Wednesday 19 April 2023

THẤY GÌ TỪ NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM? (Trân Văn)

 



Thấy gì từ nạn bạo lực học đường ở Việt Nam?

Trân Văn

19/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/thay-gi-tu-nan-bao-luc-hoc-duong-o-viet-nam-/7056948.html

 

Thân nhân của cô cho biết cô từng bày tỏ ý muốn bỏ học vì “sợ đến trường”. Biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý”, mẹ cô đã từng xin cho cô chuyển lớp nhưng trường không cho mà chỉ “hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm”

 

                                                             *

 

Theo nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam, nguyên nhân khiến thiếu nữ 16 tuổi là nữ sinh lớp 10 Hệ Chất lượng cao của của Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử hôm 15/4/2023 có thể là do BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG (1).

 

Phía Đại học Vinh xác nhận, thiếu nữ này đã từng xin đổi lớp nhưng “chưa được chấp nhận” và từ tháng hai đến ngày quyên sinh, cô đã nghỉ học tám buổi, trong đó có lần nghỉ từng tiết, có lần nghỉ cả buổi...

 

Thân nhân của cô cho biết cô từng bày tỏ ý muốn bỏ học vì “sợ đến trường”. Biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý”, mẹ cô đã từng xin cho cô chuyển lớp nhưng trường không cho mà chỉ “hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm” (2).

 

Tại sao phụ huynh đã báo cáo con của họ bị đánh, bị ngược đãi và bị “áp đảo tâm lý” tới mức “sợ đến trường”, phụ huynh phải xin cho đứa trẻ chuyển lớp nhưng những viên chức hữu trách trong ngôi trường vừa đề cập không làm gì cả? Chỉ đến khi điều đáng tiếc xảy ra mới... “khẩn trương làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp để xác minh các nội dung liên quan một cách chính xác, khách quan nhất” và... “làm báo cáo gửi cơ quan công an”!

 

Câu trả lời chỉ có thể là dưới mái trường XHCN, thiếu nữ vừa quyên sinh nói riêng và học sinh nói chung... chẳng là gì cả! Nếu có thân nhân hoặc thân hữu cư trú ở ngoại quốc hãy thử hỏi họ xem ở quốc gia họ đang cư trú, hệ thống giáo dục những nơi đó ứng xử ra sao với “bạo lực học đường”. Trong mắt thiên hạ, “bạo lực học đường” không đơn thuần chỉ là bạo hành về thể chất, chỉ châm chọc về những khiếm khuyết, khác biệt cũng đã bị nghiêm trị bởi điều đó cũng bị xem là bạo hành, bạo hành về tâm lý.

 

Không phải tự nhiên mà “bạo lực học đường” trở thành vấn nạn phổ biến tại Việt Nam. Giữa tháng trước, thêm một lần nữa công chúng lại có dịp mục kích một nữ sinh lớp bảy của trường Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) tát liên tiếp vào mặt một nữ sinh lớp sáu cùng trường, sau đó còn bắt nạn nhân quỳ xuống. Không những không can ngăn, một trong những đứa trẻ chứng kiến cảnh này còn dùng điện thoại ghi lại diễn biến rồi đưa lên mạng xã hội...

 

Theo một số cơ quan truyền thông chính thức, xung đột xảy ra tại trường Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý khởi đầu từ việc nạn nhân nhờ một học sinh lớp 8 đe dọa và đánh thủ phạm. Không ai xử lý vụ này cho đến khi thủ phạm trả đũa khiến Trung học cơ sở số 1 Bắc Lý trở thành tâm của một scandal, Ban Giám hiệu mới “thành lập hội đồng để xử lý vụ việc”, đồng thời tuyên bố “sẽ xác minh thêm các trường hợp liên quan như học sinh quay clip, học sinh phát tán clip, học sinh chứng kiến sự việc nhưng không can ngăn” (3).

 

Hai tuần sau (cuối tháng ba), công chúng lại tiếp tục được xem một video clip khác ghi lại cảnh một nữ sinh của trường Trung học sở sở Phước Bình (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) bị một nhóm nữ sinh khác cùng trường lao vào giựt tóc, dùng mũ bảo vệ đầu đánh liên tục vào mặt, vào người (4),... Tháng rồi, tại Bình Phước còn một vụ bạo hành khác do học sinh là thủ phạm, năm nữ sinh của trường Trung học cơ sở Tân Phú (huyện Đồng Phú) cùng đánh một nữ sinh khác rồi ghi hình, post lên Internet (5)...

 

                                                       ***

 

Cách nay hai tháng, chỉ ít ngày sau khi được Tổng thống Nam Hàn bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Điều tra của Cảnh sát Nam Hàn (chỉ huy các điều tra viên trên toàn quốc), ông Chung Sun-sin (từng là công tố viên trong 20 năm, sau đó chuyển qua làm luật sư) đã xin từ nhiệm vì công chúng phát giác con trai ông từng bắt nạt bạn học suốt tám tháng. Tuy đó chỉ là... “mắng chửi” và con trai ông Chung đã bị buộc thôi học, phải chuyển sang trường khác nhưng với công chúng thì đó vẫn là chuyện khó có thể chấp nhận.

 

Trong thông báo từ nhiệm, ông Chung viết: Nhiều người lo ngại về chuyện của con trai tôi. Với sai sót này, tôi tự thấy không thể đảm đương vai trò Chánh Văn phòng Điều tra Quốc gia. Thêm một lần nữa, tôi xin nạn nhân và cha mẹ của cậu ấy tha thứ cho những gì mà con trai tôi đã làm (6)... Tại sao cả những viên chức hữu trách trong lĩnh vực giáo dục, lẫn lĩnh vực bảo vệ trật tự trị an và quản trị - điều hành xã hội tại Việt Nam không nhận thức và hành xử như vậy trước thực trạng nhức nhối như đã biết và đang thấy?

 

Câu trả lời vẫn lại là, với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, con người cả nhân phẩm, lẫn thân thể, hay tài sản chẳng là gì cả. Dưới mái trường XHCN đã thế thì xã hội tất nhiên cũng thế và ngược lại.

 

Những câu chuyện rất mới khác: Ví dụ chuyện một giáo viên gọi một nữ sinh lên bục giảng để cắt tóc cô bởi cô dám nhuộm ít sợi trước các bạn đồng môn,... sau đó “cô trò ôm nhau, cùng xin lỗi trước lớp” là xong (7)... Hay chuyện một thanh niên dường như do mất tri giác bởi dùng ma túy tổng hợp, xông vào một ngôi chùa tọa lạc ở xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đập phá chánh điện, sau khi chánh điện tan hoang thì phóng hỏa đốt chùa,... dẫu vị sư trụ trì đã gọi điền thoại cầu cứu nhưng công an vẫn không tới, cuối cùng chính dân chúng phải tìm cách khống chế, áp giải đương sự đến công an (8)... liệu có liên quan gì tới vấn nạn “bạo lực học đường” chăng?

 

Chắc chắn là có – đó là quan hệ nhân quả. Đã chấp nhận những biện luận về cách sử dụng bạo lực kiểu như “nạn nhân tự va vào gậy của cảnh sát giao thông”, chấp nhận chuyện hết người này bị tạm giam, tới người kia bị tạm giữ, mất mạng đều do... đột tử hay... tự tử, hoặc nhận định tình trạng tử vong khi bị giam giữ không quá chỉ tiêu là có thể... chấp nhận được, chấp nhận “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, chấp nhận “mạnh được, yếu thua” là điều không thể thay đổi cả trong quản trị - điều hành quốc gia lẫn sinh hoạt xã hội thì có không muốn cũng cứ phải chấp nhận “bạo lực học đường” như một phần không thể thiếu vắng dưới mái trường XHCN.

 

------------

Chú thích

 

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/truoc-khi-tu-tu-nu-sinh-truong-chuyen-da-nghi-hoc-20-buoi-1180945.ldo

 

(2) https://nld.com.vn/thoi-su/xon-xao-thong-tin-nu-sinh-truong-chuyen-tu-tu-nghi-do-bao-luc-hoc-duong-20230417145552995.htm

 

(3) https://vtc.vn/quang-binh-nu-sinh-lop-7-danh-ban-bat-quy-trong-lop-hoc-ar765412.html

 

(4) https://vov.vn/xa-hoi/binh-phuoc-lai-xay-ra-vu-nu-sinh-bi-danh-hoi-dong-post1010017.vov

 

(5) https://thanhnien.vn/nu-sinh-lop-6-bi-danh-hoi-dong-nguyen-nhan-tu-mau-thuan-tren-mang-xa-hoi-185230313182933842.htm

 

(6) https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20230225000050

 

(7) https://plo.vn/vu-giao-vien-cat-toc-nu-sinh-co-tro-om-nhau-cung-xin-loi-truoc-lop-post725276.html

 

(8) https://tienphong.vn/nam-thanh-nien-nghi-ngao-da-vao-chua-dap-pha-tai-san-post1526632.tpo






No comments:

Post a Comment

View My Stats