Monday 31 October 2022

ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT - MỸ 2022 SẮP DIỄN RA TRONG BỐI CẢNH THÀNH TÍCH NHÂN QUYỀN TỒI TỆ CỦA HÀ NỘI (RFA)

 



Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ 2022 sắp diễn ra trong bối cảnh thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội

RFA

2022.10.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-us-human-rights-dialogue-2022-10312022085455.html

 

Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 26 sẽ diễn ra vào ngày 2/11 tới đây ở Hà Nội. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức thông báo về hoạt động này vào ngày 31/10.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-us-human-rights-dialogue-2022-10312022085455.html/@@images/d009e217-c6c2-4191-afda-ebbee3d1cc25.jpeg

Giới chức ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ trong một lần đối thoại ở Hà Nội trước đây, ảnh minh họa.  AFP

 

Phái đoàn Mỹ đến Hà Nội tham gia đối thoại lần này được cho biết do bà Erin Barclay, quan chức cấp cao Văn phòng Dân chủ, Nhân Quyền & Lao Động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn đầu. Đoàn còn có Đại sứ Lưu động đặc trách vấn đề tự do tôn giáo quốc tế Rashad Hussain; Đặc sứ về Bình đẳng chủng tộc & Công lý Desireé Cormier Smith; Cố vấn cấp cao thuộc Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền & Lao động phụ trách Chiến lược & Quyền Người bản địa Michael Orona; và Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á thuộc Đông Á- Thái Bình Dương Sự vụ Robert Ogburn.

 

Phía đoàn Việt Nam do ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu đoàn.

Các vấn đề sẽ được thảo luận tại Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 26 ở Hà Nội được nêu rõ bao quát các chủ điểm liên quan quyền con người và quyền lao động; trong đó có các quyền tự do biểu đạt, hội họp; tự do tôn giáo-tín ngưỡng; vấn đề pháp trị và cải cách tư pháp; quyền của những thành phần dân chúng bị đứng bên lề xã hội, trong đó có các nhóm dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBTQI+, người khuyết tật, cũng như những trường hợp cá nhân được quan tâm.

 

Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ có những cuộc thảo luận với giới chức Chính phủ và thành viên xã hội dân sự tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ diễn ra vào khi thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị các tổ chức quốc tế chuyên giám sát lĩnh vực này cho rằng ngày càng tồi tệ.

 

Vào tháng 10/2020, ngay sau Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 24, Hà Nội cho bắt nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và đến tháng 12/2021 kết án bà chín năm tù giam. Phiên xử bà Trang diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà và cho phép mọi cá nhân tại nước này được bày tỏ quan điểm mà không bị trả thù.

 

Mới vào ngày 25/10, Tòa án tỉnh Tuyên Quang kết án nhà báo tự do Lê Mạnh Hà tám năm tù giam và năm năm quản chế theo cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Đây là một trong những điều luật của Việt Nam bị quốc tế cho là mơ hồ và tùy tiện nhằm bóp nghẹt những tiếng nói đối lập, những nhà hoạt động vì quyền con người…

 

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam kết án ít nhất sáu nhà hoạt động và Facebookers với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” với mức án từ năm năm đến tám năm tù giam, nâng tổng số tù nhân lương tâm bị kết án theo tội danh này lên 49 bên cạnh 12 người đang còn bị giam giữ trong thời gian điều tra.

.

=========================

.

.

Hoa Kỳ, Việt Nam đối thoại về nhân quyền ở Hà Nội vào ngày 2/1

VOA Tiếng Việt

31/10/2022

https://www.voatiengviet.com/a/6812847.html

 

Đối thoại Nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 26 sẽ được tổ chức vào ngày 2/11 tại Hà Nội.

 

https://gdb.voanews.com/C6ECC219-A9FB-4CED-80EF-48CE93BB28B2_w1023_r1_s.jpg

Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2022 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 2/11/2022

 

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quan chức cấp cao của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Hoa Kỳ, bà Erin Barclay, và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Đỗ Hùng Việt, sẽ là trưởng đoàn của hai bên trong cuộc đối thoại.

 

Trong phái đoàn Hoa Kỳ tới Việt Nam còn bao gồm Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain, Đại diện Đặc biệt về Công lý và Công bằng chủng tộc Desirée Cormier Smith, Cố vấn Cấp cao về Chiến lược và Quyền Bản địa Michael Orona thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đông Nam Á lục địa Robert Ogburn thuộc Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay sẽ đề cập một loạt vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm quyền tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, pháp quyền và cải cách luật pháp, quyền của các thành viên thuộc các nhóm dân số bị thiệt thòi, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người thuộc cộng đồng LGBTQI+ và người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm.

 

Phái đoàn Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ và thành viên của xã hội dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

“Thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động hợp tác của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói, đồng thời khẳng định sẽ giữ cam kết “tiếp tục các cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả với chính phủ Việt Nam về các vấn đề này”.

 

Đây là đợt đối thoại nhân quyền đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam sau khi Việt Nam đắc cử tư cách thành viên Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11/10.

 

Hôm 14/11, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel J. Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã chúc mừng Việt Nam về thành công này và bày tỏ hy vọng hai nước sẽ phối hợp trong việc thúc đẩy nhân quyền trong thời gian tới.

 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông và các quan chức Việt Nam đã có những cuộc thảo luận “thẳng thắn” và “tôn trọng lẫn nhau” về nhân quyền trước cuộc đối thoại giữa hai bên vào đầu tháng 11.

 

VIDEO :

Việt-Mỹ sắp đối thoại nhân quyền lần thứ 26 | VOA Tiếng Việt

https://www.youtube.com/watch?v=SUz8Pb_2hts

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats