc sẽ sụp đổ ». Nhà
xã hội học Grigori Yudin ghi nhận cho đến nay chính quyền trung ương dùng nguồn
lợi dầu khí để làm giảm bất bình đẳng xã hội, giữ được sự trung thành của người
dân. Nhưng nay nguồn tiền này giảm đi, khoảng cách trở nên nổi bật.
.
Một liên bang cưỡng
bức đầy mầm mống bất mãn
Theo nhà sử học gốc Nga
Alexander Etkind, « Nga không phải là một liên bang và rốt cuộc sẽ
sụp đổ ». Liên bang là khi nào các thành viên tự do gia nhập và
ra đi. Như vậy Liên Hiệp Châu Âu là liên bang, Anh quốc tách rời sau một quá
trình chật vật nhưng không có chiến tranh, Nga thì không như thế.
Cho đến nay Kremlin dùng
sức mạnh kinh tế để thiết lập chế độ lãnh chúa, trợ cấp cho nhiều vùng. Những địa
phương này đổi độc lập lấy tài trợ, nhưng trừng phạt kinh tế của phương Tây đã
hạn chế khả năng tài chánh của Matxcơva, và đại đa số lính tử trận là từ những
vùng đất nghèo khổ này. Các thống đốc đang bất mãn vì phải tuyển quân cho liên
bang nhưng thiếu phương tiện. Có nguy cơ xảy ra căng thẳng sắc tộc, các nước cộng
hòa đòi tự trị.
Galia Ackerman nhấn mạnh,
Kavkaz chỉ bị chinh phục vào thế kỷ 19, sau mấy chục năm chiến đấu dữ dội. Đó
là những dân tộc miền núi, thiện chiến, theo đạo Hồi với cách sống riêng, và họ
đã nhiều lần cố giành lại độc lập. Cộng hòa Ingushetiya, Daghestan và nhất là
Chechnya chỉ bị Matxcơva thâu tóm sau hai cuộc chiến đẫm máu. Tại Tatarstan,
Sakha, những vùng đất mà người bản địa chiếm đa số, giới lãnh đạo bị mua chuộc
nhưng nếu Kremlin chao đảo, rất có thể họ sẽ nổi dậy.
.
Xâm lăng Ukraina,
Putin tự phá giao kèo với giới tinh hoa
Tại các đô thị, giới tinh
hoa lâu nay im lặng, đã sốt ruột vì chiến tranh kéo dài quá lâu. Anna Colin
Lebedev, đại học Paris-Nanterre lưu ý : « Putin hứa với giới
doanh nhân, quan chức và tinh hoa chính trị sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến : vị
trí quan trọng tại những vùng đất chiếm được, hợp đồng béo bở… ». Nhưng
thật ra Nga không kiểm soát thực sự những vùng này.
Theo nhà sử học Françoise
Thom : « Putin đã tự phá hoại hai cột trụ trong thỏa hiệp với
giới tinh hoa : ông ta làm họ nghèo đi khi cắt đứt với phương Tây và làm
thấy rõ sức mạnh quân sự Nga chỉ là huyền thoại ».
Rõ ràng có một sự rữa nát
trong vương quốc của Putin, và một trong những chỉ dấu là thái độ của Evgueni
Prigojine. Ông chủ công ty lính đánh thuê Wagner không ngừng đả kích bộ trưởng
quốc phòng Serguei Shoigu. Cũng theo Lebedev : « Quân đội là
một trong những định chế hiếm hoi không thể bị làm mất đi ý nghĩa (…). Thế
nhưng Kremlin vẫn để cho Prigojine tiếp tục chỉ trích, đó là hồi chuông báo động
liên quan đến sự vững chắc của chế độ ». Còn đối với Françoise
Thom, khi chỉ trích thẳng thừng bộ tham mưu Nga, thủ lãnh Wagner đã công khai
những xung đột với giới tinh hoa, đây là dấu hiệu khủng hoảng.
.
Nỗi ám ảnh về dân
số
Thêm vào đó là tình trạng dân số sụt giảm mà chiến tranh lại càng làm
trầm trọng thêm. Hồi năm 1989, Liên Xô có
gần 287 triệu dân, vượt xa Hoa Kỳ. Sau khi các nước cộng hòa xô-viết cũ tách
ra, Liên bang Nga năm 1994
chỉ còn 149 triệu dân. Đến năm 2021, có 145 triệu dân Nga, so với 331
triệu người Mỹ và 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Không chỉ sinh suất ở Nga giảm, Nhật Bản
cũng vậy nhưng tuổi thọ ở Nhật thuộc loại cao nhất thế giới. Còn tại Nga, tuổi
thọ lúc ở mức khả quan nhất năm 2019 chỉ là 73 tuổi, hy vọng sống thọ của nam
giới Nga bằng với mức của…Haiti. Những nguyên nhân tử vong chính là bệnh tim mạch
và thương tích, gồm cả tự tử, sát nhân, tai nạn…và tất nhiên không thể bỏ qua
rượu vodka.
Con virus xuất xứ từ Vũ Hán sát hại 400.000 người Nga theo con số chính
thức, nhưng theo The Economist, từ 2020 đến 2023 đã có thêm 1,2 đến
1,6 triệu người chết, tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới trong đại dịch Covid. Gây
chiến với Ukraina, gần 200.000 lính Nga có thể đã tử trận, và từ nửa triệu đến
một triệu nam thanh niên hầu hết là có học vấn cao đã chạy trốn khỏi đất nước,
khiến hiện nay nam thiếu nữ thừa : « dôi ra » đến trên 10 triệu
phụ nữ. Đây là làn sóng di tản mạnh mẽ nhất kể từ cuộc cách mạng bôn-sê-vich
năm 1917. Là nước đông dân thứ 9 thế giới, nhưng Nga chỉ đứng thứ 25 về số bằng
sáng chế.
.
Ba câu hỏi về
tương lai nước Nga
L’Express dự báo về tương lai chính trị của nước
Nga, dù Putin có ở lại điện Kremlin hay không, qua ba câu hỏi. Bài viết được
đăng trước khi xảy ra sự kiện ông chủ Wagner kéo lực lượng 25.000 quân thiện
chiến chiếm Rostov trên sông Don, sau đó điều 5.000 quân tiến về Matxcơva.
Thứ nhất,
Evgueni Prigojine có thể nắm được quyền lực hay không ? Việc ông ta loan
báo sẽ không cho những lính đánh thuê của mình ký hợp đồng với bộ Quốc Phòng
Nga, mà Prigojine gọi là « con đường nhục nhã », là « sự
kiện chưa từng thấy » - theo nhà báo lưu vong Roman Anin, vì cho
đến nay nhân vật này chưa bao giờ chỉ trích Vladimir Putin. Liệu Evgueni
Prigojine đã quyết định tự bay bằng đôi cánh của chính mình ? Nhà sử học
Françoise Thom cho rằng có thể Prigojine đã có được sự ủng hộ từ cấp rất cao.
Tuy nhiên muốn vượt lên trên chính trường Nga phải có sự hỗ trợ của giới tinh
hoa, đây không phải là trường hợp của ông chủ Wagner. Theo nhà sử học Galia
Ackerman, Prigojine sẽ có lợi hơn nếu tiếp tục phục vụ cho Putin.
Thứ hai, liệu
Putin có thể giữ được chiếc ghế ? Ở tuổi 70, Vladimir Putin đã vượt quá tuổi
thọ trung bình của nam giới Nga hiện nay là 67, và không vội tính chuyện về
hưu. Anna Colin-Lebedev cho rằng dù thất bại ở Ukraina, chưa hẳn Putin sẽ sụp đổ.
Ackerman nhận định, không dễ lật đổ được Putin, và không có dấu hiệu gì cho thấy
ông ta tìm kiếm một người kế nhiệm. Khả năng cao là Vladimir Putin tiếp tục được
bầu làm tổng thống năm 2024, trừ phi từ đây tới đó có thay đổi lớn.
Thứ ba, nước
Nga hậu Putin sẽ như thế nào ? Nhà sử học Sergey Radchenko nhận xét, Putin
biết rằng cách duy nhất rời điện Kremlin, « hoặc là ai đó sát hại
ông ta, hoặc là khi ông chết đi ». Dù sao đã có sự chuẩn bị trong
giới cầm quyền.
Kịch bản bạo lực nhất là
cuộc chiến giữa các phe nhóm. Sự ra đi của Putin dẫn đến sự đụng độ giữa nhiều
khuôn mặt khác nhau, hoặc sở hữu quân đội như Evgueni Prigojine, Ramzan Kadyrov
(Chechnya), Viktor Zolotov (thủ lãnh Vệ binh Quốc gia) ; hoặc kiểm soát an
ninh như Nikolai Patrouchev. Nhà văn Mikhail Chichkine hình dung ra một trận đấu
hình sự để kiểm soát dầu khí, tài sản, nhà máy… Khả năng khác là chế độ vẫn tồn
tại, nhưng giới tinh hoa tống khứ Putin, làm lành với phương Tây qua việc trả tự
do cho một số tù nhân chính trị như Alexei Navalny để dỡ bỏ cấm vận. Ban lãnh đạo
mới hiểu rằng đe dọa phương Tây chỉ vô ích, tốt nhất là tìm cách mua chuộc…như
xưa nay.
.
Wagner nổi loạn,
đòn đau cho Putin
Các báo cũng kịp cập nhật
trên trang web về cuộc nổi dậy của Evgueni Prigojine, tường thuật trực tiếp và
có một số nhận xét ban đầu.The Economist nhắc lại lời của thủ tướng
Anh Winston Churchill, ông so sánh các nhà lãnh đạo Nga với « những
chú chó bouledogue đánh nhau dưới một tấm thảm ». Nhưng tuần
báo cho rằng hơn một năm sau khi ông Putin tung ra cuộc xâm lăng Ukraina, bầy
chó điên của ông ta dường như đang cắn xé nhau giữa thanh niên bạch nhật.
Libération cuối tuần nhận thấy « Cuộc
nổi dậy của Wagner : Đối với Putin, đã đạt tới điểm không thể quay lại ». Trong
bộ đồ vét « cũng đen như ánh nhìn », Vladimir Putin nói chuyện với
nhân dân ngay trong khủng hoảng, một điều mà ông ta rất ghét. Putin xưa nay chỉ
phát biểu sau đó, khi đã phân tích đầy đủ, trừ một lần duy nhất hồi tháng
9/2004 trong vụ tấn công khủng bố vào một trường mẫu giáo ở Matxcơva. Những từ
ngữ mà ông ta sử dụng như « nổi dậy vũ trang », « phản bội »,
« một cú đâm sau lưng » là những từ khóa mà các nguyên thủ
dùng đến khi chắc chắn sẽ đè bẹp vụ nổi loạn. Sự trung thành của lực lượng an
ninh, đặc biệt là Vệ binh Quốc gia sẽ mang tính quyết định.
Le Point tìm đến với những người lính Ukraina ở
Donbass, họ theo dõi sự kiện trên mạng xã hội với nhiều nghi ngại, vì không ai
tin vào những tin tức từ Matxcơva. Tại chiến trường này vẫn là oanh kích thường
xuyên, không có gì thay đổi ; tác động của vụ nổi dậy chỉ thấy ở Bakhmut.
Rostov trên sông Don là một trong những hậu cứ chính của quân Nga tham chiến ở
Ukraina, Wagner và quân đội Nga đều đặt sở chỉ huy ở đây. Thế nên không có gì
ngạc nhiên khi thành phố này là trung tâm cuộc binh biến của Prigojine. Dù diễn
tiến ra sao đi nữa, cũng đã làm chấn động toàn thể bộ máy quân sự Nga. Tướng
Pháp Olivier de Bavinchove nhận định dường như Wagner có sẵn một kế hoạch hẳn
hoi : chiếm bộ chỉ huy Rostov, nơi ra lệnh cho toàn bộ chiến dịch ở
Ukraina, hậu quả đối với cuộc chiến sẽ thấy lập tức.
Trả lời L’Express,
nhà báo lưu vong chuyên về điều tra Roman Anine cũng cho rằng Prigojine đã chuẩn
bị vụ nổi dậy từ lâu, một chiến dịch quân sự như vậy không thể quyết định chỉ
trong một ngày. Một hôm trước đó, một nguồn tin thông thạo cho biết điện
Kremlin đang rất lo sợ. Có thể chính quyền từ một tuần qua đã đánh hơi được
Prigojine đang chuẩn bị một điều gì đó và cố thương lượng nhưng không thành
công. Putin đã tạo ra con quái vật Prigojine, kẻ tâm thần đứng đầu một quân đội,
đã gieo gió thì nay gặt bão.
.
Cọp Hàn Quốc trước
rồng Trung Quốc
Nhìn sang châu Á, trong
bài « Con cọp Hàn Quốc đối mặt với con rồng Trung Quốc », Le
Point nhận thấy Seoul đang có những nỗ lực tạo dấu ấn. Tổng thống
Yoon Suk Yeol đến Paris vận động để Busan được tổ chức Triển lãm hoàn vũ năm
2030, vài ngày sau khi Hàn Quốc là khách mời danh dự hội chợ Vivatech. Sự năng
động của những start-up là một mặt khác của phép lạ Hàn Quốc.
Đất nước nghèo khó sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, nay trở thành nền
kinh tế thứ 13 thế giới, nhà xuất khẩu thứ 7, thị trường thương mại điện tử thứ
5 toàn cầu. Quyền lực mềm từ K-pop đến phim nhiều tập, ẩm thực được phổ biến khắp
nơi. Một Nhà nước chiến lược gia dành ưu tiên cho đầu tư, với 53 tỉ đô la để
phát triển chất bán dẫn, bình điện, công nghệ nano, trí thông minh nhân tạo.
Bên cạnh nhược điểm tỉ lệ
sinh sản thấp, một xã hội cạnh tranh cao độ có tỉ lệ tự tử cao nhất OCDE, nguy
cơ lớn nhất của Hàn Quốc là địa chính trị. Kim Jong Un khiêu khích với 72 vụ bắn
hỏa tiễn năm 2022 và thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 năm
2023. Nhưng thách thức lớn nhất là bị kẹt giữa xung đột Mỹ-Trung.
Hàn Quốc vừa cần Mỹ bảo đảm
an ninh trước Bắc Triều Tiên, vừa cần thị trường Trung Quốc. Việc Seoul cho đặt
hệ thống THAAD và ủng hộ Ukraina đã dẫn đến xuất khẩu sang Hoa lục giảm sút.
Trước tình hình đó, hợp tác có lợi cho cả châu Âu lẫn Hàn Quốc, và có thể rút
ra một số bài học từ đất nước này. Đặc biệt nếu so sánh với Bắc Triều Tiên :
GDP chỉ bằng 2 % Hàn Quốc, đại đa số dân chúng đói khổ, thu nhập chỉ 1.200 đô
la/năm còn Hàn Quốc là 35.000 đô la, thì tự do là vô giá.
No comments:
Post a Comment