Sunday, 23 April 2023

UKRAINE "NGÀY DÀI NHẤT", CUỘC PHẢN CÔNG SẼ ĐỊNH HÌNH LẠI CHÂU ÂU (Thụy My / RFI)

 



Ukraina « ngày dài nhất », cuộc phản công sẽ định hình lại châu Âu

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 22/04/2023 - 22:58

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230422-ukraina-ng%C3%A0y-d%C3%A0i-nh%E1%BA%A5t-c....BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

The Economist nhận định « Cuộc phản công sắp tới của Ukraina có thể định hình quốc gia này và cả châu Âu ». Kết quả cuộc tổng tiến công mùa xuân của Ukraina có thể được quyết định trong 24 giờ đầu tiên, theo Courrier International. L’Express cho rằng sử sách sẽ ghi lại tên Vladimir Putin trong danh sách các nhà độc tài khát máu, và kẻ thừa kế của Stalin một ngày nào đó sẽ phải trả lời trước tòa án quốc tế : không thể dung thứ cho việc xâm lược một nước khác.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1263594c-e06f-11ed-beac-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23109651359225.webp

Các chiến binh Ukraina bắn pháo Howitzer D-30 trên mặt trận gần Bakhmut, vùng Donetsk ngày 19/04/2023. AP - Roman Chop

 

 

Thời cơ để Kiev phản công

Hàng vạn chiến sĩ Ukraina đang chuẩn bị vào chiến dịch : kiểm tra các trang bị, viết những lá thư có thể là cuối cùng…Người ta không thể biết được khi nào và ở đâu, nhưng Kiev sắp sửa tung ra đợt phản công đã lên kế hoạch từ lâu ; chống lại quân xâm lăng đã chiếm đóng bất hợp pháp gần 1/5 lãnh thổ và cướp đi rất nhiều sinh mạng. Có lẽ thời cơ chưa bao giờ thuận lợi cho Ukraina đến thế.

 

Quân địch đã yếu đi, trong hai tháng cố sức chiếm Bakhmut, mấy chục ngàn lính Nga đã bỏ mạng và đến nay Matxcơva vẫn chưa thay thế được. Vladimir Putin thông qua một luật mới để đưa đến nhiều bia đỡ đạn hơn, nhưng còn nhiều tháng nữa những tân binh kém may mắn của ông ta mới có thể xung trận. Kiev đã nhận được nhiều vũ khí theo tiêu chuẩn NATO : xe tăng, hỏa tiễn có độ chính xác cao, những khẩu pháo hỏa lực mạnh, hàng triệu viên đạn. Những chiến đấu cơ được gởi sang, nhưng chỉ từ Ba Lan và Slovakia.

 

Ukraina có thể làm gì để tận dụng lợi thế ? Theo The Economist, cần phải cố đánh gãy, hoặc ít nhất làm ngưng lưu thông trên chiếc cầu Kertch nối Crimée với Nga, niềm tự hào của Putin. Không còn cây cầu này, bán đảo bị Nga chiếm năm 2014 sẽ trở nên rất dễ tổn thương.

 

 

Tái chiếm Crimée để tạo lợi thế đàm phán

Chiến trường rất yên tĩnh trong 5 tháng qua, kể từ khi Kiev đẩy lùi quân Nga qua bên kia sông Dniepr ở Kherson tháng 11/2022. Đây là điều không tốt cho Kiev vì nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột đóng băng, trước một đường ranh đầy thách thức ở miền nam và miền đông. Bên cạnh đó còn mất hầu hết lối ra biển, vấn đề lớn cho một quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu. Tốt nhất là bước vào cuộc đàm phán trong tương lai với lợi thế về Crimée.

 

Tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn. Kiev chỉ có một số ít hỏa tiễn địa-không để đối phó với các oanh tạc cơ Nga. Dọc theo hầu hết chiến tuyến, Matxcơva đã cho đào vô số chiến hào và bố trí những chướng ngại vật kiên cố loại được gọi là « răng rồng ». Lực lượng tấn công phải đông đảo hơn nhiều so với quân phòng thủ, và Ukraina chỉ có thể tập trung binh sĩ tại một số khu vực hạn chế. Dù có xuyên thủng được hàng phòng ngự của địch cũng phải rất thận trọng, kể cả nguy cơ bị bao vây. Tuần báo cho rằng Kiev và phương Tây cần chuẩn bị cho một kết quả khiêm tốn, thậm chí tệ hại. Ngay cả nếu phá vỡ được cầu Kertch, chưa chắc Putin chịu ngồi vào bàn thương lượng, ông ta hy vọng kéo dài cuộc chiến để các nước ủng hộ Ukraina phải chán nản.

 

Các đối tác của Kiev cũng không nên cho rằng cuộc phản công sắp tới sẽ là trận cuối cùng, mà cần hỗ trợ cho những đợt tấn công khác. Và để răn đe Putin, cũng phải làm cho ông ta hiểu rằng phương Tây sẽ còn hỗ trợ Kiev trong nhiều năm tới. Mỹ và Anh (kể cả Nga) đã cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina hồi năm 1994, nhưng lại chẳng làm gì cả khi Putin trắng trợn chiếm Crimée năm 2014. Những bảo đảm sắp tới phải rất thiết thực.

 

 

24 giờ đầu của chiến dịch : « Ngày dài nhất » cho Ukraina

Courrier International dịch bài viết của tạp chí Mỹ Foreign Policy nhận xét, kết quả cuộc tổng tiến công mùa xuân của Ukraina sẽ được quyết định trong 24 giờ đầu, có thể đánh dấu một bước ngoặt cho cuộc chiến. Đây sẽ là « ngày dài nhất » của quân đội Ukraina, như tên siêu phẩm nổi tiếng của Hollywood về cuộc đổ bộ lên Normandie. Giải pháp duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh tiêu hao là đánh phủ đầu làm tê liệt đầu não địch, gieo rắc kinh hoàng khiến quân Nga tháo chạy. Bất ngờ chiến thuật, chỉ huy sát sao trên trận địa và tinh thần binh sĩ là những yếu tố sống còn trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên.

 

Tờ báo thử đề nghị kịch bản : những đoàn xe thiết giáp Ukraina đột phá vào nhiều phòng tuyến Nga, nhanh chóng đánh tập hậu và đe dọa các sở chỉ huy, trung tâm tiếp liệu, gây hoảng loạn và làm tê liệt quân Nga. Đó là tình hình từng diễn ra trong đợt tấn công thần tốc ở Kharkiv tháng 9/2022. Lúc đó pháo được Ukraina dội ồ ạt, chỉ huy tan rã, viện binh Nga không kịp đến, chỉ trong 10 ngày Kiev tái chiếm được 6.000 kilomet vuông. Lần này Kiev cũng phải giấu thật kỹ ý đồ tấn công, bảo đảm rằng địa điểm được chọn có thể bị chọc thủng nhanh để thâm nhập sâu hơn, chiếm các trục đường quan trọng.

 

 

Xe tăng, Himars… bơm hơi để đánh lừa quân Nga

Chiến tranh còn là mưu mẹo. The Economist giải thích « Ukraina đã dùng xe tăng và những khẩu pháo giả để lừa địch như thế nào ». Từ đầu cuộc chiến cả hai bên đều vận dụng những thủ thuật để đánh lừa các phương tiện thám sát vốn ngày càng hiện đại hơn. Quân đội Nga nhiều lần loan báo đã phá hủy các khẩu pháo phản lực Himars có tầm bắn chính xác đến 100 kilomet do Mỹ viện trợ, còn Ukraina khẳng định loại vũ khí đáng sợ này vẫn nguyên vẹn. Dường như cả hai đều có lý, vì có cả một đội Himars giả làm bằng gỗ đặt trên xe tải.

 

Ngay từ Đệ nhất Thế chiến, khi những chiến xa bắt đầu xuất hiện, đã có những mô hình được căng trên khung gỗ để gây nhầm lẫn. Nhưng ngày nay với các drone và vệ tinh, cần phải tinh tế hơn. Tổ chức phi chính phủ Povernys Jyvym của Ukraina, có tên tiếng Anh là « Come Back Alive » (Trở về an toàn) từ 2018 đã cung cấp cho các chiến binh những vũ khí bơm hơi, loại dùng để tập trận. So với các khẩu pháo giả bằng gỗ phải dùng nhiều mảnh ghép lại và đặt trên xe tải, loại bằng nylon rất nhẹ, có thể đặt gọn trong một túi ba lô. Một kỹ sư làm việc cho công ty Inflatech của Cộng hòa Sec cho biết : « Chỉ cần gắn ống bơm vào là 10 phút sau đã có được một chiếc xe tăng ».

 

Chiến xa, pháo, súng máy…hầu như đều có thể nhái dưới dạng bơm hơi. Người Nga cũng có tiếng về nghệ thuật ngụy trang maskirovka : một nhà máy khinh khí cầu làm ra những mô hình tiêm kích bơm hơi xếp thành hàng để tạo hình ảnh một căn cứ không quân. Quân đội Ukraina trông cậy vào những vũ khí giả để đối phó với việc drone Lancet của Nga tấn công vào pháo binh của mình. Những drone này có giá 50.000 đô la, còn một khẩu đại bác M777 của Mỹ trị giá đến 4 triệu đô. Lừa địch đánh vào đồ giả, không chỉ tránh được thiệt hại, mà còn làm kẻ thù kiệt quệ về kinh tế.

 

« Bị cáo Putin, đứng dậy ! »

Liên quan đến Nga, L’Express dùng câu nói thường lệ của quan tòa để làm tựa đề bài xã luận « Bị cáo Putin, hãy đứng dậy ! ». Mọi người đều nhớ rõ những hình ảnh khủng khiếp của cuộc xâm lăng Ukraina. Những xác chết nằm rải rác trên những con đường thành phố Bucha : quân Nga đã thảm sát trên 400 nạn nhân vào tháng 3/2022. Những em bé bị giết chết trong nhà hát ở Mariupol, dù chữ « trẻ em » được viết rất lớn bằng tiếng Nga nhưng vẫn bị oanh tạc…Một loạt những thảm kịch ghê tởm gây phẫn nộ. Bị cáo Putin, hãy trả lời, vì chính ông chủ điện Kremlin từ hai thập niên đã đẩy đất nước mình vào cuộc chiến, ra lệnh cho quân đội phải đè bẹp Ukraina

 

Diễn tiến tiếp theo thì như chúng ta đã biết : một dân tộc đã đứng lên kháng chiến, lòng can đảm của tổng thống Volodymyr Zelensky, mười bốn tháng chiến tranh, những ngôi làng bị san bằng, chiến tuyến đóng băng, những xác lính, các trẻ em bị đưa sang Nga…Sử sách ghi đầy tên những bạo chúa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Putin, kẻ thừa kế của Stalin, cũng sẽ xuất hiện trong danh sách các nhà độc tài khát máu.

 

Liệu như vậy có đủ làm dịu cơn giận dữ của thân nhân các nạn nhân, và tất cả những ai mong đợi một sự hòa hợp tại một phần châu Âu đã bị nhấn chìm trong máu lửa ? Phải chăng đã đến lúc điệu tổng thống Nga ra trước tòa án quốc tế, như cựu tổng thống Serbia Slobodan Milosevic hay Charles Taylor của Liberia ? Lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là lời đáp đầu tiên, tuy nhiên chỉ mang tính biểu tượng. Rõ ràng Putin là tội phạm, nhưng ông ta trú ẩn trong pháo đài Kremlin.

 

 

Không dung thứ việc kéo quân xâm lược nước khác

Trong tác phẩm « Vladimir Putin, bản cáo trạng », cựu bộ trưởng tư pháp Robert Badinter 95 tuổi của Pháp cho rằng phiên tòa khó thể diễn ra khi Putin còn là tổng thống nước Nga. Tuy nhiên cần phải thu thập mọi bằng chứng để chuẩn bị cho ngày ông ta phải trả lời về những tội ác của mình, theo mô hình Nuremberg. Tại hội nghị Yalta năm 1945 khi Đệ nhị Thế chiến sắp kết thúc, người Mỹ đã thúc giục mở phiên tòa xử những lãnh đạo của Đức quốc xã. Stalin cho rằng một viên đạn vào đầu là đủ, còn Churchill do dự, rốt cuộc đã đồng ý với Roosevelt. Chính vào lúc đó khái niệm tư pháp quốc tế xét xử các tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại ra đời.

 

Cũng trên L’Express, giáo sư luật Philippe Sands kêu gọi « Không nên từ bỏ những thành tựu của tòa án Nuremberg ». Điều mỉa mai của lịch sử là khi thương lượng để thành lập tòa án này, chính Liên Xô đã đề nghị « tội chống lại hòa bình », nhưng các đồng minh bác bỏ. Nay thì tội xâm lược đã được nhìn nhận là một trong bốn tội ác quốc tế, bên cạnh tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng.

 

Ông cho rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm quan trọng. Sau khi tấn công Gruzia, Chechnya, Crimée, Syria, Putin nghĩ rằng phương Tây sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ. May thay, ông ta đã lầm. Giáo sư Sands nhấn mạnh, cần phải gởi đi thông điệp : việc tấn công quân sự một quốc gia khác sẽ không được dung thứ, và sẽ bị truy tố hình sự cá nhân, đến tận cấp cao nhất !

 

 

« Putin đã chết về mặt chính trị »

Dân biểu châu Âu Bernard Guetta trên L’Obs cho rằng « Chúng ta cần phải nói chuyện với người Nga », nhưng không phải với Vladimir Putin vì ông ta đã « chết về mặt chính trị ». Theo ông Guetta, Liên Hiệp Châu Âu (EU) không còn giống như cách đây 5 năm, vì ông Trump, Covid và Putin. Donald Trump đặt điều kiện cho việc bảo vệ châu Âu, đại dịch thúc đẩy 27 nước thành viên cùng đứng ra vay 750 tỉ euro, và chưa đầy một năm sau, Putin đưa quân vào Ukraina khiến EU viện trợ vũ khí cho Kiev. Châu Âu bước vào giai đoạn thứ ba trong lịch sử châu lục với tốc độ nhanh đến chóng mặt.

 

Tác giả bài viết cũng là cựu nhà báo, tin rằng Nga sẽ không thắng được cuộc chiến này, trước sau gì cũng bại trận và chế độ sẽ thay đổi. Nếu chiến tranh với Ukraina kéo dài thêm một, hai năm, Liên bang Nga có thể bắt đầu tan rã. Ẩn số khác là hai láng giềng Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ của Nga. Trong khi chờ đợi, nên trao đổi với giới tinh hoa của Nga – trí thức, giới đại học, khoa học, kỹ nghệ, để chứng tỏ rằng đất nước họ có thể có một tương lai khác hơn là làm thân chư hầu cho Bắc Kinh.

 

 

Thế giới tương lai có bao nhiêu cực ?

Trên bình diện địa chính trị, L’Obs đặt vấn đề « Có bao nhiêu cực trong thế giới ngày mai ? ». Đơn cực, lưỡng cực hay đa cực ? Câu trả lời còn tùy thuộc vào cục diện quốc tế một khi tiếng súng đã im tại Ukraina.

 

Chúng ta đã biết về thời kỳ tương đối ngắn của một thế giới đơn cực, sau khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã. Thời điểm lịch sử này khiến siêu cường Mỹ một mình lãnh đạo, thế giới tương đối hòa bình. Liệu có thể quay lại thế đơn cực với chiến thắng của Ukraina được Mỹ dẫn dắt, Nga và Trung Quốc yếu đi ? Một số người ở Washington đã mơ đến. Nhưng số khác ở Bắc Kinh mơ kịch bản ngược lại : Trung Quốc sẽ thống trị vì Mỹ bị xuống sức, còn Matxcơva thì đã thành chư hầu.

 

Thế giới lưỡng cực thì chúng ta đã quen thuộc trong thời gian dài chiến tranh lạnh, với hai khối đối nghịch về ý thức hệ, kinh tế và quân sự. Không cần phải tưởng tượng nhiều cũng biết Washington và Bắc Kinh sẽ là trung tâm, phần còn lại của thế giới buộc phải « chọn phe » hay cố gắng tỏ ra « không liên kết » - một tư thế ngày càng khó giữ thăng bằng. Điều này đang diễn ra trong lãnh vực công nghệ.

 

Đa cực có vẻ là một thế giới lý tưởng, trong đó nhiều « cực » chung sống hòa bình. Nhưng muốn vậy cần phải có vài phép lạ ngoại giao, và xử lý khôn ngoan hồi kết của chiến tranh Ukraina, nhưng các yêu cầu này có lẽ là quá nhiều. Emmanuel Macron khi từ chối việc châu Âu « theo đuôi » Mỹ là quá vụng về trong lúc Hoa Kỳ đóng vai trò sống còn với Kiev, và số phận Đài Loan không thể là vật trao đổi với Bắc Kinh để làm nổi lên « cực » châu Âu.

 

 

Ma túy từ Nam Mỹ bắt đầu tràn sang Pháp

Le Point kỳ này quan tâm đến chi tiêu công của Pháp, chạy tựa « Họ đã làm gì với tiền của dân » : luôn chi ra nhiều hơn nhưng dịch vụ công ngày càng kém. Courrier International tổng hợp báo chí các nước, cho rằng tổng thống Pháp Emmanuel Macron cô đơn hơn bao giờ hết sau vụ cải cách hưu trí và quan điểm về Đài Loan. L’Express đưa lên trang nhất chân dung cựu bộ trưởng tư pháp Robert Badinter với dòng tít lớn « Nga xâm lăng : Chúng ta đã quên mất kiểu chiến tranh này được kết thúc như thế nào ». Tuần báo Anh The Economist giải thích « Làm thế nào lo lắng một cách khôn ngoan về trí thông minh nhân tạo ».

 

Trong lãnh vực xã hội, L’Obs báo động nạn buôn lậu cocain từ Nam Mỹ lan rộng tại châu Âu, đi kèm với tình trạng tội phạm, tham nhũng, và nước Pháp cũng không ngoại lệ. Tuần báo điều tra về tệ nạn được các thẩm phán gọi là « dịch hạch trắng ». Từ nhiều năm qua, một « đợt sóng thần trắng » tràn vào châu Âu, khiến một số chính khách ở Bỉ và Hà Lan coi là « khủng bố ma túy ». Một ký cocain mua với giá 1.500 đến 3.500 euro tại Nam Mỹ, khi đến tay người tiêu dùng có giá tối thiểu 65.000 euro. Món lợi nhuận khổng lồ khiến các băng đảng tội phạm gia tăng bạo lực. Tại Pháp, số « hàng trắng » tịch thu được đã tăng gấp 5 lần so với cách đây 10 năm, và 80 % số vụ thanh toán có liên quan đến ma túy.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats