Sunday 16 April 2023

PHẠM THANH NGHIÊN DỰNG LẠI NHÀ TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI (Như Hồ / Saigon Nhỏ)

 



Phạm Thanh Nghiên dựng lại nhà trên vùng đất mới

Như Hồ  -  Sagon Nhỏ
15 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/pham-thanh-nghien-dung-lai-nha-tren-vung-dat-moi/

 

Gia đình nhỏ của cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Thanh Nghiên đặt chân đến Houston, Texas vào ngày 14 tháng Tư năm 2023, bắt đầu một hành trình mới dựng lại ngôi nhà cho mình, ở một vùng đất mới, sau nhiều năm tháng phải chịu đựng sự đàn áp im lặng. Việc chính quyền CSVN để cho Phạm Thanh Nghiên cùng gia đình lên đường tỵ nạn có thể được coi như là một “món quà” của Hà Nội gửi tặng cho Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 14 đến 16 tháng Tư năm 2023.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Nghien-TSN.jpg

Phạm Thanh Nghiên tại phi trường Tân Sơn Nhứt, chuẩn bị rời “nhà tù lớn”, bắt đầu những ngày dựng lại nhà trên vùng đất mới. (Ảnh: Tác giả gửi)

 

Từ khi ra tù, cuộc sống của vợ chồng Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên chưa bao giờ yên ổn. Năm 2019, sau khi ngôi nhà nhỏ ở Vườn rau Lộc Hưng bị cào nát, vợ chồng TNLT Tú–Nghiên cùng đứa con nhỏ chỉ mới 13 tháng tuổi của họ lại lang thang tìm chỗ an trú lần… thứ năm. Mỗi nơi họ đến đều phải chịu đựng sự theo dõi, sách nhiễu vô cớ của giới an ninh. Vào lúc đó, một nhân viên của Toà Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã tìm gặp, và hỏi, “Bà có muốn đi tỵ nạn chính trị tại Mỹ không?”.

 

Nếu đồng ý vào lúc đó, Phạm Thanh Nghiên cùng con gái đã đến Mỹ từ rất lâu. Nhưng Nghiên từ chối. Bà nói rằng nếu được, xin hãy đợi đến lúc ông Tú có được đủ giấy tờ thì cả gia đình cùng đi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/20230210_145633-1536x865.jpg

Vợ chồng TNLT Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên những ngày cuối ở Việt Nam (Ảnh: tác giả gửi)

 

Huỳnh Anh Tú tham gia phong trào phục quốc sau năm 1975, bị kêu án 14 năm tù. Ông được trả tự do năm 2013 nhưng lại không được cấp bất cứ giấy tờ tùy thân nào, dù với cái gọi là “chứng minh nhân dân”. Con đường đi “xin” từ giấy tờ tùy thân cho đến hộ chiếu để xuất cảnh kéo dài suốt thời gian đó với không biết bao nhiêu là điều khó khăn kỳ lạ. Có lúc, Phạm Thanh Nghiên nói với viên công an làm giấy tờ hộ chiếu rằng: “Tôi muốn hỏi rõ là các anh có làm không? Nếu không thì cứ nói thẳng để tôi dừng, vì khát vọng đi nước ngoài của chúng tôi cũng không nhiều”.

 

‘Vì ai gia đình chúng tôi phải ra đi?’

 

Đầu năm nay, cùng với các biến chuyển theo chiều tích cực của ngoại giao Mỹ–Việt, chuyện đi tỵ nạn của gia đình Phạm Thanh Nghiên có vẻ được xúc tiến tốt hơn. Tháng Hai 2023, một nhóm công an từ Bộ gọi bà Nghiên lên làm việc. Đó là cuộc trao đổi thăm dò để xem có nên để Phạm Thanh Nghiên ra đi hay không.

 

Trích từ băng ghi âm của Phạm Thanh Nghiên, nghe như phía công an có vẻ cố tạo sự hoà hoãn:

– Chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ quyết định ra đi của chị.

 

– Nếu tôi là các anh thì tôi sẽ không nói như vậy. Phạm Thanh Nghiên đáp.

 

Viên công an có vẻ sững sờ khi nghe câu trả lời trên. Phạm Thanh Nghiên nói tiếp:

– Các anh, với tư cách đại diện cho nhà nước để nói chuyện với tôi là một công dân. Một nhà nước mà khen quyết định phải bỏ tổ quốc để ra đi, đến một đất nước khác tỵ nạn là quyết định đúng đắn và đáng được hoan nghênh, thì phải đặt câu hỏi đây là nhà nước gì, chế độ này là chế độ gì.

 

Nhóm công an tái mặt. Viên công an kia nói tiếp như để làm dịu lại bầu không khí đang trở nên căng thẳng:

– Thế thôi cứ coi như là chị đi vì con nhỏ của mình vậy…

 

– Thật ra tất cả những người làm cha làm mẹ đều nghĩ đến con cái của mình. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng vì con, Nguyễn Xuân Phúc cũng vì con. Anh cũng vì con anh. Tôi cũng vì con tôi. Các anh vẫn thường ra rả luận điệu rằng những người lên tiếng ủng hộ nhân quyền đều nhằm mục đích “kiếm vé đi Mỹ”. Nhưng nếu tôi muốn, tôi đã có cơ hội từ nhiều năm trước, nhất là thời gian tôi ở tù.

 

Khi tôi vay mượn, gom góp để xây căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng là tôi đã quyết chí ở lại. Các anh nhớ cho, khi nhà tôi bị đập, con gái tôi được 13 tháng tuổi. Nghĩa là tôi đã xác định khi sống, da thịt tôi gắn bó với mảnh đất này. Khi chết, nắm xương tàn của tôi cũng được chôn nơi mảnh đất này. Vậy thì vì ai, vì thế lực nào mà gia đình tôi phải ra nông nỗi này?

 

Cả đám công an im lặng.

 

Suốt một thời gian trước khi lên đường, phía viên chức ngoại giao Hoa Kỳ luôn nhắc khéo gia đình Phạm Thanh Nghiên là tuyệt đối kiên nhẫn và im lặng cho chuyến đi vì mọi thứ đều có thể ập tới những điều khó lường. Sự kiện luật sư Võ An Đôn bị chặn ở phi trường Tân Sơn Nhất ngay vào lúc xuất cảnh là một bài học đau đớn cho tất cả những người đi tỵ nạn, bởi phía chính quyền CSVN có thể đổi ý vào bất kỳ lúc nào.

 

“Nếu tôi bị chặn lại ở sân bay, chồng và con tôi có thể tiếp tục đi không?” Phạm Thanh Nghiên hỏi viên chức Toà Tổng Lãnh Sự.

 

“Rất tiếc là không được,” viên chức trả lời.

 

Trong những ngày tháng cuối cùng Phạm Thanh Nghiên còn ở trong nước, Việt Nam liên tục xảy ra nhiều vụ xét xử, bắt bớ vô lý của công an CSVN. Nhưng số người lên tiếng phản đối không nhiều vì việc đàn áp diễn ra ở khắp nơi.

 

“Nhiều lúc tôi muốn vứt hết chuyện đi đứng để cùng lên tiếng với xã hội nhưng vì nghĩ đến chồng, con mà đành nín nhịn. Có lúc giận phát điên,” Phạm Thanh Nghiên kể.

 

Nếu theo dõi Facebook và blog cá nhân của Phạm Thanh Nghiên, có thể thấy chị luôn là một trong những người thường có phản ứng tức thì trước các vụ bắt bớ, đàn áp. Nhưng vài tháng trước khi đi, có lúc chị phải đóng trang lại vì không muốn mình bộc phát lên tiếng.

 

Biết bao giờ thấy lại quê hương?

 

Ngày 12 Tháng Tư, Phạm Thanh Nghiên cùng gia đình im lặng đi ra sân bay. Làm thủ tục có nhân viên IOM (International Organization for Migration) đi kèm. Bên ngoài thì có hai nhân viên của Toà Tổng Lãnh sự Mỹ giám sát. Dù đến sân bay trước giờ khởi hành 3 tiếng rưỡi đồng hồ, nhân viên làm thủ tục check in của hãng hàng không Qatar đã nhận được lệnh phải treo trường hợp của gia đình Phạm Thanh Nghiên suốt hơn hai tiếng. Mục đích là để chờ ý kiến cuối cùng của Bộ công an là có xác nhận cho đi tỵ nạn hay không. Lúc đó, nếu vì bất kỳ lý do gì mà Ngoại truởng Mỹ thay đổi hành trình đến Việt Nam, cũng có nghĩa là gia đình Phạm Thanh Nghiên phải quay về.

 

Khi chỉ còn vài chục phút nữa là chuyến bay cất cánh, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất mới nhận được lệnh cho phép ra đi. Khi bắt đầu vào, qua cửa kiểm tra an ninh ra phòng chờ lên sân bay, tay công an cầm giấy tờ và cười cười hỏi, như không biết gì “đi Mỹ vì lý do gì đấy?”

Phạm Thanh Nghiên không trả lời. Tay công an lại nhếch mép hỏi:

 

– Ai bảo lãnh đi Mỹ thế?

 

– Chính phủ Mỹ – Nghiên đáp, quay mặt đi.

 

– Chắc phải có công gì thì chính phủ Mỹ mới bảo lãnh chứ, tay công an cười khẩy.

 

Phạm Thanh Nghiên nhịn, không trả lời, cố để cho xong phần của mình, đi vào phòng chờ.

 

Ngay sau đó ông Huỳnh Anh Tú qua phần kiểm tra, bị tay công an đó giữ lại, cầm hộ chiếu lật qua lật lại, rồi nói “chuyến đi này chúng tôi hỗ trợ các anh chị đi nhanh chóng, các anh chị cũng nên cho mấy anh em chút gì đó uống cafe chứ”.

 

------------------------------

Chuyến đi này chúng tôi “hỗ trợ” các anh chị đi nhanh chóng, các anh chị cũng nên cho mấy anh em chút gì đó uống cafe chứ?’ – Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất nói với ông Huỳnh Anh Tú.

----------------------------

 

Ông Tú lưỡng lự, rồi bất đắc dĩ thả tờ 500 ngàn xuống trước mặt tên công an theo sự ra hiệu của hắn. Câu chuyện đó, nhắc nhớ có lần nhà văn Tưởng Năng Tiến từ San Jose, Hoa Kỳ, gửi chút tiền mừng Tết cho bé Tôm, con của hai vợ chồng Nghiên – Tú. Khi ra đến nơi gửi tiền, nhân viên chuyển tiền sau khi đánh số điện thoại của Phạm Thanh Nghiên để nhận tiền, bần thần nói với nhà văn Tưởng Năng Tiến rằng công an Việt Nam có gửi kèm danh sách cấm không được nhận tiền chuyển về trong nước, đặc biệt với “nhân vật phản động này.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/IMG_20230415_135835_161.jpg

Con của TNLT Tú–Nghiên chơi với cùng những đứa trẻ đi tị nạn từ Afghanistan chung chuyến đến Mỹ. (Ảnh: Tác giả gửi)

 

Chuyến bay quá cảnh bình yên ở Doha, Qatar. Bé con nhà Phạm Thanh Nghiên thức dậy và làm quen với vài đứa bé Afghanistan cũng đang trên đường tỵ nạn. Những đứa trẻ hồn nhiên đi vào thế giới mới, tìm sự tự do không thể thấy được nơi quê hương mình. Có lẽ nhiều năm nữa, chúng mới hiểu hơn cha mẹ mình đã hy sinh như thế nào cho một cuộc đời mới, mái ấm mới.

 

“Buồn quá, không biết khi nào mới nhìn thấy lại quê hương”, tin nhắn cuối cùng của Phạm Thanh Nghiên cho một người bạn trong nước.

 

14 giờ 30 phút ngày 13 Tháng Tư, năm 2023, gia đình Phạm Thanh Nghiên đặt chân xuống Houston, sau ba giờ làm thủ tục vào Mỹ, cho một hành trình dựng lại nhà trên vùng đất mới.

 

 

================================================

 

Phạm Thanh Nghiên

Tưởng Năng Tiến
15 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/pham-thanh-nghien/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/maxresdefault-2-1024x576.jpg

Cô Phạm Thanh Nghiên. Ảnh: DLB

 

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi (bỗng) trở nên vô cùng rảnh rỗi. Như phần lớn những người dân miền Nam khác – những kẻ không cảm thấy yên tâm gì cho lắm khi nhìn thấy bóng dáng đoàn quân giải phóng, và cũng không có chỗ đứng (hay ngồi) trong lòng “cách mạng” – tôi không có chuyện gì để làm, và cũng không biết (rồi ra) sẽ làm gì với cuộc đời mình.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/tnt-1.jpg

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đến Mỹ tị nạn chính trị

 

Rảnh, tôi hay đi lang thang cho nó qua ngày. Có chiều, tôi thấy một anh bộ đội vội vã bước vào một tiệm sửa đồng hồ, với (tất cả) vẻ khẩn trương:

 

– Cái này tôi vừa mua hôm qua, còn mới nguyên, vậy mà hôm nay đã… hỏng. Mà loại không người lái đấy nhá. Cứ phải lắc lắc, đến mỏi cả tay, kim giây cũng chỉ nhúc nhích vài nấc rồi đứng.

 

Ông thợ chỉ mới nghe chứ chưa nhìn, đã lắc lắc đầu quầy quậy:

 

– Chịu thôi!

 

– Cố giúp cho đi, bao nhiêu là năm lương của tôi đấy, không phải ít đâu. Đây là món quà mà bố tôi vẫn ao ước mãi…

 

Sự chân thật và vẻ khẩn khoản của anh, có lẽ, đã khiến người đối diện mủi lòng:

 

– Anh mua nhằm đồ rởm rồi. Đồng hồ giả làm sao sửa được, cha nội?

 

– Giả à?

 

– Tui liếc qua là biết liền mà.

 

– Thôi chết! Thế bây giờ phải làm sao?

 

– Dụt bà nó đi chớ còn làm gì được nữa.

 

Anh lính trẻ ngớ ra một chút, rồi thẫn thờ quay bước, mặt buồn thiu. Người thợ sửa đồng hồ (ái ngại) nhìn theo, trông cũng buồn không kém. Còn tôi, tôi cũng… buồn luôn!

 

Rõ ràng, tôi thuộc diện… buồn theo. Không những chỉ buồn theo, tôi còn (dám) là người buồn nhất. Và nỗi buồn này cứ ở mãi trong tôi cho đến mãi bây giờ.

 

Khá lâu sau, có hôm, tôi được nghe ông Phùng Quán kể chuyện  “Đầu năm xông đất nhà thơ Tố Hữu.” Trong buổi tương phùng muộn màn này, Tố Hữu cao hứng đọc một bài thơ tứ tuyệt (mới sáng tác) của ông:

 

Có anh bộ đội mua đồng hồ
Thiệt giả không rành anh cứ lo
Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm:
“Giả mà như thiệt khó chi mô!”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/269766789_2002627993231987_9169016165048778239_n-1536x1152.jpg

Gia đình Phạm Thanh Nghiên – Huỳnh Anh Tú và bé Tôm. Ảnh: Facebook Phạm Thanh Nghiên

 

Theo nguyên văn lời của Phùng Quán: “Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một. Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây.”

 

Tất nhiên, tôi cũng bị hẫng luôn. Vẫn nói theo ngôn ngữ đương đại thì tôi thuộc diện… hẫng theo. Và nói tình ngay thì tôi hẫng lắm. Không chừng, tôi lại (dám) là người… hẫng nhất.

Tôi bỗng nhớ đến cái cảm giác hụt hẫng mà mình đã trải qua – khi nhìn nét mặt buồn rười rượi của anh lính trẻ, thất thểu bước ra khỏi tiệm sửa đồng hồ  – vào một buổi chiều, hơn hai mươi năm trước.

 

Lúc ấy, tôi mới chỉ mơ hồ cảm nhận được là có cái gì không ổn trong cuộc chiến khốc liệt (vừa tàn) trên đất nước mình. Sao chung cuộc, kẻ chiến thắng (nếu còn sống sót) chỉ nhận được những chiến lợi phẩm nhỏ nhoi – như con búp bê, hay cái đồng hồ – đến thế? Đã thế, dân chúng ở vùng địch tạm chiếm lại còn trao tay cho những chiến sĩ giải phóng quân toàn là… của giả!

 

Sau khi nghe Tố Hữu đọc thơ, và hình dung ra nụ cười “tủm tỉm” của cô hàng (cùng nét mặt láu cá của tác giả) tôi chợt nghĩ thêm rằng: Chả riêng gì cuộc chiến “giải phóng” miền Nam, tất cả những gì thuộc về (cái gọi là) “cách mạng” ở Việt Nam – vào thế kỷ qua – đều có cái gì đó rất là không ổn, hay nói rõ hơn là… không thật!

 

Và sự thật (nghĩa là sự giả trá) được phơi bầy rõ ràng, qua một vụ kiện, vừa mới xẩy ra ở xứ sở này. Xin được lược thuật vắn tắt:

 

Ngày 14 tháng 6 năm 2008, ba công dân Việt Nam – Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Cao Quận –  làm đơn gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, xin phép được biểu tình. Lý do: cho “những người buôn bán nhỏ, làm xe ôm, phu hồ, phu khuân vác, thợ cắt tóc, trẻ đánh giầy, người bán hàng rong… những kẻ chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra… có địa điểm để tập trung bày tỏ ý kiến.”

 

Sau khi đơn từ gửi đi thì tư thất của những người đứng đơn (bỗng) biến thành… lao thất. Họ bị cấm ra khỏi nhà, bị sách nhiễu, đe doạ… Riêng cô Phạm Thanh Nghiên – theo tường thuật của RFA – còn bị “đánh đập tàn tệ giữa đường phố.”

 

Đến ngày 26 tháng 6, được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra thông báo cho biết không được phép tổ chức biểu tình. Lý do: “vi phạm Khoản 2, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ nhằm qui định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. 

 

Sau đó, cô Phạm Thanh Nghiên và ông Nguyễn Xuân Nghĩa làm đơn khiếu nại về thông báo “bác đơn xin biểu tình” của họ. Đơn này không được trả lời cho đến khi cô Phạm Thanh Nghiên (nhờ luật sư Lê Trần Luật) nộp đơn khởi kiện các cấp hành chính đã bác đơn xin biểu tình, và gửi lên toà án hành chính cùng cấp.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/97497745_244452853543846_3360317584154034176_n.jpg

Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Anh Tú. Ảnh: Facebook Phạm Thanh Nghiên

 

Kết quả, theo ông lời tường thuật của ông Nguyễn Xuân Nghĩa – đọc được vào ngày 4 tháng 9, trên web Tiếng nói Tự do Dân chủ –  như sau:

 

“Đơn khởi kiện của cô Phạm Thanh Nghiên bị toà trả lại với lý do: Chiếu theo điều a, b, c… trong A, B, C…, toà không có chức năng thụ lý…”

 

Trả lời giới truyền thông độc lập, luật sư Lê Trần Luật nói: “Toà án lập ra là để giải quyết các xung đột xã hội. Không có toà án, công dân, nhà nước giải quyết xung đột bằng luật rừng.’ Và ông hình tượng hoá: ‘Ta coi vụ kiện này như một trận banh, đội banh A gồm cô Nghiên, ông Nghĩa…; đội banh B là đơn vị hành chính đã bác đơn. Trọng tài ở đây chính là toà án phải có trên sân cỏ và thực thi nghĩa vụ là xử lý các hành vi không đúng luật của cả hai bên. 

 

Vậy mà trận banh này không có trọng tài, trọng tài không làm nhiệm vụ; dẫn đến cuộc chơi này không theo luật. Như các cầu thủ, một bên là cô Nghiên, ông Nghĩa; bên kia là Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội rồi sẽ ‘cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, nhổ nước bọt vào mặt nhau’ và ai dùng luật rừng sẽ thắng.”

 

“Điều 69, Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước ‘của dân, do dân và vì dân’ ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

 

“Son phấn ơi, hãy tự bỏ nhiệm sở giả dối của mi đi!”

 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa không phải là người đầu tiên đề cập đến tính chất “phấn son” của hiến pháp (làm) ở Việt Nam. Trước đây, một công dân khác,  cũng đã phát biểu tương tự:

“Ở Việt Nam có hai bản hiến pháp. Một bản để trình ra thế giới, nhưng không được thi hành. Còn một bản thì nhà nước thực thi ngầm trong dân chúng. Trong bản hiến pháp thứ hai này, công dân chẳng có quyền tự do nào cả.” (Lê Chí Quang, “Đối thoại tháng Sáu năm 2001”, Cánh Én, Đức Quốc, tháng 7-2001)

 

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, dành cho ban biên tập Đàn Chim Việt, đọc được vào ngày 4 tháng 9 năm 2008, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết:

 

“Toà án là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý mà lại trả lời công dân rằng ‘không thuộc thẩm quyền của toà, vậy ai có thẩm quyền đây? Mục đích chính của chúng tôi là qua một vụ kiện đòi dân quyền cụ thể (quyền biểu tình) trong Hiến pháp, chúng tôi lột được mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”

 

Cái giá để trả cho chuyện “lột mặt nạ dân chủ của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” qua vụ kiện này, xem chừng, hơi mắc.

 

Chỉ hai tuần sau, vào ngày 18 tháng 9 năm 2008, Phạm Thanh Nghiên bị một số đông công an và nhân viên an ninh (của thành phố Hải Phòng) lôi ra khỏi nhà khi cô đang ngồi toạ kháng, với hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của thủ tướng Phạm Văn Đồng.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/888b7a32-de25-4947-91e7-9b11f7787c73.jpeg

Cô Phạm Thanh Nghiên. Ảnh: Facebook Phạm Thanh Nghiên

 

Hơn một năm sau, theo BBC, nghe được vào ngày 29 tháng 1 năm 2010, cô Phạm Thanh Nghiên bị kết án bốn năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia với tội danh “bêu xấu phỉ báng chế độ.”

 

BBC, qua bản tin thượng dẫn, còn trích dẫn lời bà Nguyễn Thị Lợi (thân mẫu của cô Phạm Thanh Nghiên) “trước bản án quá lớn dành cho con mình”:

 

“Kết quả bản án này, chúng tôi là người dân cũng chẳng biết nói gì cả. Kêu cũng không kêu với ai được. Những người đáng kêu lại là những người thực hiện. Tôi chẳng biết kêu ai cả.Tôi là mẹ của cháu thôi thì tôi chỉ biết âm thầm, ngậm ngùi chấp nhận. Biết làm sao bây giờ.”

 

Ít nhất cũng có ba thế hệ người Việt liên tiếp đã “âm thầm ngậm ngùi chấp nhận” sống với luật rừng và thứ hiến pháp son phấn, giả trá như thế ở Việt Nam vì “không biết làm sao bây giờ.” Tình trạng này (e) còn tiếp diễn ở một đất nước, có đến chín chục triệu con dân (nếu tính luôn cả cái đám đang sống đời tha phương cầu thực) mà những kẻ dám từ chối, không chịu xài đồ giả, vẫn còn thuộc thành phần thiểu số.





No comments:

Post a Comment

View My Stats