Thursday, 29 June 2023

ĐẠI SỨ CAMPUCHIA TẠI HOA KỲ và LIÊN HIỆP QUỐC : "CHÚNG TÔI KHÔNG ĐỨNG VỀ PHÍA TRUNG QUỐC" (Phelim Kine /pv  -   Politico)

 



Đại sứ Campuchia tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi không đứng về phía Trung Quốc”

Phelim Kine (pv)  -   Politico  

Nguyễn Văn Đáp, biên dịch

28/06/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/06/28/dai-su-campuchia-tai-my-va-lien-hiep-quoc-chung-toi-khong-dung-ve-phia-trung-quoc/

 

Vào tháng Giêng, hai nhà ngoại giao chuyên nghiệp Sophea EatKeo Chhea đã kết thúc sự chia cách kéo dài 14 năm ở những vị trí ngoại giao khác nhau khi Eat được bổ nhiệm làm đại sứ của Campuchia tại Liên Hợp Quốc và chuyển đến Hoa Kỳ công tác, nơi mà chồng bà, Keo, đang phục vụ với tư cách nhà ngoại giao hàng đầu của nước này tại Washington từ năm 2022. Các chức vụ của họ phù hợp với sự quan tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ với Campuchia và các nước ASEAN khác như là một phần của các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tập hợp sự ủng hộ khu vực cho chiến lược đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho hai vị đại sứ. Chính quyền Tổng thống Biden đang bị sốc trước việc Campuchia đang nhanh chóng trở thành một nhà nước độc đảng ngày càng đàn áp khi tháng trước đã cấm Đảng Ánh nến (Candlelight Party) đối lập chính của đất nước tham gia cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới. Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng Campuchia đang cho phép Bắc Kinh xây dựng một căn cứ hải quân trên Vịnh Thái Lan để quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng. Nhưng Tổng thống Joe Biden cũng đánh giá cao sự ủng hộ của Campuchia đối với các nghị quyết của Liên hợp quốc do Hoa Kỳ hậu thuẫn chống lại cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong 15 tháng qua.

 

 

https://www.politico.com/dims4/default/f5062a0/2147483647/resize/762x/quality/90/?url=https%3A%2F%2Fstatic.politico.com%2Fcd%2Fe6%2F259a1eca4e2f8409aff04327946c%2Flooted-cambodian-antiquities-31011.jpg

Đại sứ Campuchia tại Hoa Kỳ Keo Chhea phát biểu trong cuộc họp báo ở New York, ngày 8 tháng 8 năm 2022. | Seth Wenig/AP Photo

 

 

Keo và Eat đã vượt qua chính trị nội bộ khó khăn của Bộ Ngoại giao Campuchia dưới thời Thủ tướng Hun Sen, nhà lãnh đạo độc đoán đã cai trị đất nước từ năm 1985. Eat bắt đầu sự nghiệp cùng năm đó tại Cục Thông tin của Bộ và đã thăng tiến lên các vị trí bao gồm cả Đại sứ Campuchia tại Thái Lan và Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Các công việc đối ngoại của Keo bao gồm các vị trí Bí thư thứ nhất tại các đại sứ quán Campuchia ở Ấn Độ và Brunei cũng như các vị trí đại diện cho Phnom Penh tại trụ sở của ASEAN ở Jakarta, Indonesia.

 

Tôi đã nói chuyện với Keo and Eat về những nỗ lực của Campuchia nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, cuộc đàn áp liên tục của chính phủ Campuchia đối với những người bất đồng chính kiến và truyền thông độc lập, và triển vọng đất nước trở thành một chế độ độc tài dưới thời con trai đầy tham vọng chính trị của Hun Sen, Hun Manet.

 

Tình hình quan hệ Hoa Kỳ – Campuchia hiện nay như thế nào?

 

KEO: Nó đã từng gập ghềnh, nhưng sau khi Campuchia chủ trì thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN năm 2022 và việc chúng tôi thể hiện vị thế thực sự của mình với tư cách là một quốc gia trung lập, các chính trị gia Hoa Kỳ hiểu rằng chúng tôi không đứng về phía Trung Quốc và điều đó đã cải thiện quan hệ song phương rất nhiều.

 

Bản thân chúng tôi không thân Trung Quốc như giới truyền thông Hoa Kỳ nói, nhưng chúng tôi cần phải tồn tại. Chúng tôi tin tưởng vào quan hệ với phương Tây và Hoa Kỳ. Nhưng các bạn đang ở đâu? Chúng tôi cần làm ăn với cả hai bên và người Trung Quốc đang ở đây, nhưng người Mỹ ở đâu? Trẻ em Campuchia háo hức học ở Hoa Kỳ. Và ngay cả các nhà lãnh đạo của chúng tôi, tất cả con cái của họ đều học ở Hoa Kỳ, Úc hoặc Châu Âu, không phải ở Trung Quốc.

.

 

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Biden có mục đích rõ ràng là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nó đã ảnh hưởng đến Campuchia như thế nào?

 

EAT: Chúng tôi cảm thấy bị áp lực. Chúng tôi biết rằng Hoa Kỳ rất lo ngại về việc triển khai sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng những gì chúng tôi có thể làm là cung cấp một số diễn đàn để tất cả các cường quốc này cùng nhau hợp tác và làm việc vì lợi ích chung. Chúng tôi ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc bất kỳ chiến lược nào thúc đẩy hòa bình, ổn định và tiến bộ trong khu vực.

 

Điều chúng tôi không thể chấp nhận là bất kỳ chiến lược nào có thể gây tổn hại đến sự tiến bộ và ổn định trong khu vực. Chúng tôi hy vọng rằng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tránh dồn chúng tôi vào chân tường. Chúng tôi đang cố gắng làm bạn với tất cả mọi người. Người Trung Quốc cung cấp rất nhiều khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng và Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của chúng tôi, vì vậy chúng tôi cần cả hai cùng tồn tại và hưởng lợi như nhau. Campuchia bị xem là một nước chư hầu của Trung Quốc, nhưng đó chỉ là một con thuyền nhỏ đang cố gắng len lỏi trong một vùng biển có nhiều tàu lớn.

 

https://www.politico.com/dims4/default/3ac9b13/2147483647/resize/762x/quality/90/?url=https%3A%2F%2Fstatic.politico.com%2F38%2F3d%2F85a7c1214a19b986fcd986e3629a%2Fhttps-delivery-gettyimages.com%2Fdownloads%2F450743118

Sophea Eat trả lời một câu hỏi trong cuộc họp báo tại văn phòng bộ ngoại giao ở Bangkok, ngày 17 tháng 6 năm 2014. | Pornchai Kittiwongsakul/AFP qua Getty Images

 

 

Hoa Kỳ quan ngại rằng chính phủ Trung Quốc đang phát triển Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia thành một căn cứ cho quân đội Trung Quốc. Hai người có thể nói gì về điều đó?

 

KEO: Chúng tôi sẽ không cho phép họ xây dựng bất kỳ căn cứ hải quân nào trên đất nước chúng tôi. Nó trái với hiến pháp của chúng tôi. Và thủ tướng của chúng tôi trong một cuộc họp tại Nhà Trắng đã tuyên bố rằng Campuchia sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc.

 

.

Chính phủ Campuchia đã cấm đảng đối lập chính cạnh tranh trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7, kết án nhà lãnh đạo Kem Sokha 27 năm tù về những gì mà Hoa Kỳ cho là tội phản quốc có động cơ chính trị, và đã đóng cửa hầu hết các cơ quan truyền thông độc lập của đất nước. Ông bà có thể bảo vệ điều đó như thế nào?

 

EAT: Tôi đã sống trên thế giới này gần sáu thập kỷ và trải qua nhiều thay đổi chế độ khác nhau và rất nhiều đau khổ, bao gồm cả nạn diệt chủng. Tôi đã trải qua những thời kỳ mà chúng tôi không có quyền con người như dưới thời Khmer Đỏ. Vì vậy, hãy nhìn xung quanh để xem có ai tốt hơn Hun Sen ngay bây giờ không. Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất cứ ai có thể làm tốt hơn ông ấy.

Nhưng chúng tôi cẩn trọng với những thay đổi đột ngột. Và Campuchia không phải chỉ do một người lãnh đạo.

 

.

Vị thế của Campuchia với tư cách là một quốc gia độc tài độc đảng đặt nó ở lề trái trong câu chuyện của Tổng thống Biden về “trận chiến giữa dân chủ và chuyên quyền” toàn cầu. Làm thế nào để hai vị vượt qua điều đó với tư cách là đại diện chính thức của Campuchia tại Hoa Kỳ?

 

EAT: Nếu bạn nhìn vào Campuchia so với Hoa Kỳ hoặc Thụy Điển, Campuchia có thể không có thành tích tốt nhất về mặt dân chủ. Nhưng nếu so sánh Campuchia với các nước khác trong khu vực, chúng tôi không đến nỗi nào.

 

KEO: Chúng tôi đang tiến tới dân chủ. Chúng tôi vẫn phạm sai lầm. Vẫn còn một số vấn đề khó khăn. Đối với bạn, điều đó có vẻ độc đoán, nhưng chúng tôi cần giáo dục người dân của mình trước.

Người dân hiểu về quyền của mình nhưng lại quên quyền của hàng xóm, rằng khi tiếp cận quyền của mình, họ đang xâm phạm quyền của hàng xóm. Vì vậy, chúng tôi phải thực hiện một luật để ngăn chặn điều đó. Điều đó có nghĩa là chúng tôi độc đoán?

[Một số nhà báo] sử dụng danh nghĩa nhà báo của họ để tống tiền những người buôn bán dọc đường. Đó là lý do tại sao chính phủ nói “Anh không phải là cảnh sát – anh là nhà báo. Anh có thể viết bất cứ điều gì anh muốn, nhưng không được yêu cầu mọi người đưa tiền.” Đó là lý do tại sao chúng tôi dừng loại phương tiện truyền thông đó.

 

.

Thủ tướng Hun Sen đã cảnh báo các nhà ngoại giao nước ngoài vào tháng 4 rằng nếu họ có liên hệ với Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập hiện bị cấm ở Campuchia, họ nên “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Campuchia. Và ông ấy đã tuyên bố vào tháng trước rằng những liên hệ như vậy “xúc phạm tôi, xúc phạm chủ quyền của tôi.” Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hai vị cảm thấy thế nào về thái độ thù địch của Hun Sen đối với các nhà ngoại giao nước ngoài?

 

KEO: Ông ấy là người của nhân dân. Và ông ấy nói ngôn ngữ của người dân. Ông ấy không nói ngôn ngữ của các chính trị gia. Đó là cách ông ấy kết nối với người dân.

 

.

Có vẻ như Hun Sen đang chuẩn bị cho con trai Hun Manet kế vị mình, đưa Campuchia vào con đường trở thành một nhà nước chuyên chế giống như Triều Tiên. Điều đó có gì tốt cho Campuchia?

 

EAT: Nếu Hun Manet làm tốt, nếu ông ấy có thể giành được sự ủng hộ của người dân, tại sao ông ấy không thể trở thành thủ tướng? Giống như con cái của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới – tôi biết rằng Hoa Kỳ có một nhà lãnh đạo có cha là một nhà lãnh đạo tên là Bush. Chúng ta có thể có những đứa con của Tổng thống Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ vào một ngày nào đó, ai mà biết được? Nếu Hun Manet là con trai của nhà lãnh đạo và có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai, tôi không cho rằng điều này là sai.

 

.

Làm vợ và chồng nhà ngoại giao đại diện cho Campuchia tại Hoa Kỳ dễ hay khó?

 

EAT: Các vị trí của chúng tôi ở các quốc gia khác nhau đã ngăn cách chúng tôi trong một thời gian rất dài – 14 năm. Chúng tôi không có nhiều thời gian để củng cố mối quan hệ của mình. Sự xa cách có thể phá vỡ hoặc củng cố mối quan hệ của bạn. Điều tốt khi chúng tôi cùng làm việc ở một quốc gia là chúng tôi có thể tham khảo ý kiến của nhau. Điều tồi tệ là chúng tôi không bao giờ thực sự có thời gian bên nhau. Điều đó rất khó khăn vì công việc của chúng tôi – chúng tôi luôn có nhiều việc phải làm.

 

KEO: Đó cũng là một lợi ích cho Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể gọi cho tôi và nói “Này, ông có thể đề nghị chính phủ ủng hộ nghị quyết này của Liên hợp quốc mà chúng tôi đề xuất được không?” Sau đó, tôi nói chuyện với Bộ Ngoại giao và tiếp đó tôi nói chuyện với bà xã tôi và nói rằng “Chú ý – Hoa Kỳ đang yêu cầu chúng ta ủng hộ nghị quyết của họ.”

 

 

Nguồn:

 

Phelim Kine (pv), ‘We aren’t on the Chinese side’Politico, 06/16/2023

 

 

---------------------------------------

Có Thể Bạn Quan Tâm:

1.    Người Trung Quốc viết về nạn diệt chủng của Khmer Đỏ

2.    Một góc nhìn khác về Lý Quang Diệu

3.    Sam Rainsy và Hun Sen: Từ kẻ thù thành đối tác đối thoại

4.    Mổ xẻ chính trường Campuchia qua bầu cử năm 2013 (P1)

5.    Mổ xẻ chính trường Campuchia qua bầu cử năm 2013 (P2)

6.    Nayan Chanda: Nhìn lại việc Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ

7.    Bàn về ‘Liên minh số’ Mỹ – Hàn tại Đông Nam Á

8.    Châu Á và Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và Anh  

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats