Friday 16 June 2023

COI PHIM "BÊN TRONG VỎ KÉN VÀNG" (Vũ Văn Luân) & RÒM - BỘ PHIM GAN GÓC CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT (Diễn Đàn)

 



NỘI DUNG :

 

Coi phim "Bên trong vỏ kén vàng"    

Vũ Văn Luân 

.

Ròm – bộ phim gan góc của điện ảnh Việt    

Diễn Đàn 

 

================================================

.

.

Coi phim "Bên trong vỏ kén vàng"    

Vũ Văn Luân 

16/06/2023 10:14

https://www.diendan.org/Doi-song/dien-anh/coi-phim-ben-trong-vo-ken-vang

 

https://www.diendan.org/Doi-song/dien-anh/coi-phim-ben-trong-vo-ken-vang/Afiche-VoKenVang-400.jpg

L’Arbre aux Papillons d’Or

 

Hôm qua tôi đi coi phim "Bên trong vỏ kén vàng" (tiếng Pháp: "L'arbre aux papillons d'or") của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Phim đoạt giải Caméra d'Or của Liên hoan phim Cannes vừa qua (giải dành cho các phim dài đầu tay).

 

Để coi một phim dài 3 tiếng đồng hồ với một nội dung về tâm linh, tôi đã phải chuẩn bị để tránh ngủ gật giữa phim: chọn xuất chiếu 15giờ, ăn trưa nhẹ và uống cà phê đặc trước đó, sẵn sàng cho mình một tinh thần kiên nhẫn và cởi mở.

 

Thế rồi cuốn phim, với từng bước chậm, đã dẫn tôi vào một không gian hình ảnh lấy đủ thời gian cho câu chuyện nội tâm của nhân vật chính là chàng thanh niên tên Thiện. Thiện sống ở Sài Gòn và, khi người chị dâu mất vì tai nạn giao thông, anh quyết định đưa đứa con trai còn bé của chị về làng mình trên cao nguyên và tìm người cha của nó đã mất tích từ lâu. Thiện đã lớn lên trong cộng đồng người Công giáo. Nhưng Thiện vẫn chưa có Niềm Tin, và những nhếch nhác của cuộc sống thành thị không giúp anh đến được với niềm tin này. Chuyến đi về làng của Thiện mang theo 1 mất mát mới xảy ra (người mẹ đứa bé) và 1 thiếu vắng đã lâu (người anh mất tích không ai biết lý do). Nó cũng cho Thiện gặp lại người yêu xưa bây giờ đã đi tu. Với tất cả các điều đó, anh không thể tránh được những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống ở một kẻ chưa có một niềm tin làm chỗ dựa.

 

Diễn tả bằng hình ảnh một nội dung như vậy là một thách thức lớn cho bất cứ đạo diễn phim nào. Và tôi cảm thấy Phạm Thiên Ân chăm sóc thật kỹ từng cảnh phim. Chọn sức mạnh hình ảnh ưu tiên trên đối thoại, chọn nhịp độ phù hợp với tâm trạng nhân vật, chọn những chi tiết làm đậm một tình huống, chọn màu sắc tạo một không khí. Và tôi thấy cái hay nhất ở đây là những góc quay độc đáo và sự bố trí ánh sáng khác lạ. Nó khiến người xem không ngừng chờ đợi những hình ảnh bất ngờ. Hơn nữa, những hình ảnh đẹp ở đây không nhắm mục đích thuần thẩm mỹ hình thức, như có thể thấy hiện nay ở một số đạo diễn trẻ Việt Nam. Những hình ảnh ở đây chỉ nhắm phục vụ câu chuyện của phim, nói cách khác là chúng thực sự tìm một ngôn ngữ điện ảnh cho nội dung muốn trình bày.

 

Khi phim chấm dứt, khán giả trong rạp đã vỗ tay. Tôi nghĩ cuốn phim xứng đáng với giải thưởng đã đoạt, và tôi mong chờ những tác phẩm tiếp theo của Phạm Thiên Ân.

 

Vũ Văn Luân

 

================================================

.

.

Ròm – bộ phim gan góc của điện ảnh Việt    

Diễn Đàn 

12/06/2023 23:44

https://www.diendan.org/Doi-song/dien-anh/rom-2013-bo-phim-gan-goc-cua-dien-anh-viet

 

LTS. Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy là bộ phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải cao nhất tại Liên hoan Busan (Hàn Quốc) tháng 10 năm 2019. Ngay tiếp theo đó, Bộ văn hóa Việt Nam ra quyết định ngày 14.10 xử phạt Ròm với lý do trình chiếu ở liên hoan nước ngoài “khi chưa được cấp phép phổ biến” : công ty sản xuất HK Film bị buộc nộp phạt 40 triệu đồng và “tiêu hủy tang vật vi phạm”. Đến tháng 3 năm 2020, Ròm mới được được cấp phép phát hành tại Việt Nam sau khi chỉnh sửa, cắt bỏ và thay đổi những nội dung “theo yêu cầu của hội đồng duyệt phim”.

