Saturday, 8 April 2023

NHẬN LỆNH CỦA NGA ĐÀN ÁP KIỀU DÂN PHẢN CHIẾN, VIỆT NAM LÁCH LUẬT CỦA CHÍNH MÌNH và CAM KẾT QUỐC TẾ (VOA Tiếng Việt)

 



Nhận lệnh của Nga đàn áp kiều dân phản chiến, Việt Nam lách luật của chính mình và cam kết quốc tế

VOA Tiếng Việt

09/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nhan-lenh-cua-nga-dan-ap-kieu-dan-viet-nam-lach-luat-cua-chinh-minh-va-cam-ket-quoc-te/7042595.html

 

Tại một quán cà phê ở Nha Trang vào một ngày tháng 9 năm ngoái, Sergey Kuropov ngồi nghe một viên chức lãnh đạo công an đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm trọng dành cho anh. Dù không hiểu nhiều tiếng Việt, công dân Nga 39 tuổi này hiểu anh đã trở thành một cái gai làm nhà chức trách Việt Nam khó chịu và khó xử.

 

“Chắc chắn là chính quyền Việt Nam không vì một cá nhân nào đó mà lại để cho ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao,” Thượng tá Hoàng Văn Hiến, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa, khẳng định với anh. Trước đó, ông cho biết rằng Việt Nam có thể phải trả anh về Nga theo yêu cầu của Moscow nếu anh tiếp tục lên tiếng đả kích nước này về cuộc chiến ở Ukraine trên mạng xã hội.

 

Một phần cuộc nói chuyện, được ghi lại trong một đoạn âm thanh mà VOA Tiếng Việt có được, cung cấp một cái nhìn hiếm hoi vào thái độ và cách ứng xử của nhà chức trách Việt Nam đối với những người Nga cư trú ở nước này có quan điểm phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Vladimir Putin nhắm vào nước láng giềng.

 

Một cuộc điều tra của VOA phát hiện ít nhất ba trường hợp công dân Nga bị ép rời khỏi Việt Nam trong những hoàn cảnh mập mờ và thậm chí đáng ngờ về mặt pháp lý. Tất cả đều xuất phát từ yêu cầu trục xuất của cơ quan ngoại giao Nga tại Việt Nam và ít nhất một trường hợp thu hút sự can dự trực tiếp của Moscow. Không rõ có những trường hợp nào khác chưa được biết đến hay không.

 

XEM THÊM:

Nga mượn tay Việt Nam đàn áp kiều dân phản đối chiến tranh ở Ukraine

 

Những vụ việc này là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng to lớn của Nga đối với một nước mà họ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và dùng ảnh hưởng đó để đàn áp công dân ngoài biên giới lãnh thổ của họ. Những hành động của Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của Nga hé lộ một mối quan hệ dường như được định hình bởi sự cả nể mà qua đó sự chính đáng về mặt luật pháp, ít nhất là trong trường hợp bị yêu cầu trục xuất, nhường chỗ cho sự thuận tiện về mặt chính trị.

 

Phân tích trường hợp cụ thể của hai công dân Nga bị trục xuất và bị đe dọa dẫn độ, VOA tham khảo 11 văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Có những chỉ dấu cho thấy Việt Nam dường như đã lách luật của chính mình và những cam kết quốc tế để chiều ý của Nga, khơi lên những câu hỏi về sự độc lập của hệ thống tư pháp của Việt Nam trước sự can thiệp của nước ngoài, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý.

 

Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow, Đại sứ quán Nga ở Hà Nội, và các Lãnh sự quán Nga ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh không hồi đáp email của VOA hỏi chi tiết về những trường hợp này.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cục quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an Việt Nam, Công an tỉnh Khánh Hòa, và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa không phản hồi yêu cầu bình luận về cách thức mà các trường hợp này được xử lý.

 

.

Đe dọa dẫn độ

 

Sergey Kuropov đến Việt Nam sinh sống từ năm 2014 và sau đó lập gia đình tại Nha Trang. Anh làm giáo viên dạy tiếng Anh và trước đó làm hướng dẫn viên đi tour với một kênh YouTube riêng đăng những video quảng bá du lịch Việt Nam. Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, anh đăng nhiều bài viết trên mạng xã hội lên án Nga về cuộc chiến và những người ủng hộ cuộc chiến.

 

Từng là nhà báo tại các đài truyền hình nhà nước của Nga, những bài đăng của anh và sự tham gia của anh trong những cuộc thảo luận công khai qua video bàn về cuộc chiến nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà chức trách Nga, anh nói. Vợ cũ của anh ở Nga báo tin cảnh sát đã đến nơi anh từng cư trú để hỏi thăm về nơi ở hiện tại của anh, anh cho biết.

 

Công an Việt Nam bắt đầu nhắm mục tiêu vào anh vào tháng 6 với những buổi làm việc tại trường mẫu giáo nơi anh dạy học, tại phòng quản lý xuất nhập cảnh, và tại nhà riêng của anh. Thẻ tạm trú của anh bị công an giữ lại trong một buổi làm việc để “phục vụ xác minh, giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh,” theo một biên bản lập vào ngày 10 tháng 6 mà VOA xem qua.

 

Họ không bao giờ trả lại thẻ cho anh, anh nói.

 

Hành động này của công an quản lý xuất nhập cảnh trên thực tế là thu hồi giấy tờ cư trú được quy định trong Điều 6 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đó là một biện pháp xử lý những người có hành vi vi phạm các điều bị nghiêm cấm theo Điều 5 của luật này.

 

.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3. Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

5. Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

 

.

Nhưng anh Kuropov nói trong khoảng tám năm sinh sống ở Việt Nam, anh chưa bao giờ có bất cứ hành vi vi phạm luật pháp nào liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hay cư trú cũng như những khía cạnh khác trong đời sống. Thêm nữa, công an không bao giờ cập nhật hay giải thích cho anh biết việc “xác minh, giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh” được nêu trong biên bản có kết quả như thế nào.

 

“Không gì cả,” anh nói với VOA. “Tôi hỏi họ về thẻ tạm trú này 100 lần vì tôi cần nó để rời khỏi Việt Nam. Nhưng họ không trả lại mà cũng không giải thích.”

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-fd68-08db38089396_w650_r0_s.png

Thẻ tạm trú của anh Kuropov

 

Bằng việc thu hồi thẻ tạm trú của anh Kuropov, nhà chức trách Việt Nam đã từ chối quyền được cư trú hợp pháp của anh và qua đó cản trở anh xuất cảnh, vốn chỉ có thể thực hiện được khi người nước ngoài có “chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, hoặc thẻ thường trú còn giá trị” theo Điều 27 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Biện pháp này dường như cũng đi ngược lại một trong những nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú được minh định trong Điều 4 là “bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài,” cũng như Điều 44 nói rằng người nước ngoài “được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

 

.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Điều 4. Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú

1. Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

3. Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

 

.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

 

Điều 44. Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài

1. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có các quyền sau đây:

a) Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 

 

Anh Kuropov và gia đình rời Việt Nam đến Canada định cư vào tháng 1 năm nay. Trước đó anh được Cơ quan Người Tị nạn của Liên Hợp Quốc công nhận tư cách người tị nạn và được Lãnh sự quán Canada cấp một giấy thông hành đặc biệt cho phép anh nhập cảnh Canada mà không cần hộ chiếu, vượt qua trở ngại thẻ tạm trú bị Việt Nam thu hồi.

 

Trong những tháng chờ đợi hồ sơ được duyệt xét, anh nói thường bị công an sách nhiễu bằng những lần gọi lên văn phòng làm việc, những lần họ đến nhà kiểm tra giấy tờ, và những yêu cầu ngừng phát biểu trên mạng xã hội.

 

Đe dọa dẫn độ về Nga cũng được nhà chức trách Việt Nam sử dụng như một công cụ hữu hiệu để gia tăng áp lực. Cũng trong tháng 6, anh nhận được một cuộc gọi từ một người không rõ là ai giới thiệu mình là công an và nói rằng đã có quyết định dẫn độ anh về Nga, anh cho biết.

 

Lời đe dọa này được nhắc lại trong buổi làm việc không chính thức với Thượng tá Hoàng Văn Hiến tại quán cà phê, trong đó ông tiết lộ rằng chính phủ Nga đã phản ánh với Việt Nam về “những hoạt động không mong muốn” của anh. Trước đó, một người bạn có nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam đã báo cho anh biết về “công hàm ngoại giao “ của Moscow gửi cho Hà Nội đòi trục xuất anh về Nga.

 

“Giữa Việt Nam và Nga có những hiệp định, thỏa thuận giao người,” ông Hiến được nghe thấy nói trong đoạn ghi âm với vợ của anh Kuropov, người đóng vai trò phiên dịch. “Nếu như mà anh ấy cố tình rơi vào cái điều luật mà Việt Nam phải giao một người nào đó quốc tịch Nga cho phía Nga, và ngược lại, tại vì thỏa thuận thì phải đồng ý, phải chấp nhận. Lúc đấy không có gì gỡ lại được đâu. Thế nên là bớt cái tôi của mình đi.”

 

Một viên chức công an khác cũng tham gia trong buổi làm việc này sau đó nhắc cụ thể tới Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Nga như là căn cứ pháp lý cho hành động khả dĩ của nhà chức trách Việt Nam.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-97f3-08db388c35c3_w650_r0_s.jpg

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) bắt tay với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2022.

 

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nhận định việc các viên chức đề cập tới hiệp định này có thể là dấu hiệu cho thấy anh Kuropov đã bị khởi tố ở Nga, và Việt Nam sẽ căn cứ vào hiệp định này để thi hành một quyết định dẫn độ khả dĩ.

 

“Theo Điều 5 của hiệp định thì phạm vi ‘tương trợ’ sẽ bao gồm cả việc ‘lập, gửi, tống đạt các giấy tờ, công nhận và thi hành quyết định của tòa án của bên kia.....khám xét, thu giữ và chuyển giao vật chứng, lấy lời khai’ và bao gồm cả việc ‘truy tố, dẫn độ để truy tố hình sự hoặc để thi hành bản án,’” ông giải thích. “Cho nên nếu bên Nga đã khởi tố hình sự anh ấy thì phía Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tống đạt các giấy tờ tư pháp cho anh ấy hoặc thậm chí dẫn độ anh ấy về Nga để xét xử và thi hành án.”

 

Việc nhà chức trách Việt Nam liên tục cảnh cáo hoặc đe dọa dẫn độ có thể là một chiêu thức gây áp lực để anh tự phải xin quy chế tị nạn và tự rời Việt Nam, và đây có thể là cách “phù hợp và hiệu quả nhất” vì Việt Nam tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc chiến ở Ukraine, ông phân tích.

 

“Về mặt luật pháp thì rõ ràng không thể trục xuất anh Sergey Kuropov được vì tại Điều 2 Nghị định 142 /2021/NĐ-CP minh định chỉ có những người vi phạm pháp luật hành chính Việt Nam thì mới bị trục xuất. Anh Sergey Kuropov chưa từng vi phạm pháp luật Việt Nam thì họ không thể có căn cứ xác đáng để thực hiện việc đó,” luật sư Quân nói.

 

Nghị định 142 /2021/NĐ-CP

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

2. Người có hành vi vi phạm bị áp giải theo quy định tại Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam mà theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải bị trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật hành chính Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

 

.

Ép buộc trục xuất ‘tự nguyện’

 

Serkhio Kuan, công dân Nga 52 tuổi, tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine trên đường phố và tại quảng trường ở Nha Trang vào cuối tháng 2 năm ngoái. Khi chiến sự gia tăng cường độ trong tháng 3, ông đã vô cùng lo lắng khi hay tin khu nhà gần nơi cha ông sống bị ném bom và ông không thể liên lạc được với người nhà.

 

Ngày 24 tháng 3, ông gửi một email ngắn tới Lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc chiến. “Xin chào, cha tôi là người Ukraine. Ông ấy có mệnh hệ gì thì các người biết tay,” ông viết.

 

Email này bị xem là một mối đe dọa và sau đó được chuyển sang cho công an Việt Nam giải quyết với yêu cầu trục xuất.

 

Những người nói tiếng Nga mà VOA tham vấn nói ngôn ngữ và giọng điệu trong email có thể được hiểu là một lời dọa dẫm chung chung, không báo hiệu một mối nguy hiểm ngay tức thì, và cho thấy sự nóng nảy bột phát.

 

Nói chuyện với VOA, ông cho biết công an xuất nhập cảnh ở Nha Trang thẩm vấn ông về nội dung email và “họ không thấy có gì phạm pháp cả.” Sau đó ông được trưởng công an cho biết có lệnh trục xuất ông “từ trên.”

 

“Công an nói rằng người Nga có thể giết tôi ở Việt Nam,” ông nói, dẫn lại điều mà ông nói ông nghe được qua lời của người phiên dịch. Một nguồn tin nắm rõ vấn đề, phát biểu với VOA với điều kiện ẩn danh vì những lo ngại về sự an toàn của mình, xác nhận công an có hối thúc ông rời khỏi Việt Nam để “bảo toàn tính mạng.”

 

Không rõ mối đe dọa mà công an nêu ra có căn cứ thực tế hay không hay là một chiêu thức để buộc ông chấp hành lệnh trục xuất. Nhưng việc công an nêu ra lời đe dọa này khơi lên những câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng chấp pháp.

 

Điều 19 của Hiến pháp Việt Nam nói “tính mạng con người được pháp luật bảo hộ” và “không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Thêm nữa, Điều 48 xác định cụ thể người nước ngoài cư trú ở Việt Nam “được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam,” vốn cũng được tái khẳng định trong Điều 44 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

.

Hiến pháp Việt Nam

 

Điều 19.

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

 

Hiến pháp Việt Nam

 

Điều 48.

Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam.

Hiến pháp Việt Nam

 

Điều 49.

Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét cho cư trú.

 

.

Như vậy có thể hiểu ông Kuan được thúc giục rời khỏi Việt Nam vì công an trên thực tế nói rằng họ không thể bảo hộ tính mạng cho ông mà theo quy định của luật pháp ông được hưởng.

 

“Theo luật thì dấu hiệu cấu thành tội đe dọa là người bị đe dọa phải tin là có một mối nguy hiểm thực sự sắp xảy ra và người đe dọa có khả năng thực hiện hành vi đó,” luật sư Quân phân tích. “Thực tế thì ông Serkhio Kuan không có khả năng thực hiện việc đe dọa, ngược lại việc ông ấy lo sợ bị lực lượng an ninh Nga tiến hành thủ tiêu có thể là cảm giác thật.”

 

Theo lời ông Kuan, ông cũng bị công an làm áp lực để kí “nhiều giấy tờ khác nhau” mà trong đó có văn bản đồng ý “tự nguyện” trục xuất.

 

“Họ bảo tôi kí giấy tờ đi để vợ con được nhờ. Tôi không chịu thì họ nói họ sẽ đưa con tôi vào cho tới khi tôi chịu kí. Nghe vậy tôi vừa sợ vừa tức giận. Tôi la lên. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi phải kí những giấy tờ đó,” ông kể.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-8975-08db380a02bf_w650_r0_s.png

Serkhio cùng vợ và con trong một bức hình chụp vào dịp tết năm 2022. VOA làm mờ gương mặt của vợ và con ông vì sự an toàn của họ.

 

Nhà chức trách Việt Nam khép ông vào tội ”gây rối trật tự công cộng,” theo nguồn tin nắm rõ vấn đề, và buộc ông xuất cảnh như một biện pháp xử lý vi phạm. “Tội không đáng phải bắt đi, nhưng do thái độ coi thường luật pháp Việt Nam,” nguồn tin nói.

 

Ông bị áp tải đến sân bay Nội Bài ở Hà Nội để đáp chuyến bay rời khỏi Việt Nam vào một ngày đầu tháng 4 năm ngoái. Các viên chức công an lấy lại hết những giấy tờ mà ông đã kí trước đó, ông nói.

 

Luật sư Quân nói Điều 84 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về "Thủ tục trục xuất" không nêu rõ người bị trục xuất và người thân của họ có quyền giữ một bản sao quyết định trục xuất hay không. Tuy nhiên tại Điều 69 và Điều 70 của luật này đều ghi rõ là phải giao cho đương sự một bản sao, dù là loại vi phạm có lập biên bản hay không lập biên bản.

 

“Theo luật thì ông Serkhio Kuan có quyền lấy ba tài liệu sau: một là Biên bản vi phạm, hai là Quyết định xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, và ba là Quyết định trục xuất theo Tiết a, Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 142/2021/NĐ-CP. Quyết định trục xuất phải bàn giao cho ông chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành.”

 

Luật sư Vũ Đức Khanh, giảng dạy luật bán thời gian tại Đại học Ottawa ở Canada và chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế, lưu ý Việt Nam có những thủ tục tố tụng và hành chính rất rõ ràng và có thể rất chi tiết, nhưng khi thực thi luật pháp thì “rất tùy tiện không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào, đặc biệt trong những trường hợp có liên quan đến yếu tố chính trị.”

 

.

Đi ngược cam kết quốc tế

 

Nhìn từ góc độ quốc tế, luật sư Khanh nói Việt Nam “hoàn toàn sai” về một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền là không hoàn trả trở về nơi mà người bị trục xuất hoặc dẫn độ phải chịu hình phạt mà nguy hiểm tới tính mạng của họ.

 

Cụ thể, nguyên tắc này (non-refoulement) cấm các nhà nước bàn giao hoặc trục xuất các cá nhân khỏi quyền quản hạt tư pháp hoặc quyền kiểm soát trên thực tế của họ khi có cơ sở đáng kể để tin rằng người đó có nguy cơ chịu tổn hại không khắc phục được khi trở về, bao gồm truy bức, tra tấn, ngược đãi hoặc những vi phạm nhân quyền khác, theo lý giải của Văn phòng Cao ủy Trưởng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

 

Theo luật nhân quyền quốc tế, việc cấm hoàn trả được minh định trong Công ước Chống Tra tấn Và Các Hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Khác Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục nhân cách. Việt Nam là một thành viên tham gia kí kết công ước này.

 

.

Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm

 

Điều 3.

1. Không một quốc gia thành viên nào được trục xuất, đẩy trả về hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác, nơi có nhiều lý do thực tế để tin rằng người đã có nguy cơ bị tra tấn.

 

2. Để xác định xem có những lý do đó hay không, các nhà chức trách có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm sự tồn tại của một mô hình vi phạm các quyền con người một cách thô bạo, trắng trợn và phổ biến ở quốc gia liên quan, nếu có.

 

.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế báo cáo rằng nhà chức trách Nga trong năm qua đã tăng cường đàn áp quan điểm bất đồng công khai ở mức “chưa từng thấy” nhằm bóp nghẹt những tiếng nói phản đối chiến tranh trong nước.

 

Các bản án tù dài được tuyên cho các “tội” bao gồm nhắc đến cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine là “chiến tranh,” chỉ trích cuộc xâm lược, bàn luận về hành vi của các lực lượng vũ trang Nga, và đưa tin về tội ác chiến tranh của quân đội Nga hoặc thương vong của thường dân Ukraine, theo Báo cáo Thế giới 2023 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

 

“Nếu tôi bị dẫn độ về Nga, tôi sẽ phải ngồi tù 10-15 năm, thậm chí còn hơn nữa,” anh Kuropov nói, nhắc tới luật mà nghị viện Nga thông qua vào tháng 3 năm ngoái áp đặt án tù lên tới 15 năm đối với hành vi cố ý lan truyền tin tức "giả mạo" về quân đội nước này.

 

https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-e421-08daa150627e_w650_r0_s.jpg

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một người biểu tình trong cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên quân sự ở Moscow, Nga, ngày 21 tháng 9 năm 2022.

 

Một điều ước quốc tế nữa mà Việt Nam cũng là thành viên là Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân sự Và Chính trị. Điều 3 của công ước nói rằng một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên công ước “chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia.”

 

Ông Kuan cuối cùng không phải quay trở về Nga. Do không có chuyến bay thẳng Hà Nội-Moscow nên ông được đưa lên một chuyến bay quá cảnh tại Dubai và không có nhân viên an ninh đi cùng. Ông đã nhân cơ hội này thoát khỏi hành trình mà ông tin là sẽ kết thúc bằng việc ông bị bắt giữ tại sân bay.

 

“Nếu như ông ấy trở về Nga thì trường hợp này có thể là một trường hợp rất lớn và ảnh hưởng tơi uy tín của Việt Nam rất nhiều vì Việt Nam đã đẩy những người này vào thế rất là nguy hiểm,” luật sư Khanh nhận định.

 

“Tôi không hiểu vì lý do gì mà phía Việt Nam không hỗ trợ cho hai người này xin quy chế tị nạn dù Việt Nam không phải là thành viên của Công ước Người Tị nạn năm 1951, tức là chấp nhận cho người tị nạn lưu trú,” ông nói thêm. “Nhưng mà Việt Nam trên tinh thần nhân đạo vẫn có thể chuyển những người này cho Cao ủy Người Tị nạn Liên Hợp Quốc để họ có thể có được sự bảo vệ.”

 

“Thay vì làm những việc mà họ đã làm trong hai trường hợp của ông Sergey và ông Serkhio, họ chỉ cần đẩy về phía Liên Hợp Quốc thì coi như là họ đã phủi tay. Đó là thái độ của một quốc gia xứng đáng là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và thể hiện được tính nhân bản của nhà nước cũng như nhân dân Việt Nam.”

 

.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền

 

Điều 19

Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

 

.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

 

Điều 2.

1. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.

 

.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

 

Điều 13.

Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất phải được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục xuất, được yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc một người hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình, và được có đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại.

 

.

Chủ quyền bị ‘phương hại’

 

Phil Robertson, Phó Giám đốc Bộ phận Châu Á của HRW, nói những vụ việc này cho thấy các quan chức an ninh Việt Nam “sẵn lòng dốc sức tới mức nào để trợ giúp những chế độ áp chế khác truy đuổi những người bất đồng chính kiến đã chạy tới Việt Nam.”

 

Ông lưu ý một trường hợp khác là nhà bất đồng chính kiến và người tị nạn Đổng Quảng Bình đã bị buộc trở về Trung Quốc sau một thời gian trốn tránh ở Việt Nam. Vào năm 2019, Việt Nam dường như đã bắt được ba người Thái Lan chống hoàng gia sống lưu vong ở Vinh và buộc họ quay trở lại Thái Lan, ông cho biết.

 

“Với thành tích như vậy, thật sốc khi Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì thành tích nhân quyền của họ chắc chắn khiến họ không đủ điều kiện để họ ngồi ở đó,” ông nói với VOA.

 

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-3fdc-08db388c800e_w650_r0_s.jpg

Việt Nam tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng việc Việt Nam tiếp tay cho Nga đàn áp những người Nga phản đối chiến tranh khơi ra những nghi vấn về tuyên bố này.

 

Việt Nam nói bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là “chính sách nhất quán” của mình, và các quyền và tự do cơ bản của con người được “được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.”

 

Nhưng cách hành xử trong hai trường hợp công dân Nga bị ép xuất cảnh dưới áp lực của nước ngoài phơi bày khoảng cách giữa hành động và lời nói của Việt Nam, nhất là khi những cân nhắc về chính trị lấn lướt những nguyên tắc của pháp trị.

 

“Chủ quyền của Việt Nam đã bị phương hại vì các hành vi ép buộc họ rời khỏi Việt Nam rõ ràng thể hiện ý chí can thiệp của Nga và thực sự nó có tác động lên hành vi của công chức Việt Nam, mà hậu quả cuối cùng đã xảy ra là một người phải xin đi tị nạn và một người bị trục xuất,” luật sư Lê Quốc Quân nhận định. Ông gọi vụ việc này là “nghiêm trọng.”

 

“Trong hoàn cảnh này tôi thấy rõ Việt Nam đã đứng ‘ngầm’ về phía Nga, dù họ vẫn nói là ‘không đứng về bên nào,” ông kết luận.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats