Xác
minh tính trung thực của cán bộ bằng cách 'bốc thăm'!
Diễm Thi, RFA
2022.08.25
Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị ASEAN tại
Hà Nội ngày 12/11/2020. AFP
Uỷ ban Nhân dân thành phố
Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm
2022. Hà Nội sẽ giao chánh Thanh tra thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch.
Trong năm 2022, Thanh tra thành phố sẽ tiến hành xác minh tại 12/131 đơn vị.
Người được xác minh tài sản,
thu nhập tại mỗi đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm với tỷ
lệ 10% trên tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản. Mục đích của kế hoạch
này được nói là để kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung
trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu
nhập được xác minh; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người
có nghĩa vụ kê khai.
Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định đây là một điểm mới:
“Đây là cái mới, xưa nay chưa từng có. Nó theo xu hướng
quyền giám sát của tổ chức và người dân tăng lên so với trước. Trước đây người
ta bí mật. Bốc thăm thì mình không biết là ngẫu nhiên thật hay có định hướng
nhưng dù sao vẫn hơn là không làm. Mình ghi nhận và chờ xem thực tế nó như thế
nào.
Khi người ta đã kiểm tra như vậy thì có những khả năng
sau: Đúng, sai hoặc đúng một phần. Dù sao chăng nữa thì những người ‘có tật sẽ
giật mình’. Trước đây khai thế nào cũng chẳng ai kiểm tra. Bây giờ có kiểm tra.
Tuy đây là bước tiến nhỏ nhưng mình ghi nhận vì nó theo hướng tích cực. Vai trò
giám sát rất quan trọng. Có biện pháp giám sát như thế vẫn tốt hơn là không
làm.”
Những người có nghĩa vụ
kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ
quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng
phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp
nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc kê khai tài sản của
cán bộ công chức đã được qui định trong pháp lệnh phòng chống tham nhũng được Ủy
Ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ban hành năm 1998, chi tiết hóa bằng nghị quyết
64 của chính phủ.
Tại phiên họp của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sáng 12 tháng 1 năm 2021, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh
Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản, coi đây là công cụ để tăng cường
minh bạch về tài sản.
Theo ông Trí, khi có luật
Đăng ký tài sản, bất kỳ một công dân nào đăng ký một tài sản mới mà không chứng
minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị truy nguồn gốc. Người bị truy nguồn gốc nếu
không giải trình được những lý do hợp lý, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý
để xử lý.
Đến ngày 28 tháng 3 năm
2022, đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” lại
được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt. Mục đích được nói là để hiện đại
hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công
nghệ thông tin để phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, cung cấp thông tin kiểm
soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
ngày 25/11/2020. Photo: baochinhphu.vn
Chuyện kiểm tra ngẫu
nhiên thật ra được nói tới từ năm 2020 với Nghị định số 130/2020 của Chính phủ
về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ
chức nhà nước. Nghị định 130 cho phép ‘xác minh ngẫu nhiên với bất cứ người nào
phải kê khai và không vì lý do gì’.
Cho đến nay, những qui định,
nghị định… nêu trên chỉ mang tính chất hình thức vì không có cơ chế giám sát và
kiểm tra.
Ông Vũ Minh Trí, từng
công tác tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II nêu quan điểm của ông với
RFA sáng 25/8 quanh việc bốc thăm để kiểm tra tính trung thực trong kê khai tài
sản cán bộ:
“Vì kiểm tra bản kê khai tài sản của tất cả cán bộ
rõ ràng không khả thi nên bốc thăm để kiểm tra là phương án phù hợp. Theo như
tôi được biết thì việc kiểm tra thuế ở Mỹ cũng được tiến hành tương tự. Ở Việt
Nam, vấn đề chủ yếu là không có cơ quan độc lập để giám sát việc bốc thăm, kiểm
tra này. Do đó, tôi chưa thấy cơ sở nào để tin rằng chúng sẽ được tiến hành một
cách khách quan, nghiêm túc.
Những cán bộ có tài sản bất minh nhờ tham ô, tham nhũng
luôn có trăm phương ngàn kế để giấu tội, chối tội. Vụ cựu hiệu trưởng trường
Đại học hàng hải Lương Công Nhớ bị phát hiện có cả trăm tỉ đồng gửi ngân hàng
vào năm ngoái là ví dụ.
Sự giàu có bất thường, bất minh của cán bộ từ lâu đã
phổ biến đến mức họ không thèm che giấu. Rất nhiều kẻ bị dân mạng phát hiện
dùng đồng hồ, thắt lưng… có giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Muốn hiệu
quả, phải có giám sát độc lập, trước hết là sự giám sát độc lập của người dân.
Nhưng một khi ĐCS vẫn độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội thì điều ấy là
không tưởng.”
Hiến pháp năm 2013 xác định
quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, quyền khiếu nại, tố cáo và quyền
giám sát bộ máy nhà nước từ phía công dân và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc
giám sát từ phía xã hội thể hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và là một
phương thức tham gia quản lý nhà nước của công dân.
Tuy vậy, nhiều trường hợp
người dân thực thi quyền giám sát hoạt động của lực lượng chức năng đã bị chính
những người thi hành công vụ hành hung. Người tố cáo cán bộ hạch sách công dân,
quan chức tham nhũng bị trù dập. Thậm chí người tố cáo, phanh phui tiêu cực
trong chính cơ quan có người tiêu cực đã lãnh hậu quả chỉ vì đấu tranh, chỉ vì
phanh phui tiêu cực. Những trường hợp này được chính báo chí Nhà nước loan tin.
Ông Nguyễn Khắc Mai,
nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, từng nói với RFA rằng,
nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù bởi chính sách của họ một đằng,
họ nói một nẻo. Thể chế chủ nghĩa xã hội không bảo đảm cho quyền giám sát của
dân, bởi vì ngay cả quốc hội là cơ quan giám sát quan trọng nhất của quốc gia,
thì chín mươi mấy phần trăm là đảng viên của ĐCS rồi, nó có để cho ai vào đấy
đâu mà giám sát!
No comments:
Post a Comment