Bước
qua lời nguyền, tiến hành dự án đập Stung Treng là hủy diệt môi sinh (ecocide)
– Một nhìn lại
13 Tháng Mười, 2022
Gửi 20 triệu cư
dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu
Long
Lời Dẫn Nhập: Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng
hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên
bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho
dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào
phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động
khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện
Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát
ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được
bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên
hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt
ba bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông –
sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
*
MEKONG SẼ KHÔNG
XÂY THÊM ĐẬP THUỶ ĐIỆN MỚI
Tổng Giám đốc Điện Lực Cam Bốt, Keo Rattanak đã nói với các phóng viên
báo chí tại tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng ở Phnom Penh ngày 8/8/2019.
“Cam Bốt không có kế
hoạch xây các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong mặc dù vẫn để các
nhóm nghiên cứu khảo sát tiềm năng của các dự án. Chúng tôi không bàn
cãi về bất cứ đầu tư nào trong lãnh vực này,” Rattanak nói tiếp. “Như vậy, quý
vị không phải quan tâm về vấn đề này. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu điện
theo những phương thức khác.” [1]
Cam Bốt phải đối đầu với tình trạng thiếu điện trầm trọng, với
các khu dân cư hàng ngày bị cúp điện cùng với giá điện tăng. Thủ tướng Hun Sen
nói sẽ gửi ông Rattanak đi Thổ Nhĩ Kỳ mua một con tàu phát điện (Power ship 200
MW) để bù đắp. Chính phủ cũng cố gắng gia tăng sản xuất điện mặt trời để đáp ứng
nhu cầu điện cho cư dân.
Hem Odom, một chuyên viên tham vấn độc lập về nguồn năng lượng thiên
nhiên, đã hoan nghênh phát biểu của ông Rattanak, với cảnh báo về một con đập
dòng chính sông Mekong sẽ gây những tổn thất rộng lớn, với xói lở hai bên bờ
sông, cạn kiệt nguồn cá cũng là nguồn protein trong bữa ăn hàng ngày của người
dân Cam Bốt. Không phải chỉ có Cam Bốt, mà cả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Thiếu
nước từ thượng nguồn sông Mekong và từ Biển Hồ, nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL sâu
và xa hơn.
TIN TỐT ĐẸP CHO
SÔNG MEKONG
World Wildlife Fund (Quỹ Đời Sống Hoang Dã Thế giới) “đã vui
mừng khi nghe được bình luận mới đây của Ngài Keo Rattanak, Tổng Giám đốc Điện
lực Cam Bốt, rằng ông không muốn thấy hai dự án thủy điện dòng chính sông
Mekong Sambor và Stung Treng được có trong quy hoạch năng lượng từ nhiều nguồn
/ mix energy.”
Bình luận trên được phát trong chương trình truyền hình hội thảo “Tầm
nhìn Năng lượng” ở Phnom Penh do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức và được
vui mừng đón nhận do giá trị vô hạn của một dòng chảy tự do trên sông Mekong đối
với hàng triệu cư dân Cam Bốt đang sống phụ thuộc vào con sông, với lượng cá bắt
được là nguồn protein chính của họ.
Sông Mekong là định hình địa lý của đất nước Cam Bốt. Chảy xuống từ biên giới
Nam Lào, và cuối cùng thì đổ vào ĐBSCL của Việt Nam qua hai nhánh: sông Tiền,
và sông Bassac – có tên là sông Hậu khi vào Việt Nam. Sông Mekong cũng là nguồn
cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Vùng đất ngập Ramsar thuộc tỉnh Stung
Treng cũng là nơi cư trú của các chủng loại cá vô cùng hiếm quý như Irrawaddy
Dolphin [cá nược – Văn Việt] và Pla Beuk [cá tra dầu – Văn Việt] chỉ có trên
sông Mekong và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Cho tới hiện nay, khúc sông Mekong hạ lưu phía Nam Lào còn chảy tự do.
Nếu Cam Bốt xây đập lớn ngăn chặn bất cứ ở khúc đoạn nào cũng sẽ gây những rối
loạn về thủy học và hủy hoại của cả một hệ sinh thái không thể đảo nghịch, và
cũng là thiết yếu cho sự sống còn của Biển Hồ với con sông Tonlé Sap chảy hai
chiều theo mùa mỗi năm.
Những dòng sông thoáng chảy đem tới những lợi ích quan trọng từ hệ sinh
thái. Dòng sông bảo dưỡng nguồn cá nước ngọt bảo đảm an toàn lương thực cho
hàng triệu cư dân, đem phù sa màu mỡ cho canh nông và cả ngăn ngừa tổn thất các
cơ sở hạ tầng và đất đai do sạt lở.
Thay vì xây những con đập khổng lồ như Stung Treng và Sambor, Cam Bốt
nên chú tâm tới nguồn năng lượng tái tạo bền vững như năng lượng mặt trời và điện
gió. Những trại điện mặt trời có thể được xây dựng nhanh chóng, với giá
thành rẻ hơn và tác động môi sinh rất ít. Trong khi những con đập thủy điện khổng
lồ thì cực đắt và tốn kém, mà còn đưa tới hậu quả hủy hoại nguồn cá, sự đa dạng
sinh học và đời sống cộng đồng.
Một dòng sông thoáng chảy sẽ giúp cho hàng triệu cư dân vốn sống phụ
thuộc vào con sông ấy tiếp tục duy trì cuộc sống ổn định, với sự đa dạng sinh học
của dòng sông, để phát triển lợi ích cho những thế hệ tương lai… Teak Seng, WWF
Cambodia director
https://www.phnompenhpost.com/opinion/good-news-mekong
MỚI HAI NĂM MÀ ĐÃ
BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN
Dự án Đập Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong đang ngủ yên
bấy lâu, thì nay 2022 lại được phục sinh (resurrection), khiến các cộng đồng cư
dân trong lưu vực hết sức lo ngại, và cả giới bảo vệ môi sinh vô cùng ngỡ
ngàng.
Chỉ ba ngày trước khi bước sang năm 2022 (29/12/2021), Nhóm Hoàng
Gia / Royal Group thuộc Tập đoàn (Conglomerate) tài phiệt lớn và thanh thế nhất
của Cam Bốt đã viết thư cho chính phủ Phnom Penh xin phép cho họ được nghiên cứu
trong vòng 6 tháng tính khả thi (feasibility) của con đập thủy điện Stung
Treng. Yêu cầu trên đã được Bộ trưởng Năng lượng và Hầm mỏ Cam Bốt chấp thuận,
và tỉnh trưởng Stung Treng Svay Sam Eang cũng đã ra lệnh cho các giới lãnh đạo
quận hạt hợp tác với Nhóm Nghiên cứu và Phát triển SBK được Nhóm Hoàng
gia thuê mướn. [1]
Vị trí nghiên cứu để xây con đập thủy điện lớn nhất xứ Chùa Tháp nằm
trên các vùng đất ngập (wetlands) tỉnh Stung Treng phía đông bắc Cam Bốt được bảo
vệ bởi Công ước Ramsar 1971 – một Công ước mà chính Cam Bốt cũng đã đặt bút ký
cam kết tuân thủ từ 1999.
Dự án thủy điện Stung Treng đã có từ năm 2007 nhưng đã phải khựng lại
do bị các tổ chức bảo vệ môi sinh chỉ trích mạnh mẽ vì những tác động hủy hoại
rộng lớn trên môi trường và cả sinh kế của người dân Cam Bốt.
Đến nay 2022, dự án ấy lại được Nhóm Hoàng Gia Cam Bốt phục hoạt – mà
ai cũng biết Royal Group là một nhóm tài phiệt của chính quyền Phnom Penh,
đã từng đứng sau dự án thủy điện Hạ Sesan-2 (Lower Sesan-2) trên một phụ lưu lớn
nhất của sông Mekong đã từng gây tai tiếng trong các cộng đồng cư dân trong lưu
vực.
Khu đất ngập Ramsar tỉnh Stung Treng chiếm một diện tích 14.600
hectares, trải dài 40 km lên tới phía bắc nơi con sông phụ lưu Sekong đổ vào
sông Mekong, ngay sát với biên giới Cam Bốt và Nam Lào. Đây cũng là sinh cảnh
(habitats) cuối cùng còn sống được cho các loài cá hiếm quý và rất nhiều loài
chim nước đang có nguy cơ tuyệt chủng.
No comments:
Post a Comment