Monday, 24 April 2023

NHÀ NƯỚC và NGƯỜI DÂN (Thái Hạo)

 



Nhà nước và người dân

Thái Hạo

23-4-2023  23:33   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid029gbcfFqCG4eQ67tXVBzjZq4fQxaSxNv3n8YXiuYqmLFWdXCQCTstqdgUGSFS3JnSl&id=100059910855657

 

[Có rất nhiều người vẫn chưa hiểu nhà nước là gì, và có quan hệ thế nào với người dân. Bài viết này chỉ dành cho đối tượng bạn đọc ấy, nên viết một cách đơn giản và nôm na. Những vị đã biết thì xin bỏ qua để khỏi mất thời gian].

 

Hãy hình dung: có một nhóm người sinh sống trên một mảnh đất, ngoài cuộc sống riêng thì họ có những việc chung phát sinh, như vệ sinh môi trường, đường sá đi lại, trộm cắp trong làng, kẻ thù bên ngoài, v.v.. Đây là những việc “cha chung” nhưng phải có người “khóc”, không thể bỏ mặc được, vì nó ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả cộng đồng.

 

Thế là tất cả dân làng họp nhau lại, bầu ra một cái ban chuyên lo những việc chung ấy. Ban này được dân làng giao nhiệm vụ soạn thảo ra các quy định tốt nhất và hợp lý nhất buộc tất cả phải tuân thủ, ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt, ngay cả các thành viên trong cái Ban ấy cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước khi đưa ra áp dụng, thì các quy định này phải được dân làng đồng ý thông qua, nếu chưa thì tiếp tục bàn thảo, cho đến khi nào đa số người dân thấy “ngon lành” rồi thì mới quyết định sử dụng.

 

Đây chính là một hình dung về nhà nước và sự ra đời của nhà nước (dân chủ).

 

Như thế, nhà nước thực chất là một bộ máy do dân thiết kế ra. Ở đó, những người điều hành công việc chung là người làm thuê cho dân, được dân trao cho một số quyền nhất định để điều hành công việc và được dân trả công. Ai làm không tốt công việc được thuê khoán ấy thì dân sẽ không thuê nữa và tìm người khác thay vào. Nói bằng ngôn ngữ chữ nghĩa thì mối quan hệ giữa nhà nước và dân là một bản hợp đồng có điều kiện, mà ở đó dân là ông chủ còn thành viên nhà nước là người được dân ký kết hợp đồng lao động.

 

Rõ ràng, từ bản chất của mối quan hệ này, “cán bộ” không phải là cha mẹ dân, càng không phải là ông chủ của dân, mà phải hiểu ngược lại. Quyền lực là của dân, tiền bạc cũng của dân, bộ máy nhà nước ấy cũng là của dân. Nếu đến một lúc dân thấy cách thiết kế bộ máy điều hành như vậy không còn phù hợp nữa, thì họ sẽ thay đổi, thậm chí bỏ đi và dùng một mô hình khác tốt hơn.

 

Trên đây là nôm na về nhà nước dân chủ. Quay ngược về quá khứ, đã từng có những mô hình nhà nước không có bản chất mối quan hệ giữa 2 bên như vừa trình bày. Ví dụ, có một cá nhân nào đó tự tập hợp một nhóm người, dùng bạo lực áp đảo cả làng rồi tự lập ra các ban bệ, thiết lập các quy định (pháp luật) và bắt tất cả người dân phải tuân theo mà không ai có quyền đòi hỏi hay thay đổi.

 

Nhà nước loại này là mô hình quân chủ. Cái ông đứng đầu nhà nước ấy gọi là vua, tức là hiện thân của nhà nước; tất cả quan lại là người giúp việc cho ông ta, chứ không phải giúp việc cho dân. Nó không phải do dân lập ra và dân không có quyền hành gì cả. Nó cai trị dân bằng ý chí cá nhân, “luật là tao, tao là luật”; nếu người dân nào không tuân theo thì nó sẽ dùng lực lượng bạo lực của mình để trấn áp, bỏ tù hoặc giết chết. Lúc này, ngược lại với nhà nước dân chủ, người dân chỉ là người làm thuê, là bề tôi, là nô lệ – gọi chung là thần dân, cho đứng thì được đứng, bắt ngồi thì phải ngồi.

 

Trong mô hình nhà nước này, nếu gặp được một ông vua tốt bụng và có trí tuệ thì dân được nhờ chút đỉnh, bằng không thì lãnh đủ, cuộc sống tối tăm lầm than không bút mực nào tả xiết.

 

So sánh để thấy, nhà nước dân chủ tốt hơn, đảm bảo hơn, ổn định hơn và nhân văn hơn hẳn.

 

Nay, thời kỳ quân chủ đã đi qua, mỗi người dân cần ý thức một cách sâu sắc rằng, mình mới là ông chủ, còn “cán bộ” và “lãnh đạo” chỉ là người làm thuê, được mình trả công và phải thực hiện công việc được giao một cách nghiêm túc. Chớ hiểu rằng, cán bộ là vua quan còn mình chỉ là hạng tôi tớ. Ký hợp đồng, giao việc, và giám sát làm việc; nếu thấy ai trong bộ máy làm không đúng, không tốt thì nhắc nhở, vi phạm nặng thì đuổi đi. Người dân nào luôn luôn sống trong tâm thế và tư thế ấy thì gọi là công dân, còn ngược lại thì là thần dân, là nô lệ.

 

Nhiều người sẽ phản đối rằng, đây chỉ là lý thuyết, đừng có nằm mơ! Đúng, nhưng nếu không có suy nghĩ, tinh thần và ý thức của cái lý thuyết này trong đời sống cá nhân của mỗi người dân thì cũng sẽ không bao giờ có được thực tế như mong muốn.

 

Có câu, dân nào thì chính quyền ấy. Muốn có một chính quyền tiến bộ, thì người dân phải tiến bộ trong suy nghĩ trước đã. Có thể quên đi tất cả, nhưng dứt khoát không bao giờ được quên rằng mình là một người công dân.

 

.

57 BÌNH LUẬN

.

Linh Tran

Không bây giờ VN chính là nhà nước quân chủ. Chỉ khác ông vua là một phe nhóm. Chứ không phải 1 ông .

.

Nguyễn Đình Cống

Sự hiểu biết quan hệ giữa Nhà nước và người Dân là vấn đề cơ bản của Dân trí . Dân trí của người Việt trong nước hiện nay rất thấp là vì sự hiểu biết rất kém vấn đề này. Ngay cả những người có học vị cao, có kiến thức khoa học sâu rộng (là Tiến sĩ này, Giáo sư nọ, cán bộ cấp cao kia của Nhà nước, của đảng) mà hiểu sai nội dung của Quan hệ giữa Nhà nước và Dân thì vẫn là loại người có Dân trí thấp. Một người dù có trình độ khoa học thấp nhưng vẫn là người có Dân trí cao khi hiểu đúng quan hệ giữa Nhà nước và Người Dân.

 

Quan hệ này là đa dạng, có thể quy về hai kiểu : Độc tài và Dân chủ.

 

Nhà nước độc tài gồm Quân chủ, Phát xút, Cộng sản. Nhà nước Dân chủ là Nhà nước mà Người Dân có quyên như Thái Hạo đã mô tả, còn Nhà nước theo chế độ Tam quyên phân lâp.. Nhà nước nào (Dân chủ, Độc tài) cũng có điểm mạnh và yếu, nhưng điểm yếu của Nhà nước Dân chủ dễ được khắc phục hơn. Như Thái Hạo đã viết, nhà nước quân chủ nhưng ông vua giỏi, có đạo đức thì vẫn tốt.

 

Nói chung Nhà nước độc tài là xấu, nhưng xấu nhất là loại Nhà nước thực chất là độc tài (độc quyền toàn trị của một đảng), nhưng lại ra sức tuyên truyền rằng đó là Nhà nước Dân chủ nhất thế giới. ( Nói dối đến thế là cùng). Dân trí còn thể hiện sự hiểu biết về đảng chính trị. Đảng chính trị, dù là đảng cầm quyền thực ra chỉ là công cụ của một vài nhà chính trị chứ không phải là một vật thể thiêng liêng như sự tuyên truyền cúa ĐCSVN.

 

Dang Minh Tuan

Lại có câu, Chính quyền nào nhân dân đó, lúc ban đầu khi người dân tổ chức để lập nên chính phủ lập thành nhà nước, có những chính trị gia sẽ hứa những điều tốt đẹp nhưng khi đắc cử thì thao túng và trở thành độc tài độc đảng, những người này dùng mọi biện pháp để nhồi sọ, lừa mị người dân qua nhiều thập kỷ, lúc này Chính Quyền Nào Người Dân Đó! Vì tất cả điều nằm dưới quyền hành của những kẻ độc tài, những kẻ độc tài toàn trị này muốn dân ngu là dân phải ngu, vì họ kiểm soát thông tin và báo chí, việc in ấn, xuất bản phải qua kiểm duyệt khắc gao, những ý tưởng nào đi ngược lại quyền lợi của kẻ độc tài đều bị tiêu diệt! Khi thông tin bị bóp méo, lịch sử bị đục bỏ, giai đoạn đầu chưa thao túng được 100% nhưng sau vài thế hệ tiếp nối, những kẻ độc tài này sẽ dạy, giáo dục một cách khác theo hướng có lợi cho những kẻ độc tài toàn trị này

Những người tri thức muốn xã hội thức tỉnh để làm cách mạng, để lật đổ bọn này rất khó sống và tồn tại, hầu hết là sẽ bị bắt vào nhà tù!

Mặc Hiến pháp và pháp luật sẽ bị thao túng và diễn giải một cách có lợi cho nhóm người này, đè bẹp người dân bằng chính luật pháp, hiến pháp mà họ sửa đổi và viết lại!

Về văn hoá thì chỉ dạy văn hoá có lợi cho họ, những ý tưởng tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng đều bị đè bẹt! Người dân trở thành nô lệ, đóng thuế để nuôi bọn độc tài toàn trị này!

Đây là Chính Quyền Nào Người Dân Đó

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats