Vì
sao hai từ “v” và “na” khiến Ukraina và Nga khó đội trời chung?
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 30/10/2022 - 20:24
Cuộc
chiến của người Ukraina chống xâm lăng Nga, từ 8 tháng nay, trên chiến trường
thu hút gần như mọi sự chú ý. Tuy nhiên, còn có một cuộc chiến thầm lặng khác của
người Ukraina chống tham vọng đế quốc của Nga về mặt văn hóa. Vũ khí là tri thức,
là các hiểu biết về ngôn ngữ, cho phép khẳng định nền độc lập của Ukraina.
https://s.rfi.fr/media/display/2307b1fa-5887-11ed-8248-005056a90284/w:1024/p:16x9/v_et_na.webp
Ảnh minh họa. ‘‘Na Ukraina hay v Ukraina
?’’: Phủ nhận hay thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ? (nguyên
văn tiếng Nga trong hình : На Украинy hay в Украинy) © copy d'ecran từ
Gazeta.ru
Từ khi
chính quyền Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraina, tại quốc gia
Liên Xô cũ này đã dấy lên một phong trào học tiếng Ukraina rộng rãi, ngừng phổ
biến các ấn phẩm bằng tiếng Nga, bị nghi ngờ chuyển tải các tư tưởng đế quốc,
phương tiện cho phép chính quyền Putin áp đặt một “Thế Giới Nga” (pусский мир).
‘‘Thế giới
Nga’’ không hẳn là một thế giới với các địa giới được xác định rõ như các vùng
lãnh thổ có chủ quyền. ‘‘Thế giới Nga’’ trước hết là cái nhìn của những người lấy
nước Nga làm trung tâm, có nghĩa là cái nhìn của nước Nga đế quốc, nước Nga
đương đại tự coi là kế thừa truyền thống Liên Xô và đế chế của các Sa hoàng.
.
Tiếng Nga, phương tiện tinh vi chuyển tải lập
trường đế quốc
Tiếng Nga,
ngôn ngữ Nga chính là phương tiện giúp chuyển tải lập trường của nước Nga đế quốc.
Chuyên gia về vùng Nội Á (Asia intérieur), nhà nhân chủng học ngôn ngữ Kathryn
E. Graber có một khảo cứu thú vị về chủ đề hai giới từ chỉ vị trí, địa điểm
trong tiếng Nga : ‘‘B’’ và ‘‘HA’’, với mục tiêu làm nổi bật xung đột sâu
xa và cốt lõi này.
Vì sao hai
giới từ “v” và “na” lại khiến Ukraina và Nga khó đội trời chung ?
‘‘B’’ -
hay v (theo cách đọc Latinh) - có nghĩa là ‘‘TRONG’’. ‘‘HA’’ - hay na - có
nghĩa là ‘‘TRÊN’’. ‘‘Trong’’ hay ‘‘trên’’, nếu chỉ là các giới từ chỉ địa điểm,
thì hoàn toàn không có ý nghĩa kỳ thị phân biệt. Tuy nhiên để nói về một vùng đất
thì lại hoàn toàn khác.
Có thể
nói, khi được sử dụng để nói về một vùng đất, v và na là hai từ ngữ biểu lộ rõ
rệt sự đối kháng giữa tinh thần độc lập của Ukraina và tham vọng thống trị của
các thế lực mang tư tưởng đế quốc Đại Nga.
.
Chữ ‘‘na’’ vô hại, chữ ‘‘na’’ kỳ thị
Bài viết
trên trang mạng The Conversation ‘‘It’s
‘Ukraine,’ not ‘the Ukraine’ – here’s why’’ đăng tải ngày 09/03/2022
(tức ít ngày sau khi Nga khởi động chiến tranh), đã nêu bật sự đối lập giữa hai
cách sử dụng này như sau:
“Các giáo
viên dạy tiếng Nga thường giải thích sự khác biệt giữa “na” và “v” tương ứng với
‘‘on’’ và ‘‘in’’ (trong tiếng Anh). Một người đặt nước sốt cà chua trên bàn
(trên = ‘‘na’’) và đặt nó vào bên trong của tủ lạnh (trong = ‘‘v’’). Mọi thứ trở
nên phức tạp hơn một chút khi mô tả một không gian lớn hơn. Trong tiếng Nga,
khi nói một người ‘‘trên’’ (“na”) một vùng đất, có nghĩa vùng đất này không bị
giới hạn, chẳng hạn như một ngọn đồi, nhưng nếu sử dụng giới từ “v”, thì đó là
một lãnh thổ có giới hạn được xác định, về mặt chính trị hoặc thể chế, chẳng hạn
như một quốc gia’’.
Theo cách
hiểu như vậy, gọi ‘‘na Ukraina’’ (на Украине) đồng nghĩa với việc
không thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Ukraina, không thừa nhận Ukraina như một
nhà nước có biên giới, có chủ quyền. Cách diễn đạt ‘‘na Ukraina’’ càng mang nặng
ý nghĩa kỳ thị, nếu ta biết từ Ukraina còn có nghĩa là ‘‘vùng biên địa’’, vùng
ngoại vi. ‘‘Na Ukraina’’ có nghĩa là ở một vùng đất bên lề, một vùng ngoại ô. Một
cách gọi hàm chứa sự coi thường, rẻ rúng.
Năm 1993,
chính quyền Ukraina – khi vừa khẳng định nền độc lập được hai năm – đã yêu cầu
chính quyền Nga chính thức từ bỏ cách dùng phổ biến lâu đời ‘‘na Ukraina’’ (có
từ thời Ukraina còn thuộc đế quốc Nga), để thay bằng ‘‘v Ukraina’’ (в Украине)
như với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nay đã độc lập với Nga. Tuy nhiên,
chính quyền Nga đã không từ bỏ cách diễn đạt này.
.
‘‘Na Ukraina’’ : Bài diễn văn phủ nhận
Ukraina có chủ quyền
Tổng thống
Nga trong bài diễn văn dài hơn 60 phút ngày 21/02/2022, chuẩn bị cho việc phát
động chiến dịch quân sự chống Ukraina, ngay câu đầu tiên đã tiếp tục sử dụng
cách diễn đạt lâu đời từ thời Ukraina thuộc về đế quốc Nga, mang đầy tính khinh
thị, phủ nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, vốn đã được chính
Nga và cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1991 (‘‘Тема моего выступления –
события на Украине и то, почему это так важно для нас, для
России. Конечно, моё обращение адресовано и нашим соотечественникам на
Украине’’ – hai câu đầu trong diễn văn của ông Putin).
Cùng với
các lập luận chính trị, tâm linh, lịch sử…, mà tổng thống Nga đưa ra để phủ nhận
nền độc lập của Ukraina, việc ông Putin tiếp tục sử dụng diễn đạt ‘‘на
Украине’’ cho thấy lãnh đạo Nga coi chủ quyền quốc gia của Ukraina chỉ là một
‘‘câu chuyện tưởng tượng’’ (historical fiction). Nhà nhân chủng học ngôn ngữ
Kathryn E. Graber cũng vạch trần việc chính quyền Nga khi chuyển dịch văn bản của
ông Putin ra tiếng Anh đã phần nào che lấp tham vọng đế quốc này. Thay vì dịch
‘‘на Украине’’ thành ‘‘in the Ukraine’’, người dịch đã chuyển thành ‘‘in
Ukraine’’. Bài diễn văn của ông Putin dường như trước hết hướng đến công chúng
Nga và Ukraina nói tiếng Nga, để thuyết phục họ rằng nhà nước Ukraina hiện đại
chỉ là sản phẩm của nước Nga cộng sản (khi Ukraina được khẳng định như một nước
cộng hòa thành viên của Liên Xô).
.
Huy động các nhà ngữ văn bảo vệ lập trường Đại Nga
Cuộc chiến
văn hóa để bảo vệ nền độc lập của Ukraina về mặt ngôn ngữ là một cuộc chiến trường
kỳ. Trang mạng thân chính quyền Nga Gazeta.ru, hồi tháng 3/2014, tức ít tuần
sau cuộc cách mạng Maidan, đã đăng tải một bài viết biện minh cho cách diễn đạt
‘‘na Ukraina’’, khi khẳng định đây hoàn toàn không phải là một vấn đề chính trị,
mà chỉ nên coi là một thói quen ngôn ngữ.
Gazeta.ru
đã huy động nhiều chuyên gia ngữ văn học Nga để hỗ trợ cho lập trường này. Giáo
sư ngữ văn Yuri Prokhorov dẫn thơ của Taras Shevchenko, người được coi là đại
thi hào Ukraina đối với đông đảo người Ukraina, để chứng minh là chính Taras
Shevchenko đã sử dụng diễn đạt ‘‘на Украине/na Ukraina’’ trong các vần thơ của
ông. Tương tự như đại văn hào Gogol gốc Ukraina cũng sử dụng cùng một diễn đạt.
Gazeta.ru cũng viện đến cả tiếng Ba Lan, một ngôn ngữ khác cùng thuộc họ Slav,
để chứng minh chính tiếng Ba Lan cũng thường dùng diễn đạt tương tự với ‘‘na’’
khi nói về các vùng lãnh thổ thuộc đế quốc Áo-Hung trước đây như Slovakia, hay
một số vùng đất của Belarus vốn thuộc đế quốc Ba Lan.
Các ví dụ
Gazeta.ru từng nêu ra đều đúng cả. Nhưng đó là vào thời Ukraina còn là một bộ
phận của đế chế Nga. Và Gazeta.ru cũng coi nhẹ việc người Ba Lan đã thay đổi
nhiều về cách gọi, khi Slovakia tách khỏi Tiệp Khắc để trở thành một quốc gia độc
lập.
.
Bức hình biểu tượng của Gazeta.ru : Thamvọng chia cắt Ukraina về lãnh thổ và ngôn ngữ
Bài viết
‘‘Na Ukraina hay v Ukraina ?’’, trên Gazeta.ru, đi kèm với hình ảnh lãnh
thổ Ukraina được chia đôi thành hai vùng, miền tây và miền đông. Ở phần miền
đông, Gazeta.ru để dòng chữ ‘‘Na Ukraina’’ trên nền màu vàng, còn ở phần miền
tây, để dòng chữ ‘‘V Ukraina’’ trên nền xanh da trời. Hai mầu xanh và vàng
vốn là màu của lá quốc kỳ Ukraina. Đăng ảnh với màu cờ của Ukrain nhưng không
phải để biểu hiện cho sự thống nhất của đất nước Ukraina. Mà ngược lại.
Gazeta.ru
muốn gì ? Lập trường phủ nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina của
tờ báo thân chính quyền Nga thể hiện rõ rệt qua bức tranh. Phủ nhận một nước
Ukraina thống nhất, vừa về địa lý, vừa về ngôn ngữ. Nửa miền tây được chấp nhận
là của Ukraina, nhưng nửa miền đông vẫn phải thuộc về Nga, cả về lãnh thổ, cũng
như về ngôn ngữ.
.
Tiếng Nga không đồng nghĩa với ngôn ngữ đế quốc,
độc tài
Có lẽ hiếm
có bức hình nào cho phép biểu hiện rõ đến như vậy lý do vì sao hai giới từ
“v” và “na” có thể khiến Ukraina và Nga khó đội trời chung. Đúng hơn là Ukraina
không thể đội trời chung với nước Nga đế quốc.
Tuy nhiên,
ngôn ngữ không phải là định mệnh. Ngôn ngữ do con người tạo ra, vì vậy con người
cũng có thể làm ngôn ngữ thay đổi. Trong chính xã hội Nga, dân chúng nhất là giới
trẻ ngày càng chuyển sang dùng ‘‘v Ukraina’’, giống như cách nói của người
Ukraina sử dụng tiếng Nga, giống như cách của những người Nga có hiểu biết. Các
quốc gia công nhận nền độc lập của Ukraina nhìn chung đều từ bỏ diễn đạt ‘‘na
Ukraina’’ trong các xuất bản chính thức bằng tiếng Nga, để thay bằng ‘‘v
Ukraina’’. Ngôn ngữ không phải là định mệnh. Tiếng Nga không đồng nghĩa với
ngôn ngữ đế quốc, độc tài.
Ảnh ©
wikimedia (Dhārmikatva) : Cuộc tuần hành vì Hòa bình tại Matxcơva ngày
14/03/2014, ít tuần sau cách mạng Maidan. Giới tranh đấu mang cờ Ukraina và cờ
Nga sát cánh bên nhau. Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov (bị sát hại đầu năm
2015) có mặt trong đoàn tuần hành. Khẩu hiệu bằng tiếng Nga trong cuộc tuần
hành : Vì nước Nga và Ukraina không có Putin!.
No comments:
Post a Comment