Wednesday, 12 October 2022

CON RỒNG GHẺ và VIÊN NGÓI XL TRONG DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ (Công Tôn Học)

 



Con rồng ghẻ và viên ngói XL trong di tích cố đô Huế (*)

Bài blog của Công Tôn Học
2022.10.09

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/flake-skinned-dragon-and-tiles-used-in-hue-palace-10092022090426.html

 

Hồi bé, tôi đọc những câu chuyện về cung vàng điện ngọc, đền đài lăng tẩm xứ Huế, những Đại nội, Ngọ môn, Kỳ đài … cứ mê tít đi, thấy tò mò và hấp dẫn như đọc Ngàn lẻ một đêm. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/flake-skinned-dragon-and-tiles-used-in-hue-palace-10092022090426.html/@@images/baf3a95e-bcc6-451f-b677-03cae09022c9.jpeg

 Khách du lịch đi trên cầu vào Hoàng thành ở Huế hôm 3/3/2017. Reuters

 

Lớn lên, có lần về nhà bạn ở miền Tây chơi, thím hàng xóm nghe giọng tôi rồi hỏi “Con ở NƯỚC HUẾ vô hả?” (tôi nói giọng miền Trung, nhưng rất khác giọng Huế). 

 

Của đáng tội, nhà bạn tôi ở vùng sâu vùng xa, muốn lên huyện lên tỉnh, con đường nhanh nhất là bằng xuồng. Thiếu thông tin. Nhưng lý do chính là cách gọi “nước Huế” hồi ấy khá phổ biến ở miền Nam, trong tầng lớp bình dân. 

 

Vì trước đó thì chia cắt hàng mấy chục năm. Sau đó thì đến cái thời đói ăn chứ đừng nói tới có tiền chu du khắp nơi chỉ để ăn chơi hưởng thụ. Nên xứ Huế với không ít người đàng trong Việt Nam là lạ lẫm lắm. Đặc biệt đối với mảnh đất miền Tây quen với hoang dã hào sảng như ngọn gió trên đồng thì cái nơi duy nhất trong cả nước vẫn còn cung điện, vua chúa, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, thái giám cung đình… đủ làm người ta nhổm dậy hết tất cả các dây thần kinh cảm xúc. 

 

 

Thế rồi một lần đến Huế

 

Khỏi phải nói, tôi chạy ngay vào Thành Nội, mua vé tham quan Đại nội cho sướng cái con người đã.

 

Bước chân qua Ngọ môn, bồi hồi làm sao. Đây là cung điện ngày xưa, nơi chỉ có vua chúa quan lại được ra vào. Đã có những vui mừng, hạnh phúc, toan tính, nuối tiếc, hận thù nào khi những vị vua chúa ấy bước vào hai cánh cổng nặng nề này, hoặc ngược lại, khi nhìn nó từ từ khép lại sau lưng? Đã có những bàn chân cung nữ hay hoàng hậu nào chậm rãi bước đi trên con đường lát đá này, dưới ánh đèn lồng nhảy nhót trong tay người thái giám? Trong cái đêm đầu tiên được vời vào làm ấm long sàng, họ đã nghĩ những gì?

 

Cứ miên man trong trải nghiệm đầu tiên cao trào của cảm xúc, tôi đi đến một nơi gọi là nơi đọc sách của nhà vua. Có tên trang trọng lắm mà tôi quên mất rồi.

 

Một căn phòng rộng, bày biện không nhiều đồ gỗ màu nâu sẫm. Không gian mờ tối. Và bất ngờ chưa, trong không gian tối mờ u tịch đó, nổi bật lên một hình khối đỏ chót có bề mặt bóng loáng vô cùng quen thuộc: chiếc tủ đông đựng nước ngọt của Coca Cola.

 

Vâng, một chiếc tủ Coca Cola đỏ chót mới tinh hiên ngang sừng sững đứng ngay gần góc phòng (đọc sách của nhà vua), không thèm giấu đi chút nào sự vô duyên, vô lý, phản cảm cực độ của mình.

 

Rõ ràng là nhân viên di tích cung điện Huế đã đặt nó ở đó, để tiện bán nước giải khát cho khách tham quan. 

 

Còn dưới đây là hình ảnh mới nhất tôi chụp trong chuyến đến Huế năm 2019, ở Duyệt thị đường. Lần này là cả bộ đôi tủ của Pepsi và kem Celano song hành, ngoài hành lang. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/anh-1-1.jpg/@@images/683f8757-c65f-4efa-b5d4-3a0d1d730f74.jpeg

 

Nhiều năm đã trôi qua nhưng tư duy quản lý di tích cố đô vẫn không cao lên được chút nào. Bán được một chai nước hay chiếc kem cho du khách là có thêm tiền, OK thế thì đặt đâu cũng được. Trong khi nguyên tắc bảo tồn di tích cho khách tham quan là cố gắng phục hồi lại nguyên bản nhất mọi không gian, đồ vật, hình dáng, màu sắc và vị trí của nó như khi nó đang thời vàng son, không cho bất cứ thứ gì khác xen vào. Còn khách, xin mời tự phục vụ trước khi vào tham quan, hoặc sẽ được mua bất cứ thứ nước giải khát nào bên ngoài khu vực tham quan và khu vực đó phải được quy hoạch rõ để không phá vỡ tổng thể của di tích. 

 

Còn đây là cánh cửa của Duyệt thị đường. Mấy ô kính đã bị vỡ từ lâu nên bám đầy bụi mà vẫn chưa được thay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/anh-2.jpg/@@images/171af246-345d-4255-8a7d-71e1fc6e2eb2.jpeg

 

Con rồng ghẻ

 

Ở trước cung điện nào tôi không còn nhớ, có một bức bình phong rất lớn hình con rồng đang bay. Thân rồng đắp rất khéo léo bằng những mảnh bát sứ men xanh. Nghệ nhân thời xưa đã tỉ mỉ chọn những chiếc bát tráng men bóng loáng cùng một màu xanh dương nhưng rất nhiều sắc độ, rồi đập vỡ một cách khéo léo và tỉ mẩn đắp chúng lên cốt thân rồng bằng xi măng. Vì được đắp từng miếng như thế nên bộ vẩy phủ kín thân rồng nổi và xếp lớp lên nhau y như những cái vẩy thật, còn râu rồng được chia ra từng đốt như râu thật. Bộ móng rồng sống động và oai nghi với những chiếc móng gù nhọn và sắc. Màu men xanh tự nhiên chuyển tiếp qua rất nhiều sắc độ được bố trí cực kỳ khéo léo trên toàn thân rồng. Để chiêm ngưỡng tuyệt tác này của nghệ nhân, phải có nhiều thời gian để ngắm từ xa, ngắm toàn cảnh hình dáng và màu sắc, rồi tiến tới gần để chiêm ngưỡng từng mảnh sứ đã được đập, mài và chọn màu gắn lên từng điểm một như thế nào.

 

Nhưng, con rồng tuyệt đẹp đó đã bị du khách bóc lấy gần hết sạch các mảnh sứ, khiến nó bong tróc, lộ sạch lớp cốt xi măng bên dưới trông y hệt một con rồng ghẻ lở. Rất tiếc tôi không còn giữ được tấm ảnh này.

 

Tại sao không ai kiểm tra hành vi của du khách? Hay tại sao du khách lại nỡ hành xử như vậy với một quần thể di tích hiếm hoi còn sót lại của một giai đoạn lịch sử của đất nước? 

Đó là những câu hỏi tu từ, có nghĩa sự thật nó như vậy đó. Tin thì tin không tin thì tin!

Tôi còn quay lại Huế rất nhiều lần, gần như lần nào cũng vào Đại nội. Và mỗi lần, tôi lại khám phá và chứng kiến những di tích đã bị tàn phá như thế nào.

 

Lần gần đây nhất là cuối năm 2019. Khi đó dịch đã bắt đầu bùng phát. Việt Nam vẫn chưa đóng cửa các tỉnh thành nhưng khách du lịch đã vắng hẳn. Đại nội cũng trùng tu và đưa vào khai thác thêm một số cung điện trước giờ chưa từng mở cửa đón khách tham quan. Chúng tôi lang thang đến một nơi như vậy, không nhớ tên là gì, và tròn xoe mắt với màu vôi vàng chóe được phủ lên khắp các bức tường nơi này. Những cánh cửa gỗ ngày xưa chắc hẳn bằng gỗ lim hay ít nhất phải là một trong tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) dày nặng, mang màu gỗ quý trầm mặc. Thì nay, do không đủ tiền để dựng lại y như cũ, chúng được đóng bằng thứ gỗ rẻ hơn nào đó, rồi người ta quét lên một lớp sơn nâu giả tạo và cẩu thả đến không tưởng. Lớp sơn kém chất lượng không ăn vào gỗ mà chỉ dính trên bề mặt, rất dễ rộp lên rồi bong ra từng lớp. Tay thợ quét sơn vụng để lại từng đường chổi sơn hằn rõ. 

 

Nhiều con đường vốn đã bị san bằng trong Tử cấm thành đã được lát lại bằng gạch Bát Tràng. Nhìn chung, màu gạch, mặt đường, mặt sân đều rất đẹp. Chỉ có điều, chúng mới quá. Mới tinh, trắng sáng dưới ánh mặt trời, trông nó lồ lộ sự lắp ghép thiếu ăn nhập với những cung điện cũ kỹ.

 

Thế nhưng, chỉ cách đó không xa, vẫn trong phạm vi Tử cấm thành, rất nhiều viên gạch nguyên bản còn nguyên lành bị vứt lăn lóc trong bãi cỏ hoặc bị nhân viên dùng làm đòn kê cho xe máy chạy lên. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/anh-3.jpg/@@images/71e69b0b-ab17-4069-900c-0fe82867993d.jpeg

 

Những khu vực này đang được trùng tu chậm chạp. Nhân viên có lẽ sống luôn trong đó nên chúng tôi thấy nhiều quần áo đang phơi và xe máy. 

 

Những viên gạch cũ trong Tử cấm thành khác hẳn với gạch thời nay, chúng có bản rộng đến khoảng 30 phân, dày khoảng  5 cm  và cực nặng. Màu gạch nung kỹ và trải bao gió mưa sương nắng tạo ra vẻ đẹp đặc biệt. Tổng thể màu đỏ nâu nhưng không viên nào giống viên nào, và những mảng, những vân màu  tự nhiên nâu, đỏ, đen, xanh cô ban hoặc vàng, trắng cũng không họa sĩ nào tạo nên được. Trên hết, chúng vô cùng có hồn. Ngắm kỹ viên gạch, tưởng như chỉ cần được đặt vào không gian thích hợp nào đó chúng sẽ thủ thỉ kể lại vô vàn câu chuyện qua hàng trăm năm chứng kiến thăng trầm qua bao biến cố của những phận người đặc biệt. Màu và hồn của sự trầm tích đó không thể làm giả, cũng không thể tạo ra bản sao. Thế nhưng, như đã nói, chúng bị vứt bỏ khắp nơi, nằm lẫn trong bãi cỏ hoang xanh rì, trong các đống rác chân tường hoặc để lót đường cho đỡ bùn lầy.

Rồi những đống ngói tráng men xanh để lợp mái cung điện. Nhìn từ xa, tôi chỉ thấy màu nửa nâu nửa xanh, mãi vẫn không hiểu là gì. Đến gần mới rõ, hóa ra chúng chỉ được tráng một lớp men xanh rất mỏng ở phần rất nhỏ bên ngoài của miếng ngói, phần lộ ra khi mái đã lợp xong. Còn 4/5 còn lại là phần lợp lên nhau thì để nguyên ngói thô không tráng men.

 

Việc tráng men ngói là để tăng độ bền cho viên ngói, đồng thời giữ không cho nước và rêu thấm vào, mọc ra trên ngói, sẽ làm ngói mau chóng nứt vỡ hư hỏng. 

 

Quý vị thử so sánh với những viên ngói tráng men mà các lò gốm đang làm để cung cấp cho thị trường bình thường dưới đây. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ngoicungdienhue.jpeg/@@images/c4beebb0-3d6a-45bd-ab1d-2efb68569d9b.png

 

Chỉ là ngói bình thường cho thị trường nhà ở phổ thông, nhưng chúng đều được tráng men phủ đến hơn 90 diện tích, chỉ còn một viền rất nhỏ không đáng kể ở phía ngoài (do xếp để tráng men) là không có lớp men mà thôi. 

 

Thế nhưng, khuất mắt trông coi, cố đô, cung điện Huế đã được trùng tu như thế đấy.

 

Chưa hết.

 

Tôi sẽ kể tiếp cho quý vị nghe ở bài sau.

________

 

* XL nghĩa là nên Xin Lỗi

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats