Monday 29 August 2022

GÓP Ý VỚI CÁC NHÀ BÁO / PHÓNG VIÊN - BIÊN TẬP VIÊN : TUNG TÍCH và TÔNG TÍCH (Nguyễn Thông)

 



Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên) : Tung tích và tông tích 

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

28/08/2022  23:33    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0KEbYRQuLaE6gzDKRx3k8mdJtMUtKmhXRtZcJSvv5Xg2qjgXZH2kRN6a6tDZtQBqpl&id=100024722048900

 

Tung tích và tông tích

 

Trên rất nhiều báo (thời nay báo chí đa dạng, có cả báo in, báo điện tử nên không gọi là tờ báo nữa), trong nhiều phát ngôn của nhà đài phát thanh, truyền hình, ta thường đọc, thường nghe họ viết/nói mấy từ “tung tích”, “tông tích”, nhất là khi thông tin nội dung pháp luật, ai đó liên quan tới vụ án.

 

Điều đáng lưu ý, người nói/viết đã nhầm lẫn hoặc không hiểu gì về ngữ nghĩa từ, cứ dùng tràn lan, cẩu thả, chả phân biệt được sự khác nhau của hai từ này. Trong thực tế, khi xảy ra vụ án, vụ việc nào đó, cơ quan điều tra (công an) thường truy tìm những người có liên quan.

 

Có những đương sự, công an biết rất rõ tên gì, con nhà ai, thân nhân ra sao, ở nơi nào, nhưng do đương sự đang trốn tránh, không biết đang ở đâu, thì truy tìm tung tích.

 

Tung có nghĩa là chân, bàn chân. Hành tung là chân đi. Ông vua ngày xưa thỉnh thoảng cải trang làm dân để trực tiếp tìm hiểu cuộc sống, gọi là vi hành (vi là nhỏ, cũng có nghĩa kín đáo, lặng lẽ, vi hành là đi không cho ai biết). Tích là dấu vết, chứng cứ để lại. Tung tích nghĩa là dấu chân, dấu vết để lại. Biệt tích là mất sạch dấu vết. Mở rộng ra, tìm tung tích là tìm xem kẻ trốn đã đi đến những đâu, chỗ nào, theo đường nào, ngả nào, để lại dấu vết gì (không hẳn là dấu chân, bởi chân chỉ mang tính tượng trưng), chẳng hạn cái áo thường mặc, cây bút, chiếc quẹt hay dùng, thậm chí đầu mẩu thuốc lá loại gì, thỏi son, chiếc bao cao su, viên gạch. Nhà chức việc cứ theo dấu vết mà lần tìm, bắt kẻ bị truy nã.

 

Tông để chỉ gốc, nguồn gốc, gia thế, người thân họ hàng. Dân gian có câu “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”. Khi điều tra, chưa biết đương sự là con cái nhà ai, ông bà cha mẹ anh chị em vợ chồng hoặc người yêu của kẻ phạm là ai thì công an sẽ dò hỏi tìm tông tích, để xác định. Chẳng hạn y tên A con ông B cháu cụ C, từ đó dò ra manh mối, nhất là thời nay để ý nó có gọi điện thoại về nhà không, qua kỹ thuật hiện đại sẽ biết nó đang trốn ở nơi nào, khu vực nào. Nhiều đứa tưởng mình khôn, mượn máy người khác gọi về cho người yêu nhưng vẫn bị công an lần theo sóng xác định tổ con tò vò túm tại chỗ, hì hì.

 

Tóm lại, đối với đương sự cần tìm, nếu biết gốc tích nó rồi thì dùng từ tung tích, chưa biết thì dùng tông tích, các anh chị nhà báo nhé. Dùng lung tung, thiên hạ cười cho.

 

Thông cào

 

50 BÌNH LUẬN  

 

                                                                 ***

 

Góp ý với các nhà báo (phóng viên và biên tập viên) : Thí sinh, nguyên nhân 

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

26/08/2022  00:41  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02EstB9DYgtp5xQgh3GoFhqBJM1RUjt18MnGHxKeBSin1DzyDrvE64D4DoijaZDjZyl&id=100024722048900

 

Thí sinh, nguyên nhân

 

Đành rằng chỉ có báo in do khuôn khổ có hạn, tiết kiệm “đất” nên câu chữ phải gọn gàng, chắc nịch, chứ báo mạng thì vô thiên khênh “đất”, chả quan tâm điều ấy làm gì, nhưng tôi nghĩ rằng dù báo dạng nào cũng nên tránh dùng chữ thừa, sai. Nó sẽ làm rối làm hỏng tiếng Việt, và mất thời gian của người đọc.

 

Tôi muốn nhắc đến 2 trường hợp:

 

– Vừa rồi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đương nhiên báo chí phải quan tâm thông tin, nhưng tôi thấy hầu hết (kể cả những báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ) đều viết “thí sinh đi thi”. Thí sinh có nghĩa là người đi thi rồi, còn nếu viết chính xác phải là “học sinh đi thi”, có nghĩa người học đi thi. Đã dùng chữ “thí” thì đừng dùng “thi” nữa.

 

– Có một cụm từ rất thường xuất hiện trên mặt báo: “nguyên nhân là do…” hoặc”nguyên nhân chủ yếu là do…”. Không thể được. Nguyên nhân là cái gì thì nói thẳng ra, vậy là thừa từ “do” hoặc từ “nguyên nhân”. Ví dụ: Tôi học dốt, nguyên nhân là lười; Tôi học dốt do lười.

Mỗi lần đọc báo hoặc nghe phát thanh viên trên tivi có những cái sai trên, tôi hiểu rằng bây giờ chả có ai chịu nhắc nhở họ.

 

Làm báo (báo tin, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) không phải chỉ là cung cấp thông tin mà còn gián tiếp bồi bổ tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) cho người đọc người nghe. Sai sót nhiều như cỏ dại vậy thì còn ra thể thống gì. Không chỉ phóng viên, biên tập viên sai mà ngay cả mấy ông bà lãnh đạo cơ quan báo chí cũng cần chịu trách nhiệm về việc làm hỏng tiếng Việt. Còn nếu do ngu dốt mà không biết, không nắm được, có lẽ nên nghỉ chứ đừng ngồi đó làm vì, cho oai.

 

Thông cào

 

.

127 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats