Trung
Quốc: Ưu tiên của Tập Cận Bình không còn là tăng trưởng kinh tế
Trọng Thành
- RFI
Đăng ngày: 17/10/2022 - 16:41
Đại hội
XX của đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc hôm qua, 16/10/2022. Phát biểu của
lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình - người được coi là sẽ tiếp tục đứng đầu Trung Quốc
thêm tiếp một nhiệm kỳ 5 năm – đang được soi xét kỹ. Theo tiến sĩ Alice Ekman,
Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Âu (EUISS), ông Tập Cận Bình chủ trương đưa
Trung Quốc trở thành một siêu cường, áp đặt các quy tắc đối với phần còn lại của
thế giới, bất chấp ''các trả giá về kinh tế''.
Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và thủ
tướng Lý Khắc Cường (T) trong buổi tiệc mừng Quốc khánh Trung Quốc, Bắc Kinh
ngày 30/09/2022. REUTERS - FLORENCE LO
Trái ngược với quan điểm khá phổ biến trong giới quan sát, cho rằng Trung
Quốc đang mất đi thế mạnh của mình là tốc độ tăng trưởng cao, điều được coi là
tạo nên tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong con mắt của đông đảo
dân chúng, chuyên gia Alice Ekman nhấn mạnh: ‘‘Tại Trung Quốc, ưu tiên của
Tập Cận Bình không còn là tăng trưởng kinh tế’’. Lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng cho
nhiều hy sinh về kinh tế cũng như ‘‘quyền lực mềm’’ nếu cần, để đạt được mục
tiêu tăng cường quyền lực của đảng Cộng Sản, và ý thức hệ của Đảng. Chế độ Tập
Cận Bình cũng sẵn sàng từng bước giảm bớt các hợp tác với phương Tây.
Mục
Theo dòng thời sự của RFI giới thiệu một số nét chính trong cuộc trả lời phỏng vấn của chuyên gia Alice Ekman (*) với
tuần báo Pháp L’Express (đăng tải ngày 16/10/2022).
***
Bất chấp
các thiệt hại nặng nề về kinh tế do các chính sách cứng rắn, chế độ Tập Cận
Bình quyết định không vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà sao lãng việc siết chặt
sự kiểm soát của Đảng với toàn xã hội. L’Express đặt câu hỏi : liệu chế độ
Tập Cận Bình có lo ngại tăng trưởng kinh tế bị hãm lại đe dọa quyền lực của Đảng
hay không ?
Tiến sĩ
Alice Ekman nhấn mạnh : Bắc Kinh đã ‘‘sẵn sàng trả giá về kinh tế
cho việc bảo đảm một số mục tiêu chính trị và ý thức hệ’’. Các ví dụ không thiếu.
Cụ thể là : sau khi Bắc Kinh áp đặt luật An ninh Quốc gia mới khiến đặc
khu Hồng Kông mất hẳn vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, thu hút đầu
tư. Nhiều chi nhánh của các tập đoàn quốc tế đã quyết định rời Hồng Kông để
chuyển sang Singapore, kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh nói trên từ
tháng 6/2020. Tuy nhiên điều này không làm cho chính quyền Tập Cận Bình thay đổi
chính sách.
Một ví dụ khác là : Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt các nghị sĩ
Liên Âu, để đáp trả việc Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt bốn quan chức địa phương
Trung Quốc, thuộc tỉnh Tân Cương, bị cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Hệ quả
của việc này là việc phê chuẩn Thỏa thuận khung về đầu tư giữa Liên Âu và Trung
Quốc đã bị đình chỉ. Bắc Kinh dự kiến sẽ được hưởng nhiều lợi ích lớn nhờ Thỏa
thuận này, nhưng trong mắt của Bắc Kinh, cần phải duy trì lập trường (chính trị)
hiện nay cho dù phải mất các hợp đồng dự kiến với ‘‘các thế lực thù địch phương
Tây’’.
Một ví dụ thứ ba được chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp
Châu Âu đưa ra là Trung Quốc tiếp tục chính sách ủng hộ Nga, ‘‘không lên án cuộc
xâm lăng’’ Ukraina, tiếp tục duy trì nhiều quan hệ kinh tế với Nga, bất chấp uy
tín của Trung Quốc sụt giảm trong con mắt của các nước Đông Âu và Baltic. Tại
thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc tháng 4/2022, Liên Âu đã kêu Bắc Kinh làm sáng
tỏ lập trường về chiến tranh tại Ukraina, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các
quan hệ thương mại Âu – Trung, nhưng Bắc Kinh không thay đổi quan điểm.
*
Vì sao
chế độ Tập Cận Bình lại quyết định chuyển sang lập trường hoàn toàn khác trước
?
Kể từ thời Đặng Tiểu Bình đến thời gian cách đây mươi năm, nhà cầm quyền
Trung Quốc coi việc phát triển kinh tế để đưa dân chúng thoát nghèo, xây dựng
xã hội thịnh vượng, khá giả là mục tiêu chính. Các tham vọng lãnh thổ trên biển
và trên đất liền vẫn tồn tại nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chính sách của
Bắc Kinh trong giai đoạn này. Thời Giang Trạch Dân, mục tiêu tăng trưởng
kinh tế vẫn còn là chủ đạo. Nhưng tình hình giờ đây là ngược lại.
Theo tiến sĩ Alice Ekman, Trung Quốc ‘‘sau khi đã củng cố được vị thế của
nền kinh tế thứ hai thế giới, và ưu tiên giờ đây của Bắc Kinh là củng cố hệ thống
chính trị và mở rộng sức ảnh hưởng của hệ thống chính trị Trung Quốc ở nước
ngoài’’.
Chống lại phương Tây giờ đây là chính sách xuyên suốt của chính quyền Tập
Cận Bình. Nếu như cách đây khoảng 10 hay 15 năm, thái độ thù địch với phương
Tây có thể được bày tỏ trong một số cuộc họp kín của giới ngoại giao, hay
nghiên cứu Trung Quốc, thì giờ đây, thái độ này được bày tỏ công khai và liên tục.
Chính quyền Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh gieo rắc rối
loạn khắp thế giới, giật dây cho ‘‘các cuộc cách mạng màu’’ khắp nơi. Bắc Kinh
cũng đặc biệt phát triển các tuyên truyền ‘‘chống thực dân’’, tỏ ra rất hiệu quả
trong việc chinh phục công luận ‘‘các nước phía nam’’ (tức các nước đang phát
triển hoặc đang trỗi dậy).
Chính quyền Nga cũng có một quan điểm tương tự. Bắc Kinh đã tìm thấy ở
Matxcơva ‘‘sự đồng điệu về ý thức hệ’’ trong lập trường thù địch với phương
Tây. Giống như Nga, Bắc Kinh khẳng định cuộc chiến tranh tại Ukraina hiện nay
trước hết là do các khiêu khích của NATO và Mỹ. Đứng từ quan điểm của Trung Quốc,
tội lỗi hoàn toàn thuộc về phương Tây. Chuyên gia Alice Akman nhấn mạnh :
nếu tin theo các lời lẽ tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc, ‘‘tất cả các cuộc
chiến tranh trên thế giới, khu vực hay nội chiến, đều là tội của các nhà nước
thực dân phương Tây’’.
*
Chính
quyền Tập Cận Bình mạo hiểm khi theo đuổi bước ngoặt chiến lược như vậy, trong
bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hẳn, chính sách ''Zero Covid''' khiến đất nước
nhiều phần bị tê liệt?
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc
không đến mức bị cô lập, cho dù có thể có ấn tượng là như vậy từ Bruxelles hay
Washington. Hình ảnh đất nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình bị
xuống cấp trong ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có châu Âu. Thế nhưng, tại
nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một nhà đầu tư lớn,
cung cấp các cơ sở hạ tầng về giao thông, mạng lưới viễn thông, công nghệ. Các
dự án của kế hoạch Con Đường Tơ Lụa mới ‘‘còn xa mới bị chôn vùi’’. Cho dù tại
Sri Lanka hay một số quốc gia khác, kế hoạch này của Tập Cận Bình bị khựng lại,
thì tại nhiều nơi khác Con Đường Tơ Lụa mới vẫn là một nội dung chủ đạo trong
các vận động ngoại giao của Trung Quốc.
Bện cạnh sức mạnh gia tăng của Quân đội Trung Quốc, cũng là quân đội thứ
hai có ngân sách đứng thứ hai trên thế giới, tiếp tục tăng 7% trong năm nay,
nhà Trung Quốc học Alice Ekman cũng báo động về quy mô lớn của mạng lưới ngoại
giao trên thế giới của Trung Quốc, được đánh giá là đứng đầu về số lượng các đại
sứ và lãnh sự, vượt Hoa Kỳ và Pháp.
Các vận động ngoại giao của Bắc Kinh giúp cho Trung Quốc giảm bớt các áp
lực từ phương Tây, và khối các nền dân chủ nói chung. Bà Alice Ekman nhấn mạnh
đến việc mới đây, đầu tháng 10, Bắc Kinh đã huy động được đa số các nước trong
Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống lại việc tổ chức một cuộc
thảo luận tại Hội đồng về tình hình xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân
Cương. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận trao đổi
mậu dịch tự do giữa 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (RECEP), đi vào hoạt động
từ đầu năm 2022. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với Trung Quốc là thành viên sáng
lập, vừa tổ chức thượng đỉnh tại Kazakhstan, với sự tham gia của lãnh đạo Trung
Quốc, lần đầu tiên ra nước ngoài, kể từ đầu đại dịch.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu cũng lưu ý là, về
mặt công nghệ kỹ thuật số, chính quyền Tập Cận Bình đã có một chiến lược mới,
nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, không chỉ trong lĩnh vực sản
xuất các linh kiện bán dẫn, mà toàn bộ các công đoạn trong dây chuyền nghiên cứu,
chế tạo linh kiện bán dẫn nói chung. Nỗ lực của Trung Quốc có khả năng thành
công hay không trong lĩnh vực công nghệ đỉnh cao này, trong bối cảnh Trung Quốc
đang ngày càng cô lập hơn với các nền công nghiệp phát triển ?
Câu trả lời của tác giả là khó có thể đoán định, tuy nhiên, điều chắc chắn
là ''sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp nỗ lực rượt đuổi của Trung Quốc''. Alice
Ekman dự báo, chính quyền Tập Cận Bình sẽ theo đuổi chính sách tách dần khỏi
các nước phương Tây, về nhiều mặt, từ kinh tế, đến khoa học, truyền thông…
‘‘Nhiều cộng đồng riêng rẽ’’ - trong đó có các cộng đồng Trung Quốc là thành
viên trụ cột - đang dần dần hình thành, dựa trên những tiêu chuẩn rất khác
nhau, đối thoại ngày càng khó khăn.
-----------
Ghi chú
(*) Chuyên gia Alice Ekman là tác giả của nhiều khảo cứu về Trung Quốc.
Tác phẩm mới nhất của bà là "Dernier vol pour Pékin - Essai sur la
dissociation des mondes" (NXB Editions de l'Observateur), ra mắt ngày
16/10/2022.
No comments:
Post a Comment