Monday, 31 October 2022

MỸ CÓ THỂ SỐNG TRONG THẾ GIỚI CỦA TẬP CẬN BÌNH HAY KHÔNG? (John Sudworth / BBC News)

 



Mỹ có thể sống trong thế giới của Tập Cận Bình hay không?

John Sudworth

BBC News

31 tháng 10 2022, 13:34 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-63409183

 

Ngày 23/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trước truyền thông thế giới - thưa thớt, phần nào bởi sự không khoan nhượng ngày càng gia tăng của chính phủ Trung Quốc đối với báo giới nước ngoài - với tư cách nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong hàng chục năm qua.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0123/production/_127419200_mediaitem127419198.jpg.webp

Nhiệm kỳ lần ba của Tập Cận Bình có ý nghĩa gì cho mối quan hệ địa chính trị quan trọng nhất của thế giới?

 

Một truyền thống giới hạn các vị tiền nhiệm gần đây của ông Tập Cận Bình trong hai nhiệm kỳ đã bị phá vỡ. Với nhiệm kỳ thứ ba trong tay, ông Tập đã củng cố quyền lực tại Trung Quốc, có lẽ là không giới hạn.

 

Nhưng thậm chí trong bối cảnh Tập Cận Bình siết chặt quyền lực trong nước thì tình hình trên chính trường thế giới hiếm khi bất ổn hơn.

 

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc càng củng cố mô hình độc tài của Trung Quốc thì ông ta lại càng thách thức một giả định định hình trong thời đại toàn cầu hóa - khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, thì quốc gia này sẽ trở nên tự do hơn.

 

Giả định này đã kéo theo hàng thập kỷ giao thương giữa Washington và Bắc Kinh.

 

Đây cũng là nền tảng cho mối hợp tác kinh tế, vốn cuối cùng sẽ mang lại giá trị hàng hóa hơn nửa ngàn tỷ USD qua Thái Bình Dương mỗi năm.

 

Giờ đây khi Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, ông ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang diễn ra với Mỹ và nỗ lực mới nhằm không cho Trung Quốc tiếp cận với công nghệ chế tạo chip bán dẫn tối tân của Mỹ, và theo một số nhà quan sát, là được thiết kế để làm chậm sự trỗi dậy của Trung Quốc "bằng bất cứ giá nào".

 

Bắc Kinh cũng lập luận rằng, sự lạnh lẽo đáng chú ý gần đây trong mối quan hệ là do mong muốn của phía Mỹ duy trì vị thế là một cường quốc siêu việt.

 

Chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định Bắc Kinh là một đe dọa lớn hơn đến trật tự thế giới hiện tại, hơn là Moscow. Và Washington cũng bắt đầu nói đến một cuộc xâm lược của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan dân chủ như một viễn cảnh ngày càng thực tế hơn là một khả năng xa vời.

 

Một khoảng cách lớn từ những ngày khi cả giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng việc cùng nhau làm giàu sẽ cuối cùng vượt qua những khác biệt về ý thức hệ và các căng thẳng giữa một siêu cường đã được thiết lập và một siêu cường đang trỗi dậy.

 

Tình hình làm sao lại đến mức này?

 

'Thói quen tự do'

 

Một điều trớ trêu là chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ngày càng coi Trung Quốc như một kẻ thù. Và nỗ lực của ông nhằm cắt đứt Trung Quốc với nguồn chip bán dẫn cao cấp cho thấy thật sự đây là một sự đảo ngược đáng kể nhất cách Mỹ giao thương với Trung Quốc.

Vào cuối những năm 1990, ông Biden, khi đó là thành viên của Thượng viện Mỹ, là kiến trúc sư chính trong các nỗ lực để chào đón Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

"Trung Quốc không phải kẻ thù của chúng ta," ông nói với các phóng viên trong chuyến đi đến Thượng Hải vào năm 2000 - một tuyên bố dựa trên niềm tin rằng nền thương mại ngày càng gia tăng thì sẽ khóa Trung Quốc trong một hệ thống với các giá trị chung và phổ quát, giúp quốc gia này trỗi dậy như một cường quốc có trách nhiệm.

 

Tư cách thành viên WTO - điều đã trở thành một hiện thực trong thời Tổng thống Mỹ George W Bush - là vinh quang tột đỉnh của chính sách gia tăng giao thương có tuổi đời hàng thập kỷ, được mọi vị tổng thống Mỹ ủng hộ, kể từ thời Richard Nixon.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13C99/production/_127394018_gettyimages-109115245.jpg.webp

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2000, trong ảnh ông Pascal Lamy, khi đó là Tổng Giám đốc WTO ký thỏa thuận gia nhập với Trung Quốc

 

Các công ty Mỹ thì đã vận động hành lang mạnh mẽ để Trung Quốc mở cửa hơn nữa, như British American Tobacco muốn bán cho người tiêu dùng Mỹ và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung hào hứng trước việc tiếp cận một lực lượng lao động rẻ và sẵn lòng làm việc.

 

Đối với các liên đoàn Mỹ lo lắng về việc mất các công việc lao động tay chân, và đối với bất kỳ ai còn quan ngại về vấn đề nhân quyền, vai trò thành viên WTO của Trung Quốc cũng được biện minh dựa trên những nền tảng ý thức hệ.

 

Ông Bush, khi đó là thống đốc bang Texas, có lẽ đã nói tốt nhất về vấn đề này khi phát biểu trước các công nhân hãng Boeing trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình hồi tháng 05/2000.

 

"Vấn đề thương mại," với Trung Quốc, ông nói, "không chỉ là vấn đề thương mại, mà là vấn đề niềm tin".

 

"Sự tự do kinh tế tạo nên các thói quen tự do. Và các thói quen tự do tạo nên những kỳ vọng dân chủ."

 

Trong một quãng thời gian, sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của Trung Quốc dường như đã làm gia tăng viễn cảnh của ít nhất một cuộc cải cách chính trị có giới hạn nào đó. Trong những năm sau khi trở thành thành viên WTO, internet - giống bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - đã mang đến cho người dân Trung Quốc một cơ hội để thảo luận và ý kiến khác biệt, điều mà trước đó chưa bao giờ được mơ đến.

 

Ông Bill Clinton nổi tiếng với câu nói so sánh việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thuần hóa internet giống như "một nỗ lực không tưởng", như "cố dính thạch rau câu lên tường".

 

Thậm chí sau khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ nhất vào năm 2012, thì truyền thông quốc tế thường tập trung vào những dãy chật kín tòa nhà chọc trời, những cuộc trao đổi văn hóa và tầng lớp trung lưu mới như một bằng chứng về việc Trung Quốc đang theo đổi theo các cách mang tính nền tảng, để trở nên tốt đẹp hơn.

 

Nhưng cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy, vào thời buổi đầu của nhiệm kỳ, ông Tập Cận Bình đã xác định những "thói quen tự do" mới mẻ đó không là hệ quả được hoan nghênh của vấn đề toàn cầu hóa, mà chỉ là điều gì đó cần phải chống trả bằng mọi giá.

 

Tài liệu số 9, được Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố chỉ vài tháng sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, liệt kê bảy điều nguy hiểm cần phải canh chừng, gồm "những giá trị phổ quát", khái niệm về "một xã hội dân sự" vượt khỏi sự kiểm soát của đảng và một nền báo chí tự do.

 

Ông Tập tin rằng chính sự yếu kém về ý thức hệ và thất bại trong việc gìn giữ đường hướng xã hội chủ nghĩa đã khiến Liên Xô sụp đổ.

 

Sự lý tưởng về các giá trị chung, phổ quát đối với ông ta như là Ngựa Trojan, đưa Đảng Cộng sản đi cùng một hướng, và câu trả lời của ông ấy nhanh chóng và không thỏa hiệp - sự tái khẳng định không lấy gì là xấu hổ về chủ nghĩa độc tài và một đảng toàn trị.

 

Thạch rau câu trên tường

 

Trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, Trung Quốc đã bắt đầu kiên định thực hiện 'nỗ lực không tưởng', bỏ tù các luật sư, bị miệng giới bất đồng chính kiến, chấm dứt sự tự do của Hong Kong và xây dựng các trại cải tạo cho hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương ở vùng cực tây của nước này.

 

Thế mà lại có ít bằng chứng về việc các chính phủ Phương Tây vội vã từ bỏ sự hậu thuẫn của họ trong giao thương với Trung Quốc, nói chi đến việc chuyển sang một chính sách chủ động kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, như Bắc Kinh hiện nay tuyên bố.

 

Trong hàng chục năm, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã mang đến các nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn có các chuỗi cung ứng gồm lao động Trung Quốc, và là một mặt trận mới cho các doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc. Các đại sứ quán - giờ vẫn còn nhiều - vốn từ lâu đã có đội ngũ thương mại lên đến hàng trăm người.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/145BD/production/_127298338_gettyimages-83426653.jpg.webp

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc là lợi ích khổng lồ đối với những công ty Phương Tây

 

Điều mà Anh Quốc gọi là "Kỷ nguyên Vàng" với Trung Quốc - là một sự chứng thực mạnh mẽ về bài ca giao thương - được đề xuất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình và tiếp tục sang nhiệm kỳ hai.

 

Năm 2015, thậm chí Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne đi thăm Tân Cương, khi đó đã là tâm điểm của các quan ngại về nhân quyền, để có dịp chụp ảnh nhằm nhấn mạnh các cơ hội thương mại mà Anh quốc mang lại cho khu vực này.

 

Tôi nhìn ông George Osborne, mặc áo khoác phản quang, dỡ hàng từ xe tải chỉ cách một quãng đường ngắn từ một nhà tù nơi Ilham Tohti, một nhà trí thức Uyghur nổi tiếng bắt đầu án thụ án tù chung thân.

 

Trong khi các chính khách từ những quốc gia dân chủ bắt đầu ca ngợi những lợi ích từ việc giao thương, vấn đề nhân quyền thường được nêu "sau các cánh cửa đóng kín".

 

Trong cùng thời kỳ đó, Hunter Biden - con trai út của ông Joe Biden - đã tạo dựng những mối quan hệ kinh doanh với những tập đoàn của Trung Quốc có mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mối quan hệ này là trọng tâm của các tranh cãi chính trị bao vây lấy ông Biden cho đến tận ngày nay.

 

Với sự nhận thức muộn, cũng có ít bằng chứng là giới tinh hoa chính trị Mỹ và châu Âu hào hứng đánh giá lại các phương thức giao thương.

 

Trong suốt thời gian tôi ở Bắc Kinh, giới điều hành doanh nghiệp thường nói với tôi rằng báo chí của tôi đề cập đến sự trấn áp ngày càng gia tăng của Trung Quốc hơi bị thiếu mất một điểm, đó là không ghi nhận bức tranh lớn hơn về sự thịnh vượng ngày càng gia tăng.

 

Dường như, thay vì mở mang đầu óc cho giới chức Trung Quốc về ý tưởng cải cách chính trị như đã hứa, thì thay vào đó, giao thương đã thay đổi tư duy của những người ở thế giới bên ngoài, đang nhìn vào những tòa nhà chọc trời và các tuyến đường sắt cao tốc.

 

Bài học dường như không phải sự tự do kinh tế và chính trị đi song hành với nhau, mà có thể đạt được tất cả mà không có bất kỳ quyền con người nào.

 

Một quan chức cấp cao cho một thương hiệu hàng tiêu dùng gia đình đa quốc gia, đầu tư rất lớn tại Trung Quốc nói với tôi rằng "Người dân Trung Quốc không muốn tự do" theo cách mà người dân ở Phương Tây mong muốn.

 

Ông đã nói chuyện với các công nhân ở nhà máy, và khẳng định, ông kết luận họ không quan tâm chút nào về chính trị. "Họ hạnh phúc hơn khi kiếm tiền," ông nói.

 

Ở một nơi nào đó trên hành trình, nhiều thương gia và đối tác - các tập đoàn và chính phủ - dường như chỉ đơn giản là bỏ đi lời hứa cao quý là mang lại nền tự do chính trị cho Trung Quốc.

 

Sự thịnh vượng ngày càng gia tăng hiện giờ dường như đã đủ cho chính nó.

 

Vì vậy thì điều gì đã thay đổi?

 

Phá vỡ khuôn mẫu

 

Đầu tiên, dư luận. Từ năm 2018 trở đi, những người Uyghur sống ở nước ngoài bắt đầu nói về việc người thân của họ bị biến mất tại các trại tù khổng lồ ở Tân Cương, mặc cho có rủi ro là làm điều đó có thể mang đến những tổn thất và sự trừng phạt hơn nữa cho thân nhân của họ ở quê nhà.

 

Trung Quốc đầu tiên dường như bị sốc trước phản ứng quốc tế.

 

Rốt cuộc, các chính phủ Phương Tây đã từ lâu chấp nhận nhiều khía cạnh trong vấn đề đàn áp của Bắc Kinh khi tiếp tục giao thương.

 

Trước khi ông Tập lên nắm quyền, thì chuyện nhắm đến niềm tin tôn giáobỏ tù giới bất đồng chính kiến và việc thực thi hà khắc chính sách một con là một phần quan trọng trong hệ thống chính trị, không chỉ thuần túy là tác dụng phụ.

 

Thế nhưng chuyện bỏ tù hàng loạt người của một bộ tộc - một sự đe dọa chỉ vì nền tảng văn hóa và bản sắc của họ - đã có một tác động lớn lên dư luận toàn cầu vì những sự cộng hưởng mang tính lịch sử tại châu Âu và hơn thế nữa.

 

Các tập đoàn có các chuỗi cung ứng tại Tân Cương đã đối mặt với mối quan ngại ngày càng gia tăng từ người tiêu dùng, và các chính phủ chịu áp lực chính trị phải hành động.

 

Cũng có vấn đề khác - bao gồm tốc độ nhanh chóng trong việc Bắc Kinh áp bức giới bất đồng tại Hong Kong, quân sự hóa Biển Đông và mối đe dọa ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan.

 

Nhưng vấn đề Tân Cương được xác định và Trung Quốc cũng cảm thấy dòng chảy đang đổi chiều - không phải là sự tình cờ khi nhiều nhà báo quốc tế cố gắng điều tra chuyện gì đang xảy ra tại Tân Cương lại bị buộc rời khỏi Trung Quốc, và bao gồm chính tôi.

 

Cuộc thăm dò mới nhất của Pew cho thấy 80% người dân Mỹ hiện giờ có ý kiến không tốt về Trung Quốc, tăng lên mức chỉ 40% hay khoảng như vậy cách đây một thập niên.

Nhân tố quan trọng thứ hai làm thay đổi tình hình là Donald Trump.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/BF99/production/_127394094_gettyimages-665457970.jpg.webp

Ông Trump là người hâm mộ phong cách mạnh mẽ của ông Tập nhưng không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc

 

Thông điệp chống Trung Quốc của Donald Trump có lẽ mang tính chất thất thường - với các cáo buộc về cách thực thi thương mại không công bằng, được làm dịu bớt bằng sự ngưỡng mộ công khai đối với phong cách mạnh mẽ của ông Tập - nhưng ông Trump cũng sử dụng điều này để tập hợp các công chức bất mãn, và đã đạt được hiệu quả to lớn.

 

Tóm lại, ông Trump nói rằng giao thương với Trung Quốc là một canh bạc tồi, chẳng thu lại gì ngoài công việc và công nghệ thuê ngoài.

 

Các đối thủ của ông Trump đã chỉ trích những biện pháp phản tác dụng và cái mà họ xem là ngôn ngữ bài ngoại của ông Trump. Nhưng khuôn mẫu đã bị phá vỡ.

 

Tổng thống Biden đã xem lại một số ít, nếu có, chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả cuộc chiến tranh thương mại mà ông Trump đã phát động. Các mức thuế quan vẫn còn đó.

 

Washington đã nhận ra một cách muộn màng rằng, trái ngược với chuyện tăng tốc cải cách chính trị tại Trung Quốc, thì chuyển giao thương mại và công nghệ, thay vào đó, đã được dùng để tăng cường mô hình độc tài của Bắc Kinh.

 

Một bình thường mới

 

Không có chỉ dấu rõ ràng nào về một bước chuyển sâu sắc trong quan hệ Mỹ-Trung hơn là bình luận gần đây của Tổng thống Biden về tình trạng Đài Loan.

 

Hồi tháng rồi, trả lời CBS, ông nói lực lượng quân đội Mỹ sẽ được cử đến để bảo vệ Đài Loan trong tình huống Trung Quốc xâm lược.

 

"Vâng," ông nói, "thật sự nếu có một cuộc tấn công chưa có tiền lệ."

 

Chính sách chính thức của Washington từ lâu là một chiến lược mơ hồ có ý đồ liên quan đến việc trợ giúp Đài Loan hay không. Thừa nhận rằng Mỹ sẽ không can thiệp, cuộc tranh luận tiếp diễn, có thể bật đèn xanh cho một cuộc xâm lược. Và nói rằng Mỹ sẽ tăng cường sự bảo vệ có thể khuyến khích chính phủ tự trị của Đài Loan tiến đến một sự tuyên bố độc lập chính thức.

 

Và một "sự rõ ràng mang tính chiến lược" mới, đã khiến Bắc Kinh giận dữ, xem đây là một sự điều chỉnh lại lập trường của Mỹ.

 

Thật khó để không đồng ý, mặc cho những nỗ lực của giới chức Mỹ để bác bỏ các bình luận.

Thay vì những giá trị và quy phạm chung, thì Trung Quốc bây giờ đưa ra một mô hình chủ nghĩa độc tài thịnh vượng như sự thay thế cao cấp hơn.

 

Trung Quốc nỗ lực làm việc trong các cơ quan quốc tế, thông qua những dịch vụ tình báo và bộ máy tuyên truyền rộng lớn để thúc đẩy bộ máy của mình, trong khi lập luận là các nền dân chủ đang suy yếu.

 

Trong một số lĩnh vực - như cộng đồng kinh doanh Đức chẳng hạn - thì lập luận ủng hộ giao thương đã có một giọng điệu khác.

 

Trung Quốc hiện nay đóng vai trò quá quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và quá uy lực. Với diễn biến mới đây, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục giao thương, với nỗi lo sợ làm tổn hại đến những lợi ích kinh tế hoặc kích hoạt "một sự đáp trả" từ phía Bắc Kinh.

 

Nhưng tại Washington, quan điểm Trung Quốc đại diện cho một mối đe dọa nghiêm trọng đã trở thành một trong số vài chủ đề thu hút sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng.

 

Có thể, cho đến nay, không có những lựa chọn thay thế dễ dàng - chuỗi cung ứng sẽ mất hàng năm để tái bố trí và làm điều này sẽ rất tốn kém.

 

Và Trung Quốc thật sự có cách để tưởng thưởng cho những ai tiếp tục tham gia trong khi áp đặt cái giá phải trả cho những ai đi ngược lại.

 

Nhưng điều chắc chắn đúng khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba là thế giới đã ở vào thời khắc thay đổi sâu sắc.

 

Và tại Trung Quốc, cũng như ở Nga, nước Mỹ phát hiện chính mình phải đối mặt với một kẻ thù, mà phần lớn là do chính mình tạo nên.

 

---------------

TIN LIÊN QUAN

 

Tập Cận Bình trở nên 'không thể thách thức' như thế nào?

17 tháng 10 năm 2022

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats