Sunday 23 April 2023

KHI CHÍNH TRỊ GIA NHÂN DANH GOD (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



Khi chính trị gia nhân danh God

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ

23 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/khi-chinh-tri-gia-nhan-danh-god/

 

Thứ Năm vừa qua, dự luật 1515 của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Phil King đã được Thượng viện bang Texas thông qua và chuyển tiếp tới Hạ viện. Dự luật này quy định các trường công lập ở Texas sẽ phải trưng bày Mười Điều Răn (Ten Commandments) trong mỗi lớp học từ năm học tới.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-539767472-1024x678.jpg

Một tấm bảng ghi Mười Điều Răn nằm trong khuôn viên của Texas Capitol ở Austin, Texas. (Ảnh: Robert Daemmrich Photography Inc/Corbis via Getty Images)

 

Đây là nỗ lực mới nhất của Đảng Cộng hòa Texas nhằm đưa Kitô giáo vào môi trường giáo dục. Thượng viện Texas cũng đã bật đèn xanh cho Dự luật 1396 của Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, Mayes Middleton, yêu cầu các trường dành thời gian cho học sinh và nhân viên đọc Kinh thánh Kito giáo và cầu nguyện. Phó Thống đốc Texas, Dan Patrick, cho biết trong một tuyên bố rằng cả hai dự luật là chiến thắng cho tự do tôn giáo ở Texas.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-53155895-1280x853.jpg

Thống đốc Texas Greg Abbott khi còn là Tổng Chưởng lý tham dự một cuộc họp báo chúc mừng quyết định của Tòa Tối cao Hoa Kỳ cho phép một tượng đài khắc Mười Điều Răn dựng bên ngoài Texas State Capito ngày 27 tháng 6 năm 2005 tại Austin, Texas. (Ảnh: Jana Birchum/Getty Images)

 

Tuy nhiên, đối với dư luận, những dự luật trốn dưới danh nghĩa “tự do tôn giáo” này là sự cưỡng ép tôn giáo. Đó là sự áp đặt Kito giáo lên những người có tôn giáo khác, hoặc không theo bất kỳ tín ngưỡng nào.

 

Dân biểu liên bang Joaquin Castro của Texas, một thành viên Đảng Dân chủ, đã tweet phản đối: “Các bạn Đảng Cộng hòa Texas thân mến: Tôi là một người Công giáo cả cuộc đời, nhưng tôi không muốn trẻ em bị buộc phải cầu nguyện trong các trường công lập. Người dân Texas không muốn con cái họ bị ép học Kinh Thánh ở trường công. Chúng ta có thể đến nhà thờ để học Mười Điều Răn, nếu đó là điều chúng ta muốn.”

 

.

Những đàn áp tôn giáo trong lịch sử

 

Nếu Đảng Cộng hòa Texas dành thời gian để đọc, hiểu nguồn gốc lịch sử của Tu chính Án Thứ nhất, thì họ có thể sẽ không đưa ra những dự luật vi hiến đến vậy. Vào thế kỷ XVII, đông đảo di dân từ châu Âu đến Bắc Mỹ, góp phần hình thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay, là những người đã từ chối thỏa hiệp theo tôn giáo, mà nhà nước chính thức hóa. Chính các cuộc đàn áp tôn giáo đã đẩy rất nhiều người chạy khỏi châu Âu đến các thuộc địa Bắc Mỹ của Anh để tìm tự do.

 

Từ thế kỷ XVI kéo dài trong suốt hơn ba thế kỷ, các nhóm tôn giáo chiếm đa số nắm quyền lực chính trị đã trừng phạt những người bất đồng chính kiến bằng vũ lực man rợ. Những người phản đối tôn giáo mà nhóm này chủ trương sẽ bị trừng phạt, thậm chí có thể bị xử tử. Ở một số khu vực châu Âu, người Công giáo bức hại người Tin lành và nhóm Tin lành bức hại người Công giáo. Còn ở những nơi khác, người Công giáo và người Tin lành lại bức hại những người theo tôn giáo khác.

 

Ví dụ, cuộc xung đột kéo dài hơn 30 năm giữa người Công giáo và Tin lành Huguenot ở Pháp bắt đầu từ năm 1562. Hệ quả là vô số tội ác với cuộc thảm sát kinh khủng nhất ở Paris, vào ngày 24 Tháng Tám năm 1572. Hàng ngàn người Tin lành Huguenot đã bị nhóm Công giáo La Mã tàn sát đẫm máu. Ước tính khoảng 400.000 người Tin lành đã phải chạy khỏi Pháp để di cư đến nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ.

 

Theo nhận xét chung của các sử gia, đàn áp tôn giáo thường đẫm máu, gây phẫn nộ, và rất khó để chữa lành sau nhiều thế kỷ. Chính vì nhận thức sâu sắc được bài học này mà các vị Lập quốc Hoa Kỳ đã dứt khoát tách biệt tôn giáo khỏi chính trị bằng cách bổ sung First Amendment (Tu chính Án Thứ nhất) vào Hiến pháp Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng…” Thomas Jefferson, tác giả chính của bản Tuyên ngôn Độc lập, tin rằng Hoa Kỳ phải thiết lập một “bức tường tách biệt” rõ rệt nhà nước và tôn giáo.

 

Tu Chính án Thứ nhất ngăn cấm các cuộc kiểm tra tôn giáo để giữ công vụ, cấm can thiệp vào việc tự do thực hành tôn giáo, và cấm thành lập một tôn giáo chung cho Hoa Kỳ. Những lệnh cấm này đã hoạt động tương đối tốt trong những thế kỷ qua. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã may mắn tránh được hầu hết các cuộc xung đột tôn giáo đã hoành hành ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới.

 

James Madison, được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp” vì vai trò then chốt trong việc soạn thảo và thúc đẩy Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, đã viết trong một lá thư phản đối việc sử dụng đất của chính phủ cho các nhà thờ năm 1803: “Mục đích của việc tách biệt nhà thờ và nhà nước là để ngăn chặn vĩnh viễn cuộc xung đột không ngừng đã tắm máu các vùng đất châu Âu trong nhiều thế kỷ.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/james.jpg

James Madison được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp” (Ảnh: Public Domain)

 

Hoa Kỳ là một vùng đất màu mỡ của nhiều tôn giáo khác nhau, với quyền tự do tôn giáo được Hiến pháp bảo vệ. Đối với nhiều người Mỹ, tôn giáo là một vấn đề cá nhân và phần lớn chọn thực hành tín ngưỡng theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm tín đồ nhân danh “tự do tôn giáo” để áp đặt tín ngưỡng của riêng họ, cụ thể Kito giáo, lên nhiều tập thể khác không cùng tôn giáo với họ. Hành động áp đặt này như cách Đảng Cộng hòa Texas đang thực hiện, không chỉ sai về mặt đạo đức, nhưng còn vi hiến.

 

Nhiều tổ chức phi chính phủ ủng hộ sự tách biệt tôn giáo và nhà nước đồng thanh khuyến cáo rằng họ sẽ kiện Texas lên Tối cao Pháp viện, nếu dự luật này được thông qua. Đảng Cộng hòa Texas sẽ nghĩ sao, nếu nhóm tín đồ Hồi giáo cũng yêu cầu Texas phải thông qua dự luật tương tự, yêu cầu trưng bày hình ảnh của Muhammad, hoặc đọc kinh Quran tại các trường học? Đảng Cộng hòa Texas nhân danh “tự do tôn giáo” để đưa ra những dự luật đi ngược thời đại và xâm phạm quyền tự do tối thiểu của những học sinh, hoặc giáo viên không phải là Kito giáo, hoặc không theo tín ngưỡng nào.

 

Nhà thiên văn học, đồng thời là nhà khoa học lỗi lạc của thế kỷ XX, Carl Sagan (1934 – 1996), đã viết trong cuốn sách kinh điển của mình về : “Kito giáo có thể tốt và những người theo đạo Satan có thể là xấu xa. Tuy nhiên, đối với Hiến pháp, cả hai đều ngang nhau. Đây là một khái niệm quan trọng, nhưng khó chấp nhận đối với nhiều nhân viên thực thi pháp luật. Họ được trả lương để duy trì bộ luật hình sự, chứ không phải Mười Điều Răn…Thực tế là quá nhiều kẻ cuồng tín đã nhân danh God, Jesus, và Mohammed làm điều ác và lạm dụng tình dục trẻ em nhiều hơn rất nhiều so với số tội phạm nhân danh Satan. Nhiều người không thích câu nói đó, nhưng rất ít người có thể phản biện lại.”

 

“Tự do tôn giáo” mà Đảng Cộng hòa đang theo đuổi có khác gì với việc thành lập một nhà nước thần quyền, áp đặt một tôn giáo cho toàn dân, như nhà nước ở Iran hoặc Afganistan? Việc các chính trị gia công khai ủng hộ một tôn giáo nào đó truyền tải thông điệp rằng tất cả những người không tuân theo tôn giáo này sẽ bị loại trừ. Trốn dưới danh nghĩa God và “tự do” để hợp thức hóa sự áp đặt cuồng tín đã bị châu Âu khai tử từ rất lâu. Tự do tôn giáo đúng nghĩa phải bao gồm sự tự do không bị ràng buộc bởi bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Thật kinh khủng khi chứng kiến Đảng cộng hòa khao khát tái thiết lập hệ thống đã gây ra các tội ác đẫm máu do xung đột tôn giáo, mà vô số người đi trước đã tìm cách trốn thoát.





No comments:

Post a Comment

View My Stats