Tuesday, 23 August 2022

VIỆT NAM VỚI CHÍNH SÁCH VISA NGẶT NGHÈO KHIẾN BỊ THUA KÉM (RFA)

 



Việt Nam với chính sách visa ngặt nghèo khiến bị thua kém 

RFA

2022.08.22

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-s-strict-visa-policy-results-in-disadvantages-08222022101611.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-s-strict-visa-policy-results-in-disadvantages-08222022101611.html/@@images/a2e4daa5-b58e-4ce7-afd3-17d3bd631340.jpeg

Khách du lịch Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Phú Quốc hôm 20/11/2021.  AFP

 

Việt Nam từ đầu năm tới giờ đón chưa đến một triệu lượt khách quốc tế, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm 2022 là năm triệu lượt khách. Trong bối cảnh chỉ còn bốn tháng nữa là kết thúc năm, mục tiêu này có khả năng cao sẽ không đạt được.

 

Một trong những nguyên nhân của việc ngành du lịch Việt Nam phục hồi chậm chạp, theo nhiều người trong cuộc, là do chính sách visa ngặt nghèo.

 

Hiện Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia, trong đó có đến chín nước ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, công dân của các nước vốn là khách du lịch quan trọng đối với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số nước Châu Âu thì chỉ được phép lưu trú tối đa 15 ngày.

 

Hoa Kỳ, quốc gia được đánh giá là có khách du lịch chịu chi bậc nhất khi đến Việt Nam du lịch, không thuộc diện được miễn visa.

 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Lê Nguyên Long, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cho biết chính sách visa của Việt Nam đang là “nút thắt cổ chai”, ngăn cản đà phục hồi của ngành du lịch:

 

Thực ra nó là một cái nút cổ chai, một cái tương đối tiên quyết trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì so với các nước xung quanh thì chính sách visa của Việt Nam là quá chặt.

Rồi chiến tranh đẩy mọi thứ lên, ảnh hưởng về mặt tâm lý, ảnh hưởng về túi tiền, nó đã khó rồi bây giờ lại cộng thêm cái visa khó nữa, cho nên nó giải thích cho vấn đề tại sao lượng khác đến Việt Nam lại nhỏ giọt. Nhìn chung là ngành du lịch còn vô vàn khó khăn.”

 

Cũng theo ông Lê Nguyên Long, chính sách cấp visa của Việt Nam trở nên ngặt nghèo hơn kể từ sau bê bối các “chuyến bay giải cứu” thời kỳ đại dịch COVID-19 từ năm 2020.

 

“Chuyến bay giải cứu giáng một đòn khá nặng vào các lãnh sự và các đại sứ quán. Cho nên việc cấp visa trở thành cái việc ông nào cũng sợ.”

 

Chính quyền Việt Nam đã bắt giam gần 20 người trong vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Do dính líu đến việc ăn chặn tiền công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về nước trên các chuyến bay được quảng bá là “giải cứu” cho người Việt về nước trong đại dịch.

 

Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam bị tổn hại nặng nề. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê thì trong năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 18 triệu lượt. Tuy nhiên, con số này đã giảm một cách đột ngột ở năm 2020 khi dịch COVID bùng phát. Trong năm này, ngành du lịch đón 3,8 triệu lượt người đến, và tình hình ở năm 2021 thậm chí còn tệ hơn khi chỉ vỏn vẹn 157 ngàn lượt khách nước ngoài thăm Việt Nam.

 

Ngành du lịch Việt Nam đang trong quá trình hồi phục khi quốc gia Đông Nam Á này bãi bỏ các biện pháp phòng dịch, và mở cửa trở lại vào tháng ba vừa qua. Nhưng đà phục hồi được cho là vẫn không đáng kể.

 

Trả lời phỏng vấn của đài RFA qua ứng dụng nhắn tin, ông Công Mạnh Đức, một hướng dẫn viên du lịch có 10 năm kinh nghiệm, cho biết tình hình chung của ngành du lịch Việt Nam hiện tại:

 

“Từ góc độ cá nhân làm việc thì tôi thấy khách đang quay lại dần. Các doanh nghiệp từng làm du lịch cũng đang mở lại dần. Tuy nhiên nhiều bên vẫn đóng. Nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn chưa mở lại. Nói chung người làm du lịch kì vọng chính sách visa thoáng hơn, như của Thái chẳng hạn.”

 

Với việc nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bởi làn sóng lạm phát gây ra khiến số lượng người muốn đi du lịch quốc tế giảm, quốc gia nào có chính sách ưu đãi đối với khách nước ngoài sẽ giành ưu thế.

 

Theo ông Lê Nguyên Long, trong cuộc đua thu hút khách du lịch ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang tỏ ra vượt trội so với Việt Nam:

 

“Về mặt chính sách, nếu coi Thái Lan là đối thủ cạnh tranh thì rõ ràng việc Thái Lan luôn luôn là nước có chính sách ưu ái đối với khác du lịch. Nó giống như cục nam châm hút đi cái nguồn khách hiện giờ đang ít ỏi.

 

Nếu như những người chỉ đi được mỗi năm một chuyến hoặc hai năm một chuyến, và họ chọn Đông Nam Á, thì đương nhiên là họ sẽ dễ nghiêng về Thái Lan hơn, bởi vì người ta sẽ không phải trải qua sự khó chịu khi nghĩ về cái thủ tục visa khó khăn để mà đến Việt Nam như hiện giờ.”

 

Chính phủ Thái Lan vừa thay đổi chính sách visa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế. Cụ thể, nước này cho phép công dân đền từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được cư trú tại Thái Lan lâu hơn, từ 30 ngày lên 45 ngày, khi đến đây du lịch.

 

Với các chính sách linh hoạt, Thái Lan đã đón gần bốn triệu lượt khách du lịch cho tới thời điểm này của năm 2022.

 

-------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Du lịch Việt Nam sẽ hồi phục thế nào sau hai năm dịch COVID-19?

Quan điểm về ‘bản sao Angkor Wat’ ở Đà Nẵng mà Campuchia đòi điều tra

Hộ chiếu vaccine có thể giúp Việt Nam vực dậy ngành du lịch đến đâu?

Liệu nam giới Việt cần thiết mặc áo dài ở công sở?

Các tổ hợp vui chơi về đêm: cần thiết nhưng không được đại trà!





No comments:

Post a Comment

View My Stats