Thursday 20 April 2023

CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ (Tạ Duy Anh)

 



Cái nước mình nó thế

Tạ Duy Anh

20/04/2023

https://baotiengdan.com/2023/04/20/cai-nuoc-minh-no-the/

 

Đành phải dùng lại câu của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, vì chưa tìm thấy cách diễn đạt nào đặc sắc hơn, trong trường hợp mà tôi sắp kể.

 

Hôm nay nhà phê bình Ngô Văn Giá đưa lại bài phê bình của ông về tiểu thuyết “Đất mồ côi” của tôi, với lời than vãn, nó không được đăng ở bất cứ tờ báo chính thống nào.

 

Sau đó tôi đọc được bài của nữ nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle nhân trường hợp ông Đặng Tiến mất, báo chí trong nước đưa tin rồi rút tin, trong đó tôi chú ý đến đoạn bà kể rằng bà luôn bị dọa cấm cho về nước, dù bà không làm gì liên quan đến chính trị, rằng bạn bè ở VN đều cố tình tránh mặt bà, vì họ ngại, hay vì sự phân biệt, hay vì lý do nào khác. Bà đưa ra ví dụ cụ về trường hợp của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng:

 

Trong khi đó anh Nguyễn Đức Tùng ở Canada về cùng đợt với tôi ra sách tưng bừng và chào đón ồn ào. Có một sự phân biệt không hề nhẹ.”

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/2-5.jpg

Ảnh: Nhà phê bình Ngô Văn Giá. Nguồn: FB nhân vật

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-38-1024x684.jpg

Nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle. Nguồn: Tạ Duy Anh

 

Đọc xong bài của hai người bạn văn thơ mà tôi quý mến, tôi bỗng chỉ biết thốt lên: “Cái nước mình nó thế”.

 

Về lời than vãn của nhà phê bình Văn Giá, tôi xin kể lại vài chuyện.

 

1- Nhân nói về nỗi e ngại của truyền thông, trước một số tác giả, tác phẩm

 

Thỉnh thoảng tôi nhận được tâm sự của một số sinh viên muốn làm luận văn về tác phẩm của tôi, đều được các giáo viên phụ trách, trong đó không ít người tôi quen biết, khuyến cáo rằng, làm về tác giả đó (TDA), luôn là một sự mạo hiểm và có thể phải trả giá!

 

Tôi thường trả lời các bạn đó, nội dung gần giống nhau và nó như sau:

 

Lời cảnh báo đó của các thầy cô là cần thiết, chứng tỏ các thầy cô rất trung thực và có lòng với cháu, (trừ những trường hợp gạt bỏ thẳng tay). Vấn đề là bản thân cháu có sợ phải mạo hiểm không? Nếu cháu thấy quả thực nó mạo hiểm, thì chú khuyên không nên chọn chú”.

 

Khi khuyên như vậy, tôi cũng rất thật lòng. Vì tôi nghĩ đến tương lai của họ nhiều hơn nghĩ về tác phẩm của mình.

 

Sau đó tôi thường không liên lạc lại, để biết cuối cùng các bạn sinh viên đó chọn gì, chọn “mạo hiểm” nhưng đúng ý mình, hay chọn an toàn theo ý người khác.

 

2- Nhân nhắc đến tiểu thuyết Đất mồ côi

 

Một cán bộ công tác ở Cục Xuất Bản đã về hưu, vì thế mà theo lời ông “Đ. có gì phải sợ nữa”, kể lại với đứa cháu tôi rằng, khi tiểu thuyết Đất mồ côi “bị phát hiện” là của Tạ Duy Anh, Cục Xuất Bản lập tức cho thẩm định gấp. Sau đó CXB gửi BA CÔNG VĂN liên tiếp lên Ban Tuyên Giáo, xin ý kiến xử lý. Cả ba công văn đều không có hồi âm. Thời điểm đó sắp Đại hội đảng, cán bộ Ban lấy lý do bận chuẩn bị tài liệu. Nhưng thực chất họ rất thông minh. Họ không thể chỉ vì bị hút sự chú ý đến một cuốn sách “bé tí” mà dư luận sao nhãng một “sự kiện cực lớn”.

 

CXB sau đó, như thường lệ, để yên cho Đất mồ côi lưu hành nhưng LỆNH MIỆNG không cho tái bản!

 

Nhiều người trong cuộc “khen” tác giả cáo già, biết chọn đúng thời điểm để cho ra đời tác phẩm chế độ rất khó nuốt mà không bị cấm!

 

3- Nhân nói chuyện sách bị cấm

 

Một phê bình gia suy diễn rằng, dường như tác giả và những người hâm mộ, quý mến tác giả, có tâm lý “chờ” Đất mồ côi bị cấm? Ông còn dùng từ rất hay, rằng cuốn A., cuốn B. không đáng “được” cấm nhưng cuối cùng đã “được” cấm. Có vẻ như với nhà phê bình nọ, cấm sách của ai đó, là món quà lớn chính quyền tặng không cho anh chị ta.

 

Thôi thì ai cũng có quyền nghĩ theo ý họ. Hôm nay tôi sẽ nói về sự thiệt thòi to lớn của bất cứ cuốn sách nào đó bị cấm. Việc nó thu hút mối quan tâm của dư luận, là có thật. Nhưng khi tác phẩm bị cấm, những quyền lợi của tác giả cũng coi như dừng lại. Sách có thể vẫn bị in lậu gấp nhiều lần, nhưng tác giả chỉ đứng nhìn, mà hoàn toàn bất lực.

 

Tôi nhớ có lần, một người buôn sách mang cả chồng tiểu thuyết “Mối chúa” bản nhái đến xin chữ kí tác giả! Tôi đã định không kí. Nhưng ông buôn sách nằn nì bảo rằng bạn đọc rất thiết tha có chữ kí của tác giả, mà cuốn sách bị cấm, nên đành phải làm bản nhái, chứ họ không muốn thế. Trong số những người nhờ xin chữ kí, có tới 7 đồng chí công an đang làm việc tại Thành phố HCM.

 

Đến mức ấy thì thật khó từ chối. Cuối cùng tôi đành viết vào mỗi cuốn sách câu: “TÔI XÁC NHẬN ĐÂY LÀ BẢN NHÁI” rồi kí tên mình bên dưới.

 

Cho đến hiện tại, tiểu thuyết Mối chúa có tới hơn 4 phiên bản nhái. Tôi vẫn miễn cưỡng kí tên mình vào các bản nhái ấy. Và tác giả bị trách móc không ít và đa phần là không hề nhẹ nhàng rằng, một người như ông sao để nhiều “lỗi đến thế” mà vẫn cho in?

 

Là bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn chả thể làm gì. Vì sách của bạn bị cấm.

 

Nhưng đó chưa phải là nỗi đau lớn nhất của tác giả. Một cuốn sách bị cấm, cũng tức là nó bị bóp méo vô tội vạ một cách hồn nhiên, từ phía bạn đọc. Hầu như họ vồ lấy sách, chỉ để lướt tìm xem vì sao nó lại bị cấm. Họ đọc đấy mà hầu như là chưa đọc.

 

Về lời trách cứ của nữ thi sỹ Quỳnh Iris de Prell, tôi chỉ nói nhỏ với bạn tôi thế này (và mong nhà thơ Nguyễn Đức Tùng rộng lòng thể tất): Tôi đang sống trong nước, chả dính gì đến Văn Việt, đã có tới 30 đầu sách, có tác phẩm giảng dạy chính thức trong nhà trường hơn 20 năm nay, nhưng 15 năm trở lại đây đừng hòng tôi mong có, dù CHỈ MỘT cuộc ra mắt sách, chứ nói gì đến chuyện tưng bừng, như thi sỹ Nguyễn Đức Tùng vừa làm được. Mà những hai cuộc nhé. Chỉ cần tôi hoặc nhà sách nào đó có “ý định”, nó đã lập tức bị ngăn cấm bằng vô vàn cách tinh vi, như từng xảy ra với cuốn sách hiền lành nhất của tôi tên là “Làng quê đang biến mất” gần chục năm trước.

 

Bạn Quỳnh Iris de Prell và bạn Văn Giá thân mến!

 

Cái nước mình nó thế! Chưa khi nào tôi buồn rầu về điều đó. Nhưng tôi biết rằng, để giết chết một cuốn sách, khi nó có đủ sức mạnh để tồn tại, chưa thế lực hùng mạnh nào trên thế gian này làm được.

 

 

98 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats