Sunday 2 April 2023

NGA LUÂN PHIÊN GIỮ C HỨC CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ BẤT CHẤP SỰ GIẬN DỮ TỪ UKRAINE (George Wright  /  BBC News)

 



NỘI DUNG :

 

Nga luân phiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ bất chấp sự giận dữ từ Ukraine

George Wright  /  BBC News

.

Nga làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An: Ukraina cực lực lên án, Liên Âu đề cao cảnh giác

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Nam Phi, Nga thảo luận về chủ đề ‘‘điều chỉnh lại trật tự thế giới’’

Trọng Thành  -  RFI

.

Chiến tranh Ukraina: Quản thúc tổng giám mục Chính Thống Giáo, bị nghi dính líu đến Nga

Thùy Dương  -  RFI

 

=======================================================

.

.

Nga luân phiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ bất chấp sự giận dữ từ Ukraine

George Wright

BBC News

2 tháng 4 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw8dl6qdv35o

 

Nga trở thành chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất chấp Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên ngăn chặn điều này.

 

Mỗi một quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên sẽ luân phiên giữ vị trí chủ tịch trong vòng một tháng.

 

Lần cuối cùng mà Nga giữ chức vụ này là vào tháng 02/2022 khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.

 

Điều này có nghĩa quốc gia giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an lại đang có một tổng thống bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ liên quan đến cáo buộc tội ác chiến tranh.

 

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), vốn không phải là một định chế thuộc Liên Hiệp Quốc, đã phát lệnh bắt giữ ông Vladimir Putin hồi tháng Ba.

 

Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã để bắt Tổng thống Vladimir Putin

 

Mặc dù Ukraine bày tỏ giận dữ liên quan đến động thái mới nhất này, Mỹ tuyên bố không thể chặn Nga, vốn là một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An, nắm giữ vị trí chủ tịch luân phiên.

 

Những thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc.

 

Vai trò này hầu như mang tính thủ tục, thế nhưng Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vasily Nebenzia phát biểu với hãng thông tấn Nga Tass là ông có kế hoạch đóng vai trò giám sát một số cuộc tranh luận, bao gồm các vấn đề kiểm soát vũ khí.

 

Ông Vasily Nebenzia cho biết ông sẽ thảo luận về "một trật tự thế giới mới", mà ông cho biết sẽ xuất hiện để "thay thế trật tự đơn cực".

 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố chuyện Nga giữ vị trí lãnh đạo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là "trò đùa Cá tháng Tư dở chưa từng thấy" và là một gợi nhắc rõ ràng cho thấy điều gì đã sai trong cách thức vận hành của nền kiến trúc an ninh quốc tế".

 

Trong một bình luận vào hôm thứ Bảy 01/04, ông Dmytro Kuleba đã gọi điều này là "một cú tát vào cộng đồng quốc tế".

 

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhaylo Podolyak phát biểu trên Twitter rằng bước đi này là 'một sự xâm hại luật quốc tế... một thực thể, vốn đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược, vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp nhân quyền và hình sự, phá hủy Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phớt lờ an ninh hạt nhân, thì không thể nào lãnh đạo một cơ quan an ninh quan trọng của thế giới được".

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi năm ngoái đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cải tổ hoặc "hãy cùng giải tán đi", cáo buộc cơ quan này đã không thực thi đủ các hành động nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

 

Ông Zelensky cũng kêu gọi xóa bỏ tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nga.

 

Thế nhưng Mỹ lại tuyên bố không thể làm gì được khi Hiến chương của Liên Hiệp Quốc không cho phép việc loại trừ một thành viên thường trực.

 

"Không may thay, Nga lại là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và không có một con đường pháp lý quốc tế khả thi nào tồn tại để thay đổi thực tế ấy," Thư ký báo chí Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần rồi.

 

Bà Karine Jean-Pierre cho biết thêm Mỹ cho rằng Moscow "sẽ tiếp tục sử dụng chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an để reo rắc tin giả" và biện minh cho các hành động tại Ukraine.

 

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là một cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm trong việc duy trì nền hòa bình.

 

Năm quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đại diện cho cấu trúc quyền lực sau khi Thế chiến lần hai kết thúc, khi cơ quan này được thành lập.

 

Năm thành viên thường trực này sẽ cùng phối hợp làm việc với 10 thành viên không thường trực khác.

 

Với vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga có quyền phủ quyết đối với các nghị quyết.

 

Để thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an cần có chín phiếu thuận, và không có thành viên nào trong năm thành viên thường trực bỏ phiếu chống.

 

Hồi tháng 02/2022, Nga bỏ phiếu chống một nghị quyết nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine (Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều bỏ phiếu trắng).

 

Sau đó vào tháng 09/2022, Nga cũng bỏ phiếu chống một nghị quyết yêu cầu đảo ngược việc sáp nhập trái phép bốn vùng của Ukraine. Brazil, Trung Quốc, Gabon và Ấn Độ bỏ phiếu trắng.

 

Ý kiến: Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng tại LHQ để tránh 'phật lòng cường quốc'

 

====================================================

.

.

Nga làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An: Ukraina cực lực lên án, Liên Âu đề cao cảnh giác

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 02/04/2023 - 14:31

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230402-nga-lam-chu-tich-hdba-u-len-an

 

Kể từ hôm qua, 01/04/2023, Nga chính thức đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong vòng một tháng. Sự kiện này đã làm dấy lên những lời đả kích nặng nề từ phía Ukraina, coi đó là biểu hiện của một sự “phá sản” của định chế quốc tế. Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu vào hôm nay, 02/04/2023, xác định sẽ rất cảnh giác trước các hành động của Matxcơva trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Bảo An.

 

https://s.rfi.fr/media/display/61ed3a52-cbe1-11ed-a77b-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23054558518576.webp

Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Josep Borrell, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu phát biểu trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, ngày 23/02/2023, New York. © AP - John Minchillo

 

Trong một thông điệp công bố tối hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski không ngần ngại khẳng định: “Khó có thể tưởng tượng ra một điều gì chứng tỏ rõ hơn sự phá sản hoàn toàn của những thể chế như vậy”. Đối với tổng thống Ukraina, Nga là một nước đã không từ bất cứ một hình thức khủng bố nào, do vậy không được quyền chủ trì bất kỳ một tổ chức quốc tế nào.

 

Tổng thống Ukraina một lần nữa kêu gọi “cải cách các định chế toàn cầu, bao gồm cả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.” Trước đó, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đã mô tả việc Nga lên làm chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An là một “cái tát vào mặt… cộng đồng quốc tế”, trong bối cảnh nước này “tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa; tổng thống Nga là một tội phạm chiến tranh bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy nã vì tội bắt cóc trẻ em”.

 

Theo ngoại trưởng Kouleba, cần phải “ngăn chặn mọi nỗ lực” của Nga nhằm “lạm dụng chức vụ chức vụ chủ tịch” Hội Đồng Bảo An. Lời kêu gọi trên như đã được Liên Hiệp Châu Âu đáp ứng. Phát biểu vào hôm nay trên mạng Twitter, ông Josep Borrell, người lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu cho biết là Bruxelles “sẽ phản đối bất kỳ hành vi lạm dụng nào” của Nga trong vai trò chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chính trị gia này không ngần ngại mỉa mai rằng “Việc Nga trở thành chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xứng đáng là một trò đùa Cá tháng Tư”.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Ukraina : Hội Đồng Bảo An họp khẩn, mạnh mẽ lên án Nga

 

Nga ngăn chặn nghị quyết Hội Đồng Bảo An lên án việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraina

 

Chiến tranh Ukraina: Hội Đồng Bảo An lần đầu tiên nhất trí "tìm kiếm hòa bình"

 

 

================================================

.

.

Nam Phi, Nga thảo luận về chủ đề ‘‘điều chỉnh lại trật tự thế giới’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 02/04/2023 - 16:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230402-nam-phi-nga-thao-luan-ve-chu-de-dieu-chinh-lai-trat-tu-the-gioi

 

Hôm qua, 01/04/2023, đảng cầm quyền tại Nam Phi Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC) cho biết đã cử một đoàn đại diện cấp cao đến Nga nhằm tăng cường hợp tác với đảng cầm quyền Nga, Nước Nga Thống Nhất, với một chủ đề chính là ‘‘điều chỉnh trật tự thế giới’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9d5c60e4-7f8e-11ed-9c5b-005056a90284/w:980/p:16x9/2022-12-19T095206Z_593179138_RC2X8Y9G39XE_RTRMADP_3_SAFRICA-POLITICS.webp

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (T) sau khi đắc cử chức chủ tịch đảng cầm quyền ANC, ngày 19/12/2022. REUTERS - SIPHIWE SIBEKO

 

Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của đảng Đại Hội Dân Tộc Phi: ‘‘Các thảo luận về việc điều chỉnh lại trật tự thế giới có mục tiêu đảo ngược các hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới và của thế giới đơn cực, từng ở thế thượng phong trước đây’’. Thông cáo của ANC cho biết thêm về lý do của chuyến đi là để ‘‘đáp lại lời mời của đảng Nước Nga Thống Nhất, đảng chính trị lớn nhất nước Nga, đồng minh và bạn lâu năm của đảng ANC’’.

 

Chuyến công tác của đoàn đại diện đảng ANC diễn ra từ ngày thứ Năm, 30/03 đến ngày hôm nay Chủ nhật 02/04. Đoàn do một thành viên đầy quyền lực trong đảng Obed Bapela dẫn đầu.

 

Kể từ khi Nga xâm lăng, chính quyền Nam Phi bị nhiều chỉ trích vì tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với Nga. Pretoria bỏ phiếu trắng về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina của Đại Hội Đồng Liên Quốc, và khẳng định duy trì quan điểm ‘‘trung lập’’, từ chối tham gia vào các kêu gọi của phương Tây lên án Nga.

 

Nam Phi lúng túng trước khả năng phải tiếp Putin

 

Nam Phi là thành viên của nhóm BRICS, gồm 5 cường quốc trỗi dậy (4 nước khác là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil). Năm nay, Nam Phi đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của nhóm. Một thượng đỉnh của BRIC sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối tháng 8 tới. Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế quyết định truy nã tổng thống Nga vì nhiều ''tội ác chiến tranh'', chính quyền Nam Phi hiện tại lo ngại về khả năng phải đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp thượng đỉnh BRISC.

 

Là thành viên của Quy chế Roma về Tòa Hình sự Quốc tế, Nam Phi có nghĩa vụ phải bắt giữ tổng thống Nga Putin, nếu đương sự có mặt trên lãnh thổ nước này. Cách nay ít hôm, ngoại trưởng Nam Phi cho biết đang chờ cập nhật ‘‘quan điểm pháp lý’’ về vấn đề nêu trên, nhưng thừa nhận đây là một chủ đề ''đáng quan ngại’’. Đảng đối lập chính, Liên Minh Dân Chủ, kêu gọi tổng thống Cyril Ramaphosa không để ông Putin đến Nam Phi.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Ngoại trưởng Nga công du Nam Phi để thắt chặt quan hệ

 

Nga, Trung Quốc và Nam Phi khởi động cuộc tập trận chung

 

Nga huy động tên lửa siêu thanh tập trận chung với Trung Quốc và Nam Phi

 

 

==================================================

.

.

Chiến tranh Ukraina: Quản thúc tổng giám mục Chính Thống Giáo, bị nghi dính líu đến Nga

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 02/04/2023 - 13:45

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230402-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-t%E1%BB%95ng-gi%C3%A1m-m%E1%BB%A5c-pavlo-b%E1%BB%8B-qu%E1%BA%A3n-th%C3%BAc-v%C3%AC-b%E1%BB%8B-nghi-d%C3%ADnh-l%C3%ADu-%C4%91%E1%BA%BFn-nga

 

Trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ, tư pháp Ukraina hôm thứ Bảy 01/04/2023 đã ra lệnh quản thúc tại gia 60 ngày đối với tổng giám mục Pavlo, người đứng đầu tu viện Các Hang Động Kiev, từng là trụ sở của một chi nhánh Chính Thống Giáo của Tòa Thượng Phụ Matxcơva. Tu viện Các Hang Động Kiev đã chính thức cắt đứt quan hệ với Tòa Thượng Phụ Matxcơva, nhưng bị cáo buộc vẫn duy trì liên hệ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e8462ed2-cee4-11ed-825c-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23084323022206.webp

Tu viện Các hang động (Kyiv-Pechersk Lavra), tại Kiev, Ukraina, ngày 24/03/2023. AP - Efrem Lukatsky

 

Tổng giám mục Pavlo,sau khi bị đưa đến thẩm vấn tại một tòa án ở Kiev, sẽ bị quản thúc tại gia 24/24 giờ cho đến hết ngày 30/05/2023, phải đeo thiết bị giám sát điện tử và không được giao tiếp với những người là nhân chứng trong khuôn khổ cuộc điều tra hình sự sơ bộ. Theo SBU, cơ quan an ninh Ukraina, tổng giám mục Pavlo bị nghi ngờ là đã« biện minh cuộc tấn công của Quân đội Liên bang Nga nhắm vào Ukraina » và đã« tôn vinh những kẻ tham gia », cũng như « vi phạm quyền bình đẳng công dân liên quan đến sắc tộc, quốc gia, vùng miền và niềm tin tôn giáo ».

Về phía tổng giám mục Pavlo, hôm qua, trong một video đăng trước khi có lệnh quản thúc, ông cho biết là tu viện Các Hang Động Kiev đã bị khám soát. Theo AFP, tổng giám mục Pavlo bác bỏ cáo buộc là ông ủng hộ cuộc xâm lăng của Nga, khẳng định ông « lên án mọi mưu đồ chống lại Nhà nước Ukraina »và xem« những gì Nga và Putin đã làm là không thể biện minh được ».

Thông báo quản thúc của tư pháp Ukraina được đưa ra trong bối cảnh trước đó 3 hôm, thứ Tư 29/03, các tu sĩ ở tu viện Các Hang Động Kiev, bắt đầu phải rời đi theo yêu cầu của Kiev vì chính phủ Ukraina muốn giảm ảnh hưởng của các tu sĩ Chính Thống Giáo thân Nga. Cho đến hôm nay 02/04, các tu sĩ vẫn từ chối rời khỏi tu viện. Trước đó, bộ An Ninh Quốc Gia Ukraina cho biết tạm thời chính quyền Ukraina chưa đưa ra hạn chót và không dự tính dùng vũ lực để buộc các tu sĩ rời đi.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Ukraina: Chính quyền muốn trục xuất tu sĩ thân Nga ở tu viện Các hang động Kiev

 

Chính Thống Giáo Nga, thế lực hậu thuẫn cuộc xâm lăng Ukraina của Putin

 

Chi nhánh Matxcơva của Chính Thống Giáo Ukraina cắt đứt liên hệ với Nga

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats