Chính
sách ngoại giao để phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Séraphine
Charpentier - tv5monde
Thục-Quyên lược dịch
18/10/2022
https://boxitvn.online/?p=81905
Chính
sách đối ngoại của Trung Quốc trên hết là để phục vụ chính sách đối nội và đặc
biệt là củng cố quyền lực của Đảng.
Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đóng
một vai trò rất quan trọng trong ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt tại
các nước đang phát triển, là nơi tranh dành ảnh hưởng giữa phương Tây và Trung
Quốc. AP Photo/Mary Altaffer
Để thiết lập ảnh hưởng của mình trên thế giới, Trung Quốc, nền kinh tế lớn
thứ hai thế giới, đã đặc biệt sử dụng “chủ nghĩa hoạt động ngoại giao”. Làm thế
nào để xác định chủ nghĩa này và những khu vực nào là nơi Trung Quốc đang tập
trung nỗ lực về mặt chính sách đối ngoại? Sau đây là một số giải đáp của
Antoine Bondaz, thành viên nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp.
*
TV5MONDE:
Thu tóm Đài Loan có thực sự là ưu tiên số một của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình không?
Antoine
Bondaz: Kiểm soát Đài Loan, “thống nhất” nó, là sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ). Đó là “sứ mệnh lịch sử” vì đó chính là thuật ngữ được sử dụng
trong Sách trắng cuối cùng về Đài Loan được xuất bản, vào tháng 8 năm 2022. Đó
là một sứ mệnh lịch sử vì nó vượt qúa con người của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình
và là mục tiêu của Đảng, ít nhất vì ba lý do:
Về quân sự, vấn đề đặt ra là phải gia tăng chiều sâu chiến lược của Trung
Quốc để có thể thoải mái phóng tầm nhìn về phía Thái Bình Dương.
Sau đó là khía cạnh lịch sử: ĐCSTQ muốn chấm dứt những tàn tích cuối cùng
của cuộc nội chiến đưa tới Quốc dân Đảng rút về Đài Loan và muốn xóa sổ Trung
Hoa Dân Quốc, chế độ chính trị ở Đài Loan.
Cuối cùng và trên hết, mục tiêu có tính cách chính trị và ý thức hệ, vì
nó là vấn đề xóa bỏ một mô hình phản động, gây rối ren cho Đảng: Đài Loan là
minh chứng cho thấy một đất nước thuộc nền văn hóa Trung Quốc với một xã hội đa
sắc tộc, từng trải qua một chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo, vẫn có khả năng tự
dân chủ hóa.
Nắm quyền kiểm soát Đài Loan là mục tiêu cao nhất của Tập Cận Bình. Người
Trung Quốc gọi là “thống nhất”, nhưng đúng ra phải nói đến “sáp nhập” hoặc “tiếp
quản” vì Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây
là một điều quan trọng cần phải nhớ.
*
TV5MONDE: Việc
sáp nhập Đài Loan có là điều khẩn cấp trong chương trình nghị sự chính trị của
Đảng không?
Antoine
Bondaz: Đài Loan là một mục tiêu quan trọng. Sau đó, nó còn là mục tiêu lâu
dài, không thời hạn. Rõ ràng, cán cân quyền lực ngày càng diễn biến theo hướng
bất lợi cho Đài Loan. Trung Quốc đang trong tình trạng năng động đủ để họ khả
năng chờ đợi.
Ngày nay, họ có những đòn bẩy mà mười năm trước họ không có. Thí dụ, ngân
sách quân sự của Trung Quốc đã được nhân 5 trong hai mươi năm qua trong khi
ngân sách của Đài Loan ít nhiều bị đình trệ. Không có lợi ích gì cho Bắc Kinh để
cần đẩy nhanh tiến trình. Trung Quốc chỉ cần gửi những thông điệp mạnh mẽ, cố gắng
khai thác các điểm yếu của Đài Loan, cố gắng gia tăng sức ép mọi mặt, quân sự,
chính trị, kinh tế, thông tin, để cố gắng cô lập hòn đảo này trên sân khấu quốc
tế…
*
TV5MONDE: Các mục
tiêu của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại có thứ bậc ưu tiên không?
Antoine
Bondaz: Đảng không đưa ra thứ bậc các mục tiêu, ngoại trừ năm 2010, khi Trung
Quốc xác định các lợi ích cơ bản của mình.
Đầu tiên là tính liên tục của hệ thống chính trị, tức là sự duy trì quyền
lực của Đảng Cộng sản. Thứ hai là đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của
Trung Quốc, trong đó có câu hỏi về Đài Loan. Thứ ba là theo đuổi sự phát triển
kinh tế và xã hội.
Nói rộng hơn, Trung Quốc tiếp tục cần một số ổn định ở khu vực ngoại vi của
mình. Khu vực ngoại vi của Trung Quốc thực sự tương đối ổn định tuy cũng có một
vài căng thẳng . Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, khu vực ngoại vi của châu
Âu bất ổn hơn nhiều. Cho dù đó là vòng cung khủng hoảng từ Sahel đến Trung
Đông, hay tất nhiên, cuộc chiến ở Ukraine.
Một người mà phương Tây đã đánh giá thấp hoặc đối xử quá thờ ơ trong những
tháng gần đây là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người phải nói là
rất ấn tượng. Vào cuối tháng 5, ông đã đến thăm tám quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Đó là một cuộc viếng thăm chưa từng có, và chưa ai làm. Thí dụ, không có bộ trưởng
ngoại giao nào của Pháp đã đến Thái Bình Dương trong hai mươi năm qua, trong
khi Pháp tuyên bố là một quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, vì có các lãnh thổ ở
New Caledonia, Polynesia, cũng như Wallis và Futuna.
Do đó, thực sự là có một “chủ nghĩa hoạt động ngoại giao” của Trung Quốc.
Trung Quốc không quá ưu tiên “mạ vàng” mối quan hệ với các nước phương
Tây để tránh những quan hệ này xấu đi quá nhiều, ngay cả khi điều này rất quan
trọng. Ưu tiên của Trung Quốc là các nước đang phát triển, không phải cái thế
giới thứ ba truyền thống mà là một thế giới thứ ba mới gồm Brazil, Indonesia,
Saudi Arabia, Algeria, Nigeria, v.v. Trung Quốc đang thể hiện năng động cực kỳ
mạnh mẽ ở những nơi này.
*
TV5MONDE: Sự hiện
diện của Trung Quốc ở Châu Phi có mang tính quyết định không? Một số nhà nghiên
cứu nói về sự “vỡ mộng” của người châu Phi với một Trung Quốc cuối cùng đã
không đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, chỉ gắn bó với thương mại.
Antoine
Bondaz: Châu Phi quan trọng vì một số lý do. Thông thường, tài nguyên được nhắc
tới hàng đầu. Trong hai mươi năm qua, nhu cầu của Trung Quốc chắc chắn đã bùng
nổ và dĩ nhiên Trung Quốc cần các thị trường nhập khẩu mới, thị trường cung cấp
mới, cho dù về khoáng sản, dầu mỏ, v.v. Ví dụ, Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt từ
Angola.
Mặt khác, điều thường bị đánh giá thấp là tầm quan trọng của châu Phi về
số phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc. Châu Phi tập hợp khoảng 50 quốc gia. Đây là
hơn một phần tư số phiếu tiềm năng tại LHQ. Đã có một nỗ lực cực kỳ mạnh mẽ của
Trung Quốc trong những năm gần đây để nắm được số phiếu bầu này. Thí dụ, tuần
trước, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã bỏ phiếu về Tân Cương. Dự thảo nghị quyết đã
bị từ chối. Trong số 19 quốc gia bỏ phiếu chống, tám quốc gia thuộc châu Phi.
Cho thấy tỷ lệ các quốc gia châu Phi rất cao trong số các quốc gia bỏ phiếu
liên quan đến lợi ích của Trung Quốc.
Châu Phi cũng là một lục địa rất quan trọng đối với Trung Quốc để trưng
ra, hầu tránh bị chỉ trích. Những nỗ lực của Trung Quốc tại đây rất lớn, ở mọi
cấp độ và bao gồm cả những cấp độ mà chúng ta đánh giá thấp và không để ý tới.
Chủ nghĩa hoạt động của ĐCSTQ rất mạnh tại đây.
Ngày nay, Ban Liên lạc Quốc tế, một loại bộ ngoại giao của Đảng, đã thiết
lập quan hệ với hơn cả trăm đảng phái chính trị trên lục địa châu Phi. Việc đào
tạo được trao cho những người điều hành của những đảng Phi châu, với các chuyến
thăm được tổ chức tại Bắc Kinh. Ngoài ra là hoạt động của Mặt trận Thống nhất
(một mạng lưới các nhóm và cá nhân chủ chốt chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ và được sử
dụng để đẩy mạnh lợi ích của Đảng), các hiệp hội trực thuộc ĐCSTQ dù không mang
tên Đảng cũng được Đảng sử dụng. Các hoạt động cũng gia tăng với các hiệp hội
như Hiệp hội những Hoa kiều, v.v.
*
TV5MONDE: Tại sao
quần đảo Thái Bình Dương thực sự đáng để Trung Quốc chú ý?
Antoine
Bondaz: Quần đảo Thái Bình Dương không là nơi tiêu thụ lớn. Các hợp đồng của
hãng Telecom không đáng bao nhiêu cho châu Âu và thậm chí cho cả châu Phi. Có
thể có một số tài nguyên thiên nhiên được quan tâm, chẳng hạn như niken ở New
Caledonia, nhưng cũng cần được coi lại.
Điều quan trọng chính thật ra là lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở khu
vực này vì Thái Bình Dương, về mặt lịch sử, trên hết là chịu ảnh hưởng của các
nước phương Tây. Hoa Kỳ, cũng như Úc, tham gia sâu vào khu vực này và mục tiêu
của Trung Quốc là vai trò làm đối trọng cũng như xác định các quốc gia nào ở
Thái Bình Dương có khả năng đón tiếp ảnh hưởng của phương Tây: Quần đảo
Solomon, Kiribati, v.v.
*
TV5MONDE: Chẳng
phải lợi ích chiến lược nằm trong việc tác động đến một khu vực cho phép kiểm
soát các vùng biển trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan hay sao?
Antoine
Bondaz: Khu vực này có lợi ích ngoại giao trong việc cô lập Đài Loan và giành
được phiếu bầu tại LHQ. Trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ, Thái Bình Dương rất
quan trọng. Âu châu có xu hướng tập trung quá nhiều vào khía cạnh quân sự của
Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là hướng nhìn sai lầm.
Trung Quốc có thể được hưởng lợi ở quần đảo Thái Bình Dương không chỉ về
mặt quân sự, mà hơn hết là vấn đề an ninh. Nếu có điều cần ghi nhận trong những
năm gần đây trên khắp thế giới, ở châu Phi, cũng như ở Thái Bình Dương, thì đó
là vấn đề hợp tác an ninh của Trung Quốc, ở cấp độ canh giữ, kiểm soát, cũng
như trong kế hoạch tình báo. Chính thỏa thuận được ký kết với Quần đảo Solomon
cũng đã đặt điều này lên hàng đầu.
*
TV5MONDE: Định rõ
mối quan tâm của Trung Quốc trong chính sách hợp tác an ninh trong khu vực này?
Antoine
Bondaz: Đó là một cách gây ảnh hưởng. Nhưng trên hết, đó là một cách để hợp thức
hóa thêm hệ thống quản trị của Trung Quốc. Vấn đề là cố gắng chứng minh rằng hệ
thống dân chủ tự do kém hiệu quả hơn hệ thống điều hành của Trung Quốc, rằng hệ
thống Trung Quốc có những lợi thế thực sự, đặc biệt là về mặt kinh tế. Điều này
quan trọng đối với Trung Quốc, không phải để xuất khẩu mô hình của họ, mà để
cho thấy họ không đơn độc.
Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc cung cấp tài chính cần thiết
cho các đảo Thái Bình Dương. Điều này thúc đẩy Hoa Kỳ, Úc và Pháp cần tạo những
khoản đầu tư có thể thực hiện để ứng phó với các vấn đề toàn cầu, cũng như sự
hâm nóng toàn cầu và môi sinh trong khu vực này. Ví dụ, Pháp đã khởi xướng cùng
với các quốc gia khác, Úc, New Zealand, Liên minh Âu châu và Canada, sáng kiến
Kiwa, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của các quốc đảo Thái Bình Dương. Đây là
một lĩnh vực đang có rất nhiều vấn đề.
Trung Quốc càng mạnh hơn khi các nước phương Tây không thể hiện đủ sáng
kiến để đáp ứng nhu cầu của các quốc đảo này. Vấn đề tiếp cận các khu vực đánh
bắt hải sản rất quan trọng, đặc biệt là đối với chương trình đánh bắt bất hợp
pháp, do các tổ chức tư nhân Trung Quốc điều hành đang sinh sôi nảy nở ở Thái Bình
Dương. Vấn đề này cũng rất quan trọng đối với các thỏa thuận đánh cá của các quốc
gia có chủ quyền, cho phép ngư dân Trung Quốc tiếp cận các nguồn thủy sản của họ
ở Thái Bình Dương.
*
TV5MONDE: Vậy thì
chính sách đối ngoại của Trung Quốc nên được xác định như thế nào?
Antoine
Bondaz: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc trên hết là phục vụ chính sách đối
nội và đặc biệt là củng cố quyền lực của Đảng. Ngoài ra, Trung Quốc hoàn toàn
nhận thức được rằng quan hệ với các nước phương Tây sẽ xấu đi về mặt cấu trúc.
Vì vậy, lăng kính ngày nay tập trung hơn hết vào các nước đang phát triển. Đây
là lúc mà vấn đề tranh giành ảnh hưởng lớn rộng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng
các nước phương Tây xuất hiện.
*
TV5MONDE: Trước
thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Trung Quốc có tăng cường sức
mạnh khi Tập Cận Bình nắm quyền không?
Antoine
Bondaz: Không phụ thuộc vào Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày nay đã mạnh hơn,
về cả kinh tế lẫn quân sự. Điều này không còn gì để nghi ngờ cả.
Là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới nhưng lại là cường quốc thương mại
thứ nhất, và theo dự trữ ngoại hối, Trung Quốc cũng đứng thứ nhất về thị trường
tiêu thụ. Hiện nước này chi 250 tỷ đô la mỗi năm cho quân sự quốc phòng, ngân
sách lớn thứ hai trên thế giới.
Tập Cận Bình có là lý do không? không chắc. Ông ta là cái đầu nằm trên cột
sống là ĐCSTQ.
Sự tập trung quyền lực chung quanh Tập Cận Bình trong những năm gần đây mạnh
tương đương sự tập trung quyền lực chung quanh Đảng. ĐCSTQ là yếu tố cấu trúc
và tổ chức của Trung Quốc ngày nay. Chúng ta không thể phân tích Trung Quốc như
phân tích một nền dân chủ tự do bởi vì những gì quan trọng ở Trung Quốc không
phải là Nhà nước, mà là Đảng. Do đó, trên hết là sự hướng dẫn của ĐCSTQ, ngay cả
khi dĩ nhiên, không thể bỏ qua ảnh hưởng của Tập Cận Bình.
-----------------------
NGUỒN :
Chine
: la diplomatie globale au service du Parti communiste chinois
15.10.2022 à 19:43
Dịch giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment