Friday, 30 June 2023

ẤN ĐỘ MUỐN GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG ĐỂ KHỐNG CHẾ TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 



Ấn Độ muốn gia tăng ảnh hưởng để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2023 - 15:40

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230630-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-mu%E1%BB%91....BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Trong tháng 06/2023, Ấn Độ liên tục có những hoạt động ngoại giao quan trọng liên quan đến Biển Đông. Mong muốn giữ vai trò lớn hơn trong khu vực được New Delhi lần lượt thể hiện với các đối tác Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/14314fa0-1741-11ee-a4cd-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_32C37NT.webp

Ảnh minh họa: Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh (trái) và đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang tại Bộ Quốc Phòng ở Hà Nội vào ngày 08/06/2022. AFP - NHAC NGUYEN

 

Với Việt Nam, Ấn Độ giữ lời hứa tặng tầu hộ tống INS Kirpan trong chuyến công du New Delhi (17-20/06) của bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang. Con tầu đã rời bờ đông Ấn Độ hôm 28/06 và được trang Times of India đánh giá là hành động « mang tính biểu tượng cao » vì « không phải với nước nào Ấn Độ cũng làm như vậy ».

 

Thứ nhất, INS Kirpan đang hoạt động trong biên chế của Hải Quân Ấn Độ. « Đây là lần đầu tiên một tầu hộ tống đang hoạt động được Ấn Độ tặng cho một nước bạn », theo thông cáo của lực lượng này. Thứ hai, INS Kirpan là tầu hộ tống thứ ba, lớp Khukri, do Ấn Độ tự đóng và là niềm tự hào về tiến bộ công nghệ hải quân của nước này. Tầu được trang bị pháo tầm trung và tầm ngắn, phóng được tên lửa địa đối địa.

 

Tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, được xây dựng từ những năm 1950, còn có thể thấy qua việc Hải Quân Ấn Độ khẳng định trong thông cáo là việc tặng tầu chiến « phản ánh cam kết của Ấn Độ giúp đỡ các đối tác có chung ý tưởng và giúp cải thiện năng lực của họ ». Hãng tin Anh Reuters thì chú ý đến chi tiết « lần đầu tiên Ấn Độ tặng chiến hạm cho một nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông ».

 

Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng thắt chặt hợp tác với Philippines, quốc gia cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Với Manila, New Delhi nhấn mạnh đến việc ủng hộ phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye năm 2016, một thắng lợi lớn của Philippines, nước kiện Bắc Kinh. Tòa đã bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trong đường « 9 đoạn » độc chiếm hầu hết Biển Đông.

 

Trong cuộc họp lần thứ 5 của ủy ban hỗn hợp song phương được tổ chức ngày 29/06, ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và đồng nhiệm Philippines Enrique Manalo đã kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, đồng thời nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong bối cảnh tầu chiến, tầu dân quân biển của Trung Quốc liên tục xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây.

 

Manila và New Dehli khẳng định có chung lợi ích trong vùng biển, nằm trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tương tự đề xuất với Việt Nam, Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến hợp tác quốc phòng, an ninh hàng hải, sẵn sàng cung ứng trang thiết bị quốc phòng và mở rộng huấn luyện, tập trận chung về an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa. Lần đầu tiên, Ấn Độ sẽ cử một tùy viên quốc phòng đến Manila.

 

Tuy nhiên, đây lại là điều mà Bắc Kinh không hề muốn. Vào lúc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 họp thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản, 19-21/05) - Việt Nam và Ấn Độ được mời tham dự - Trung Quốc đã kêu gọi G7 tránh sử dụng những vấn đề hàng hải để đào sâu thêm hố ngăn cách giữa các nước trong vùng và « kích động sự đối đầu giữa các khối ». Tuy nhiên, Mỹ và Ấn Độ, hai nước đối tác trong Bộ Tứ - QUAD cùng với Nhật Bản và Úc, đã đáp trả theo cách khác.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khách mời danh dự của Nhà Trắng từ ngày 23-25/06, và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng bày tỏ quan ngại về những hành vi bắt chẹt ở Biển Đông. Ông Daniel Krtenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, khẳng định trong một hội thảo hôm 28/06 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - CSIS ở Washington rằng « Ấn Độ sẽ giữ vai trò ngày càng lớn ở Biển Đông và sẽ hợp tác rộng hơn với Mỹ ở trong vùng ».

 

Trong thời gian đầu xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, Ấn Độ tỏ thái độ trung lập. Nhưng những vụ xô xát, đụng độ chết người với quân đội Trung Quốc ở biên giới hai nước năm 2020 có lẽ là bước ngoặt lớn trong việc New Delhi thay đổi thái độ. Biển Đông từ giờ được Ấn Độ coi là « một phần thiết yếu của thế giới ». New Delhi không muốn để Bắc Kinh khống chế tuyến hàng hải huyết mạch, trung chuyển hơn 3.000 tỉ đô la giao thương quốc tế hàng năm. Để có được vai trò quan trọng hơn, có lẽ Ấn Độ chỉ còn cách tăng cường hợp tác với các nước nhỏ, bị Trung Quốc ỷ thế bắt chẹt, cũng như với Hoa Kỳ, dù không có tranh chấp trong vùng nhưng bảo vệ một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ».

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

Úc, Ấn Độ kêu gọi một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất

 

Ấn Độ gia tăng tập trận ở châu Á để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh

 

Nhật Bản và Ấn Độ phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats