Tuesday 11 April 2023

ĐẢNG TẠO "CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT" THẾ NÀO CHO TRÍ THỨC PHÁT TRIỂN? (PGS, TS Phạm Quý Thọ)

 



Đảng tạo “cơ chế, chính sách đặc biệt” thế nào cho trí thức phát triển?

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.04.10

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-is-the-party-policy-for-intellectuals-04102023134814.html

 

Một chính sách “đặc biệt” cho trí thức, trước hết đòi hỏi Đảng cần “đột phá” quan niệm về tự do để cải cách thể chế, xây dựng và thực thi chính sách. Tự do là điều mấu chốt để trí thức sáng tạo và phát triển.

 

Ngày 7/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chuẩn bị đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 năm 2008 của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", trong đó đánh giá sau 15 năm thực hiện chính sách này đã không còn phù hợp, lạc hậu trước tình hình đã thay đổi nhanh và cho rằng cần thiết có “cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa.” Lần này liệu Đảng có “đột phá” chính sách cho trí thức tự do sáng tạo và phản biện?

 

Bài viết này nhấn mạnh rằng tự do sẽ kích thích kiến thức và sáng tạo, dẫn đến tăng trưởng kinh tế; lý giải điều gì khiến Đảng - Nhà nước “lo ngại” mở rộng tự do cho tri thức phát triển; và một khi thay đổi quan niệm về tự do để cải cách thì một cơ chế cho trí thức phản biện chính sách là có thể.

 

Tự do kích thích kiến thức và sáng tạo, dẫn đến tăng trưởng kinh tế

 

Điều gì thực sự dẫn đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của một quốc gia? Nhìn bề ngoài có vẻ như là tiền bạc hay tài nguyên, nhưng thực ra đó là tri thức. Điều này được minh chứng hiển nhiên trong lịch sử tiến hoá của con người và sự phát triển của mỗi quốc gia. Thực tế đã chỉ ra nhiều quốc gia có tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay nhiều tiền nhưng nếu thiếu tri thức cần thiết cũng không thể phát triển bền vững. Kiến thức ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với sự thịnh vượng.

 

Kiến thức mới, như sự khám phá ra thuốc kháng sinh, các loại vắc-xin ngăn ngừa thảm hoạ chết chóc từ các đại dịch như COVID -19 vừa qua, hoặc những thuật toán mới đã dẫn đến những công cụ tìm kiếm, trí tuệ nhân tạo cho ChatGPT thông minh luôn đến như một sự ngạc nhiên. Những điều ngạc nhiên này là sự đột phá bởi vì chúng không thể được đoán định trước. Những sản phẩm mới được đưa ra dường như không biết từ đâu, đột nhiên, chúng ta có những sản phẩm kỳ diệu, những chiếc xe ô tô tự lái, rô bốt hay mạng 6G... Dĩ nhiên, những sản phẩm này không phải tự nhiên mà có, chúng là sự tổng hợp của những kiến thức đã được tích lũy dẫn đến những phát minh này, những ngạc nhiên này. Kiến thức mới, những phát minh, các giải pháp hữu ích không chỉ dẫn đến những sản phẩm mới, hữu hình và có giá trị được hình thành mà còn có thể là vật thể vô hình như như ý tưởng, lý thuyết khoa học, tác phẩm âm nhạc hoặc trò chơi, tác phẩm văn học, tranh vẽ… và cả những công ty mới, những nền công nghiệp mới. Chúng tạo ra của cải, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế và, cuối cùng, là thịnh vượng.

 

Tuy nhiên, ý nghĩa hiện đại của nó như một hành động sáng tạo của con người chỉ xuất hiện từ thời kỳ Khai sáng. Đây là một phong trào tự do cho trí tuệ và triết học trong thế kỷ 17 và 18, thống trị ở Châu Âu, nhưng ảnh hưởng và tác động toàn cầu. Khai sáng bao gồm một loạt các ý tưởng tập trung vào giá trị hạnh phúc của con người, theo đuổi tri thức thu được bằng lý trí và bằng chứng của các giác quan, và các lý tưởng như luật tự nhiên, tự do, tiến bộ, khoan dung, tình huynh đệ, chính phủ hợp hiến, và tách biệt nhà thờ và nhà nước… Các triết gia, các nhà tư tưởng luôn khẳng định “không có chút nghi ngờ rằng, tự do tạo được trong xã hội hiện nay không tách rời khỏi lối tư duy của những con người khai sáng.”

 

Môi trường tự do thời Khai sáng đã thúc đẩy “đột phá” về kiến thức, sự khám phá, sáng tạo của con người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đó thúc đẩy xã hội, quốc gia “đột phá” đến thịnh vượng. Từ những phát minh “đơn lẻ” về khoa học, công nghệ, ví dụ như sự khám phá lý thuyết về hệ thống nhị phân của Gottfried W. Leibniz (1646-1716) vẫn có ý nghĩa quan trọng cho các nghiên cứu sau này về phần mềm và hiệu ứng lan toả sang các phát minh về phần cứng của máy tính đang được dùng phổ biến hiện nay. Những khám phá trong lĩnh vực kinh tế và thể chế của thời kỳ này cũng vẫn đang là nền tảng không thể thiếu cho khoa học kinh tế chính trị đương đại. Chẳng hạn, nền kinh tế thị trường gắn liền với nhà tư tưởng kinh tế Adam Smith (1723-1790). Ông là người đầu tiên khám phá cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường, khái quát hóa lý thuyết về sự tương tác tự do giữa cung và cầu, tổng quát hóa phương pháp phân công lao động để áp dụng trong nền sản xuất hàng loạt, đòi hỏi tự do thương mại toàn cầu để nâng đều phồn vinh cho mọi quốc gia, kể cả những nơi mà trước đó người dân chưa hề được dự phần vào phồn vinh. Sau nữa, nền kinh tế thị trường đòi hỏi thể chế chính trị tương ứng, và sự khám phá các mô hình thể chế dân chủ phổ quát và đặc thù cho mỗi quốc gia đã thu hút đông đảo các nhà tư tưởng của thời kỳ Khai sáng, trong đó điển hình như nhà triết học chính trị người Pháp, Nam tước de La Brède et de Montesquieu(1689-1755) với tác phẩm chính Tinh thần pháp luật (1748). Ông có đóng góp lớn cho lý thuyết chính trị khi cho rằng “khi con người có quyền lực trong tay, họ luôn luôn bị thôi thúc đến việc lạm dụng quyền lực“ và đề xuất sự phân quyền để giới hạn sự lạm dụng quyền lực dẫn đến tha hoá bộ máy, các chính trị gia và quan chức nhà nước…

 

Những khám phá kỳ diệu như vậy từ hơn 200 năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị để vận dụng hiệu quả đối với các quốc gia để phát triển thịnh vượng. Thực tế chỉ ra không ít các quốc gia đã áp dụng chọn lọc và phù hợp tư tưởng tự do của thời kỳ khai sáng dẫn đến thành công, rút ngắn thời gian gấp nhiều lần để đưa xã hội đến phồn vinh, đất nước thịnh vượng và người dân được tự do “mưu cầu” hạnh phúc. Ở châu Á chẳng hạn, nước Nhật dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tennō) sau chính sách canh tân từ thập niên 1870 gắn liền với triết lý khai sáng và sự nghiệp chính trị của Fukuzawa Yukichi đã đưa một quốc gia phong kiến lạc hậu phát triển thành cường quốc kinh tế hiện đại. Trong thời gian này triều đình nhà Nguyễn Việt Nam đang còn bế quan tỏa cảng! Đối với những “con rồng châu Á” như Singapore, Hàn Quốc, từ cuối những năm 1960 cũng đã vận dụng thành công tư tưởng khai sáng vào điều kiện cụ thể để thay đổi quốc gia nghèo nàn trở nên giàu có trong vòng vài thế hệ…

 

Trái lại, các chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo, ra đời bởi cách mạng bạo lực, lại phủ nhận chủ nghĩa tư bản, đã “bỏ qua” những khám phá về tư tưởng, nguyên lý phát triển của nó thông qua thị trường, áp đặt công cụ kế hoạch hoá tập trung cho toàn bộ nền kinh tế. Và, hệ quả như mọi người chứng kiến, là sự sụp đổ hoàn toàn mô hình Xô - Viết. Bởi vậy, ở đây bài học đắt giá lớn nhất: chế độ toàn trị là kiểu mô hình duy ý chí hạn chế tự do kiềm chế phát triển.

 

Tóm lại, trong cơ chế hoạt động của tri thức, sự khám phá, sáng tạo có liên quan trực tiếp đến môi trường thể chế: Nhiều tự do hơn, nhiều tri thức hơn, nhiều phát minh hơn. Và nhiều phát minh hơn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năng động, bền vững hơn để dẫn đến xã hội thịnh vượng và, ngược lại. Nhận thức rõ cơ chế này và để tránh sụp đổ, Đảng Cộng sản đã buộc phải tiến hành cải cách thể chế, tuy nhiên sự níu kéo ý thức hệ vẫn khiến Đảng lo ngại “tự do”.

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do






No comments:

Post a Comment

View My Stats