Monday 17 April 2023

TỊ NẠN Ở THÁI LAN, THÁI VĂN ĐƯỜNG BỊ 'BẮT CÓC' hay 'XÂM NHẬP TRÁI PHÉP' VỀ VIỆT NAM (BBC News Tiếng Việt)

 



Tỵ nạn ở Thái Lan, Thái Văn Đường bị 'bắt cóc' hay 'xâm nhập trái phép' về Việt Nam

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 4 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g6gdgvl3eo

 

Trên Facebook một số người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan có quen biết với ông Thái Văn Đường (tên khai sinh là Đường Văn Thái) đưa ra những bằng chứng cho rằng ông 'bị bắt cóc' đưa về VN, còn Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo ngược lại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/39eb/live/232a0270-dd19-11ed-8df1-d74cbf1089d7.png

Ông Đường Văn Thái trên kênh YouTube của mình một thời gian trước

 

Hôm 14/4, bạn bè nhà hoạt động Đường Văn Thái đăng tin tức trên mạng xã hội Facebook, nghi ngờ ông "đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam" vì họ không liên lạc được gì với ông kể từ 17 giờ ngày 13/4.

Trong khi đó, ngày 16/4, Cổng thông tin điện tử Công an Hà Tĩnh thông báo chiều ngày 14/4/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh "phát hiện một đối tượng không có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam" qua đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1.

Đối tượng khai nhận tên Đường Văn Thái, sinh năm 1982, quê quán thôn Hà Lâm 3, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

 

Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết "việc tạm giữ nhằm điều tra theo quy định của pháp luật". Ông Thái, trú thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.

 

BBC đã gọi vào số máy của ông Phong, có đổ chuông nhưng sau đó lại bị mất sóng. Đường dây nóng Công an Hà Tĩnh thì nói rằng họ chỉ tiếp nhận sai phạm của cán bộ chính trị trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Còn về vụ ông Đường Văn Thái mà BBC hỏi, họ không có thẩm quyền phát ngôn và cúp máy.

 

Hiện tại, Công an Hà Tĩnh không xác nhận "đối tượng" Đường Văn Thái vừa bị bắt giữ trên có phải là Đường Văn Thái bị xem là "con rối lưu vong chống phá đất nước", theo cách gọi của báo Công an Nhân dân nói về ông Đường Văn Thái , người vốn tị nạn ở Thái Lan.

 

Chuyện báo chí VN phải để ý đến vụ một người bị giam giữ để điều tra vì "xâm nhập trái phép vào Việt Nam" và nêu họ tên rõ ràng cho thấy nhiều khả năng đây là người bị báo cáo mất tích ở Thái Lan trong ngày 14/04.

 

Đáng chú ý, ông Thái đã được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn vào tháng 7/2020.

 

Điều này khác với trường hợp ông Trương Duy Nhất, người trước đó cũng "mất tích" ở Thái Lan vào tháng 1/2019, khi ông chỉ vừa đăng ký xin quy chế tị nạn chứ chưa được UNHCR cấp quy chế.

 

Một vài người thân thiết với ông Thái Văn Đường tại Thái Lan đã tường thuật lại cho BBC về tình hình của ông trước khi ông "bặt vô âm tín" từ ngày 13/4 đến nay.

 

Trong diễn biến khác, chỉ vào giờ trước chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ 14-17/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Lân Thắng, người bị tòa án VN xử kín và kết án 6 năm vì tội “chống phá nhà nước”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2eb5/live/e46eb400-dd17-11ed-8df1-d74cbf1089d7.jpg

Hình ảnh nơi ông Đường Văn Thái cư ngụ tại Thái Lan vào ngày 17/4: cửa nhà vẫn đóng kín

 

Ông Thái lo lắng về an toàn của mình

 

Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan nói với BBC News Tiếng Việt sáng nay 13/4, bà đã làm việc với Đại sứ Mỹ cũng như Bộ Ngoại giao về việc ông Thái Văn Đường mất tích.

 

Hôm 14/4, bà Grace nhận được tin của một người bạn bên Mỹ hỏi về việc Thái Văn Đường bị bắt về Việt Nam. Sau đó, liên tục những cuộc gọi đến số máy của bà ở Thái Lan hỏi về tình hình ông Đường. Bà quyết định cùng một số người tị nạn Việt Nam đến chỗ ông Đường đang trú ngụ để xem tình hình.

 

"Đến nơi tôi thấy cửa thì khóa, xe hơi vẫn ở nhà. Tôi gặp hàng xóm của Đường và họ nói rằng Đường đã đi từ sáng ngày 13/4 và tới giờ chưa thấy về nhà. Hai người bạn được coi là thân thiết với Đường xác nhận với tôi họ có cà phê với Thái chiều ngày 13/4 và đó là lần cuối cùng mọi người gặp Đường."

 

Bà Grace nói rằng, bao giờ gọi hay nhắn tin thì ông Thái cũng trả lời rất nhanh nên việc bà nhắn và gọi cho ông Thái từ hôm 14/4 tới giờ không nhận được phản hồi gì là điều "bất bình thường".

 

"Khi tôi gọi thì điện thoại có đổ chuông nhưng không ai bắt máy, Whatsapp thì hiển thị lần cuối cùng Đường online là khoảng 5 giờ chiều ngày 13/4."

 

Trước chuyến thăm của Blinken, Mỹ và các tổ chức quốc tế lên án VN bỏ tù ông Nguyễn Lân Thắng

Ngoại trưởng Blinken thăm VN: HRW trách Mỹ 've vãn Hà Nội nhưng chỉ nói suông về nhân quyền'

 

Bà Grace cho rằng cảnh sát Thái Lan không dính líu. Bà suy đoán về khả năng ông Thái bị đánh thuốc mê và được đưa về Việt Nam qua đường bộ.

 

Hỏi về khả năng này bị cảnh sát Thái Lan bắt, bà Grace nói rằng trong trường hợp đó, người bị bắt vẫn có thể dùng điện thoại để liên lạc với người thân hoặc bạn bè để thông báo về tình hình của mình trước khi đi cùng với cảnh sát.

 

Ông Đoàn Huy Chương, người tị nạn ở Thái Lan thông tin với BBC News Tiếng Việt rằng ông có nói chuyện qua điện thoại với ông Đường Văn Thái vào khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 13/4. Theo đó, ông Thái nói sẽ dùng xe hơi đi đón một người bạn ở sân bay Suvarnabumi để đưa thẳng về Pattaya. Tới trưa ngày 14/4 thì ông nhận được tin ông Thái mất tích. Ông Chương cùng bà Grace tới nhà ông Thái để xác minh.

 

Ông Chương nói đã gửi thông tin ông Đường Văn Thái mất tích lên Văn phòng UNHCR. Bước tiếp theo, ông Chương nói sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm quanh khu nhà và những địa điểm ông Thái đã từng livestream.

 

Lần cuối ông Đường livestream trên Facebook có tựa “Toà xử Nguyễn Lân Thắng trước thềm Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam” được cho là ở công viên gần nhà. Bộ đồ ông mặc trùng khớp với hình ảnh trích xuất từ camera.

 

"Chiều ngày 13/4, một người bạn của Thái nói đã gặp Thái ở công viên gần nhà khoảng 2km và nói ông Thái đã ra về vào khoảng 17 giờ, sau đó không ai liên lạc được với Thái nữa," ông Chương nói với BBC hôm 17/4.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d37b/live/9ba4d290-dd17-11ed-8df1-d74cbf1089d7.jpg

Hình ảnh được cho là cuối cùng trước khi ông Đường Văn Thái mặc áo thun màu đỏ bầm, quần cụt đi xe máy trước khi mất tích vào hôm 13/4

 

Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Kim, một người thân thiết với ông Đường Văn Thái ở Thái Lan nói với BBC rằng ngày 6/4, ông Thái có bày tỏ nỗi lo lắng về an nguy của mình sau khi đăng tải những video về chuyện chính trị đấu đá ở Việt Nam.

 

"Anh Thái cấp cho tôi quyền hệ thống camera nhà anh và anh Thái nói có cảm giác bất an, lo lắng về tình trạng của mình. Trong đoạn phim tôi lấy được từ camera thì thấy anh Thái có rời khỏi nhà vào khoảng 11 giờ trưa hơn và đó là hình ảnh cuối cùng của anh.

 

"Bình thường anh Thái ra đường hay mang theo túi xách và nếu đi đón bạn thì đã đi xe hơi chứ không đi xe máy. Và cũng sẽ không mặc quần cụt để đi như vậy. Một người đi ra ngoài trong bộ dạng như trong camera, không mang laptop, tư trang cá nhân, vali gì thì không thể nào là về Việt Nam, nhất là khi mới phỏng vấn việc tái định cứ với bên Cao Ủy LHQ về người tị nạn" ông Kim phân tích với BBC.

 

'Chưa bao giờ nói muốn về Việt Nam'

 

Trong số năm người bạn của ông Đường Văn Thái mà BBC nói chuyện, ai cũng khẳng định chưa bao giờ ông Thái chia sẻ về dự định hay nguyện vọng trở về Việt Nam với họ.

 

Những người bạn của ông Thái cũng cho rằng, việc ông Thái bị "bắt cóc" về Việt Nam là do kênh YouTube của ông đả động đến những vấn đề "thâm cung bí sử" trong nội bộ chính trị Việt Nam.

 

Có nhiều tranh cãi về độ xác thực tin tức của ông Thái nhưng ông Thái được biết với kênh YouTube tên Thái Văn Đường với gần 120.000 lượt đăng ký.

 

Kênh này của ông thường xuyên nhắc gọi tên những quan chức cấp cao như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Văn Nơi... và những vấn đề nội bộ chính trị Việt Nam, những án tham nhũng hay những vụ bắt bớ doanh nhân gần đây như bà Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát.

 

Báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân … có nhiều bài viết từ năm 2021 gọi Đường Văn Thái là "con rối lưu vong chống phá đất nước" và ông bị quy cho có nhiều bài viết, phát ngôn thổi phồng, xuyên tạc chống phá đảng và nhà nước cũng như bôi nhọ quan chức.

 

Ông Mạc Văn Phi, ông Hoàng Trọng Mẫn và bà Vũ Thị Trúc Phương là ba người thường xuyên ngồi cà phê với ông Đường Văn Thái. Lần cuối cùng họ gặp ông Thái là đầu giờ chiều hôm 12/4 vì ông Thái chủ đồng hẹn cà phê để "chia vui" sau cuộc phỏng vấn với UNHCR. Quán cà phê cách chỗ ông Thái ở khoảng 18 cây số.

 

Trương Duy Nhất 'mất tích' - Những gì chúng ta biết

Trương Duy Nhất: Những ngày ở Thái Lan trước khi 'mất tích'

Blogger Trương Duy Nhất bị tuyên phạt 10 năm tù

 

"Trong buổi cà phê, anh Đường chia sẻ về cuộc phỏng vấn với UNHCR và tôi rất mừng cho anh. Vì đang lễ Songkran ở Thái Lan nên anh Đường có hỏi mọi người đi chơi biển không, anh ấy sắp đón một người bạn qua đây chơi và rủ đi cùng. Khi nghe tin anh Đường mất tích, ngày 15/4, tôi cùng người bạn đi tới nhà anh Thái Văn Đường kiểm tra thì thấy cửa vẫn đóng im lìm," bà Phương nói với BBC.

 

Ông Hoàng Trọng Mẫn, tị nạn ở Thái Lan 5 năm nói với BBC ngày 17/4 rằng khoảng 13 giờ ngày 12/4, ông có nói chuyện qua điện thoại với ông Thái về cuộc phỏng vấn với UNHCR diễn ra vào khoảng 1-2 tiếng trước đó.

 

"Thái Văn Đường chia sẻ là UNHCR có hỏi cậu ấy có người thân ở nước này hay không và nghe giọng rất vui. Vì vậy, việc công an Hà Tĩnh thông báo có người tên Đường Văn Thái không có giấy tờ tùy thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam là một thông tin nhằm đánh lạc hướng dư luận, bao biện cho việc bắt cóc trắng trợn. Trong suốt thời gian anh em chơi với nhau, Thái Văn Đường chưa bao giờ nói muốn về Việt Nam."

 

"Chính phủ Việt Nam không xóa hay đánh sập được kênh của Thái Văn Đường nên họ chuyển qua kịch bản bắt cóc, đưa về và cáo buộc Đường xâm nhập trái phép Việt Nam," ông Mẫn nêu ý kiếm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/400/cpsprodpb/913e/live/537cc480-dd19-11ed-8df1-d74cbf1089d7.jpg

Lần cuối ông Đường livestream trên Facebook có tựa “Toà xử Nguyễn Lân Thắng trước thềm Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam” được cho là ở công viên gần nhà

 

Một người Việt Nam có cơ chế tị nạn ở Thái Lan bị mất tích làm cho nhiều người khác cũng lo lắng về an nguy của mình, nhất là khi chính phủ Thái Lan không ký Công ước về người tị nạn năm 1951.

 

Điều này đồng nghĩa dù có thẻ của UNHCR, người tị nạn không được ở hợp pháp ở Thái Lan và vẫn có nguy cơ bị cảnh sát di trú Thái Lan bắt giữ vì ở quá hạn.

 

Bà Thu Phương cũng như những người tị nạn mà BBC tiếp xúc bày tỏ lo lắng về an nguy của mình sau vụ ông Đường Văn Thái:

 

"Chúng tôi liên tưởng về vụ việc của ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan hồi năm 2019. Lúc đó tôi nghĩ do ông Nhất chưa có quy chế tị nạn nên không có sự bảo vệ của UNHCR. Nhưng trường hợp Thái Văn Đường là đã có quy chế và đã được mời phỏng vấn về việc tái định cư mà vẫn bị bắt cóc. Như vậy, chúng tôi có thể trở thành mục tiêu bất cứ lúc nào," bà Phương nói.

 

Nhà báo tự do Trương Duy Nhất cũng được người thân, bạn bè thông báo "mất tích" tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok vào tháng 1/2019. Vụ bắt xảy ra sau khi ông qua Bangkok xin tị nạn chính trị.

 

Các tổ chức nhân quốc tế quyền lên tiếng

 

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rrights Watch) khẳng định với BBC ngày 17/4 rằng ông Đường Văn Thái sống ở Thái Lan với tư cách là người tị nạn được UNHCR công nhận, bảo vệ đầy đủ quyền và đó là điều "không phải bàn cãi".

 

Đại diện tổ chức HRW nêu quan ngại xoay quanh bị nghi là vụ bắt cóc ông Đường Văn Thái: "Việc ông ấy bị cưỡng ép từ đất Thái sang Việt Nam như thế nào, ai có liên quan, việc đó xảy ra khi nào và ở đâu là những vấn đề cấp bách mà chính phủ Thái Lan phải ngay lập tức điều tra và công khai những phát hiện của họ," theo ông Phil.

 

Tháng 2/2023, Đạo luật Phòng chống và Chấm dứt Tra tấn và Cưỡng bách mất tích ở Thái Lan đi vào hiệu lực.

 

Sự ban hành luật này là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tra tấn, ngược đãi và sự cưỡng bách mất tích tại Thái Lan.

 

Điều này mang lại ý nghĩa cho nhiều người tị nạn ở Thái, trong đó có người Việt Nam vì nó gồm các điều khoản quy định về việc trừng phạt các kẻ phạm tội theo luật hình sự.

 

Cụ thể, luật này cấm các quan chức đuổi bỏ, trục xuất và dẫn độ một người sang một quốc gia khác nơi họ có thể đối mặt với nguy cơ đáng kể bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn, phi nhân đạo hoặc cưỡng bách mất tích

 

Theo ông Phil Robertson, ông Thái có khả năng là đối tượng bị tra tấn nên cần phải có trách nhiệm chấm dứt "kiểu săn lùng" người tỵ nạn và người xin được tị nạn ở Thái Lan, bắt đầu với trường hợp của ông Thái.

 

Phát ngôn viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trả lời BBC qua email ngày 17/4 rằng họ "vô cùng quan ngại" trước tin từ Việt Nam cho thấy Đường Văn Thái, một YouTuber và là người tỵ nạn được UNHCR cấp cơ chế, sống ở Thái Lan nhưng hiện bị cảnh sát giam giữ ở Việt Nam.

 

“Chúng tôi lo sợ cho sự an toàn của ông ấy khi ông ấy trốn khỏi Việt Nam vào năm 2018 vì những hoạt động của mình. Việt Nam theo dõi sát sao những người bất đồng chính kiến ​​và trong quá khứ đã cho thấy rằng họ không ngần ngại việc theo dõi và giám sát những người bất đồng chính kiến bên ngoài lãnh thổ của mình.”

 

“Những người tị nạn Việt Nam sống ở Thái Lan đã trốn chạy khỏi Việt Nam vì sự đàn áp của chính phủ phải được bảo vệ và không nên sống trong sợ hãi thường trực.”

 

Hồi 2017, các báo châu Âu cho biết có một công dân VN là ông Trịnh Xuân Thanh, người đã có quy chế tỵ nạn tại Đức bị an ninh VN "bắt cóc" ở Berlin đưa về VN qua ngả Slovakia và Nga.

 

Các phiên toà sau đó ở Berlin đã nêu tên các quan chức cao cấp ngành công an VN trong vụ án.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats