Tuesday, 25 April 2023

KHI NGƯỜI MỸ TRỞ LẠI (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 




Khi người Mỹ trở lại

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ
25 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/khi-nguoi-my-tro-lai/

 

Ông Antony Blinken đã kết thúc chuyến công du Việt Nam sau ba ngày từ 14 đến ngày 16 Tháng Tư, 2023, trong bầu không khí chính trị Hà Nội giống như thời tiết nồm ẩm – một thứ “đặc sản” khí hậu miền Bắc Việt Nam, rất ngột ngạt và khó chịu. Sự e dè trong tiếp đón, khánh tiết khiêm tốn là điều thấy rõ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1251634392.jpg

Ngoại trưởng Antony Blinken (ảnh: Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Trước đó vài tiếng đồng hồ, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án nặng blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng trong một phiên tòa “công khai xử kín”; và bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường đang tị nạn ở Thái Lan, như muốn gửi đến Washington thông điệp rõ ràng rằng Hà Nội sẽ không nhượng bộ vấn đề Nhân quyền và Tự do ngôn luận. Chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken được thực hiện vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày hai nước cựu thù trở thành “đối tác hợp tác toàn diện” (2013-2023), 50 năm kể từ thời điểm người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam (1973-2023).

 

Cần nhắc lại, tổng kim ngạch giao thương hai quốc gia từ $6.78 tỷ năm 2005 đã lên tới $123.86 tỷ năm 2022. Mức xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ lên tới $116 tỷ – con số quyết định sự sống còn đối với một nền kinh tế gia công phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Không chỉ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng số một, Mỹ còn giúp Việt Nam nhiều phương diện khác. Trong thảm họa COVID-19, Mỹ đã hỗ trợ gần 40 triệu liều vaccine, trang thiết bị và cả chuyên gia y tế.

 

Trong lĩnh vực quân sự, cảnh sát biển Việt Nam đã nhận được hai chiến hạm lớp Hamilton (chiếc thứ ba sẵn sàng bàn giao cho Hà Nội từ cuối năm 2022 nhưng còn chờ một số “thủ tục và đàm phán” từ phía Việt Nam). Một số phi công Việt Nam cũng đã được huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ F5. Theo kế hoạch, 12 chiến cơ T6 và 6 chiếc UAV Scan-Eagle sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ 2024 đến 2027. Việt Nam là quốc gia xếp thứ năm trong các quốc gia có số du học sinh nhiều nhất tại Mỹ với 20,713 người trong năm 2022…

 

Dù đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế và có ý nghĩa “thực chất” trong nhiều lĩnh vực từ y tế, an ninh quốc phòng đến giáo dục nhưng Hoa Kỳ vẫn chỉ được Hà Nội xếp ở thứ hạng ngoại giao khiêm tốn, “đối tác hợp tác toàn diện”, ngang với Venezuela, Myamar hay Ukraine…

 

Dịp 30 Tháng Tư năm nay chắc sẽ không náo nhiệt. Áp lực từ cuộc khủng hoảng kinh tế đã không còn là “dự báo”. GDP quí I-2023 đạt 3.32%, thấp hơn cả giai đoạn cùng kỳ năm 2020, thời điểm mà Việt Nam áp dụng Chỉ thị 16 trong việc cách ly xã hội bởi dịch bệnh COVID-19. Những đầu tàu kinh tế quốc gia như Sài Gòn gần như không tăng trưởng (0.7%) và những địa phương từng luôn ở top đầu GRDP (Gross regional domestic product) như Bình Dương hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu thậm chí tăng trưởng âm. Hơn 200,000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, tính từ 2022 đến hết quí I-2023. Hơn 4 triệu người lao động thất nghiệp đã phải rút khoản tiền tiết kiệm BHXH cuối cùng trong 5 năm qua đã cho thấy cuộc khủng hoảng dân sinh diễn ra âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt.

 

Trong bối cảnh đó, người Mỹ đến với nụ cười trên môi và… rất nhiều tiền trên tay. Trước chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken, một phái đoàn gồm 50 tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ được dẫn đầu bởi cựu Đại sứ Ted Osius đã đến tìm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam từ ngày 21-24 Tháng Ba. Những cái tên như Boeing, Netflix, SpaceX… đem tới những tia sáng hy vọng cho nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn.

 

Một trong những sự kiện quan trọng trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Antony Blinken là dự lễ động thổ tòa Đại sứ quán mới tại Hà Nội, trị giá $1.2 tỷ Mỹ. Đây là tòa đại sứ đắt nhất của Hoa Kỳ và cũng là đắt nhất trên thế giới. Một điều khá thú vị là tòa Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ với qui mô và diện tích 3.2 hecta, nằm ở vị trí “kim cương” của thủ đô Hà Nội có thời gian thuê lên tới 99 năm nhưng không vấp ý kiến phản đối nào từ dân chúng giống như dự luật đặc khu kinh tế cách đây vài năm, hay đề xuất của bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng muốn Trung Quốc xây dựng thêm một tuyến đường sắt nội đô.

 

Bất luận thế nào, trong các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, thông điệp “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” là cụm từ được nhắc lại nhiều nhất. Nó cho thấy mối lo lắng hàng đầu của giới cai trị Việt Nam là bảo vệ thể chế trong khi có thể đón nhận tối đa lợi ích kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, quân sự từ Hoa Kỳ. Tất nhiên, người Mỹ thấu hiểu điều này. Hoa Kỳ hẳn đã có những bài học đắt giá với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế và một tầng lớp trung lưu lớn mạnh không phải là điều kiện cần và đủ cho quá trình chuyển đổi xã hội theo các giá trị phổ quát về Nhân quyền hay Dân chủ ở các quốc gia độc tài.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats