Monday, 24 October 2022

VỀ "TRÍ TUỆ NÔNG DÂN" CỦA ÔNG NGUYỄN HỮU LIÊM (Tuấn Khanh & Mạnh Kim)

 



Về “trí tuệ nông dân” của ông Nguyễn Hữu Liêm

Tuấn Khanh & Mạnh Kim
24 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/ve-tri-tue-nong-dan-cua-nguyen-huu-liem/

 

Trong một bài tường trình về buổi họp của nhóm Việt kiều yêu nước tại Mỹ – tạm gọi là vậy – tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm có tóm tắt vài chi tiết về sự phân hóa của lực lượng có lòng với chính quyền Việt Nam hiện nay, và một vài ý kiến của ông về tương lai Việt Nam với người Việt ra đi vì bất đồng chính kiến. Tưởng cũng nên nhắc lại vài suy nghĩ ở đây.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/1-50.jpg

Ông Nguyễn Hữu Liêm (MXH)

 

Trong cuộc trò chuyện hôm đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm có nhắc đến một nhân sĩ trí thức không rõ tên, gọi kiểu tư duy của những người lãnh đạo hiện nay của Việt Nam là “trí tuệ nông dân”. Dựa trên khái niệm này, ông Liêm cho là tên gọi này “công bằng” khi để xảy ra rất nhiều quyết sách gọi là sai lầm của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Ông Liêm cũng khẳng định rằng hôm nay, những suy nghĩ như vậy đã mất đi và chính quyền Việt Nam đã vượt thoát và vươn lên.

 

Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy rằng bản thân Đảng CSVN đang vươn thoát khỏi những sai lầm chính sách của trí tuệ nông dân. Cùng lúc, ngôn ngữ và tinh thần của Nghị quyết 36 vẫn còn là một tác phẩm dung chứa tư duy của tầm mức trí tuệ nông dân đó”, ông Liêm viết, và khuyến nghị Đảng cộng sản Việt Nam nên có một nghị quyết khác hay hơn, hiệu quả hơn.

 

Trên thực tế, không có một minh chứng nào cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn tiến hóa từ trí tuệ nông dân đến một trí tuệ văn minh như ngày hôm nay, như được nhận định. Bản chất của tất cả mọi quyết sách Hà Nội đều nằm ở trong một tình trạng ngày càng được tinh vi hóa hơn trước bối cảnh thế giới đang đổi thay, cũng như dù phân hóa, nhưng cộng đồng người Việt ngoài Việt Nam, vẫn là một thế lực lớn, bao gồm sự khác biệt tri thức, kinh tế, chính trị.

 

Mềm dẻo và tinh vi hơn là cách bảo đảm cho sự sống còn. Sẽ khó có ai chứng minh được chuyến đi của ông Nguyễn Văn Linh tới hội nghị Thành Đô là một việc làm của trí tuệ nông dân hay tư duy xảo diệu? Đảng cộng sản Việt Nam đủ thông minh và tinh vi một cách láu cá từ những ngày đầu để làm tất cả mọi thứ dựa trên sự sống của mình, để có được quyền lực của mình.

 

Ai có thể nói cuộc Cải cách ruộng đất của Đảng cộng sản Việt Nam ở miền Bắc là “trí tuệ nông dân”, mà tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm gọi là “độc ác”, với thể thức dùng bạo lực quốc hữu hóa tài sản công dân, mượn giá trị giai cấp để chia rẽ? Và chính “trí tuệ nông dân” đó đủ khôn khéo để dừng lại khi người chết khắp nơi, sự phẫn nộ như bão dậy trong lòng dân chúng, và cả việc vị lãnh đạo cầm khăn lau nước mắt. Sau những hành động bị đánh giá thấp, những người lãnh đạo đủ khôn khéo lọc lừa để chưa bao giờ nói lại, hay xin lỗi những người chết oan cho chủ trương, chẳng hạn như nạn nhân Nguyễn Thị Năm.

 

Gọi “trí tuệ nông dân”, hay bằng lòng với cách gọi đó, có thể là sự bộc phát ngao ngán tạm thời, nhưng nếu dùng như một mệnh đề biện giải, là cách làm mềm đi thủ đoạn và tư duy độc tài xuyên suốt của Đảng cộng sản Việt Nam. Cách mô tả của ông Nguyễn Hữu Liêm về cộng sản Việt Nam hôm nay đã “vươn lên, văn minh” hơn, chỉ là một cái nhìn hết sức kém cỏi so với thực tế. Nó chỉ bày ra ước mơ muốn được đóng góp tư duy cho một hệ thống cầm quyền Việt Nam hôm nay, bỏ mặc những con số tù nhân chính trị từ nổi tiếng đến những người dân bình thường đang bị giam hãm, bị đặt những mức án mơ hồ, nhân danh luật pháp “văn minh” của Hà Nội.

 

Nhưng không chắc là Hà Nội sẽ cần những ý kiến chính thức như vậy, ngoại trừ nó được dùng như một mặt trận truyền thông về một lớp trí thức hải ngoại đang hạ giọng và dịu dàng hơn với Cộng sản. Bởi những diễn văn báo cáo hàng năm của những Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hay Hội Việt kiều yêu nước suốt gần nửa thế kỷ không nói gì về những đối kháng cụ thể của người Việt hải ngoại, chỉ nhấn mạnh về “đóng góp” và tấm lòng “hướng về tổ quốc” – mà trong đó ngụy biện rõ Tổ quốc là đảng Cộng sản.

 

Và chính bản thân ông Liêm cũng phải mượn website của BBC để bày tỏ thiện chí của mình, kêu gọi phải thay đổi Nghị quyết 36 và có cái nhìn khác về Việt kiều. Buồn thay, chính BBC cũng là nơi bị dựng tường lửa để người dân trong nước khó khăn khi ghé qua.

 

Một số trí thức hải ngoại có khả năng, tự cho là mình biết nhìn thời thế và lên tiếng muốn đóng góp với nhà cầm quyền Việt Nam, đôi khi lại chính là một kiểu trí tuệ nông dân, hay thể hiện tấm lòng nông dân khi mong rằng sẽ thay đổi được con đường nhiều mặt của Hà Nội. Chắc chắn Hà Nội không “nông dân” khi chạy mọi cách để vào WTO, để có được EVFTA, để có chân trong Liên Hợp Quốc và tăng tính chính danh khi lấy chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hà Nội làm mọi thứ để trườn ra mặt bằng của thế giới phương Tây, nhưng không quên đàn áp tàn nhẫn con người Việt Nam khác biệt chính kiến từ ngoài xã hội cho đến trong nhà tù.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm chắc đã quên sau 1975, chính sách ngăn chặn lương thực, cướp tài sản, đổi tiền, cấm mua bán nhằm xiết miền Nam kiệt quệ không còn sức phản kháng trong ba năm, chắc chắn không phải trí tuệ nông dân tầm thường. Nguyễn Hữu Liêm quên mất rằng vị lãnh đạo Tây học, ông Phạm Văn Đồng khi đối đáp trực tiếp tiếng Pháp với phóng viên ở Paris vào Tháng Tư 1977, về lý do cầm tù hàng triệu người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã nói rằng “chúng không có quyền con người”. Nông dân không thể nói như vậy. Đó chỉ là ngôn từ hận thù độc ác vô lương tri của kẻ cầm quyền có học. Và Hà Nội cũng vượt qua những suy nghĩ nông dân để tránh nói, hay xin lỗi về những điều này.

 

Thật ra, những người rời quê hương ra đi, ai cũng mang theo tấm lòng nguồn cội. Ai cũng khao khát muốn đất nước đổi thay, muốn có nhà cầm quyền tốt hơn cho một mai quê hương tươi sáng. Nhưng việc quay lại và chấp nhận việc dễ dàng hòa hợp hòa giải – có lẽ cho riêng một số người – nhưng bỏ mặc lịch sử ngổn ngang và nỗi đau của những người sống còn, thì cũng là một loại trí tuệ nông dân, chứ không phải của người trí thức đúng nghĩa biết xót xa với dân tộc nói chung. Thật khó mà xuề xòa với máu xương. Cuộc ra đi tìm tự do và không cúi đầu vì nhân phẩm của nhà tiên tri Moses trong lịch sử, ắt đôi khi cũng cần được nhắc lại như một bài học.

_____________________

LIÊN QUAN

 

Về bài của ông Nguyễn Hữu Liêm: Việt Kiều và Nhà nước VN

 

Ngày 19-10-2022 trang Tiếng Dân có đăng lại một bài viết từ BBC của một người ký tên TS Nguyễn Hữu Liêm, gửi từ San José, Hoa kỳ, với tựa đề: Việt Kiều và Nhà nước VN: ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36. Cũng bài đó lại được đăng bởi tờ báo mạng Boxitvn dưới tựa đề: “Logic thương tích gặp trí tuệ nông dân: đánh giá nghị quyết 36 về người Việt ở nước ngoài” (1).

 

.

TS Nguyễn Hữu Liêm, một loại Việt kiều

Thục-Quyên, BS Nha khoa

23/10/2022

https://baotiengdan.com/2022/10/23/ts-nguyen-huu-liem-mot-loai-viet-kieu/

.

Cảm nghĩ về bài viết “Việt Kiều và Nhà nước Việt Nam…” của TS Nguyễn Hữu Liêm  

Nguyễn Tiến Cường

21-10-2022

https://baotiengdan.com/2022/10/21/cam-nghi-ve-bai-viet-viet-kieu-va-nha-nuoc-viet-nam-cua-ts-nguyen-huu-liem/





No comments:

Post a Comment

View My Stats