 

Thứ bảy 24.6 tại Paris, đạo diễn Trần Thanh Huy và đoàn làm phim Ròm sẽ giới thiệu bộ phim của mình với phụ đề tiếng Pháp tại rạp Grand Action, quận 5, xuất 16:00. Để người xem có thêm thông tin, chúng tôi đăng lại dưới đây bài phê bình phim của báo Tuổi Trẻ ngày 27.9 2022.

 

Ròm – bộ phim gan góc của điện ảnh Việt

 

Ròm là dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt khi một đạo diễn thế hệ 9X dũng cảm khai phá chủ đề xã hội nhức nhối hiện nay. Ròm đậm đặc các chủ đề xã hội như trẻ mồ côi, bụi đời, chơi đề, vay nặng lãi, đòi nợ thuê... nhưng chủ đề cần được nhìn thấy nhất chính là giải phóng mặt bằng.

 

Không ngần ngại khai phá chủ đề giải phóng mặt bằng

 

Vì sao người dân ở khu chung cư trong Ròm lún sâu vào chơi đề và vay nặng lãi đến lụn bại ? Vì sao từng người một sa chân vào con đường không lối thoát này ? Vì sao họ sẽ không bao giờ ngoi lên khỏi vũng lầy bất tận đó ?

 

Câu trả lời không đơn giản là lười nhác hay u mê đỏ đen. Những người nghèo khổ ấy là mắt xích cuối cùng và yếu ớt nhất của một đường dây khổng lồ từ kẻ cho vay nặng lãi, nhà cái mẹ đến nhà cái con, được kết nối bằng cò đề (công việc của cậu bé Ròm). Nhưng, đứng trên cả những kẻ cho vay nặng lãi là ai ? Đó là câu hỏi quan trọng nhưng đáp lại chỉ là sự câm lặng.

 

Có lẽ, phiên bản chiếu rạp này không đủ để trả lời khán giả.

 

Khu chung cư cũ (quay ở Thanh Đa) trong phim thuộc diện giải tỏa vì nghiêng lún và hoang tàn. Mỗi lần giải tỏa một khu đất, một tòa nhà, thứ thay đổi không chỉ là số phận của khu đất hay tòa nhà, mà còn là số phận của hàng nghìn con người bé mọn. Hàng nghìn cuộc đời vĩnh viễn thay đổi, nhiều gia đình cơ cực.

 

Đạo diễn Trần Thanh Huy hiểu điều này như máu thịt, vì suốt mấy chục năm, đại gia đình của anh sống trong ngôi nhà cũ thuộc diện giải tỏa ở Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

 

Trong phim, cậu bé Ròm cũng vì nhà bị giải tỏa mà thành trẻ không nhà. Cha mẹ cùng quẫn bỏ rơi cậu trên vỉa hè cô độc. Trở thành cò đề, đứa trẻ ấy sống dưới “ đáy của đáy ” xã hội, sinh tồn bằng toàn bộ sức lực non nớt của mình.

 

Đây là bộ phim hiếm hoi về giải phóng mặt bằng được công chiếu tại Việt Nam. Chủ đề được coi là gai góc không chỉ trong điện ảnh mà còn trong xã hội. Đây vừa là diễn biến ngầm ẩn xuyên suốt bộ phim vừa là vấn đề thời sự nhức nhối, đau đớn, chứa đựng những mâu thuẫn cốt lõi của xã hội đương thời.

 

Để điện ảnh Việt Nam không rơi vào minh họa, tô hồng, ước lệ khi phản ảnh hiện thực, chúng ta cần rất nhiều bộ phim như Ròm.

 

Lỗ hổng lớn nhất ở bản chiếu rạp này nằm ở những thay đổi so với bản dự thi mà người viết từng xem tại Liên hoan phim Busan 2019. Các cảnh bị cắt có thời lượng không quá lớn nhưng lại có sức ảnh hưởng mang tính quyết định đối với các tầng nghĩa ngầm ẩn của phim.

 

Đó là lý do nhiều khán giả đặt những câu hỏi như “ Vì sao có cảnh cháy ? ”, “ Đại ca giang hồ (Wowy đóng) là ai và vì sao hành động như vậy ? ”, “ Bà Ghi (Cát Phượng) là chính hay tà ? ”...

 

Hình : https://www.diendan.org/Doi-song/dien-anh/rom-2013-bo-phim-gan-goc-cua-dien-anh-viet/yda-rom-anh2.jpg

 

Ngồn ngộn chất đời

 

Ròm phân loại độ tuổi 18+, do đó nhà làm phim phóng tay đưa chất đời ngồn ngộn từ đường phố lên màn ảnh. “ Đời ” là tính từ chính xác nhất để mô tả Ròm.

 

Cái “ đời ” của Ròm đến từ bối cảnh, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất đến ngôn từ. Điều này càng ấn tượng hơn khi đạo diễn và êkip còn rất trẻ, mới ngoài tuổi 20 khi họ bắt đầu theo đuổi dự án. Là người trẻ, họ từ chối đưa lên phim một góc nhìn mơ mộng, điểm phấn tô son cho hiện thực, mà thẳng thắn và tỉnh táo xoáy sâu vào thực trạng xã hội xung quanh mình.

 

Chất đời của phim giống như một tín ngưỡng, một sự cực đoan của những người làm ra nó. Nhờ sự cực đoan ấy, phim mới đi được đến chặng đường này.

 

Ròm xứng đáng là người em họ của City of God – tác phẩm điện ảnh Brazil về những băng đảng tội phạm ở một khu ổ chuột ngoại ô Rio de Janerio. Với bản ra rạp này, về tổng thể, phim chưa hoàn hảo, chưa xuất sắc.

 

Nhưng Ròm lại là tập hợp của những trường đoạn xuất sắc như đoạn độc thoại đầu phim, trường đoạn đánh nhau giữa Ròm và Phúc, trường đoạn cuối trên nền nhạc đầy ám ảnh của nhạc sĩ Tôn Thất An...

 

Nhiều trường đoạn hay nhưng phim ráp lại quá nhanh ở vài diễn biến quan trọng, Ròm gây cảm giác rời rạc, thiếu sót và hụt hẫng. Lời khuyên khi xem Ròm ? Đừng cố gắng quá mức trong việc nắm bắt câu chuyện, hãy chìm vào từng cảnh phim.

 

Ngôn từ của hai đứa trẻ bụi đời Ròm và Phúc, khi chúng đánh đấm và mạt sát nhau, là ngôn từ đường phố chân thực đến từng chữ cái. Ngôn từ đời thường khi đưa vào phim trở thành ngôn ngữ điện ảnh. Nó xù xì và thô ráp đúng như thế giới dưới đáy xã hội mà bộ phim khắc họa.

 

Dù thế nào, cần ghi nhận sự dũng cảm của đạo diễn Trần Thanh Huy, nhà sản xuất HKFilm và êkip Ròm khi đã nỗ lực hết mình để đưa bộ phim đến được với khán giả Việt.

 

Mi Ly

Nguồn : Tuổi Trẻ 27.9.2022

 


Đạo diễn Trần Thanh Huy : “ Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ. Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi.

“ Số đề là một phần của đời sống người dân lao động Việt Nam, tôi muốn làm phim dựa vào những điều gần gũi với mình nhất. Đa số người lao động nghèo đều biết tới trò may rủi này. Để có được những con số đánh đề, họ tin vào những điều vô cùng phi lý. Những con số có thể đến từ con vật, sự kiện, giấc mơ hoặc thậm chí có người còn đi cầu cơ để xin số đánh đề. Thực tế, trò chơi số đề đã ngấm vào máu của nhiều người dân Việt Nam, có người xem nó là một trò mua vui, nhưng cũng có những bộ phận đặt cược cả gia tài vào cuộc chơi may rủi này ”

 

Đạo diễn Mike Figgis, chủ tịch Ban giám khảo liên hoan Busan 2019 : “ Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo, và để lại một cái một cái kết làm thỏa mãn ”.

 

Tâm Huyền, báo Công an Nhân dân 2.10 2020 : Khi duyệt phát hành cho bộ phim Ròm, Cục Điện ảnh đã nhận định : “ Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn ”.

 

“ Câu chuyện phim diễn ra tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ”.


RÒM, phim truyện của Trần Thanh Huy, Việt Nam, 2019, 79’, phụ đề tiếng Pháp.

Sản xuất : Nguyễn Trinh Hoan - Quay phim : Nguyễn Vĩnh Phúc - Âm nhạc : Tôn Thất An.

Diễn viên : Trần Anh Khoa, Nguyễn Phan Anh Tú, Wowy, Cát Phượng, Mai Thế Hiệp, Mai Trần, Thanh Tú, Thiên Kim.


Câu lạc bộ Yda
, thứ bảy 24.6 2023 lúc 16 giờ,

cinéma Grand Action, 5 rue des Ecoles, Paris 75005.

Giá vé: 6 đến 9,50 € - Đặt vé :

Liên hệ : cineclub.yda@gmail.c

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats